Kiên Giang: Giãn cách xã hội thêm 5 ngày

Thời gian thực hiện từ 00 giờ 00 phút, ngày 2/9/2021 đến hết ngày 6/9/2021 theo nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”.

1-kien-giang-gian-cach-1630575522.jpg

Thần tốc lấy mẫu, xét nghiệm sàng lọc vi rút SARS - CoV-2 là then chốt. (Ảnh: Trương Anh Sáng)

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ 07 giờ ngày 31/8 đến 19 giờ ngày 31/8/2021 ghi nhận số ca mắc mới là 71 ca, nâng tổng số ca mắc tính từ ngày 21/6/2021 đến 19 giờ ngày 31/8/2021 lên 1.614 ca.

Tại các địa phương, đơn vị có số ca mắc, gồm: Tp Rạch Giá 727 ca, tp. Phú Quốc 05 ca, tp. Hà Tiên 38 ca, Bệnh viện đa khoa 68 ca, Bệnh viện Lao phổi 08 ca, Bệnh việu ung bướu 01 ca, Kiên Lương 193 ca, Giồng Riềng 123 ca, An Biên 09 ca, Vĩnh Thuận 121, Tân Hiệp 10 ca, An Minh 17 ca, Gò Quao 80 ca, Kiên Hải 07 ca, Châu Thành 178 ca, Hòn Đất  21 ca, U Minh Thượng 03 ca và huyện Giang Thành 05 ca.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19 khi mà số ca mắc không ngừng tăng lên, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu mọi người dân, các tổ chức, cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm, tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội đảm bảo thực chất, hiệu quả. Các cấp chính quyền có kế hoạch bảo đảm đầy đủ lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu và trật tự an toàn xã hội cho Nhân dân ngay tại xã, phường, thị trấn.

Đồng thời tập trung mọi nguồn lực, triển khai thần tốc công tác lấy mẫu, xét nghiệm sàng lọc vi rút SARS - CoV-2 là then chốt để phát hiện sớm, nhanh chóng đưa các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị phù hợp, hiệu quả người nhiễm Covid -19 theo quy định.

Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng của ngành Công an tỉnh đã phát hiện một số văn bản, thông tin nội bộ của cơ quan chức năng liên quan đến các bệnh nhân (F0) được một số cá nhân đăng tải trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo... Những thông tin này được báo chí đăng tải, mạng xã hộỉ phát triển, suy diễn khiến cho dư luận cộng đồng bám theo, bình luận, xâm phạm đời tư, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người bệnh và cuộc sống, sinh hoạt của gia đình họ.

2-kien-giang-gian-cach-1630575520.jpg

Người cao tuổi bán vé số mất thu nhập do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid -19. ( Ảnh: Trương Anh Sáng – Chụp trước Chỉ thị số 16/CT-TTg)

Để chấn chỉnh việc sử dụng thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid -19, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Minh Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid -19 tỉnh yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chấn chỉnh ngay việc quản lý văn bản, tài liệu về phòng, chống dịch Covid -19.

Chỉ gửi văn bản, tài liệu theo nơi nhận đã được người có thẩm quyền ký, phê duyệt; không đăng tải lên mạng xã hội tài liệu, thông tin nội bộ. Không tiết lộ bằng bất kỳ hình thức nào thông tin cá nhân (danh tính, tuổi, địa chỉ...) của bệnh nhân mắc Covid -19. Chỉ công bố, khuyến cáo các địa điểm đen có nguy cơ về dịch tễ nơi đã từng có người dương tính với Covid -19 đến.

Khi phát hiện tài liệu, thông tin nội bộ của cơ quan được đăng tải không đúng quy định phải kịp thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng để triển khai các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về cung cấp, chia sẻ thông tin phòng, chống dịch bệnh Covid -19 sai quy định.

Do đại dịch Covid -19 lần thứ 4 bùng phát làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, việc làm của người dân và người lao động, đặc biệt đối với những người bị giãn, hoãn, ngừng việc, bị mất việc, mất thu nhập dẫn đến nhiều người có hoàn cảnh có khó khăn không còn chi phí sinh hoạt, chi phí trả tiền thuê nhà trọ nên phải trả phòng trọ. Số người này chủ yếu là lao động tự do làm công nhật tại hộ kinh doanh, công trường xây dựng, bán hàng rong, giao hàng, làm thuê theo mùa vụ, làm thuê theo công việc...

Do yêu cầu thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nên bộ phận người lao động mất việc làm, không có thu nhập, không có chỗ ở, dẫn đến cơ nhỡ, lang thang, tá túc tại vỉa hè, gầm cầu, bến tàu, bến xe, công trường xây dựng...không bảo đảm an toàn phòng, tránh dịch bệnh, mất trật tự xã hội. Trong số này, có một bộ phận là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em theo bố mẹ, hàng ngày sinh sống chủ yếu nhờ vào đồ ăn, thức uống được cung cấp từ thiện của các tổ chức, cá nhân.

3-kien-giang-gian-cach-1630575522.jpg

Vận động cộng đồng hỗ trợ người lang thang, cơ nhỡ bảo đảm không ai bị đói. (Ảnh: Trương Anh Sáng – Chụp trước Chỉ thị số 16/CT-TTg)

Để bảo đảm đời sống an sinh cho toàn bộ người dân và trật tự an toàn xã hội, Uỷ ban nhân dân tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện việc hỗ trợ khẩn cấp nơi ở cho người lang thang, cơ nhỡ, người không có chỗ ở tạm thời trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Tăng cường kiểm tra, rà soát người lang thang, cơ nhỡ, tá túc tạm thời tại vệ đường, gầm cầu, bến tàu, bến xe, công trường xây dựng và sống tại các địa điểm công cộng để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp. Rà soát các khu ký túc xá, trường học, cơ sở, các khu nhà ở công ích khác phù hợp, có thể bố trí đón tiếp người lang thang, cơ nhỡ tại địa bàn vào ở tạm thời, bảo đảm nguyên tắc phòng, chống dịch của ngành y tế. Vận động chủ nhà nghỉ, nhà trọ, chủ cho thuê nhà miễn, giảm tiền cho người thuê nhà để người dân yên tâm ở trong nhà tránh dịch.

Giải quyết chính sách hỗ trợ người lang thang, cơ nhỡ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách hỗ trợ phù hợp khác. Tổ chức huy động, vận động cộng đồng hỗ trợ, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho những người lang thang, cơ nhỡ bảo đảm không ai bị đói, không có chỗ ở và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid -19 theo đúng quy định của Bộ Y tế và của chính quyền địa phương.