Mới đến cầu Tó hỏi thăm, nhiều người đã hồ hởi chỉ tận tình cho chúng tôi nhà bà Hoa. Có cô bán hàng ở đầu cầu Tó còn nhiệt tình nói: “Ai chứ bà Hoa thì ở đây không ai là không biết”. Có bác xe ôm cạnh đó thì nói thêm vào: “Bà Hoa tốt lắm các cháu à!”… Cuối cùng chúng tôi cũng đã tìm đến cổng nhà bà Hoa với tấm biển to “Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa”. Đến nơi, bà Hoa đon đả ra đón chúng tôi vào tham quan như những người thân lâu ngày chưa gặp vậy. Nào là phòng làm việc, nào phòng ngủ, nào phòng ăn…, tất cả đều rất sạch sẽ, thoáng mát, rộng rãi.
Nhìn các em say sưa với sản phẩm thủ công giấy cuộn, bà Hoa cho biết, Trung tâm thành lập từ năm 2007 và cho đến nay qua 15 năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã truyền nghề cho hơn 500 thanh, thiếu niên khuyết tật trên khắp mọi miền.Chúng tôi cảm nhận được sự hạnh phúc toát lên trong ánh mắt, tiếng cười của bà Hoa. Hẳn nhiên là thế rồi bởi những ngày đầu mới mở trung tâm, ngoài khó khăn về tài chính, bà Hoa còn đối mặt với những dị nghị của dư luận khi không ít người bảo bà là “dở hơi”, thậm chí là những điều tiếng cho bà là “lợi dụng trẻ khuyết tật để kiếm tiền bất chính”. Nhưng rồi bà đã vượt qua tất cả để cưu mang các em bằng tình thương và lòng nhân ái.
Ở tuổi 61 nhưng những nếp nhăn đã hiện rõ trên khuôn mặt của bà, mái tóc bà cũng bạc nhiều hơn so với lứa tuổi. Khi chúng tôi nhắc đến điều này, bà bảo, thử hỏi không lo nghĩ sao được, không trăn trở sao được, nhiều đêm mất ngủ là chuyện thường tình. Nhất là vào thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành, sản phẩm thủ công giấy cuộn của trung tâm không thể bán cho các điểm du lịch, cuộc sống phải lo ăn, lo uống từng ngày. Thoáng nét buồn nhưng gương mặt bà lại tươi tỉnh hẳn lên khi cho biết: “Giờ thì đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát nên cũng đỡ lo rồi các cháu à!”.
Chúng tôi quan sát thì thấy hiện nay có hơn 30 học viên đang sinh sống tại trung tâm hầu hết bị thiểu năng, sức khỏe yếu. Ở đây có những thành viên bị khuyết tất bẩm sinh nhưng cũng có người không may bị tai nạn và chúng tôi cảm nhận ở họ luôn cháy bỏng khát khao để không là gánh nặng của gia đình, xã hội. Tất nhiên để làm ra sản phẩm thủ công đòi hỏi mỗi thành viên phải có quyết tâm cao và nỗ lực rất lớn. Trò chuyện với những thành viên trong trung tâm chúng tôi đều nhận được câu trả lời rằng: Trung tâm như ngôi nhà thứ hai, nơi các thành viên không chỉ được học tập, làm việc mà còn cảm nhận được sự yêu thương, ấm áp của tình người. Nơi này đã và đang truyền niềm tin cho các thành viên về một cuộc sống mới, tốt đẹp và ý nghĩa hơn.
Chúng tôi đều hiểu rằng, nơi này đã tạo cho các thành viên một nghề nghiệp, một công việc để nuôi sống bản thân nhưng không ngờ rằng còn có những điều thú vị hơn nữa. Bà Hoa tiết lộ: “Nơi này còn là điểm gặp gỡ, nên duyên chồng vợ cho hàng chục cặp đôi kém may mắn trong cuộc sống đấy các cháu à!”. Chính xác thì đã có đến 23 cặp đôi mà bà Hoa đã se duyên thành công và rất mừng là đôi nào đôi nấy hiện nay đều sống rất hạnh phúc, đã có thêm những thành viên mới, cuộc sống cũng không còn quá chật vật nữa.
Như đôi vợ chồng Nguyễn Văn Hùng (quê ở Hà Nam) và Nguyễn Thị Huyền (quê ở Thanh Trì, Hà Nội) là một ví dụ. Anh Hùng bị liệt nửa người, bố mẹ ly hôn, mỗi người đều có cuộc sống riêng, bởi vậy anh tìm đến trung tâm từ năm 2007 và được bà Hoa dạy nghề may. Ngày cưới bà Hoa phải “đóng vai” mẹ đẻ của chú rể để về Hà Nam xin dâu. “Giờ thì anh Hùng và chị Huyền đang sống hạnh phúc ở quê ngoại và đã có hai con gái khỏe mạnh, thông minh. Hằng ngày chồng đi chở hàng thuê bằng xe ba bánh, còn vợ mở cửa hàng sửa chữa quần áo. Chúng nó vẫn thỉnh thoảng về thăm trung tâm đấy. Tôi thấy mừng cho chúng!”, bà Hoa xúc động kể.
Quan sát một số bức ảnh ở trung tâm, chúng tôi được biết nơi này đã đón nhiều đoàn từ thiện, có những đoàn thì từ thiện quần áo, trang thiết bị, tiền bạc nhưng cũng có những đoàn sinh viên đến “từ thiện” bằng cách dạy tiếng Anh hay tổ chức Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi cho các em. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng để các thành viên trong trung tâm có cuộc sống ổn định hơn nữa rất cần những tổ chức, cá nhân tìm đến để truyền dạy cho họ thêm nhiều nghề mới và đem lại nhiều cơ hội hơn cho họ.
Thật mừng! ý nghĩ đó của chúng tôi cũng trùng với mong muốn của bà Hoa. Bà khẳng định: “Phải cho họ “cần câu” để họ tự câu cho mình những “con cá”, đó mới là cách giải quyết tối ưu cho người khuyết tật”.
Chia tay trung tâm, chia tay bà Hoa và các thành viên trong trung tâm, chúng tôi hiểu rằng, bản thân còn quá nhiều may mắn trong cuộc sống. Chúng tôi cũng tự nhủ rằng, sẽ cần phải cố gắng học tập, nỗ lực phấn đấu hơn nữa để không cảm thấy hổ thẹn với gia đình, xã hội…