Ngay sau khi bé chào đời, con tôi được tiêm viêm gan B tại bệnh viện. Sau đó, bệnh viện phát cho sổ tiêm để theo dõi những mũi tiêm phòng tại trạm y tế. Nhưng do mới làm mẹ lần đầu còn bỡ ngỡ và có quá nhiều vấn đề phát sinh nên tôi đã quên luôn khoản phải đăng ký tiêm phòng với trạm y tế nên đã làm lỡ mất lịch tiêm chủng của con.
Để không mắc phải sai lầm giống như tôi, các bà mẹ bỉm sữa chú ý cần tiêm đầy đủ các mũi sau cho con.
Mẹ lưu ý đưa trẻ đi tiêm đủ mũi và đúng lịch.
Vắc xin phòng lao (Việt Nam đang sử dụng vắc xin BCG)
Theo bác sĩ tư vấn cho tôi thì nên cho con tiêm mũi này trong vòng 1 tháng sau sinh sẽ mang lại hiệu quả tốt.
Sau tiêm, mẹ cần chú ý theo dõi con bởi mũi này sẽ gây ra một số tác dụng phụ.
Nếu sau tiêm trẻ bị sốt nhẹ, sưng hạch ở hõm nách bên cánh tay được tiêm thuốc, có quầng đỏ ở vị trí tiêm, loét nhẹ và để lại sẹo (trong vòng 6 tuần sau tiêm) thì đó là những phản ứng bình thường, cho thấy trẻ đã đáp ứng miễn dịch.
Trong trường hợp các phản ứng sau tiêm trầm trọng như sốt cao, bỏ bú… kéo dài 1-2 ngày; vết tiêm sưng to, hạch sưng to, hạch kéo dài hơn 6 tuần thì cần đưa trẻ đi khám. Đối với những trường hợp trẻ sốt cao, khóc nhiều không dứt, mệt lả, da tím tái, co giật, liệt, hôn mê…phải cấp cứu ngay.
Để đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, các mẹ cần thông báo cho cán bộ tiêm chủng biết tình trạng sức khỏe của trẻ, tiêm xong cần ở lại cơ sở tiêm 30 phút để theo dõi phản ứng sau tiêm. Khi về nhà, trong vòng 48 giờ sau tiêm vẫn cần theo dõi những biểu hiện bất thường của trẻ để kịp thời xử lý những tình huống xấu nếu không may xảy ra.
Vắc xin 6 trong 1
Vắc xin 6 trong 1 có tác dụng phòng tránh 6 loại bệnh nguy hiểm mà trẻ nhỏ – nhất là trẻ dưới 5 tuổi – dễ mắc phải ở những năm đầu đời bao gồm: Bệnh ho gà; bệnh uốn ván; bệnh bại liệt; bệnh bạch hầu; bệnh viêm gan B; các bệnh viêm phổi, viêm màng não do H.influenzae týp B.
Tiêm vắc xin 6 trong 1 các mẹ theo phác đồ sau:
Mũi 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng
Mũi 2: Tiêm khi trẻ 3 tháng
Mũi 3: Tiêm khi trẻ 4 tháng
Mũi 4: 1 năm sau khi tiêm mũi 3
Trẻ cần hoàn thành 3 mũi cơ bản này trước 6 tháng tuổi và hoàn thành mũi tiêm nhắc (mũi 4) trước 24 tháng tuổi.
Vắc xin Synflorix
Vắc xin phòng ngừa các bệnh nguy hiểm do phế cầu khuẩn gây ra như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm tai giữa cấp...
Lịch tiêm: Tiêm vắc xin phế cầu khuẩn Synflorix có 3 phác đồ:
Đối với các trẻ nhỏ từ 6 tuần tuổi đến 6 tháng tuổi: Liều thứ nhất có thể được bắt đầu từ lúc 6 tuần tuổi. Liều thứ hai cách liều thứ nhất tối thiểu 1 tháng. Và liều thứ ba cách liều thứ 2 tối thiểu 1 tháng. Liều nhắc lại được chỉ định cách liều thứ ba tối thiểu 6 tháng.
Đối với trẻ từ nhỏ 7 đến 11 tháng tuổi (khi chưa tiêm phòng vắc xin phế cầu khuẩn Synflorix trước đó): Có thể sử dụng lịch trình 2 liều tiêm và 1 liều nhắc. Liều thứ 2 cách liều thứ nhất tối thiểu 1 tháng. Liều nhắc lại được tiêm khi trẻ lớn hơn 1 tuổi và cách liều thứ 2 tối thiểu 2 tháng.
Đối với trẻ lớn từ 1 đến 5 tuổi (khi chưa tiêm phòng vắc xin phế cầu khuẩn Synflorix trước đó): Tiêm 2 liều với khoảng cách giữa các mũi tiêm ít nhất là 2 tháng.
Vắc xin phòng tiêu chảy do virus Rota
Đây loại vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota gây ra. Virus Rota là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp ở trẻ em.
Loại vắc xin này được sử dụng qua đường uống, không phải đường tiêm.
Vắc xin phòng viêm màng não do mô cầu
Hiện nay, Việt Nam có 2 vắc xin phòng bệnh viêm màng não do mô cầu tuýp A, tuýp B và tuýp C gây ra. Mỗi loại vắc xin chỉ phòng được một số chủng vi khuẩn não mô cầu nhất định, nên các mẹ nên cho bé tiêm cả hai loại để phòng được bệnh viêm màng não mủ do não mô cầu.
Vắc xin phòng viêm não mô cầu A+C: Tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Sau mũi đầu tiên, cứ 3-5 năm tiêm nhắc lại 1 lần. Trong trường hợp trẻ có tiếp xúc với người bệnh bị nhiễm vi khuẩn não mô cầu Meningococcal A+C, bố mẹ có thể đưa trẻ đi tiêm phòng nếu trẻ trên 6 tháng tuổi.
Vắc xin phòng viêm não mô cầu B+C: Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên có thể bắt đầu tiêm vắc xin. Sau mũi đầu tiên, mũi nhắc lại 1 lần sau ít nhất 2 tháng.
Vắc xin phòng cúm
Cúm là căn bệnh rất hay gặp phải ở trẻ. Bố mẹ có thể cho con tiêm vắc xin phòng cúm khi bé được 6 tháng tuổi trở lên. Tiêm đầy đủ 2 liều, mỗi liều cách nhau 1 tháng.
Vắc xin phối hợp sởi - quai bị - rubella (MMR)
Vắc xin sởi - quai bị - rubella (MMR) mũi thứ nhất khi trẻ 12 – 15 tháng tuổi và mũi thứ 2 khi trẻ được 4 – 6 tuổi. Trẻ đã tiêm sởi đơn lúc 9 tháng, tiêm MMR lúc 15 tháng trở đi.
Vắc xin phòng thủy đậu
Tiêm vắc xin phòng thủy đậu là cách hiệu quả và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus thủy đậu.Vắc xin phòng bệnh thủy đậu được tiêm lần 1 khi trẻ đủ 12 tháng tuổi, lần 2 nhắc lại lúc 4 - 6 tuổi.
Vắc xin phòng viêm gan siêu vi A
Tất cả trẻ em đều nên tiêm phòng vắc xin viêm gan A với 2 mũi tiêm ở các giai đoạn cụ thể sau:
- 12 đến 23 tháng cho liều đầu tiên.
- 2 đến 4 năm cho liều thứ hai (hoặc sớm hơn miễn là 6 đến 18 tháng sau liều đầu tiên)