Liên hoan Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt

Ngày 25-10, tại đền Truông Bát (xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) diễn ra khai mạc liên hoan Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt lần thứ III năm 2019.

Ngày 25-10, tại đền Truông Bát (xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) diễn ra khai mạc liên hoan Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt lần thứ III năm 2019.


Liên hoan nằm trong khuôn khổ chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt giai đoạn 2017-2022.

Liên hoan có sự tham gia của 30 thanh đồng, cung văn đến từ các tỉnh, thành: Hà Tĩnh, Nghệ An, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ngãi… Đây là dịp để các thanh đồng, nghệ nhân gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu đặc thù của các giá hầu, đưa Tín ngưỡng thờ Mẫu phổ biến rộng rãi tại các địa phương.

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi, hình thành, phát triển mạnh mẽ và có những biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Từ thế kỷ 16, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân.

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt có sự pha trộn tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập… Năm 2016, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.