Thầy trả lời:
Trước hết chúng ta hiểu khái niệm của Ác và Thiện như sau:
- Ác: Là những việc làm gây tổn hại đến sự sống, cản trở sự phát triển của muôn loài, trái ngược với quy luật của tạo hoá thì đều bị coi là Ác!
- Thiện: Là những việc làm có lợi cho sự sống, có lợi cho sự phát triển của muôn loài, làm đúng theo quy luật của tạo hoá thì được coi là Thiện.
Trong đó có hai phạm trù mà ta phải xem xét đó là:
1- Ác mà đúng thì sẽ sinh thiện.
Trong quy luật phát triển tự do của tạo hoá bao gồm cả ba đối tượng đó là Linh Vật, Sinh Vật, Động Vật thì luôn luôn tồn tại hai yếu tố, đó là yếu tố tích cực và yếu tố không tích cực.
Nếu ta gặp phải yếu tố không tích cực mà để cho nó hoạt động tự do thì nó sẽ gây hại cho sự sống của muôn loài mà trong đó có cả loài người.
Ví dụ : Nếu bạn phát hiện một người nào đó đang làm chuyện thất đức có thể gây hại cho nhiều người khác thì bạn phải ác với người này bằng cách ngăn chặn, khống chế, thậm chí loại người đó ra khỏi cộng đồng để người đó không có cơ hội làm hại người khác thì đó chính là làm ác để sinh thiện. Chúng ta không thể từ bi hỷ xả trước tội ác của những kẻ có thể làm ảnh hưởng đến xã hội.
2- Thiện mà không đúng thì sẽ sinh ra ác!
Trong cuộc sống của chúng ta đã chứng kiến rất nhiều việc làm thiện, nhưng trong đó có những việc làm thiếu nhận thức có thể làm ảnh hưởng đến người khác, loài khác…
Ví dụ 1: Bạn đi thả phóng sinh nghĩa là bạn đang tạo cho kẻ khác lòng tham, chúng sẽ đi bắt những loài vật để bán cho bạn! Thay vì làm điều này thì bạn hãy làm sạch môi trường, bạn tìm cách chống hạn để cứu vớt muôn loài, hoặc khi gặp những con vật bị thiên tai bão lũ, ốm đau bệnh tật, tai nạn… bạn hãy cứu vớt, chăm sóc chúng cho mạnh khỏe rồi trả chúng vào cuộc sống tự nhiên, như vậy là bạn đã làm một điều thiện đầy đủ.
Ví dụ 2: Bạn cứu một kẻ cướp, một kẻ xấu đang bị xã hội truy lùng, có nghĩa là bạn đang gián tiếp gây nên tội ác ở tương lai.
Ví dụ 3: Bạn đi quyên tiền làm từ thiện nhưng bạn nổi lòng tham giữ lại một phần thì có nghĩa bạn đang làm cho tâm của bạn phạm vào lòng tham gây nên nghiệp báo cho bạn trong tương lai, trong trường hợp này bạn phải trả hết số tiền mà bạn đã giữ lại đồng thời phải sám hối vì những gì đã xảy ra.
Ví dụ 4: Khi có tiền làm từ thiện thì hãy xây nhà văn hoá, bệnh viện trường học… điều này sẽ giúp được nhiều người có cơ hội được chữa bệnh và phát triển trí tuệ.
Nếu bạn xây quá nhiều chùa đền miếu phủ thì làm cho con người cuồng tín mê vọng và ỉ lại vào sự giúp đỡ của Thần Phật, điều này sẽ khiến con người giảm đi sự nỗ lực sáng tạo, đi ngược lại với quy luật phát triển của tạo hoá.
Bạn nên từ thiện cho những người thực sự nghèo khó mặc dù họ rất cố gắng, hoặc từ thiện cho những em học sinh nghèo học giỏi và có những nỗ lực phát triển để sau này họ sẽ là những nhân tố làm cho xã hội phát triển, bạn không thể từ thiện cho một người do nghiện ngập, lười biếng mà nghèo khó, vì điều này sẽ làm cho người đó không nhận thức được cái sai của mình để sửa chữa.
Đúng là có những điều phải ác với những kẻ ác để cứu vớt những người tốt. Thiện phải đúng mới có thể phát triển xã hội và cải thiện nhân tâm.
Theo Chuyện làng quê