Lời thì thầm của chuối

Ngôi nhà ba gian vách trát đất, lợp bã nứa nằm giữa vườn chuối đang bắt đầu bén rễ. Ban ngày đi làm, tối đến bố tôi hì hục đào hố, tranh thủ ngày chủ nhật sang nhà hàng xóm xin phân lợn hoặc đi hót phân trâu về đổ xuống, ủ cho hoai rồi trồng chuối.

chuy-qu3s-1634091455.jpgẢnh minh họa do tác giả tuyển chọn. Nguồn: Internet.

Những thân chuối cao hơn một mét đứng thẳng hàng như chuẩn bị duyệt binh. Chẳng mấy chốc chuối đã xanh um, đẻ cây con và trổ buồng. Lũ trẻ chúng tôi hay lấy lá chuối sáng tạo ra đồ chơi. Nào là tước lá chuối ra quây quanh người làm váy, kết lá chuối thành mũ đội đầu của thổ dân, làm đồng hồ đeo tay, làm chong chóng, hay lấy cuộng lá chuối làm thành súng tiểu liên. Lúc nào đông vui, chúng tôi còn chặt lá chuối làm nhà chơi trò gia đình nữa. Những ngày nắng gió, tiếng lá chuối khô nghe xào xạc, lũ chúng tôi ẩn mình trong vườn thấy mát rượi. Những đêm mưa , nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên tàu lá thấy não nề. Tuy hay chơi ở vườn chuối, nhưng chúng tôi vẫn phải để ý những con bọ nẹt xanh rì, có nơi gọi là con nải hay con ngải. Trời ơi ! Những con bọ nẹt to bằng ngón tay, mình đầy những gai là gai. Lỡ động vào nó thì đau buốt không thể nào tả được. Những lần như thế thì phải nhanh chóng giết con bọ nẹt đó rồi lấy ruột nó bôi vào vết thương hoặc lấy lá chuối non nhai rồi đắp. Nếu không, vết thương sẽ sưng tấy lên, hôm sau sẽ mưng mủ.

Cây chuối trổ bông lớn lên từng ngày. Mới hôm nào hoa chuối chui ra khỏi cây mẹ mà hôm nay từng nải chuối đã xếp quanh cuống. Khi được hơn chục nải, bố tôi bẻ hoa chuối rồi lấy một bọc phân chuồng đã được ủ hoai mục buộc túm dưới đầu cuống. Bố tôi bảo làm thế để bổ sung chất dinh dưỡng cho quả. Thảo nào, buồng chuối nào của nhà tôi cũng mập mạp. Hoa chuối được mẹ tôi chế biến thành món nộm, xào hoặc nấu cá ngon tuyệt.

Chắc hẳn chúng ta ai cũng đã từng ăn canh chuối. Mới khoảng 6 - 7 tuổi gì đấy, tôi đã biết ra vườn cắt nải chuối kẹ về nấu canh. Chuối tước vỏ, thái mỏng, ngâm trong chậu nước có pha tý mẻ hoặc muối rồi xào nấu. Ngày ấy đói kém nên chỉ có chút mỡ và thêm tý gia vị thôi, hôm nào sang mới có chút ốc, đậu phụ và tóp mỡ. Chao ôi ! Cái vị nó bùi, béo và giòn sần sật ấy nó cứ ăn sâu vào trong tiềm thức. Thật không gì đầy đủ chất, tổng hợp đủ mùi vị và màu sắc bằng nồi canh chuối. Chuối xanh còn được luộc chấm muối vừng ăn chống đói.

Một sớm mai, nghe tiếng chim ríu rít ngoài vườn, tôi chạy ra xem. Ồ ! Lấp ló trong buồng chuối xanh, có màu vàng ươm của trái chín bói. Bố tôi ra thăm vườn và chặt xuống những buồng chuối già. Những thân chuối mẹ trước đó đã được chống đỡ bằng hai đoạn tre buộc chéo vào nhau. Bố dựng ngược những buồng chuối bên vách nhà khoảng hai - ba hôm cho ráo nhựa rồi mới ra nải. Chúng tôi có nhiệm vụ vận chuyển những nải chuối ra hầm để dấm. Bố tôi đào một cái hầm to, dưới làm sàn tre rồi lót lá xoan. Từng nải chuối được xếp xuống, một lớp chuối, một lớp lá xoan, rồi phủ bao tải đay lên trên. Khoảng ba ngày sau mùi chuối chín thơm lừng, tôi có nhiệm vụ đi chợ bán chuối. Những nải chuối chín trứng cuốc được xâu dây lạt để xách cho khỏi dập nát. Mấy chị em chúng tôi có kiểu ăn chuối lạ đời. Bóc vỏ chuối ra rồi chẻ dọc theo khía, ba dải chuối được đung đưa trước mặt nhem thèm đứa đối diện. Khi đứa kia xin thì mình đã đút tỏm vào mồm mình rồi. Ngày đói kém nên thấy gì cũng thích.

Tôi nhớ, có lần chuối chín nhiều quá, mẹ tôi bóc cả buồng chuối gòn rồi đem phơi. Mẹ tôi bóc khéo lắm, thế nào mà vẫn còn lớp vỏ lụa bao quanh. Được vài nắng, trái chuối nâu đen, héo quắt vào dẻo. Mẹ tôi bọc kỹ mấy lần giấy báo, tới hôm rỗi rãi thì đưa ra giã nhuyễn, trộn với bột sắn làm bánh. Cái vị ngọt thơm ấy đến giờ tôi vẫn còn thấy ngon.

"Chuối mùa đông, cho không chẳng lấy" . Những ngày giá rét ở miền Bắc, dấm được buồng chuối đẹp thật nan giải. Thùng chuối cứ bị giở ra kiểm tra nên nó chai sần không chín được. Vỏ chuối thâm đen, bóc ra ăn sậm sựt rõ chán. Bố tôi đốt hương và ủ lá xoan, cấm tiệt chị em tôi mở thùng. Hôm nào đi ngang nơi dấm chuối, thấy mùi thơm thì biết chuối chín. Vui lắm ! Kiểu gì cũng phải công kênh nhau chui vào thùng lấy vài quả ăn trước rồi mới khoe với bố mẹ.

Ngoài chuối tiêu và chuối gòn ra, bố tôi còn trồng chuối ngự hay còn gọi là chuối trứng. Những thân chuối gầy guộc, cao vóng hơn hai loại chuối kia. Buồng chuối chỉ khoảng bốn, năm nải, quả nhỏ bằng ngón chân cái. Tôi cứ thắc mắc, sao bố lại trồng chuối bé tý thế này, đến khi được ăn mới thôi thắc mắc. Tôi có thể đánh bay mười quả như vậy. Ôi chao ! Cái vị thơm , mát, ngọt ngào nó cứ đọng mãi trong miệng làm tôi thèm thuồng muốn ăn thêm. Chuối ngự ngon vậy, thảo nào gọi là chuối Tiến vua.

Chuối được tận dụng triệt để mọi bộ phận. Thân chuối sau khi chặt buồng, được đốn hạ và lũ lau nhau chúng tôi đưa ra suối làm phao tập bơi. Cứ hai đứa ôm hai bên thân chuối, tìm vũng nước lặng rồi bì bõm tập bơi. Chán chê mới vác thân chuối về thái ra cho lợn gà ăn . Củ chuối sẽ được gọt sạch sẽ, thái ra giã nát làm nham hay nấu với ốc, thịt . Đảm bảo ai được ăn một lần sẽ nhớ mãi.

Giờ đây, đất chật, người đông. Các gia đình cũng ít trồng chuối, chỉ có những hộ canh tác chuối thì mới có vườn bạt ngàn. Đọng lại trong tôi vẫn là những vườn chuối xào xạc, rì rào như lời ru của bà, của mẹ. Tôi nhớ đến câu " chuối trồng sau, cau trồng trước". Hiện hữu trước mắt tôi hình ảnh bố mẹ cần mẫn, tảo tần ôm ấp, chở che cho chị em tôi lớn khôn từng ngày như bụi chuối đang sinh sôi, nảy nở. Tôi nghe thấy tiếng bố tôi nói " chuối đã ấm bụi rồi "!

Theo Chuyện làng quê