Lớp văn hóa mới Hà Nội - Bài 3: Truyền thống hài hòa cùng hiện đại

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Hà Nội ngày nay không chỉ là 36 phố phường xưa mà đã rộng lớn hơn rất nhiều.


Văn hóa Hà Nội có sự đa dạng trong thống nhất, có sự tiếp thu và tiếp biến các vùng văn hóa, tập quán văn hóa trong nước, cũng như những luồng văn hóa du nhập từ nước ngoài. Văn hóa Hà Nội giờ đây có sự hài hòa giữa thanh lịch truyền thống và văn minh hiện đại, trong đó cốt lõi vẫn là những tinh túy của đất Thăng Long xưa.

Phép cộng của những tất yếu


Biểu diễn múa rồng trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: TTXVN


Còn nhớ, khi mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008, Hà Nội tự hào là một trong 17 Thủ đô lớn nhất thế giới, mở ra nhiều cơ hội cho việc phát triển kinh tế, xã hội, nâng tầm vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của cả nước, cũng như giao lưu, hợp tác quốc tế. Điều mà nhiều người quan tâm đến văn hóa lo ngại rằng, một vùng văn hóa xứ Đoài đậm đặc các dấu tích văn hóa truyền thống và vùng văn hóa Thăng Long hội tụ những tinh hoa văn hóa của cả nước sẽ ra sao khi cùng kết hợp vào nhau? Nhưng hơn 10 năm qua đã chứng minh văn hóa Hà Nội đã có sự đa dạng trong thống nhất, văn hóa xứ Đoài càng làm đẹp hơn văn hóa Thăng Long. Cái cốt cách, cái lõi của thanh lịch truyền thống vẫn được giữ gìn từ các khu phố cổ đến các vùng ven Hà Nội. Người dân ngoại thành Hà Nội cũng được tiếp nhận những cái hay, cái tốt từ văn hóa ứng xử của người dân 36 phố phường xưa.

Hà Nội cũng là nơi người dân ở khắp các vùng miền đất nước về sinh sống, làm ăn và lập nghiệp lâu dài. Họ mang theo phong tục tập quán, lối sống, cách ứng xử ở vùng quê của họ đến Hà Nội. Một điều đáng kể nữa, khi Việt Nam hội nhập với thế giới thì một bộ phận người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, sinh sống cũng khá đông. Tại đây, đã xuất hiện các làng Tây, làng Hàn Quốc hay các cộng đồng dân cư Âu - Á khác và tất nhiên, văn hóa bản địa cũng từ đó theo vào Hà Nội. Bên cạnh những thói quen, tập quán chưa phù hợp được những người nhập cư đưa vào thì cũng phải thừa nhận văn hóa Hà Nội có sự đa dạng hơn khi tiếp thu, tiếp biến các nếp văn hóa tích cực từ nơi khác mang lại.

Những năm gần đây, ngày càng nhiều các trào lưu văn hóa nước ngoài du nhập vào Hà Nội theo xu thế phát triển, đặc biệt là các loại hình âm nhạc hiện đại, phong cách thời trang, các lễ hội hiện đại. Các chương trình hòa nhạc giao hưởng Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert 2019 với sự xuất hiện của Dàn nhạc giao hưởng London, lễ hội âm nhạc quốc tế Gió Mùa, lễ trao giải Asia Artist Awards tôn vinh nghệ sĩ châu Á trong âm nhạc và truyền hình, lễ hội Halloween… liên tục được tổ chức tại Hà Nội. Các chương trình này được nhiều người đón nhận nhiệt thành, nhất là giới trẻ, làm phong phú hơn đời sống văn hóa tinh thần của người dân Thủ đô.

Như Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Công, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, người Hà Nội là tổng hòa các phẩm chất tốt đẹp đáng tự hào như: Ứng xử bao dung, lịch thiệp, không cục bộ, không gây mặc cảm; là sự coi trọng các giá trị văn hóa tinh thần và mở rộng ra là coi trọng con người. Người Hà Nội không đứng riêng hoặc đứng ngoài cộng đồng người Việt nhưng do khả năng tiếp nhận và chọn lọc, Hà Nội vẫn có một nét riêng, gọi là phẩm chất Hà Nội.

Hài hòa với hiện đại


Biểu diễn nghệ thuật hát chầu văn trong không gian phố cổ Hà Nội. Ảnh: Minh Đức/TTXVN


Trước kia, gia đình ông Hoàng Mạnh Đức, phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ thuộc gia đình tứ đại đồng đường, ông bà, bố mẹ, con cháu sống quây quần cùng nhau trong một căn nhà. Con cháu gần gũi ông bà, cha mẹ nên nề nếp gia phong, lời ăn tiếng nói được rèn giũa hàng ngày. Những dịp lễ Tết, lúc nào trong nhà cũng tấp nập, rộn rã tiếng cười. Nhưng đến thế hệ con ông trưởng thành, lập gia đình thì không còn ở chung nhà với vợ chồng ông mà đã ở riêng chỗ khác. Dù không ở chung nhưng con cháu ông vẫn quan tâm tới bố mẹ, sống kính trên nhường dưới, anh chị em hòa thuận với nhau, dạy dỗ con cái cẩn thận. Tuy nhiên, cách thức yêu thương và giáo dục con cái, các biểu hiện thanh lịch trong ứng xử, lời ăn tiếng nói của thế hệ mới có nhiều khác biệt với thế hệ của ông.

Điều đó có thể hiểu, quy mô dân số, không gian tự nhiên, hoạt động kinh tế, xã hội ngày càng rộng mở thì nếp văn hóa, phong tục tập quán cũng thay đổi. Tuy nhiên, cái cốt yếu người ta vẫn giữ lại là vẫn coi trọng nề nếp, gia phong dù hình thức thể hiện có khác trước. Đối với ứng xử trong xã hội càng có sự thay đổi cho phù hợp với cuộc sống hiện tại. Biểu hiện của thanh lịch phải phù hợp với một xã hội văn minh thời công nghệ số.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý, Viện Nghiên cứu Văn hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, trong nếp sống người Hà Nội đang có sự giao thoa giữa thanh lịch truyền thống và văn minh hiện đại. Sự giao thoa đó là hội tụ, chắt lọc những tinh túy để trở thành lớp văn hóa mới lan tỏa đi bốn phương.

Không khó để có thể thấy, người Hà Nội giờ đây luôn có lòng khoan dung, trắc ẩn, sự chia sẻ với cộng đồng. Khi ra những nơi công cộng, họ đều tôn trọng nếp sống văn minh, ăn nói lịch sự, phép tắc và biết kiềm chế. Với những người xung quanh, người ta biết ứng xử thân thiện, lịch sự, từ tốn. Còn trong công sở, nơi mà trước kia nhiều người hay đặt ra vấn đề văn hóa ứng xử thì giờ đây cán bộ, công chức ứng xử văn minh, lịch thiệp hơn khi người dân đến giải quyết công việc. Tất nhiên, những nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị họ đều phải nghiêm túc chấp hành. Hiện tại, trong cộng đồng dân cư, nơi công cộng, trong các cơ quan nhà nước đang xuất hiện nhiều mô hình tốt lan tỏa văn hóa ứng xử văn minh, thanh lịch.

Bài 4: Lan tỏa nét đẹp văn hóa