Kinh tế thế giới nổi bật tuần (10-16/9): Nga ra đòn với công ty công nghệ nước ngoài; Trung Quốc giảm tốc; Mỹ lo thâm hụt ngân sách cao thứ 2 lịch sử

Thâm hụt ngân sách của Mỹ có thể cao thứ 2 trong lịch sử; Nga áp thuế công ty công nghệ nước ngoài; Trung Quốc tăng trưởng chậm; lạm phát tại Đức cao nhất 28 năm… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Kinh tế thế giới

Kinh tế thế giới nổi bật tuần (10-16/9): Nga ra đòn với công ty công nghệ nước ngoài; Trung Quốc giảm tốc; Mỹ lo thâm hụt ngân sách cao thứ 2 lịch sử
Gần 18 tháng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành vận tải biển toàn cầu vẫn chìm sâu trong khủng hoảng. Trong ảnh: Cảng container Yangshan ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Nguồn: AP)

Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu vào năm 2022 sẽ vượt mốc trước đại dịch

Trong báo cáo hằng tháng về thị trường dầu mỏ ngày 13/9 , Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu vào năm 2022 sẽ vượt mức từng đạt được trước khi bùng phát đại dịch Covid-19 nhờ nỗ lực tiêm vaccine và sự phục hồi kinh tế.

Với các hoạt động kinh tế được đẩy mạnh, OPEC hy vọng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng trung bình 4,2 triệu thùng/ngày trong năm 2022, cao hơn 0,9 triệu thùng/ngày so với dự báo đưa ra hồi tháng trước, và sẽ đưa lượng cầu về dầu mỏ toàn thế giới lên mức trung bình 100,83 triệu thùng/ngày vào năm tới, cao hơn trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Dự báo lạc quan trên được đưa ra trong bối cảnh các nước thành viên OPEC và các nước đối tác (còn gọi là nhóm OPEC+) đang bắt đầu nâng sản lượng để đáp ứng kịp nhu cầu dầu mỏ đang gia tăng. (Reuters)

Vận tải biển chìm sâu trong khủng hoảng

Gần 18 tháng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành vận tải biển toàn cầu vẫn chìm sâu trong khủng hoảng. Container rỗng nằm rải rác khắp châu Âu và Bắc Mỹ, trong khi tình trạng trì hoãn trong chuỗi cung ứng đòi hỏi phải có nhiều container hơn để vận chuyển hàng hóa.

Tin liên quan
Kinh tế thế giới nổi bật tuần (3-9/9): Nga cảnh báo khủng hoảng tài chính toàn cầu; FDI vào Trung Quốc tăng; Anh mất động lực phục hồi Kinh tế thế giới nổi bật tuần (3-9/9): Nga cảnh báo khủng hoảng tài chính toàn cầu; FDI vào Trung Quốc tăng; Anh mất động lực phục hồi

Ngoài ra, các container đang được lưu thông bị giữ lại lâu hơn bình thường trung bình 15-20%, đồng nghĩa với việc gia tăng nhu cầu về container để vận chuyển cùng một lượng hàng hóa. Tình trạng thiếu hụt container là một lý do khiến chi phí mua và đặt container đang tăng lên chóng mặt.

Lý do khác là giá nguyên vật liệu sản xuất container cũng tăng. Các chuyên gia cho rằng tình hình này sẽ không được giải quyết trong ngắn hạn và càng gây thêm áp lực cho các doanh nghiệp, vốn đang cân nhắc liệu về việc tăng giá hàng hóa để bù đắp tổn thất về vận tải. (AFP)

Kinh tế Mỹ

* Theo dự thảo tăng thuế mới của Hạ viện ngày 13/9, chính phủ Mỹ dự định nâng thuế suất doanh nghiệp từ 21% lên 26,5%, áp thuế phụ thu 3% đối với cá nhân có thu nhập trên 5 triệu USD và tăng thuế thu nhập vốn, nhưng thay đổi về thuế di sản.

Nếu có hiệu lực, dự thảo sẽ góp phần sẽ tạo ra hơn 2 nghìn tỷ USD để mở rộng chương trình Medicare, giãn thời gian thu thuế năng lượng tái tạo và xây dựng chương trình nghỉ có lương quốc gia...

Đảng Dân chủ cũng đang nghiên cứu chương trình nghị sự cắt giảm thuế với hy vọng chính phủ có thể tiết kiệm 700 tỷ USD từ thay đổi chính sách định giá thuốc kê đơn và góp phần tiết kiệm 600 tỷ USD ngân sách thông qua đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế. (WSJ)

* Trong báo cáo ngân sách hằng tháng mới nhất ngày 14/9, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, thâm hụt ngân sách của nước này đã tăng lên 2.710 tỷ USD tính từ đầu năm ngân sách đến tháng 8/2021, trên đà trở thành khoản thâm hụt lớn thứ hai trong lịch sử do ảnh hưởng của các gói cứu trợ trong đại dịch trị giá hàng nghìn tỷ USD của chính phủ. (TTXVN)

Kinh tế Trung Quốc

* Trung Quốc đang vận động Australia ủng hộ việc Bắc Kinh gia nhập Hiệp định CPTPP bất chấp những căng thẳng gần đây trong quan hệ song phương. Những vấn đề căng thẳng này không được đề cập trong nội dung mà Trung Quốc gửi tới cuộc thu thập ý kiến của Australia về mở rộng CPTPP.

Trong thư, Trung Quốc nói nước này nên được gia nhập CPTPP do có nhiều sáng kiến về tăng cường nhập khẩu, cải thiện quyền tiếp cận thị trường cho vốn đầu tư nước ngoài và tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. (VnEconomy)

* Theo công bố của Tổng cục Hải quan Trung Quốc và chính quyền tỉnh Quảng Tây ngày 11/9, Chỉ số thương mại Trung Quốc-ASEAN năm 2029 là 241,09 điểm, tăng 19,64% so với năm 2019 và tới 141,09% so với năm 2010.

Trong 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên đã tăng 85 lần, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 12 năm liên tiếp.

ASEAN cũng lần đầu tiên vượt qua Liên minh châu Âu (EU) trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong năm 2020. (BNews)

* Các biện pháp chống dịch khiến chi tiêu và du lịch bị hạn chế, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong tháng 8.

Ngày 15/9, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết, tăng trưởng doanh số bán lẻ tháng 8 của nước này chỉ đạt 2,5%, thấp hơn nhiều so với mức ước tính 7% theo khảo sát của Bloomberg. Nguyên nhân là các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đã gây ra sự sụt giảm trong doanh số bán lẻ và chi tiêu cho dịch vụ trong tháng trước, do nhiều người ngừng ra ngoài và hủy bỏ các kỳ nghỉ.

Tuy nhiên, ngay cả trước khi biến thể Delta bùng phát từ cuối tháng 7, người tiêu dùng Trung Quốc đã thận trọng chi tiêu, với sức mua không quay lại như trước đại dịch.

Khảo sát Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cũng cho thấy khu vực dịch vụ đã quay đầu giảm vào tháng 8, lần đầu tiên kể từ đầu năm 2020. Doanh số của nhà hàng và dịch vụ ăn uống giảm 4,5% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh số bán quần áo giảm 6%. (Bloomberg)

Kinh tế thế giới nổi bật tuần (10-16/9): Nga ra đòn với công ty công nghệ nước ngoài; Trung Quốc giảm tốc; Mỹ lo thâm hụt ngân sách cao thứ 2 lịch sử
Dòng chảy phương Bắc 2 trị giá 11 tỷ USD, cùng với tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc hiện nay đi qua biển Baltic, cho phép Nga vận chuyển khí đốt tới châu Âu không cần trung chuyển qua Ukraine. (Nguồn: AFP)

Kinh tế châu Âu

* Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế cho khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) năm 2021 trong bối cảnh khu vực này đang dần hồi phục sau khi các quốc gia nới lỏng nhiều biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 lây lan. Theo dự báo mới của ECB, kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 5% trong năm 2021, cao hơn mức 4,6% được đưa ra trong dự báo trước đó.

Trong khi đó, ECB hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực vào năm 2022 xuống 4,6% từ mức 4,7% trong dự báo trước. Dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone năm 2023 không thay đổi, vẫn ở mức 2,1%. (ecb.europa.eu)

* Ngày 10/9, Chủ tịch Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga Alexei Miller xác nhận hoàn thành dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2. Dòng chảy phương Bắc 2 trị giá 11 tỷ USD, cùng với tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc hiện nay đi qua biển Baltic, cho phép Nga vận chuyển khí đốt tới châu Âu không cần trung chuyển qua Ukraine, vốn là tiêu điểm căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Mỹ.

Các chính quyền Mỹ gần đây đều áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào các bên tham gia dự án này nhưng vẫn không ngăn được dự án hợp tác năng lượng giữa Nga và Đức. (Reuters)

* Chính phủ Nga ngày 14/9 đã công bố kế hoạch đánh thuế mới các công ty dịch vụ kỹ thuật số nước ngoài từ tháng 11/2021, một phần của gói đề xuất mà Moscow cho biết là để hỗ trợ ngành công nghệ trong nước.

Mức thuế đề xuất đối với các công ty công nghệ nước ngoài được đưa ra như một phần của nỗ lực quốc tế để thống nhất các quy định thuế toàn cầu mới, nhằm hiểu rõ hơn doanh thu các công ty công nghệ lớn vốn hay chuyển lợi nhuận sang các khu vực thuế thấp.

Tuy nhiên trong trường hợp của Nga, động thái này cũng diễn ra trong bối cảnh nước này đang tăng cường kiểm soát mạng Internet và thúc đẩy các lựa chọn thay thế trong nước cho các dịch vụ do những công ty công nghệ có trụ sở tại "Thung lũng Silicon" (Mỹ) cung cấp. Nga đang tìm cách buộc các công ty nước ngoài mở văn phòng trên lãnh thổ của mình và lưu trữ dữ liệu cá nhân của người Nga ở đó. (TTXVN)

* Theo báo cáo của Văn phòng Thống kê Liên bang ngày 10/9, hàng hoá và dịch vụ ở Đức trở nên đắt đỏ hơn trong tháng 8 qua khi giá cả trung bình tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lạm phát cao nhất trong 28 năm qua kể từ tháng 12/1993, thời điểm tỷ lệ lạm phát lên tới 4,3%.

Trong tháng 7, tỷ lệ lạm phát đã lên mức 3,8% và tháng 6 là 2,3%. Các chuyên gia cho rằng tỷ lệ lạm phát trong những tháng tới sẽ tăng lên mức 4-5%, song đây chỉ là hiện tượng tạm thời và sẽ giảm dần vào năm 2022. (BNews)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Theo Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) ngày 13/9, chỉ số giá bán buôn tăng 6 tháng liên tiếp vào tháng 8 tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong 13 năm do tăng giá nhập khẩu nguyên liệu bằng đồng Yen, tạo áp lực lên giá bán lẻ của doanh nghiệp cho người tiêu dùng, đặc biệt với hàng hóa chất, thép và gỗ.

Tuy nhiên, theo giới chức BOJ, triển vọng vẫn chưa rõ ràng vì giá nguyên liệu thô nhạy cảm với tình hình dịch Covid-19 trên cả thế giới (Reuters)

* Theo Văn phòng nội các Nhật Bản ngày 13/9, tổng nợ của doanh nghiệp cuối năm 2020 lên tới gần 5,7 nghìn tỷ USD, bằng 116% GDP của toàn quốc trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài.

Con số này cao hơn nhiều so với 85% của Mỹ, 80% của Anh và 73% của Đức, phản ánh ngày càng nhiều doanh nghiệp tận dụng các khoản cho vay không lãi suất và không thế chấp của chính phủ trong khuôn khổ các biện pháp hỗ trợ kinh tế liên quan đến Covid-19 nhằm có vốn lưu động hoặc nguồn tiền mặt để khắc phục ảnh hưởng của đại dịch. (NHK)

* Ngày 13/9, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc nhận định đại dịch Covid-19 khiến tiềm năng tăng trưởng của nước này giảm 0,2% còn 2%. Tăng trưởng của Hàn Quốc đã giảm liên tục trong những năm gần đây do giảm dân số trong độ tuổi lao động và nợ hộ gia đình tăng cao.

IMF ước tính tiềm năng tăng trưởng của Hàn Quốc trong giai đoạn 2020-2022 là 1,8%, trong khi OECD dự báo khoảng 2,4%. (Yonhap)

* Ngày 13/9, Bộ trưởng kinh tế Hàn Quốc đã họp trực tuyến với Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN và đề xuất ký Hiệp ước thương mại kỹ thuật số mới với khu vực Đông Nam Á nhằm ứng phó với sự thay đổi môi trường kinh doanh toàn cầu và làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế với khu vực này.

Hai bên nhất trí tăng cường mối quan hệ thương mại chặt chẽ để vượt qua khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra, và cam kết cùng nỗ lực ứng phó với sự lây lan của các biến chủng mới. Tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và khối Đông Nam Á trong 6 tháng đầu năm đạt 92,5 tỉ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. (Yonhap)

Kinh tế thế giới nổi bật tuần (10-16/9): Nga ra đòn với công ty công nghệ nước ngoài; Trung Quốc giảm tốc; Mỹ lo thâm hụt ngân sách cao thứ 2 lịch sử
Du khách chụp ảnh selfie tại tượng Phật lớn ở Phuket, Thái Lan, ngày 8/9. Thiên đường du lịch Thái Lan đã áp dụng kế hoạch “hộp cát Phuket”, mở cửa đón du khách từ đầu tháng 7/2021. (Nguồn: Getty)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Ngày 13/9, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã thảo luận về những biện pháp nhằm khôi phục nền kinh tế của Khối sau đại dịch Covid-19, đồng thời đánh giá quá trình triển khai Kế hoạch chi tiết AEC 2025.

Các Bộ trưởng nhất trí thúc đẩy áp dụng mô hình kinh tế số bền vững nhằm khôi phục nền kinh tế khu vực sau đại dịch và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nhiều người tiêu dùng hơn. Hội nghị cũng nhấn mạnh vai trò của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đối với việc hồi sinh thương mại và đầu tư. (TTXVN)

* Ngày 10/9, Tổng cục Du lịch Thái Lan thông báo từ 1/10, khách quốc tế đã tiêm phòng Covid-19 đầy đủ có thể đến thăm Bangkok và 4 tỉnh Chiang Mai, Chon Buri, Phetchaburi và Prachuap Khiri Khan mà không phải cách ly 2 tuần. Các địa phương này dự kiến sẽ áp dụng mô hình “Hộp cát” du lịch như đã được thí điểm tại Phuket từ tháng 7. (Vietnamnet)