Ngày ấy cô yêu Phát nhưng để lấy chồng thì người ta nói “lấy người yêu mình chứ không lấy người mình yêu”, khốn nỗi Phát vừa yêu Hằng lại được Hằng yêu, có điều anh bị một điểm yếu quan trọng đó là quá nghèo; Phú yêu Hằng nhưng không được cô yêu nhưng lại có điểm mạnh áp đảo đó là gia đình giàu và có thế lực. Đang chưa biết phải theo hướng nào thì mẹ cô thủ thỉ khuyên nhủ:
- Con ạ, tình yêu đẹp như bông hoa nếu cắm vào cái lu sành vỡ thì ai thấy đẹp nữa, nhưng cắm vào bình pha lê thì đẹp thêm.
Gần như cả nhà phản đối Hằng bỏ Phát để cưới Phú. Chỉ một mình mẹ bảo:
- Nếu con lấy Phát sẽ khổ như mẹ, lấy Phú sẽ giàu có hạnh phúc như dì Lan. Hãy tỉnh táo vào.
Cô hoang mang không biết chọn đường nào. Đúng lúc ấy Phát được điều về biên giới Lạng Sơn, nơi chỉ cách Hà Nội hơn trăm kilomet nhưng xa vời vợi không biết khi nào về. Nhiều đêm Hằng mơ thấy Phát bị chột mắt, bị cụt tay về với cô, Hằng đã khóc hết nước mắt, tỉnh dậy vẫn còn thổn thức. Con Kim, bạn cùng trường bảo:
- Tao quan niệm, đã yêu thì hết mình, dù đui mù, què cụt vẫn chung tình, nhưng phải dứt khoát đi Hằng ạ, chập chờn là khổ đấy.
Nhưng Hằng thầm nghĩ: “Nó vừa thấp, vừa đen lại ăn nói bốp chát thì thấy ai chẳng vồ lấy mà chả chung với thủy”. Con Thủy thì thẳng băng
- Mày hãy thực tế vào, đừng có ngu mà ôm cái tình yêu lãng mạn vào để rồi đời mình, đời con cháu đều đói rách, chúng sẽ oán mình. Yêu lãng mạn à? Thế có mài ra để ăn chống đói được không? Có tiền khắc có lãng mạn, có yêu tha thiết ngay thôi.
Nghe lời khuyên, Hằng ngả về Phú, chỉ viết vài thư mang tính đánh đố, thúc Phát xin phục viên sớm. Phú đến, báo tin anh được bố đạo diễn cho một chuyến đi tập sự ở Đức 6 tháng. Anh muốn chắc chân nên đề xuất bố mẹ hai bên cho ăn hỏi trước, khi về sẽ cưới. Cô như chết đuối vớ được cọc, đồng ý ngay. Và đám ăn hỏi linh đình diễn ra, chưa bao giờ Hằng được đeo lên người nhiều vàng như thế. Mẹ cô mắt cứ ngời sáng. Ngay đêm ấy, Hằng đã hiến dâng đời con gái cho Phú. Thực ra, đã có lúc cô nghĩ sẽ dâng sự trinh trắng của mình cho Phát dù có lấy Phú, nhưng vàng ăn hỏi đã làm Hằng chói mắt đến độ không thể tự chủ được nữa. Vừa tiễn Phú đi Đức thì Phát về phép để đi học khóa sỹ quan cấp tốc ở trường sỹ quan. Phát rắn rỏi, khỏe mạnh, khi gặp Hằng, anh vẫn cười đùa dù đã biết cô đã nhận lễ ăn hỏi Phú. Hằng đã tím mặt khi đứa bạn thân là con Kim, thế chân Hằng để yêu Phát. Con giời đánh ấy khuyên cô “chung tình” này nọ, mình vừa buông là nó quyến rũ luôn, giờ mới lộ chân tướng. Kim còn nói:
- Tao yêu Phát, dù có nghèo khổ hay nếu Phát có cụt chân tao sẽ cõng, nếu mù mắt tao sẽ dắt Phát đi suốt cuộc đời.
Dẫu thế, Hằng vẫn âm thầm khóc hết nước mắt vì thấy con Kim hớn hở ngồi xe ôm eo Phát. Cô quyết sẽ dâng thân mình cho Phát trước khi cưới chồng, cho con Kim ăn thừa. Mưu đồ của cô thất bại vì Phát bảo:
- Anh hiểu lòng em, nhưng “tiền đếm, gạo đong, tình cần dứt khoát” thì mới có hạnh phúc được em ạ.
Hằng nhếch mép cười khinh bỉ, chửi thẳng mặt Phát:
- Bọn khố rách áo ôm này hợp nhau là phải.
Rồi 6 tháng cũng qua nhanh, đám cưới Phú - Hằng được tổ chức hoành tráng ngay khi Phú từ Đức về. Làm dâu nhà giàu đương nhiên là mơ ước, niềm hãnh diện của bao cô gái, Hằng rạng rỡ, sang trọng hẳn lên. Cô thấy đời mình thật may mắn, nếu lấy Phát hẳn cô sẽ suốt ngày ôm cái bếp củi trong căn nhà mấy mét vuông, chắc chắn sẽ suốt ngày chửi nhau thôi. Đám hỏi và đám cưới Phát – Kim ghép làm một, không vàng bạc, không tiệc tùng, chỉ có cái giường đơn ở gian phòng tập thể 8 mét vuông, toilet chung ở cách 50 mét. Thế mà “con vịt” Kim vẫn rạng rỡ như là vớ được vàng ròng. Tận nhiều năm sau, khi đang cưỡi cái xe @ thời thượng, nhìn thấy mẹ con Kim nhễ nhại mồ hôi chở củi về nấu cơm cô vẫn thấy chẳng mủi lòng mà còn rủa “đáng đời”. Thời gian qua đi, bố chồng Hằng về hưu sớm vì thua trắng trong đấu đá nội bộ, bản thân Phú mất chỗ dựa nhưng làm ăn cũng khá dù đường công danh lẹt đẹt. Phú chỉ có tật đèo bòng gái gú triền miên khiến Hằng điên đầu. Đau khổ nhất là con Kim sau khi cưới Phát cứ trẻ, đẹp lên, dù gia đình ấy vật chất hạn chế nhưng lại rất đầm ấm. Hôm cô rủ Kim đi spa thư giãn để dò hỏi về gia đình nó, Kim cảm ơn nhưng từ chối vì:
- Khiếp, eo ơi, hưởng thụ một tý bằng lương tao cả tuần ấy à, với lại anh Phát không thích thế. Hằng điên tiết chửi “ngu”, nó nhe răng cười bảo:
- Chúng tao ngu cũng được, tao với Phát ngu nhưng hạnh phúc là hài lòng.
Do không được đào tạo cơ bản, Phát được phục viên sau hơn 10 năm quân ngũ, anh đi Hàn Quốc xuất khẩu lao động. Bẵng đi hơn 25 năm, gia đình Phú - Hằng vẫn khá giả đều đều, ngày càng giàu có hơn, chỉ tội Phú cứ lằng nhằng gái gú và con cái cậy có tiền nên theo gương bố ăn chơi, Hằng đương nhiên thành Ô-sin không công ở ngay tại nhà mình. Cô vừa xuống sắc, vừa già xọp đi dù vàng đeo lủng liểng từ tai đến cổ, từ tay đến chân. Thậm chí có lần gặp nhau, Kim cười bảo:
- Cái kính mắt của mày bằng tổng gia tài nhà tao, Hằng ạ. Nhà Phát – Kim thì sau hơn 20 năm lận đận ở đáy xã hội cũng dần khá lên, dù chưa phải giàu, họ có hai đứa con như thiên thần học rất giỏi, có nhà cửa tươm tất. Sau 15 làm thuê ở Hàn, Phát có khoản vốn be bé, về đầu tư mua đất lung tung. Nào ngờ, đất lên giá vùn vụt, nhưng Phát vừa phải bán 2 miếng đất lấy tiền cho đứa con trai thứ hai theo chị sang du học Mỹ, còn dư, mua cho vợ cái xe máy long lanh. Cả đời, đây là lần đầu cô được chồng sắm xe mới cho. Dường như có sự tráo đổi, đứa xinh đẹp giờ già và xấu, đứa xấu xí giờ lại tươi mưởi như hoa. Mỗi lần có người khen Kim khéo chiều chồng, giỏi dạy con, đảm đang việc nhà chồng, chung thủy dù chồng xa nhà vẫn sắt son chờ, là Hằng nổi máu điên, nghĩ thầm:“Nó gặp may vì vớ được Phát là đồ thừa của mình chứ giỏi giang nỗi gì?”.
Chỉ đến khi con trai Hằng phải vào trai cai nghiện ma túy cô mới thấm thía nỗi khổ nhục. Đứa con gái thì phải bấm bụng chi gần một trăm triệu mới có xuất lách cửa sau vào trường cao đẳng dân lập vì thi đại học 3 lần cộng lại vẫn chưa đủ 10 điểm. Trong sâu thẳm lòng mình Hằng biết hình bóng Phát vẫn ngự trị và luyến tiếc: “Tiếc thế, mình đã ruồng bỏ một cơ hội tuyệt vời để có Phát”. Nhưng Phát lại nghĩ khác: “May là Hằng bỏ mình thì mình mới có cơ hội đến với Kim. Mọi thành đạt đến nay của gia đình là nhờ có Kim”. Nhưng Hằng cũng hiểu “linh tại ngã, bất linh tại ngã”, mình gieo nhân nào thì gặt quả nấy thôi.
Theo Chuyện quê