Lào Cai: Đưa văn hóa dân tộc vào trường học

Tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, mô hình trường học đa văn hóa gắn với cộng đồng được nhà trường tổ chức hiệu quả thông qua các hoạt động ngoại khóa về các chủ đề lễ hội, phong tục, tập quán của các dân tộc thiểu số. Mô hình này có sức lan tỏa mạnh đối với học sinh nhà trường. Học sinh gắn bó với trường lớp, tự hào về nguồn cội của mình và luôn có ý thức giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống.

Tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, mô hình trường học đa văn hóa gắn với cộng đồng được nhà trường tổ chức hiệu quả thông qua các hoạt động ngoại khóa về các chủ đề lễ hội, phong tục, tập quán của các dân tộc thiểu số. Mô hình này có sức lan tỏa mạnh đối với học sinh nhà trường. Học sinh gắn bó với trường lớp, tự hào về nguồn cội của mình và luôn có ý thức giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống.

Tiết học Ngữ văn hôm nay dường như nhiều sắc màu hơn khi học sinh đến lớp được mặc những bộ trang phục truyền thống của các dân tộc: Dao, Mông, Tày, Nùng… Đặc biệt, học sinh được cô giáo cho thuyết trình, giới thiệu về trang phục của dân tộc mình, từ nguyên liệu làm cho đến những hoa văn, điểm nhấn, những câu chuyện liên quan đến bộ trang phục đó.

van-hoa

Tiết học Ngữ văn được lồng ghép nội dung văn hóa dân tộc tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh.

Em Giàng Thị Ki, học sinh lớp 11C cho biết: Những tiết học như thế này rất hấp dẫn và hiệu quả đối với chúng em. Em là người dân tộc Mông nên em muốn giới thiệu với các bạn những nét văn hóa đặc sắc trong trang phục của người Mông. Ngoài ra, tùy theo chương trình học, thầy cô giáo sẽ lồng ghép vào tiết học những nội dung về chủ đề văn hóa dân gian, sưu tầm các tác phẩm văn học; cho học sinh viết bài giới thiệu về lễ hội, nét đặc sắc trong văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc mình, các làn điệu dân ca, dân vũ hoặc truyền thống lịch sử của đồng bào các dân tộc.

Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thu Phương, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú tỉnh cho biết: Học sinh của trường là con em của 15 dân tộc thiểu số nên việc áp dụng mô hình trường học đa văn hóa gắn với cộng đồng chính là hoạt động thiết thực, giáo dục học sinh ý thức bảo tồn, phát huy những tinh hoa văn hóa truyền thống của các dân tộc Lào Cai, gắn kết cộng đồng các dân tộc thiểu số, nhà trường trở thành trung tâm văn hóa đa dân tộc. Học sinh có cơ hội hiểu thêm nhiều nét đẹp văn hóa của các dân tộc khác nhau, qua đó làm cầu nối quảng bá văn hóa tới chính quê hương mà học sinh đang sinh sống.

Năm học 2015 - 2016 là năm học đầu tiên nhà trường đăng ký thực hiện mô hình trường học đa văn hóa gắn với cộng đồng. Các nội dung về phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số Lào Cai được nhà trường lồng ghép, tích hợp trong các môn học chính khóa như Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Âm nhạc, Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất; được trải nghiệm qua các hoạt động ngoại khóa như tham gia câu lạc bộ thể thao các trò chơi dân gian, sưu tầm các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể, tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Cùng với các môn học trên lớp, học sinh còn được tham gia nhiều hoạt động khác cũng rất thú vị và hấp dẫn. Phòng truyền thống của nhà trường được ví như một bảo tàng thu nhỏ với rất nhiều đồ vật đặc trưng của các dân tộc như nhạc cụ dân tộc, trang phục, các sản phẩm thổ cẩm. Cùng với đó là tập san lưu lại những phong tục, tập quán của các dân tộc khác nhau được chính học sinh sưu tầm hoặc tự tay làm.

Một trong những hoạt động rất được học sinh yêu thích là sinh hoạt các câu lạc bộ thể thao vào chiều thứ 7 hằng tuần. Những tiếng cười đùa, hò reo, cổ vũ là điều dễ nhận thấy trong mỗi buổi sinh hoạt. Kéo co, đẩy gậy, chơi tu lu, nhảy bao bố, ném còn, đánh én là những môn thể thao truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao và đó cũng là những môn thể thao luôn thu hút sự quan tâm của học sinh. Em Nông Thị Kể, lớp 12B tham gia câu lạc bộ đẩy gậy vì từ nhỏ đã yêu thích môn thể thao này của dân tộc mình. Trước đây, chỉ những dịp lễ hội Kể mới được tham gia, nhưng nay em được thường xuyên giao lưu, thi đấu với các bạn dưới sự chỉ dạy của thầy cô giáo bộ môn. Kể cho biết: Tham gia câu lạc bộ, em không chỉ được rèn luyện sức khỏe mà còn biết và thêm yêu nét đẹp của dân tộc mình. Dịp Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh vừa qua, em tham gia thi đấu và giành giải Nhì môn này.

Xã hội ngày càng phát triển, những nét đẹp truyền thống nếu không được bảo tồn có thể bị mai một. Vì thế, việc đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy đã tạo được hiệu ứng tốt, thu hút sự tham gia của nhiều học sinh, giáo viên, phụ huynh. Học sinh không những được tìm hiểu về văn hóa của dân tộc mình mà còn biết được văn hóa, tập quán các dân tộc khác, từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ trong học tập.