Trang trí cắt dán hoa văn hình mặt trời ở bàn thờ của trưởng tộc.
Nghề tranh cắt giấy có lịch sử lâu đời, song hành cùng văn tự cổ người Dao (chữ Nôm Dao). Đối với cộng đồng người Dao đỏ ở Lào Cai, người cắt và trang trí trên giấy phải là thầy cúng hoặc là học trò đang theo học để cắt, tạo hình và trang trí trên giấy. Học trò cũng phải là nam giới. Nữ giới có thể tham gia và quy trình tạo ra sản phẩm là giấy bản, tạo màu cho giấy, còn trang trí, cắt dán phải do đàn ông (đây là quy định nghiêm ngặt trong cộng đồng người Dao). Hằng năm, gia đình nào cũng cần phải có giấy bản để đốt hóa thành tiền vàng gửi cho tổ tiên, những người đã mất, các thánh thần, ma rừng, ma suối... một phần vì nhu cầu giấy viết (chép sách, chép lịch, viết sớ...), một phần vì mục đích tín ngưỡng, lễ hội, mà điển hình là lễ cấp sắc, nên người Dao không thể thiếu được giấy (các loại giấy bản, giấy màu) dùng để trang trí nhà cấp sắc, đàn lễ, bàn thờ tổ tiên và bàn thờ các thánh, thần... Chính vì lẽ đó, làm giấy và trang trí trên giấy được coi là một nghề chính và được cộng đồng người Dao trân trọng.
Kỹ thuật cắt giấy khá đơn giản, nhưng lại rất hiệu quả. Hiệu quả ở chỗ là các hình cắt được thể hiện trên mặt phải của tờ giấy màu. Người Dao đỏ sử dụng giấy màu để cắt hình hoa mặt trời. Hình hoa mặt trời được cắt ở mức 8 tia, nếu gấp nhỏ lại hơn thì cắt đến 16 tia. Ngoài cắt hình hoa mặt trời, trong lễ cấp sắc người Dao đỏ còn cắt đủ 12 loại hoa, như hoa đồng tiền, hoa mai, hoa răng cưa, hoa sen, hoa quả bưởi, hoa sim... sử dụng hoa để trang trí ghế cho người được cấp sắc. Cắt hình các con vật như con rùa, con nhện, khoanh vùng ở đường diềm. Ngoài ra còn cắt trang trí giấy có hình quả bầu. Hình quả bầu có ý nghĩa theo như tích một câu truyện kể: Trước kia, khi quả đất sắp xảy ra nạn đại hồng thủy, có một con chim bảo hai anh em chui vào quả bầu, rồi bịt lỗ quả bầu thì sẽ sống. Đúng như lời chim, trời mưa to, nước ngập 7 ngày 7 đêm, quả bầu cứ trôi nổi theo nước. Khi nước rút, hai anh em chui ra khỏi quả bầu thấy cả nhân loại chết hết. Người anh có tên là “Phủ Hi”, người em gái tên là “Chia Mây”. Lúc này, hai anh em rèn một cây gậy sắt dài 12 gang để chống đi tìm xem còn ai sống sót trong thiên hạ không? Hai anh em đi hết quả đồi này đến quả đồi khác cũng chẳng thấy ai cả. Trên đường đi, gặp một con rùa bèn hỏi, quả đất này còn người nào không? Rùa trả lời, chẳng còn ai nữa. Hai anh em không tin, liền lấy gậy sắt ra đập rùa thành 12 mảnh, rồi tiếp tục đi vòng quanh để tìm người, đi mãi, đi mãi cũng chẳng gặp người nào. Lúc quay trở về chỗ cũ- nơi gặp con rùa, hai anh em tin là rùa nói thật, liền nhặt và ghép lại 12 mảnh, rùa sống lại, nên bây giờ trên lưng rùa có 12 mảnh ghép tạo thành mai rùa. Rùa bảo hai anh em phải kết hôn với nhau để duy trì nòi giống.
Ghế cấp sắc được trang trí hoa văn cho học trò ngồi khi thụ lễ.
Về nhà không có người kết hôn nữa, hai anh em phải tự kết hôn với nhau. Lúc này, gọi cây gỗ pơ mu làm mối để hai người kết hôn. Sau 7 ngày, người con gái mang thai và đẻ ra một quả bầu. Sau đó, mang ruột bầu đem gieo trên vùng núi, còn mang hạt gieo ở vùng biển. Ruột bầu trên núi sinh ra người vùng cao, vùng núi, hạt gieo ở vùng biển sinh ra người vùng thấp, nên giờ mới có nhân loại. Cả người vùng núi và người vùng thấp đều là anh em. Bởi vậy, khi người Dao đỏ làm lễ gì đều phải cắt hình quả bầu trang trí trên giấy màu, đem dán lên bàn thờ tổ tiên hoặc trong không gian nhà cấp sắc. Ngoài ra, quả bầu còn dùng để đựng nước, rượu khi đi làm lễ ăn hỏi, đem rượu đi mời thầy về giúp gia đình tổ chức lễ cấp sắc. Tùy theo nhà rộng hay hẹp, nhà 3 gian hay 5 gian để cắt lượng giấy có hình quả bầu, hình mặt trời.
Cùng với cắt giấy, người Dao đỏ thường đục giấy hay còn gọi là chạm trổ trên giấy. Thầy cúng người Dao đỏ sử dụng bộ đục để chạm giấy, chuẩn bị một tấm gỗ, giấy màu, loại bản to và rộng. Giấy bản có kích cỡ khoảng 80 x 120 cm, thầy cúng đặt tờ giấy bản vào giữa miếng ván gỗ, sau đó dùng bộ chạm để đục, đục ở giữa và đục từ dưới lên, đục theo mẫu, về sau quen tay, quen mắt, các thầy không cần dùng mẫu để đục, mà tự nhìn và đục.
Để làm nổi bật hình chạm, người ta đem dán tờ giấy và chạm vào một tờ giấy khác rồi đem trang trí. Đục giấy đỏi hỏi sự khéo léo và có mắt thẩm mỹ, giấy phải là khổ lớn, đục cầu kỳ hơn cắt, vì cách tạo hình trong giấy là rất khó, không theo đường thẳng hay đường chéo mà là các hình zích zắc, nên rất khó để cắt.
Nghệ thuật chạm trổ của thợ Dao đỏ có thể nói đã đạt đến trình độ kỹ thuật tinh xảo. Mỗi sản phẩm giấy do các người thợ làm ra đều có hình khối, họa tiết hoa văn được chạm trổ cầu kỳ, kỹ thuật điêu luyện. Người ta có thể tạo ra các họa tiết hoa văn bằng cách tạo trực tiếp trên giấy hoặc tạo theo các khuôn mẫu có trước các họa tiết, hoa văn rất sát nhau với nhiều hình dáng, tùy thuộc vào từng loại hoa văn mà nghệ nhân sử dụng từng loại dụng cụ cắt (kéo, dao, cật nứa), dùi, đục, búa cho thuận tiện và phù hợp để tạo ra các hoa văn sắc nét, tinh tế.