Khoảnh khắc nào là cô đơn nhất với con người?

Nhiều khi, đó chẳng phải là khoảnh khắc sinh tử, cũng không phải giây phút biệt ly, mà lại là sự lạnh giá của lòng người, của chính những người thân ngay khi họ ở bên…

chuy-qu2d-1634826781.jpgẢnh minh họa do tác giả sưu tầm. Nguồn: Internet.

“Bác Vân ở một mình kể từ khi bác trai qua đời trong một lần bị tai nạn, hai bác cũng chưa kịp có mụn con nào. Từ đó đến nay, bác ở vậy và không đi thêm bước nữa.

Thời gian cứ thế trôi, bác ấy trở thành một goá phụ có tuổi trong làng. Tính bác Vân trở nên cộc cằn và bị mọi người xa lánh. Không có con, bác chỉ có duy nhất gia đình em trai làm chỗ dựa, nhưng khổ nỗi, họ cực chẳng đã mới phải cưu mang bác, chứ chẳng mấy mặn mà.

Bởi thế mà chỉ được dăm hôm sống cùng nhau, rồi bác Vân lại phải ‘khăn gói quả mướp’ về căn nhà riêng, sống một mình, sau khi chẳng chịu nổi những lời ra tiếng vào của cô em dâu.

Hằng ngày, tôi vẫn thấy bác lủi thủi trong căn nhà cấp 4 lạnh lẽo, vẻ mặt lúc nào cũng như đang nghĩ ngợi gì , đăm chiêu lắm!

Tuổi đã cao, bác lại bị đau xương khớp nên đi lại không được nhanh nhẹn.

Mỗi buổi sáng, tôi lại nghe tiếng bác bổ củi ở góc sân. Nhưng hôm đó, tôi không thấy bóng bác nữa, cũng không nghe thấy tiếng tivi, chỉ thấy oang oảng tiếng chó sủa.

Dự cảm được điều gì chẳng lành, tôi vội chạy sang nhà bác ngó nghiêng. Tôi gọi 3, 4 tiếng mà không thấy bác Vân đâu. Tôi lo quá, đạp mạnh cửa để vào nhà.

Mở cửa ra thì thấy bác đang nằm còng queo dưới đất. Trên tay vẫn đang cầm lọ thuốc, dưới sàn nhà thì vương vãi vài hạt.

Tôi hớt hải chạy về nhà báo tin cho bố mẹ và vợ chồng em trai bác Vân biết. Nhưng lạ thay, trái với vẻ lo lắng, hai bác ấy lại dửng dưng, thờ ơ như không có chuyện gì.

Bác trai lưỡng lự, bác gái thì nói với cả sang: “Già cả, suốt ngày bệnh tật, chỉ khổ con khổ cháu. Đi sớm ngày nào, cho nhẹ dạ ngày đó…”.

Nghe đến đây, tôi thấy lạnh sống lưng và tức thay cho bác Vân. Người thân sao mà ác mồm, ác miệng quá???

Trông chờ vào họ, có khi bác Vân cũng “ra đi” thật ấy chứ. Không cần nhờ vả nữa, tôi phụ bố mẹ đưa bác Vân lên bệnh viện huyện khám. 30 phút sau, bác Vân tỉnh lại, bác rơm rớm nước mắt tủi thân. Bác nắm lấy tay bố mẹ tôi mà cảm ơn mãi.

Chẳng là đêm đó, lúc đi vệ sinh, bác bị cảm lạnh, trúng gió, chân tay co cứng và bất tỉnh. May là bác kịp đi vào nhà và tôi phát hiện ra, chứ không, “nói gở mồm”, có khi bác Vân đã xảy ra chuyện chẳng lành.

Tôi thấy thương bác Vân, bởi từ đó giờ có ai thương, đâu ai hỏi han, quan tâm gì đến bác. Người thân ở bên có cũng như không. Bác cô đơn về già khi lâm bệnh. Bác khó tính, cộc cằn hơn có lẽ cũng là để che đậy đi nỗi buồn khổ trong lòng.

Ngoài mặt trông bác khó tính, chứ tiếp xúc lâu, tôi thấy bác là người sống tình cảm. Có mấy đồng tiết kiệm tuổi già, bác cũng cho em trai hết nửa để xây lại nhà. Ấy vậy mà bây giờ, bác nhận lại được gì ngoài sự vô tâm, hắt hủi của em trai và em dâu?

Trận ngã vừa rồi may mắn không ảnh hưởng đến tính mạng của bác. Nhưng, khổ nỗi bác lại bị chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Vốn bị bệnh xương khớp, không vận động được nhiều, giờ thêm bệnh tiểu đường… Tôi nghĩ mà thấy thương bác quá!

Về phần gia đình em trai bác Vân, có lẽ “gieo gió gặp bão”. Kể từ cái hôm bác Vân ngã, hai bác ấy gặp bao nhiêu là chuyện. Con trai vay nặng lãi do cờ bạc, bị xã hội đen đến tận nhà đòi. Bác gái cũng từ đó mà ốm nặng. Bên cạnh họ, bấy giờ chỉ còn lại bác Vân, ngày ngày bác cơm cháo, một lòng chăm sóc em dâu.

Vẫn với đôi chân đau, lê lết từng bước, bác Vân cố gắng đi nhặt ve chai để mua thức ăn. Còn lại ít vốn dành dụm để sống, bác cũng gom cho vợ chồng em trai trả nợ hết.

Bác từng tâm sự với tôi, không gì quý bằng tình cảm gia đình, bác chỉ có họ là người thân, có thế nào bác cũng không bỏ.

Bác sang ở hẳn với gia đình em trai để tiện bề chăm sóc lẫn nhau.

Em trai bác Vân, tuy không nói nhưng cũng không phản đối việc bác sang ở chung nữa. Bác thừa nhận có vất vả, nhưng nom thấy bác vui lắm.

Bấy lâu nay, đến giờ, bác mới cảm nhận được tình yêu thương gia đình và hơi ấm từ người thân. Bác Vân quên cả bệnh tật, bác lao động miệt mài và đi đứng nhanh nhẹn hơn. Làm về mệt, bác bảo tôi rằng, bác ăn khỏe nhưng sợ đường huyết tăng, nên bác ăn dặm thành nhiều bữa như bọn trẻ. Buổi tối, tranh thủ lúc rảnh, bác lại bế cháu sang hàng xóm chơi.

Theo Chuyện quê