Một chuyến xe thư viện lưu động đa phương tiện phục vụ học sinh vùng cao.
NHỮNG CHUYẾN XE MANG “ÁNH SÁNG TRI THỨC”
Bấy lâu nay, học sinh, người dân muốn tiếp cận với tri thức thường tìm đến sách báo, Internet, thư viện, phương tiện thông tin đại chúng… Thế nhưng từ khi Thư viện tỉnh ra mắt xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện “Ánh sáng tri thức” thì ngược lại, tri thức đã “đi tìm” người học, người đọc. Xe thư viện lưu động đa phương tiện có nguồn thông tin vô cùng phong phú, đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng, lứa tuổi khác nhau. Không những thế, xe có thể di chuyển khắp Thành phố, đến với các tổ, xóm xa trung tâm, vùng sâu, vùng xa, những điểm trường có điều kiện khó khăn.
Mô hình xe thư viện lưu động đa phương tiện được Thư viện tỉnh tiếp nhận từ đầu tháng 11/2019 do Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện với sự tài trợ của Quỹ Thiện tâm, Tập đoàn Vingroup, trang bị hơn 4.500 cuốn sách thuộc nhiều lĩnh vực, có giá trị giáo dục, giải trí và tính nhân văn. Ngoài ra, trong không gian thư viện còn có 1 máy tính chủ, 6 máy tính xách tay, ti vi, máy chiếu - màn hình chiếu, máy phát điện, loa, ghế nhựa, ô cỡ lớn để phục vụ ngoài trời, phần mềm quản lý thư viện, tài liệu điện tử, phim tư liệu và sách nói dành cho người khiếm thị.
Giám đốc Thư viện tỉnh Hoàng Thị Lan Hương chia sẻ về một kỷ niệm đáng nhớ, đó là chuyến phục vụ tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Quang Vinh - Lưu Ngọc, xã Quang Vinh (Trùng Khánh). Ngôi trường cách xa trung tâm huyện, lại không có thư viện, học sinh và người dân ở đây ít có cơ hội tiếp cận với sách và Internet. Hôm ấy là buổi ngoại khóa “Ngày hội đọc sách” của nhà trường, học sinh được thông báo trước sẽ có xe thư viện đến. Khi xe vừa đi vào cổng trường, các học sinh chạy ùa ra đón. Những ánh mắt tò mò, lạ lẫm chẳng mấy chốc biến thành say mê, thỏa thích bên các trang sách còn thơm mùi giấy mới, những màn hình máy tính hiện đại đầy ắp sắc màu. Ðến khi kết thúc buổi đọc, thư viện dọn dẹp chuẩn bị ra về thì các học sinh rất buồn và hỏi: “Bao giờ cô chú quay lại?”, rồi đứng nhìn theo đến khi xe đi khuất.
THƯ VIỆN THÂN THIỆN CỦA HỌC SINH TIỂU HỌC
Thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã lan tỏa phong trào đọc sách, yêu sách bằng các hình thức thể hiện mới mẻ, trong đó không thể không nhắc đến mô hình “Thư viện thân thiện”. Mô hình này do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với tổ chức Room to Read triển khai tại nhiều địa phương trong cả nước nhằm xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh tiểu học.
Trường Tiểu học Sông Hiến I (Thành phố) là một trong 5 trường tiểu học ở Thành phố được chọn tham gia Chương trình “Thư viện thân thiện”. Thư viện được sắp xếp theo không gian mở, gắn với thiên nhiên, cuộc sống nhằm tạo hứng thú, khuyến khích học sinh đến với thư viện. Sách trưng bày trên kệ được phân loại theo trình độ đọc, dán mã màu giúp học sinh dễ tìm sách phù hợp với sở thích và khả năng đọc của mình. Kệ sách thiết kế phù hợp với chiều cao của học sinh tiểu học. Các đồ vật khác như thảm xốp, bàn thấp, vật phẩm giáo dục cũng được trang bị và sắp xếp nhằm tạo ra môi trường đọc thân thiện, an toàn, hấp dẫn học sinh.
Cô giáo Trần Thị Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sông Hiến I cho biết: Sau thời gian ngắn triển khai mô hình cho thấy những ưu việt so với thư viện trường học truyền thống. Đó là định hướng cho học sinh đọc sách theo trình độ, nhận thức, các tiết cùng đọc và đọc to nghe chung rất hấp dẫn học sinh. Sau khi đọc sách tại thư viện, học sinh có hoạt động mở rộng cảm thụ riêng theo khả năng, năng khiếu xung quanh chủ đề vừa được đọc.
Các em có thể viết, vẽ, làm thơ, thảo luận, đóng kịch tùy thuộc tư duy sáng tạo của bản thân. Ngoài các tiết học chính khóa và ngoại khóa trong thư viện, học sinh còn mượn sách về nhà đọc, từ đó lan tỏa văn hóa đọc tới người thân trong gia đình. Qua các tiết đọc cùng học sinh trong thư viện, đội ngũ giáo viên được tích lũy kiến thức, nâng cao trình độ.
Có thể nói, dù cuộc sống có nhiều biến chuyển thì sách và những ưu thế tuyệt vời luôn khẳng định vai trò quan trọng trong cuộc sống. Phát triển văn hóa đọc, xây dựng một xã hội học tập chính là nhiệm vụ quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội thông tin, nền kinh tế tri thức và sự phát triển bền vững.