Công nhân Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường tham gia Hội thi “Kỹ năng hái chè”.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lý Công Hà - Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Để việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp tỉnh, doanh nhân thực sự đi vào cuộc sống, trở thành nếp nghĩ, cách làm của từng doanh nghiệp, người lao động, thì cùng với thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua phù hợp, gắn với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh còn thường xuyên đẩy mạnh xây dựng văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp thông qua các cuộc thi, hội thi. Đồng thời kết hợp tuyên truyền các điển hình tiên tiến về thực hiện văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân trong kinh doanh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết của các chi, Đảng bộ cơ sở; nghiêm túc thực hiện sơ kết, tổng kết, đánh giá gắn với thực hiện cải cách thủ tục hành chính và xây dựng văn hoá ứng xử của cán bộ, đảng viên.
Đến thăm Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường, bà Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Quản trị đón chúng tôi với nụ cười thật tươi cùng ly trà “Đông phương Mỹ nhân” có hương thơm dịu đặc trưng, vị ngọt đượm, ít chát. Bà Loan chia sẻ: “Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân của công ty được triển khai đồng bộ, gắn kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến phân phối sản phẩm ra thị trường. Hiện nay, trên địa bàn huyện Tam Đường có 44 tổ nhóm nông dân với 1.670 hộ tham gia trồng chè; các tổ nhóm ngoài việc được đào tạo, tập huấn kỹ thuật canh tác gắn với xây dựng văn hóa doanh nghiệp từ trồng đến thu hái thì công ty còn tổ chức các cuộc thi “kỹ năng hái chè”, góp phần nâng cao tay nghề cho người lao động. Vì vậy, không chỉ kỹ năng mà thu nhập của bà con được nâng lên, nhiều gia đình có thu nhập ổn định từ 60 - 120 triệu đồng/năm”.
Nhiều doanh nghiệp tư nhân như: Siêu thị Hương Long hay Nhà sách trí tuệ… ngoài việc cung cấp cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất thì luôn chủ động xây dựng phong cách phục vụ khách hàng chu đáo, tận tâm thông qua trang bị đồng phục lao động, hay từng cử chỉ, hành động, ngôn ngữ giao tiếp ứng xử… tạo tâm lý thoải mái và niềm tin cho khách hàng mỗi khi đến giao dịch.
Cùng với sự năng động, sáng tạo của doanh nghiệp tư nhân thì khối doanh nghiệp Nhà nước luôn chủ động, sáng tạo trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp như: ngành Điện thực hiện khẩu hiệu của EVN “Thắp sáng niềm tin”; ứng xử nội bộ “Gia đình EVN trên thuận, dưới hoà”, ứng xử với khách hàng “Khách hàng là sự tồn tại của chúng tôi”. Mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức, người lao động tự rút bài học kinh nghiệm bổ ích trong việc thực hiện văn hóa doanh nghiệp, cùng nhau “học cách lau bóng đèn”, tự soi lại chính mình để làm tốt hơn chức năng “thắp sáng niềm tin”. Thực hiện văn hóa làm việc và ứng xử, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức nhiều Hội thi: “Hội thi thợ giỏi”, “Hội thi Cán bộ an toàn giỏi”, Hội thi văn hóa doanh nghiệp “Hành trình vì niềm tin”...
Bưu điện tỉnh chủ động tổ chức nhiều hoạt động, phong trào, cuộc vận động như: “Văn minh Bưu điện - Văn hóa cơ quan doanh nghiệp”; từ “Văn minh bưu điện” đến “Nụ cười bưu điện”. Triển khai, thực hiện có hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính qua bưu điện, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân, các tổ chức, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, bán kính phục vụ được thu hẹp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin liên lạc của đồng bào các dân tộc, giúp người dân tiếp xúc nhanh hơn, gần hơn với các dịch vụ bưu chính. VNPT Lai Châu đã và đang thực hiện nghiêm túc Bộ tài liệu văn hóa VNPT, trong đó có 5 giá trị cốt lõi “Tinh thần, Truyền thống, Sức mạnh, Chuẩn mực, Trách nhiệm”, 5 lời hứa và 5 cam kết phục vụ khách hàng…
“Để văn hóa doanh nghiệp trở thành nguồn sức mạnh nội sinh trong kinh doanh, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Lai Châu đã triển khai, phổ biến Bộ tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, quy định phong cách và không gian giao dịch của BIDV tới toàn thể cán bộ, công nhân viên: mặc đồng phục, đeo biển tên, treo bandrol quảng cáo, tờ rơi đặt tại quầy giao dịch; quán triệt mỗi cán bộ trở thành một tuyên truyền viên tích cực nhất cho công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu BIDV. Đặc biệt, từ khi chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu mới đến nay, Chi nhánh đã dành trên 40 tỷ đồng để thực hiện các chương trình thiện nguyện, an sinh xã hội cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh như: xây cầu Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) và nhiều trường học tại các xã: Mù Cả, Tà Tổng (huyện Mường Tè), Trường THCS Đông Phong (thành phố Lai Châu), Trường THPT Phong Thổ…” - ông Phạm Khắc Tích, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Lai Châu cho biết.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ Bộ tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, quy chế văn hóa công sở, Bộ tài liệu văn hóa doanh nghiệp tại các đơn vị, doanh nghiệp. Từ đó, góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp Lai Châu vươn tầm quốc gia và quốc tế.