Mình từng làm thuyết minh phim và Đội trưởng tuyên văn Sư đoàn 347 như thế

Thiếu tá Bùi Đức Thọ, nguyên Trợ lý Địch vận, kiêm lái xe phim của Ban Tuyên huấn Sư đoàn 347, Quân đoàn 14 - Mặt trận Lạng Sơn (1979 – 1989) vừa gửi cho mình 2 tấm ảnh tư liệu đen trắng, chất lượng ảnh không tốt lắm, nhưng đó là món quà vô giá. Bởi chúng ghi lại khoảng khắc hiếm hoi và đáng nhớ từ 40 năm trước:

chy-trtim1-1639381402.jpgĐặng Vương Hưng (thứ 2, từ trái qua) và Thiếu tá Bùi Đức Thọ (thứ 4) tại Ban Tuyên huấn Sư đoàn 347, năm 1981. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Một tấm chụp một số cán bộ của Ban Tuyên huấn Sư đoàn tại Bản Chu, xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định – nơi cơ quan Sư đoàn bộ trú đóng; một tấm chụp Đội chiếu phim của Sư đoàn trong một lần đi phục vụ bộ đội và bà con nhân dân tại bản Áng Mò. Cả 2 tấm ảnh đều có hình của Đặng Vương Hưng, đứng tại vị trí số 2, từ trái sang.

chuy-tr-tim2-1639381566.jpgHàng đầu, trừ trái qua: Đặng Vương Hưng (thứ 2) và thiếu tá Bùi Đức Thọ (thứ 4) cùng Đội chiếu phim và bộ đội tại Áng Mò (Tràng Định Lạng Sơn) năm 1982. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Hai tấm ảnh tư liệu quý, khiến mình nhớ lại những kỷ niệm từ 40 năm trước, đó là cuối năm 1981. Năm ấy, mình mới được phong hàm Chuẩn uý, đang là Trợ lý Tuyên truyền của Ban Tuyên huấn Sư đoàn. Nhiệm vụ chính là viết tin bài cho các báo đài và tiếp thu các chuyên đề thời sự từ Quân đoàn về truyền đạt lại cho cán bộ chiến sĩ. Một hôm, đội chiếu bóng của cơ quan có lịch phục vụ bộ đội và nhân dân nơi đóng quân. Hàng ngàn người xem háo hức từ chiều, đã tập trung đông đủ tại sân bãi, nhưng đột nhiên cậu Vượng thuyết minh phim người Hải Phòng bị cảm, mất giọng nói. Không thể hoãn buổi chiếu, Đại uý Nguyễn Văn Chi, Trưởng Ban Tuyên huấn vội mời các cán bộ chủ chốt của Ban để hội ý, có đủ cả Thượng uý Nguyễn Công Môn, Thượng uý Vũ Văn Thái, anh Phúc Trợ lý Dân vận, anh Kết thủ kho, cậu Nghiệp thợ máy chiếu… và lo lắng hỏi:

- Có ai biết thuyết minh phim, hoặc giọng đọc tốt, thì tạm thay thế và cố gắng khắc phục sự cố tối nay?

Thấy mọi người nhìm nhau im lặng, mình liền giơ tay xung phong và nói:

- Để em làm thuyết minh cho. Ở nhà em đã từng nhiều lần đọc cho loa đài truyền thanh xóm rồi.

Là nói đại vậy, để thêm niềm tin cho thủ trưởng, chứ thực ra mình chưa bao giờ đọc loa truyền thanh cả, mà chỉ từng đọc báo cho Trung đội, thời huấn luyện tân binh. Nhưng không ngờ, anh Chi phấn khởi lắm, đồng ý luôn.

chuy-tr-tim3-1639381780.jpgHình ảnh một đội chiếu bóng lưu động, chuẩn bị sân bãi phục vụ khán giả, thập niên 1980 (ảnh tư liệu sưu tầm). Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Hội ý xong, Trưởng ban Chi gọi mình vào phòng làm việc, đưa cho một tờ báo Quân đội Nhân dân, có đăng một mẩu chuyện dành cho chiến sĩ trẻ và bảo:

- Câu đọc thử bài này, tôi nghe xem sao?

Mình lướt qua và đọc luôn, khá trôi chảy. Anh Chi khen:

- Giọng ấm và vang, không bị ngọng, nhưng đọc hơi nhanh. Khi thuyết mình thì cậu cần nói chậm hơn. Và nhớ phải có cảm xúc phân vai theo từng nhân vật mới truyền cảm cho người xem. Thôi ra sân bãi và làm nhiệm vụ luôn đi. Mọi người đang chờ đấy, nhớ phải bình tĩnh và tự tin là cậu sẽ làm được.

Đó là một buổi tối mùa đông, trời lạnh, nhưng khi mình vừa ngồi lên ghế thuyết minh, đã nóng bừng người vì hồi hộp. Cậu Nghiệp, thợ máy hỏi:

- Anh sẵn sàng chưa? Em cho máy chạy nhé?

- Xong rồi, cậu cho chạy đi!

Mình cầm tập tài liệu thuyết minh in roneo bằng loại giấy đen, nhiều trang rách nát, nhiều dòng chữ đã nhoè mờ, mới lật giở vài trang đầu, thì đèn thắp sáng sân bãi đã tắt, tiếng máy chiếu chạy xè xè…

Đó là bộ phim thần thoại của Liên Xô có tên là “Ha Ríp ở đất quỷ”. Rất may, hồi ở nhà mình đã đọc rất nhiều sách văn học của Nga – Xô Viết, cũng rất thích truyện cổ tích thần thoại, nên nhập cuộc rất nhanh và đầy cảm hứng.

Buổi chiếu kết thúc tốt đẹp, mình không quên nói vài lời kết: Cảm ơn các thủ trưởng, các đồng chí và các bạn. Cảm ơn bà con nhân dân và khán giả đã ủng hộ Đội phim của đơn vị và hẹn gặp lại.

Tiếng vỗ tay rào rào. Anh em trong đơn vị cùng xúm lại bắt tay chúc mừng. Khi được Trưởng Ban Tuyên huấn giới thiệu “cậu ấy lần đầu tiên thuyết minh phim đấy” thì ai cũng ngạc nhiên.

Mình đã “vào nghề” thuyết minh phim như thế. Chỉ thương cậu Vượng thuyết minh cũ của đơn vị đã “mất nghề” từ tối hôm đó. Mặc dù khi Vượng khỏi ốm, mình đã tìm cách từ chối việc thuyết minh phim để cậu ta được làm tiếp tục, nhưng anh Chi nói: Cậu Hưng có chất giọng tốt, thủ trưởng Sư đoàn tín nhiệm, yêu cầu cậu kiêm nhiệm công việc này từ nay.

Vậy là từ cuối năm 1981 cho đến hết năm 1982, mình làm Trợ lý Tuyên truyền, kiêm Đội trưởng chiếu phim, có thời gian còn phụ trách cả Đội Tuyên văn của Sư đoàn 347, đi chiếu phim và biểu diễn văn nghệ, phục vụ bộ đội và bà con nhân dân khắp các xã của huyện Tràng Định và huyện Văn Lãng của tỉnh Lạng Sơn. Biết bao kỷ niệm đáng nhớ và cảm động, khi chúng mình đưa máy chiếu phim đến các xã giáp biên, bộ đội và dân bản phải đốt đuốc, lội suối và vượt đèo, đi bộ hàng tiếng đồng hồ mới đến sân bãi xem phim, xem văn nghệ dưới trời mưa… Lại có buổi chiếu phim Việt Nam, nhưng bị cháy đèn tiếng, nên mình phải thuyết minh… nội dung phim Việt cho khán giả hiểu…

*

Đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng nhờ có trí nhớ tốt, lại có “thâm niên” tới 13 năm làm Trợ lý tại Ban Tuyên huấn Sư đoàn 347, nên Thiếu tá, cựu chiến binh Bùi Đức Thọ (sinh 1950, nhập ngũ tháng 4/1968, từng nhiều năm làm bộ đội lái xe Trường Sơn) biết rất nhiều chuyện “thâm cung bí sử” của đơn vị. Hiện anh đang cùng gia đình thường trú tại 22b/32g, tổ 7, khu phố 1, phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, điện thoại: 0386175122. Khi mình điện thoại kết nối Zalo và tài khoản facebook mang tên Tho Duc, anh cho biết: Dù đã ở tuổi 72, nhưng ơn giời sức khoẻ vẫn tốt, hơn chục năm trước, anh Thọ từng mở một lò rèn nổi tiếng ở Bắc Ninh. Còn những ngày này anh đang làm công việc bảo vệ chắn tàu đường dân sinh ở Biên Hoà, để có thêm thu nhập và niềm vui lao động.

Hà Nội, 13/12/2021

Đ.V.H

Theo Trái tim người lính