Khô cá chỉ vàng

Trong đoàn cải lương Khánh Hiệp của ông Bầu Phi Phụng (1985) có một nữ nghệ sĩ khoảng hơn 60 tuổi, chuyên hát vai đào mụ mà cả đoàn ai cũng có vẻ kính trọng và kêu bằng Má.

c2d6df7cb7007e5e2711-1633147736.jpg

Đoàn dọn tới đâu Má cũng che một cái lều phía sau sân khấu, Má ở một mình và hay nhậu một mình. Má có vẻ hao hao như nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan, hỏi thì được biết tên Má là cô đào Bạch Vân ngày xưa từng hát cho các Đoàn hát lớn trên Sài Gòn. Một hôm, đoàn về hát ở xã Khánh Tân, nhìn ra biển đã thấy cái hòn Đá Bạc một địa danh mà mình từ trước đến nay chỉ nghe chứ chưa bao giờ thấy, bỗng Má nhìn tôi rồi hỏi :                    

- Con biết nhậu không?

Bất ngờ nên tôi trả lời:

- Dạ biết nhưng không nhiều má ơi.

- Chút ghé nhậu với má.

Tất nhiên là không thể từ chối. Má uống rượu ngày ba cữ, mồi thì má tự làm khô, đem phơi trên nóc cái lều của mình làm mồi nhậu. Hỏi về đời tư, Má trầm ngâm rồi kể:

- Má và ổng chia tay nhau lúc còn trên Sài Gòn khi ông quen một cô đào khác trẻ hơn nên má tự nguyện bỏ đi. Vì không con cái nhà cửa nên má theo hết đoàn cải lương rày đến đoàn cải lương khác, dù hát những vai đào mụ lương hát không bao nhiêu nhưng vẫn được lên sân khấu hàng đêm cũng đủ cho má vui và cũng đủ tiền mua rượu nhậu... Hỏi Ổng là ai Má chỉ cười làm thinh không nói. Thấy Má có vẻ buồn nên tôi cũng không dám hỏi thêm. Mồi nhậu là một dĩa khô làm từ loại cá gì lạ mà ăn rất ngon, hỏi khô gì Má nói:                                               

- Ghe cào về loại Cá nhỏ này có tên là cá Ngân, người ta bỏ ở mấy gốc cây làm phân. Má lượm về xẻ ra phơi khô làm mồi nhậu biết tên gì đâu.                                               

Thấy con khô có cái chỉ màu vàng đẹp quá tôi nhanh miệng nói:

- Thôi thì để con đặt tên cho nó, nó có cái chỉ vàng vậy mình gọi nó là khô “Chỉ vàng” nghen má.

Má cười:

- Ờ tên khô chỉ vàng nghe cho nó sang.

Sau đó muốn nhậu thì cứ xách rượu lại cái lều của Má nhậu với khô “cá chỉ vàng”, trong đoàn sau khi ăn thử thấy ngon nên ban ngày ai cũng đi lượm loại cá người ta bỏ đầy ở gốc cây đem về bắt chước Má làm khô nhậu. Thấy Má làm cũng dễ lắm: Cắt bỏ đầu, xẻ dọc mình cá như xẻ khô cá lóc rồi rửa sạch ướp tiêu tỏi bột ngọt & chút muối xong để qua đêm, sáng phơi một nắng là chiên hay nướng gì ăn cũng đã cái miệng. Nhất là nướng lên mùi con khô chín thơm lừng cả mũi. Sau khi chia tay đoàn hát trở về lập nghiệp ở Long Xuyên, thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ và thèm mùi vị con khô chỉ vàng của Má Bạch Vân.

Đến năm 1992, có dịp đi công tác Cà Mau mới phát hiện ra thương hiệu khô Cá chỉ vàng đã được ướp màu và đóng bao bì rất đẹp, đã thành một thương hiệu khô nổi tiếng đặc sản bày bán khắp nơi, hiếu kỳ mua ăn nhìn kỷ đúng là con khô làm từ con cá một loại với con cá Ngân, loại cá ngày xưa ghe cào kéo về chỉ bỏ để làm phân. Thời đó có lẽ Cà mau hay Phan thiết chưa có ai biết tên về con khô chỉ vàng? Bất chợt nhớ lại tên gọi cho một loại khô mà mình vô tình đặt tên khi nhậu với Má Bạch Vân. Nhắc chuyện chắc nhiều người xem rồi cho là mình nói dóc nhưng đó là một kỷ niệm có thật không thể nào quên của những ngày lang bạt gạo chợ nước sông. /.

 

Theo Chuyện Quê