Kiến nghị dừng triển khai xây dựng nhà máy nhiệt điện than mới trên địa bàn cả nước của các tổ chức xã hội dân sự (NGOs) Việt Nam.

Ngày 27/12, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến vai trò, sự đóng góp tạo động lực“không bàn cãi”của ngành cho tăng trưởng kinh tế; chỉ ra mục tiêu và những vấn đề cần chú ý trong phát triển.

Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương cần bám sát sản xuất và thị trường, kịp thời đề xuất tháo gỡ vướng mắc cho sản xuất, tiêu dùng xuất nhập khẩu. Theo đó, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức quản lý Nhà nước theo hướng chuyển tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư; tậptrung xử lý những dự án thua lỗ kéo dài; bảo đảm cung ứng đủ điện trong mọi tình huống, không để mất điện đó là mệnh lệnh.

Trước những ý kiến cần tiếp tục phát triển điện than để đáp ứng nhu cầu điện, Thủ tướng cho rằng, cần xem xét cẩn trọng, rất hạn chế việc phát triển mới các dự án điện than… và nhấn mạnh“….cần tiếp tục đẩy mạnh các dự án đang làm, nếu tiếp tục phát triển nhiều dự án điện than mới dư luận không đồng tình. Phát triển mới phải theo hướng năng lượng xanh”.

Bày tỏ sự đồng tình sâu sắc của các tổ chức dân sự trong nước đối với quan điểm của Thủ tướng Chính Phủ, ngày 30 tháng 12 năm 2019, 15 tổ chức phi chính phủ (NGOs) bao gồm 5 liên minh, 3 trung tâm, 2 NGOs nước ngoài, nhiều mạng lưới và tổ chức xã hộihoạt động trong các lĩnh vực bảo vệ quyền con người, sức khỏe, y tế, môi trường, năng lượng, pháp lý đã nhóm họp để thảo luận về lộ trình và thực hiện mục tiêu phát triển bền vừng (SDGs 2030). Theo đó, các tổ chức tham gia đã dành nhiều thời gian phân tích ý kiến đề xuất của Chủ tịch Hội năng lượng Việt Nam và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than tại Hội nghị tổng kết của ngành công thương. Các tổ chức đã thống nhất đưa ra “Tuyên bố Hà Nội về xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới trên lãnh thổ Việt Nam”.

Các liên minh tham dự đã nhấn mạnh về nguy cơ hủy hoại môi trường, khí hậu, sức khỏe con người và đe dọa đến sự ổn định về an ninh chính trị, kinh tế, xã hội nếu tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than (NĐT) mới theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh. Nhằm hạn chế những nguy cơ này,Tuyên bố Hà Nội đã kiến nghị với Chính phủ dừng triển khai xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Tuyên bố đã thể hiện sự đồng thuận về những nguồn năng lượng mới, sạch hơn có thể thay thế NĐT bảo đảm cho phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi, các nguồn nhiệt điện truyền thống sử dụng than, khí giữ vai trò chủ đạo để đảm bảo an ninh năng lượng điện đến năm 2030. Tuy nhiên, việc cung cấp than, khí cho phát điện đang gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu than đến năm 2020 cần khoảng 60 triệu tấn, 5 năm sau lên 70 triệu tấn và đến 2030 sẽ là 100 triệu tấn; còn khả năng khai thác trong nước chỉ đáp ứng được từ 30 đến 35 triệu tấn. Nhu cầu than nhập khẩu trở nên rất cấp bách, song các phương án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển than vẫn chưa được triển khai.

Nhiệt điện than là một vấn đề thực sự với môi trường (ảnh minh họa)

Trong trào lưu các nhà đầu tư rút vốn khỏi khỏi nguyên liệu hóa thạch, số ngân hàng thoái vốn khỏi các dự án NĐT ngày một nhiều để chuyển sang tài trợ cho các dự án năng lượng sạch và năng lượng bền vững. Tại Hội nghị lần này, đại diện cho Nhóm Công lý, môi trường và sức khỏe,PGS.TS Bùi Thị An đã thể hiện rõ quan điểm, nhấn mạnh đến vai trò quản lý của nhà nước và khuyến nghị “Chính phủ nên tính toán giá NĐT minh bạch và đầy đủ, để từ đó có thể so sánh với các dạng năng lượng khác nhằm lựa chọn đúng với mục tiêu phát triển bền vững cả 3 trụ cột kinh tế, môi trường và xã hội”. Theo bà, “Dứt khoát không đánh đổi kinh tế với môi trường; đảm bảo môi trường trong sạch cho mọi người dân sống không bệnh tật, sống khỏe để xây dựng đất nước Việt Nam”.

Nhằm chuyển đổi năng lượng vì mục tiêu phát triển bền vững, Chủ nhiệm khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), PGS.TS. Lưu Đức Hải đã từng đặt ra những câu hỏi về tính hiệu quả của các dự án NĐT. Theo ông,“…điện từ các dự án thủy điện và nhiệt điện có giá thành rẻ nhưng còn nhiều yếu tố quan trọng chưa được tính vào giá thành như: tác động môi trường, nguy cơ làm cạn kiệt tài nguyên ..” Trong khi xăng dầu phải chịu thuế môi trường từ 3.000 -4.000 đồng/lít thì than là nguồn gây phát thải độc hại lớn hơn chỉ chịu thuế từ 20 đến 50 đồng/kg. Với cách hành xử này, rõ ràng nhà nước đang trợ giá và thuế cho năng lượng điện truyền thống đang gây ô nhiễm nặng nề. Nếu Nhà nước đánh thuế môi trường một cách chính xác và đầy đủ đối với nhiệt điện than, các nhà đầu tư sẽ tự rút lui chứ không cần phải can thiệp chính sách. Điều này cũng góp phần tạo điều kiện cho ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo phát triển”.

Từ những kiến giải đồng tình với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ, Tuyên bố Hà Nội 2019 của các Liên minh đưa ra những đề xuất, tập trung vào vấn đề sau

1. Chính phủ cần tạm tạm dừng triển khai các nhà máy NĐT để rà soát, đánh giá toàn diện tính khả thi về tài chính, các tác động về sức khỏe, môi trường, an ninh, trật tự xã hội của các dự án này;

2. Chỉ đạo thực hiện ngay các giải pháp về kỹ thuật và kinh tế để tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo;

3. Bảo đảm thực thi các quy định nêu trong Hiến pháp 2013 và các văn bản có liên quan về dân chủ cơ sở trong việc tham vấn ý kiến người dân trong triển khai các dự án năng lượng, ngay từ khâu lập kế hoạch

4. Yêu cầu các nhà máy nhiệt điện công khai dữ liệu quan trắc môi trường cả nước và khí thải tới người dân và công chúng để đảm bảo công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình.