"...làng Hoàng Mai có nghề nấu rượu nên gọi là Mơ Rượu, để phân biệt với các làng Mơ khác là Mơ Thịt (làng Hồng Mai hay Bạch Mai), Mơ Cơm (làng Tương Mai) và Mơ Táo (làng Mai Động)..."
Làng Hoàng Mai rất dài và cũng rất to, rộng nhất trong mấy cái "làng Mai".
Trước đây thì, bao hai góc làng là phố Minh Khai và Trương Định, nhưng thực ra làng Hoàng Mai kéo dài mãi xuống Đền Lừ, Kim Ngưu, giáp với Tương Mai, cánh đồng giáp với Tân Mai, Giáp Bát.
Bây giờ về làng, có phố, ngõ, ngách và cả số nhà...nhưng thời trước, chỉ gọi là thôn, xóm, xã.
Trước đây đất đai rộng, ngay trường học phổ thông còn có sân bóng, bờ mương...ngày Tết là tổ chức hội vật (hiện nay là cái chợ Phường)., nhiều nhà đất rộng trồng hoa, trồng cả cây ăn trái lâu năm như Nhãn, Bưởi, Hồng bì. Bao quanh nhà ở là những hàng rào duối, ô rô, râm bụt, Cúc tần...bây giờ đường bê tông, tường nhà bê tông...toàn là bê tông, nhìn phát hãi.
Trẻ con ngày trước ít đồ chơi hơn bây giờ, nhưng không gian chạy nhảy thì thoải mái. Ngoài đường ngang, ngõ dọc trong thôn xóm, thì ao rộng để bơi (ao Đức, ao nhà máy Nước...), "mà cả" (bãi tha ma) để thả diều, chăn trâu., ruộng nước để mò cua bắt ốc, câu lươn, chưa kể là tắm giếng làng, chơi ở sân kho, nhà "nhân dân"...chỗ nào cũng rộng rãi, thoải mái.
Nơi sinh hoạt cộng đồng cũng chả thiếu gì...quán Bô, quán Ba, quán Thiện, đình làng, chùa làng...thuận tiện đủ điều.
Trước đây có thể xuống cánh đồng Thanh Mai mót khoai, xuống Đền Lừ bắn chim, bắt cá., xuống Yên Sở đi thuyền...bây giờ thì chật chội lắm rồi, không gian cây xanh, mặt nước gần hết, thở còn thấy khó Ạ.
Đây chỉ là "thoảng qua" cái thời của tôi, chứ chưa luận bàn tới "làng Hoàng Mai xưa", với nhiều cái hay, cái đẹp, với đặc sản như rượu mơ, cà pháo...một làng cổ của Hà Nội.
Xin kết lại với lời thơ, câu hò:
"Em là con gái kẻ Mơ
Em đi bán rượu, tình cờ gặp anh
Rượu ngon chẳng quản be sành
Áo rách khéo vá hơn lành vụng may
Rượu này chưa uống đã say
Áo rách khéo vá, vá ngay lại lành"
Đọc thêm trên Bách khoa toàn thư mở Wikipedia ĐÌNH HOÀNG MAI Đình Hoàng Mai nằm ở đường Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Đình được xây dựng trên đất Hoàng Mai vốn là trung tâm của Thái ấp Kẻ Mơ do Thượng tướng Trần Khát Chân xây dựng và ở trong vòng 10 năm (1389 – 1399). Đình thờ Thượng tướng Trần Khát Chân và em là Trần Hãng (còn gọi là Trần Hương), do đó ở làng Hoàng Mai có tục kỵ húy, xưa không gọi là "chân" mà nói cẳng, không gọi "hương" mà nói nhang. Con trai độc nhất của Thượng tướng là Trần Thông sau cũng là một tướng trẻ thời Lê, có công đức với dân nước, được thờ làm thành hoàng làng ở Khúc Thủy (Hà Tây). Đình Tương Mai (Hà Nội) và 29 đình của 29 làng khác cùng với đình Tam tổng là Bình Bút – Nam Cai – Đốn Sơn (Thanh Hóa) cũng thờ Thượng tướng Trần Khát Chân làm Thành hoàng. Trong sân đình còn một đôi Ngựa đá, Voi đá nằm chầu hai bên. Đình thờ Trần Hãng, em của Trần Khát Chân và các tướng tâm phúc của Trần Khát Chân là Phạm Tổ Thu, Phạm Ngưu Tất cùng bị hại sau khi mưu sát Hồ Qúy Ly ở Đốn Sơn bị thất bại (năm 1399). Trùng tu mới nhất vào năm 2006, một số hạng mục khác hoàn thành vào năm 2008. Sau trùng tu, đình vẫn giữ được nguyên vẹn kết cấu gỗ. Đình mở hội vào 24/4 âm lịch hằng năm. |
Theo Chuyện làng quê