Lời Bác Hồ dạy ngày 03/7/1964
“Xây dựng chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp cực kỳ vẻ vang, nhưng phải lâu dài và gian khổ. Nhân dân ta cần phải có tinh thần phấn đấu bền bỉ, quyết tâm vượt mọi khó khăn, để giành lấy những thắng lợi mới rực rỡ hơn nữa”.
Câu nói trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong:“Lời phát biểu tại lễ bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khóa III”, ngày 03 tháng 7 năm 1964, đăng trên Báo Nhân dân, số 3748, ngày 04 tháng 7 năm 1964.
Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhận rõ việc xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp cực kỳ vẻ vang nhưng cũng nhiều khó khăn, gian khổ và lâu dài. Do đó, cần sự đồng thuận, phấn đấu kiên trì, bền bỉ với một quyết tâm cao độ mới có thể đưa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta đến thắng lợi hoàn toàn. Đồng thời, phải kiên quyết khắc phục tư tưởng chủ quan, nóng vội, duy ý trí.
Thấu triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tính chất của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, là cơ sở lý luận khoa học, cách mạng để Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986) khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước; bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Hiện nay, trước tình hình diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, vững tin vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa và lợi ích của quốc gia dân tộc, thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn ý thức rõ trách nhiệm chính trị, trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã giao phó; tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa... hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, luôn là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Ngày 04/7/1959
“Nếu mọi người học tập thấm nhuần tinh thần anh dũng và chí khí kiên cường, học được ở Viện bảo tàng, mà quyết tâm làm đúng chính sách của Đảng, đi đúng đường lối quần chúng, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, thì chúng ta nhất định thắng lợi trong mọi việc”.
Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài: “Xem Viện bảo tàng cách mạng”, đăng trên Báo Nhân dân, số 1936, ngày 04 tháng 7 năm 1959. Đây là thời kỳ miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện kế hoạch 3 năm cải tạo và bước đầu phát triển kinh tế, văn hóa sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Qua đây, Hồ Chí Minh muốn nhắc nhở mọi người về truyền thống tốt đẹp của dân tộc và trách nhiệm phải phát huy truyền thống đó trong điều kiện mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Mỗi người phải thấm nhuần được tinh thần anh dũng, chí khí kiên cường của dân tộc, của con người Việt Nam được kết tinh trong những hiện vật ở bảo tàng và biết vận dụng tạo nguồn lực tinh thần, nỗ lực thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, không sợ gian khổ, hi sinh, đoàn kết, đồng lòng, anh dũng chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, giải phóng đất nước và giành được những thành tựu bước đầu quan trọng trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp trong quân đội luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống, xây dựng cho bộ đội có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, tuyệt đối tin tưởng và chấp hành nghiêm đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; yêu nước, yêu chế độ, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân; tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ý chí vượt qua khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, sự gan dạ, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu và công tác; tinh thần đoàn kết nội bộ, tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn, tình đoàn kết máu thịt quân - dân; tính kỷ luật tự giác, nghiêm minh, tinh thần quốc tế cao cả... Mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội có trách nhiệm giữ gìn, vun đắp, tô thắm truyền thống của dân tộc, của quân đội và đơn vị, mãi mãi xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.
Ngày 05/7/1951
“Thi đua ái quốc nhằm ba mục đích chính: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Tức là làm cho nhân dân no, ấm, biết chữ, làm cho Tổ quốc độc lập, tự do”.
Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài: “Thi đua ái quốc, hiện tại và tương lai vẻ vang của nước ta”, đăng trên Báo Nhân dân, số 15, ngày 05 tháng 7 năm 1951. Đây là giai đoạn đầu thực hiện đường lối trường kỳ kháng chiến do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II xác định. Với phương châm: đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh biện pháp thi đua yêu nước, khơi dậy, huy động sức dân tham gia cuộc kháng chiến kiến quốc mau giành thắng lợi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ ba mục đích cụ thể của thi đua ái quốc là: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Tức thi đua ái quốc làm cho nhân dân no, ấm, biết chữ, làm cho Tổ quốc độc lập, tự do. Theo Người, thi đua ái quốc phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng của dân, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ chính trị cụ thể của từng thời kỳ cách mạng. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thúc đẩy các phong trào thi đua ái quốc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược phát triển rộng khắp, động viên, cổ vũ toàn quân và thu hút mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết tham gia. Tiêu biểu như các phong trào “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo kháng chiến”… Qua đó đã cuốn hút, cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước hăng say lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm chống giặc đói; thi đua học tập xoá nạn mù chữ, chống giặc dốt và dũng cảm ngoan cường trong chiến đấu diệt giặc ngoại xâm làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc vẫn còn nguyên giá trị, đã cổ vũ, khích lệ quân và dân ta thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của nhân dân, đảm bảo tốt an sinh xã hội; tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh; nâng cao cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, phong trào thi đua yêu nước được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị cụ thể hóa thành phong trào thi đua Quyết thắng phù hợp với đặc điểm, tình hình, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội đã được cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, với các nội dung, chỉ tiêu thi đua thiết thực, được cán bộ, chiến sĩ tích cực hưởng ứng thực hiện với quyết tâm cao. Phong trào thi đua Quyết thắng được gắn kết chặt chẽ với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, các cuộc vận động của các cấp, các ngành đã góp phần quan trọng vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện.
Ngày 06/7/1953
“Được lòng dân, thì việc gì cũng làm được, trái ý dân, thì chạy ngược chạy xuôi”.
Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài: “Sẽ được mấy lâu?”, đăng trên Báo Nhân dân, số 122, từ ngày 06 đến ngày 10 tháng 7 năm 1953; là giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta bước vào tổng phản công, quyết giành thắng lợi cuối cùng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải hành động vì dân, thấu hiểu, chia sẻ, quan tâm đến lợi ích chính đáng của nhân dân. Có như vậy, nhân dân mới tin tưởng và ủng hộ Chính phủ thực hiện thắng lợi mục tiêu của cách mạng.
Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng, Nhà nước ta luôn xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng của nhân dân để xác định chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật, không ngừng chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; nhân dân tin tưởng, đi theo Đảng, theo cách mạng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ và đại thắng mùa Xuân năm 1975, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; trong nước các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ nhân dân với Đảng... Đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta phải sâu sát quần chúng, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, có chủ trương, đường lối hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận giữa ý Đảng với lòng dân. Có như thế, mới tranh thủ được thời cơ, vượt qua thách thức, tiến hành thành công sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội ta luôn thực hiện tốt chức năng đội quân công tác trong tình hình mới, quan tâm chăm lo củng cố mối quan hệ đoàn kết nội bộ và làm tốt công tác dân vận; xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, toàn quân đẩy mạnh phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” với nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả; tiêu biểu: “Nâng bước em tới trường”, “Tết Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Tết quân dân”, “Xuân biên cương, Tết hải đảo”, “Tặng bò giống cho đồng bào nghèo”, “Bệnh xá quân dân y kết hợp”, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh… góp phần củng cố, giữ vững thế trận lòng dân, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải tập trung xây dựng quân đội cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; không ngừng tăng cường, củng cố mối quan hệ đoàn kết quân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ngày 07/7/1958
“Anh hùng, chiến sĩ thi đua đã là những người tiên phong trong sản xuất, mà cũng là gương mẫu về đạo đức cách mạng. Họ đặt lợi ích chung của dân tộc trên lợi ích riêng của cá nhân”.
Kết luận nêu trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài: “Lời chào mừng Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ II”, đọc ngày 07 tháng 7 năm 1958. Đây là thời kỳ miền Bắc bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện kế hoạch 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế - văn hóa (1958 - 1960). Nhiệm vụ trọng tâm lúc này là phát triển sản xuất, khôi phục kinh tế và xây dựng chế độ mới trên tất cả các lĩnh vực.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi nhận, biểu dương, khích lệ thành tích của các anh hùng, chiến sĩ thi đua đã đạt được trong những năm đầu đất nước hoà bình, khôi phục kinh tế ở miền Bắc. Lời dạy của Người đã cổ vũ, động viên, kêu gọi mọi người hăng hái phấn đấu học tập và làm theo tấm gương của các anh hùng, chiến sĩ thi đua trong Đại hội. Mặt khác, đã chỉ ra cách thức rèn luyện, phấn đấu cho mỗi cán bộ, đảng viên, phải luôn đặt lợi ích chung của dân tộc, của đất nước lên trên lợi ích riêng của cá nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, không sợ gian nguy, ra sức vượt mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mẫu mực về đạo đức, lối sống, không tự kiêu, tự mãn, tự tư, tự lợi về lợi ích và hưởng thụ, luôn giúp đỡ mọi người cùng tiến bộ. Đồng thời, Bác chỉ rõ tầm quan trọng của đạo đức cách mạng và vai trò của thi đua yêu nước đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội - một chế độ xã hội mà con người được đặt ở vị trí trung tâm, được bảo đảm về mọi quyền lợi chính đáng, được phát triển toàn diện bản thân.
Thực hiện lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ toàn quân đẩy mạnh phong trào thi đua Quyết thắng và các cuộc vận động của các cấp, các ngành, tập trung đột phá, khắc phục khâu yếu, mặt yếu, khơi dậy ý thức tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy truyền thống “quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng và phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc. Toàn quân xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trên các lĩnh vực công tác, trực tiếp góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tổ chức đảng trong sạch vững mạnh; cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc; không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Ngày 08/7/1958
“Vào Đảng, vào Đoàn không phải để làm “quan” cách mạng, hay là để nói chính trị suông. Tất cả đảng viên và đoàn viên phải ra sức tăng gia sản xuất, thực hành các chính sách của Đảng và Chính phủ”.
Là lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài: “Nói chuyện tại hội nghị sản xuất tỉnh Sơn Tây” (nay thuộc thành phố Hà Nội), ngày 08 tháng 7 năm 1958. Đây là thời kỳ đầu sau khi miền Bắc tiến hành cải cách ruộng đất, xây dựng hợp tác xã, khôi phục sản xuất và khắc phục hậu quả chiến tranh. Người muốn nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên tỉnh Sơn Tây nói riêng, cả nước nói chung về trách nhiệm và quyết tâm trong lãnh đạo phát triển sản xuất; cần phải gương mẫu, tích cực, chủ động, sáng tạo, nói đi đôi với làm, triệt để tham gia vào tổ đổi công, bằng những việc làm cụ thể để “làm đầu tàu lôi cuốn quần chúng tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm” nhằm khắc phục những yếu kém trong sản xuất ở vụ trước để vụ sau giành kết quả cao hơn. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải thực sự là những người tiền phong, gương mẫu trong thực hành các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, có phong cách làm việc cụ thể, tỉ mỉ, sâu sát quần chúng, biết làm gương và hướng quần chúng vào thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm trong từng thời kỳ nhất định.
Lời dạy của Người đã động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên, đoàn viên trong cả nước đề cao trách nhiệm chính trị, tích cực hăng hái tham gia vào các tổ chức ở địa phương, đơn vị, thực sự là nòng cốt thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nhiệm vụ của địa phương và cơ quan, đơn vị. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự làm gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, đến năm 1960 đời sống của nhân dân miền Bắc đã từng bước ổn định, ý thức chính trị được nâng cao, kinh tế được khôi phục, văn hóa, giáo dục, y tế ngày càng phát triển.
Quán triệt, thực hiện lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phụ nữ trong quân đội hiện nay phải luôn gương mẫu đi đầu trong chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, các cuộc vận động của các cấp, các ngành. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; những biểu hiện quan liêu, xa dân, vi phạm dân chủ, nói không đi đôi với làm. Cán bộ, đảng viên, nhất là các đồng chí cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị phải nêu cao tính tiền phong gương mẫu, thực hiện miệng nói tay làm, làm tốt, làm có hiệu quả cao, gương mẫu trong học tập, công tác và trong sinh hoạt, xông pha trong mọi nhiệm vụ nhất là những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ để làm gương cho bộ đội noi theo.
Ngày 09/7/1947
“Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại. Muốn thành công, phải biết cách tuyên truyền”.
Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài: “Người tuyên truyền và cách tuyên truyền”, đăng trên Báo Sự thật, số 79, từ ngày 26 tháng 6 đến ngày 09 tháng 7 năm 1947. Đây là giai đoạn đầu thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp xâm lược, đòi hỏi Đảng ta phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giác ngộ, nâng cao nhận thức của toàn dân về mục đích, tính chất, nhiệm vụ của cuộc kháng chiến. Trên cơ sở đó, xây dựng ý chí quyết tâm, củng cố niềm tin của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vào sự tất thắng của công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Đây cũng chính là phương châm, phương hướng phấn đấu, rèn luyện đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ chuyên trách làm công tác tuyên truyền, công tác dân vận; là một phong cách mới trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng của Đảng ta nói chung, của mỗi cán bộ, đảng viên và người làm công tác tuyên truyền nói riêng. Trên cơ sở đó, công tác tuyên truyền của Đảng đã luôn bám sát mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ, giai đoạn cách mạng; đặc điểm, tình hình của địa phương và nhân dân để lựa chọn đúng, trúng nội dung, phương pháp tuyên truyền, tạo nên sự đồng thuận giữa ý Đảng, lòng dân và sự thống nhất ý chí, hành động của toàn dân trong thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp trong toàn quân luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân có lý tưởng chiến đấu cao đẹp, yêu nước, yêu chế độ, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân; đề cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ý chí vượt qua khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, gan dạ, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu và công tác; có tinh thần đoàn kết nội bộ tốt, tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn; tính kỷ luật tự giác, nghiêm minh, tinh thần quốc tế cao cả; gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân hết lòng giúp đỡ, tin yêu, ghi nhận và trao tặng danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”. Hằng năm, toàn quân có hàng chục nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia làm công tác dân vận, các đoàn kinh tế - quốc phòng, cán bộ Bộ đội Biên phòng tăng cường xã… đã trực tiếp tham gia làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội; giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo trên các địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, mối quan hệ máu thịt quân - dân và “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.
Ngày 10/7/1960
“Phải lấy việc làm thực tế mà hướng dẫn nhân dân ta xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Lời dạy trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài: “Quốc hội ta vĩ đại thật”, đăng trên Báo Nhân dân, số 2304, ngày 10 tháng 7 năm 1960. Bài viết đã nêu lên ý nghĩa và những quyết định lịch sử của Quốc hội khóa I; đồng thời, khẳng định thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa II trong bối cảnh nhân dân ta đang đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Đây là sự kỳ vọng, cũng là lời căn dặn và giao nhiệm vụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh để các đại biểu Quốc hội khóa II thực sự là nơi gửi gắm quyền lực chính trị của nhân dân. Quốc hội phải tuyệt đối trung thành với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Để đạt được mục tiêu đó, mỗi đại biểu Quốc hội phải luôn sâu sát thực tế, bám nắm thực tiễn, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và bằng những hành động cụ thể, mẫu mực để làm gương và hướng dẫn nhân dân.
Lời dạy của Người, không chỉ là phương châm hành động, mục tiêu phấn đấu của đại biểu Quốc hội, đại biểu dân cử ở các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, mà còn là cơ sở, tiêu chí để nhân dân, quần chúng lựa chọn người đại diện cho mình và giám sát việc thực hiện của các đại biểu Quốc hội. Thực hiện lời dạy của Bác, nhân dân ta đã luôn đề cao trách nhiệm, lựa chọn được những người tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, tiền phong, gương mẫu về lời nói và hành động để bầu vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những đại biểu quân đội được cử tri tín nhiệm bầu vào Quốc hội luôn là những tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, về phương pháp, tác phong và phong cách công tác, nói đi đối với làm, sâu sát quần chúng và làm gương cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân noi theo. Trong tình hình hiện nay, trước xu thế dân chủ hóa và yêu cầu phát huy nhân tố con người trong xây dựng quân đội, đòi hỏi cần phải quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Mỗi quân nhân cần nhận rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong việc lựa chọn bầu ra những đại biểu đại diện cho tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của quân nhân trong đơn vị. Mặt khác, những người được lựa chọn làm đại diện cho quyền lợi chính trị, quân sự, kinh tế của quân nhân phải luôn nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, nhiệm vụ của quân đội, của đơn vị, không ngừng phấn đấu, rèn luyện, xứng đáng là tấm gương mẫu mực để quần chúng noi theo.
Ngày 11/7/1951
“Bất kỳ việc to việc nhỏ, phải chịu khó giải thích cho mọi người dân hiểu rõ thì dân sẽ vui lòng làm, mà việc gì cũng thành công”.
Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài: “Công trái”, đăng trên Báo Cứu quốc, số 1859, ngày 11 tháng 7 năm 1951. Đây là giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đảng và Nhà nước ta phát hành công trái để phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc đi đến thành công. Mặc dù cuộc phát hành công trái nhìn chung đã đạt được mục đích, yêu cầu đề ra; nhưng có địa phương, đơn vị chưa đạt chỉ tiêu; đặc biệt, so với việc Liên Xô phát hành công trái thì ta còn hạn chế. Do vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích và chỉ ra lý do những địa phương, đơn vị chưa đạt chỉ tiêu là do cán bộ những nơi đó tuyên truyền, giải thích chưa rõ, thậm chí quan liêu, mệnh lệnh.
Hồ Chí Minh khẳng định, trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, bất kỳ từ “việc to” đến “việc nhỏ”, nếu biết cách và kiên trì tuyên truyền, giải thích, động viên quần chúng nhân dân để họ hiểu rõ thì sẽ phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của quần chúng nhân dân và việc gì cũng sẽ đem lại thành công. Lời dạy đó không chỉ dành cho một người, một việc mà còn dành cho mọi cán bộ, đảng viên trong tất cả mọi việc. Qua đây, Hồ Chí Minh tiếp tục nhấn mạnh những tác động tiêu cực của bệnh quan liêu, mệnh lệnh đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên.
Lời dạy trên đây của Hồ Chí Minh là sự khẳng định vai trò quyết định của quần chúng nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng; đồng thời, cũng nói lên tầm quan trọng đặc biệt của công tác tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giác ngộ, đoàn kết, tập hợp và phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân. Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng khó khăn, phức tạp hơn, trong khi đó các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, kích động, chia rẽ nhân dân với Đảng. Thực tế đó càng đòi hỏi phải quán triệt và thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tuyên truyền.
Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và giáo dục chính trị theo đúng 3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp; tập trung xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; làm chủ vũ khí, trang bị; thành thục về kỹ thuật, chiến thuật; luôn phận biệt rõ đối tượng, đối tác của cách mạng Việt Nam; nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa... hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đồng thời, phải kiên quyết khắc phục mọi biểu hiện quan liêu trong quản lý, chỉ huy đơn vị.
Ngày 12/7/1951
“Người ta luôn luôn cần không khí để sống. Người cách mạng và đoàn thể cách mạng cần phê bình và tự phê bình thiết tha như người ta cần không khí.”
Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài: “Phê bình”, đăng trên Báo Nhân dân, số 16, ngày 12 tháng 7 năm 1951. Bối cảnh lúc này, Đảng ta củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời mở rộng đoàn kết quốc tế để đưa sự nghiệp kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công. Hồ Chí Minh khẳng định phê bình và tự phê bình là một vấn đề có tính nguyên tắc, là quy luật tồn tại và phát triển là công cụ sắc bén để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên và củng cố khối đoàn kết, thống nhất trong các tổ chức đoàn thể cách mạng.
Lời dạy của Bác đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức đảng và đảng viên trong thực hiện tự phê bình và phê bình, giúp cho mỗi đảng viên và tổ chức đảng kịp thời nhận rõ những ưu điểm để phát huy; những hạn chế, khuyết điểm để khắc phục, bảo đảm cho Đảng ta thực sự là một đảng cách mạng chân chính, luôn nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật để có chủ trương, đường lối đúng đắn lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành được thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Quán triệt và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, chấp hành nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng Đảng, Quân ủy Trung ương, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân đã ban hành đồng bộ các chỉ thị, nghị quyết về công tác xây dựng Đảng, luôn đề cao tự phê bình và phê bình, coi đó là quy luật phát triển, là vũ khí sắc bén để giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng; tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống trung thực, khiêm tốn, giản dị; vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa...
Ngày 13/7/1952
“Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập.”
Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong: “Bài nói chuyện tại hội nghị chiến tranh du kích”, ngày 13 tháng 7 năm 1952. Đây là giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta chuẩn bị chuyển sang tổng phản công. Trong nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân và lực lượng vũ trang có biểu hiện trông chờ vào sự giúp đỡ của các nước bạn. Mặt khác, lại xuất hiện tư tưởng nóng vội muốn đánh thắng ngay. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn chấn chỉnh nhận thức, củng cố niềm tin, phát huy nội lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tích cực tham gia thúc đẩy cuộc kháng chiến nhanh chóng giành thắng lợi.
Qua bài nói chuyện, Người nhấn mạnh, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta là trường kỳ gian khổ nhưng lại phải tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính. Lời dạy trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thực hiện lời dạy của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nhận thức rõ chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đoàn kết, thống nhất, phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường trong thực hiện nhiệm vụ của từng cá nhân, đơn vị, từng địa phương và nhiệm vụ chung của cách mạng. Tinh thần tự lực, tự cường của cả dân tộc là nhân tố quan trọng để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử phát triển của dân tộc.
Ngày nay, xu thế mở cửa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhưng tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường vẫn là yếu tố quyết định đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc. Do đó, trong khi mở rộng hợp tác quốc tế theo tinh thần Việt Nam là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Đảng ta phát huy cao độ tinh thần đại đoàn kết toàn dân, chủ động tự lực cánh sinh thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa.
Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam phải đề cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo; ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa... hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”. Đồng thời, luôn làm tốt công tác đối ngoại quốc phòng để mở rộng quan hệ quốc tế, tranh thủ sự hợp tác, ủng hộ của các đối tác góp phần xây dựng Quân đội nhân dân tiến lên chính quy, hiện đại.
Ngày 14/7/1955
“Học trò chẳng những học ở trường, học trong sách, mà còn cần học trong công tác phục vụ nhân dân một cách thực tế nữa.”
Là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài: “Kết hợp học với hành”, đăng trên Báo Nhân dân, số 498, ngày 14 tháng 7 năm 1955. Đây là năm đầu tiên miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bắt tay vào khôi phục kinh tế, tiếp tục cải cách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng, nhằm mục đích củng cố hòa bình, tiến tới giành độc lập, thống nhất nước nhà.
Thông qua bài viết, Hồ Chí Minh nhắc nhở cả người dạy và người học phải quán triệt và hiểu sâu sắc ý nghĩa của việc học, không chỉ học ở trong nhà trường, ở trong sách, mà còn phải học ở mọi người. Học tập là quá trình tiếp thu, thấm nhuần những tri thức được đúc rút từ thực tiễn cuộc sống và đem những tri thức đó áp dụng vào thực tiễn, để cải tạo thực tiễn và thúc đẩy sự phát triển của thực tiễn. Lời dạy của Người được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong lãnh đạo sự nghiệp giáo dục và đào tạo, coi đây là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội; chú trong nâng cao chất lượng và phát triển một nền giáo dục thực sự vì con người, vì cuộc sống, vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa thiết thực đối với hoạt động dạy học trong các nhà trường quân đội và thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở các cơ quan, đơn vị, đòi hỏi phải quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, 3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp trong huấn luyện, tập trung huấn luyện bảo đảm đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu; huấn luyện toàn diện, lấy thực hành làm chính; coi trọng huấn luyện làm chủ vũ khí trang bị mới, huấn luyện đêm, huấn luyện sát với đối tượng tác chiến, địa bàn, khu vực phòng thủ. Đồng thời, làm tốt công tác sơ, tổng kết để rút ra những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả để bổ sung vào các tài liệu, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả toàn diện công tác giáo dục, đào tạo và huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ngày 15/7/1950
“Trong công việc cách mạng, công việc kháng chiến kiến quốc, không có việc sang, việc hèn, mọi việc đều quan trọng. Mọi người phải làm tròn nhiệm vụ của mình”.
Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài: “Phải chữa cái bệnh cấp bậc”, đăng trên Báo Sự thật, số 136, ngày 15 tháng 7 năm 1950. Bài viết ra đời trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta chuẩn bị chuyển sang giai đoạn phản công và tiến công. Đây cũng là thời điểm Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở chiến dịch Biên giới 1950 để củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, phá hàng rào phong tỏa của thực dân Pháp nhằm nối liền nước ta với thế giới dân chủ. Do đó, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, đảng viên nói riêng, bộ máy Đảng, Nhà nước nói chung là hết sức quan trọng và cấp thiết.
Trong bài viết, Hồ Chí Minh đã chỉ ra những cán bộ có dấu hiệu của bệnh cấp bậc là chán nản, tiêu cực; khúm núm, tự ti hoặc tự kiêu, tự đại, coi thường đồng chí, đồng đội. Hậu quả của bệnh cấp bậc là cán bộ không đoàn kết, công việc không trôi chảy. Người cũng chỉ ra nguyên nhân của căn bệnh cấp bậc là do cán bộ chưa gột sạch óc quan liêu, ngôi thứ, còn mang nặng chứng “quan cách mạng” và chưa hiểu rằng, hoạt động của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cơ quan, đoàn thể được ví như là hoạt động của một chi tiết liên kết chặt chẽ trong bộ máy lớn. Trong đó, mỗi chi tiết của bộ máy đều có một vị trí, vai trò nhất định bảo đảm cho sự hoạt động của cả bộ máy. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã dạy, trong công việc cách mạng, công việc kháng chiến kiến quốc, không có việc sang, việc hèn, mọi việc đều quan trọng. Mọi người phải làm tròn nhiệm vụ của mình. Tất cả mọi ngành và tất cả mọi người phải đoàn kết thân mật, hợp tác chặt chẽ, như tay với chân, thì công việc mới thành công. Lời dạy của Hồ Chí Minh đã nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vị trí, tầm quan trọng của mỗi công việc cách mạng; trên cơ sở đó đề cao trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mình được giao. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên đã đề cao tự phê bình và phê bình, kiên quyết tẩy sạch tư tưởng ngôi thứ, địa vị và chủ nghĩa cá nhân, đặt công việc chung, lợi ích chung của Đảng, của cách mạng lên trên, lên trước.
Học tập và làm theo lời Bác dạy, tự hào với truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, vinh dự với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” mà nhân dân tin tưởng, yêu mến trao tặng, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân luôn nhận thức sâu sắc và xác định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm, gắn liền với niềm vinh dự lớn khi được Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin tưởng, giao phó trọng trách bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mỗi quân nhân dù được phân công đảm nhiệm chức trách, nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực, thi hành một cách nhanh chóng và chính xác; ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, kèn cựa địa vị, so đo, tính toán thiệt hơn; kiên quyết đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện.
Ngày 16/7/1947
“Những người lỡ đi lầm đường mà biết trở về với Tổ quốc thì dân Việt Nam sẵn sàng hoan nghênh.”
Đây là sự khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về truyền thống khoan dung, độ lượng của dân tộc Việt Nam khi Người trả lời phỏng vấn của một nhà báo nước ngoài ngày 16 tháng 7 năm 1947. Thời điểm này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đẩy mạnh công cuộc kháng chiến, kiến quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi. Đây cũng là lúc xuất hiện các quan điểm trái chiều về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cần phải được định hướng cho thống nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Nước nào cũng có những đảng phái với những quan điểm chính trị khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Song khi lợi ích chung của dân tộc bị lâm nguy thì các đảng phái phải đoàn kết để cứu nước. Do đó, sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam là thực hiện lợi ích chung của dân tộc. Nếu đảng phái nào lợi dụng sự khác nhau về quan điểm chính trị mà phản kháng chiến, phản nhân dân, đi theo phe địch thì quốc dân không thể tha thứ, lịch sử không thể khoan dung. Song nhân dân Việt Nam sẵn sàng hoan nghênh những người lỡ đi lầm đường mà biết trở về với Tổ quốc.
Tư tưởng nhân văn, nhân đạo Hồ Chí Minh đã thấu suốt trong các chủ trương, chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta trong xây dựng chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, chính sách đối với tù, hàng binh. Truyền thống, chính sách khoan hồng, nhân văn, nhân đạo không chỉ đối với những người Việt Nam lầm đường, lạc lối đi theo giặc, nay giác ngộ và trở về với Tổ quốc, mà được quân và dân ta đối xử khoan hồng, nhân đạo với cả những tù, hàng binh, những người đã mang bom, đạn đến tàn phá quê hương, cướp bóc tài sản, giết hại người già, phụ nữ và trẻ em vô tội. Lòng khoan dung, vị tha, độ lượng, chính sách khoan hồng, nhân đạo thể hiện sâu sắc truyền thống của dân tộc Việt Nam và bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, tất cả vì con người, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng con người.
Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có lý tưởng chiến đấu cao đẹp, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân; có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; thương yêu đồng chí, đồng đội, gắn bó máu thịt với dân; tính kỷ luật tự giác, nghiêm minh, tinh thần quốc tế cao cả, chấp hành nghiêm chính sách đối với tù, hàng binh... hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.
Ngày 17/7/1966
“ ...Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước, được Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi sáng ngày 17 tháng 7 năm 1966 trong thời điểm đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ và quân các nước chư hầu vào tham chiến trực tiếp trên chiến trường miền Nam; đồng thời, leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân nhằm đè bẹp ý chí đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập tự do” là động lực tinh thần to lớn thôi thúc lớp lớp các thế hệ người Việt Nam đồng tâm, nhất trí, anh dũng, kiên cường, sẵn sàng hiến dâng máu xương, chiến đấu, hy sinh đánh thắng hai đế quốc đầu sỏ, hung bạo, giải phóng dân tộc và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trở thành dân tộc tiêu biểu cho lương tri của nhân loại trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới ở thế kỷ XX.
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực, trong nước có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, khó lường; song giá trị của lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập tự do” vẫn không hề thay đổi. Chân lý đó đã, đang và sẽ tiếp tục được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó cũng chính là cội nguồn để tạo nên “những thành tựu có ý nghĩa lịch sử” góp phần nâng cao uy tín, vị thế của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.
Là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, đặt dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn thấm nhuần chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, nhận thức sâu sắc, tin tưởng vào đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng, nhận rõ đối tượng, đối tác của cách mạng Việt Nam, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội, xây dựng bản lãnh chính trị kiên định, vững vàng, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, làm chủ vũ khí, trang bị, tinh thông về kỹ, chiến thuật, nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Ngày 18/7/1955
“Dựa vào nhân dân thì việc gì, dù khó đến đâu cũng có thể làm được.”
Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài: “Sức mạnh nhân dân” bút danh H.B, đăng trên Báo Nhân dân số 502, ngày 28 tháng 7 năm 1955. Đây là năm đầu miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bắt tay vào khôi phục kinh tế, tiếp tục cải cách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng, nhằm mục đích củng cố hòa bình, tiếp tục thực hiện sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; cần phải phát huy cao độ mọi tiềm năng, trí tuệ, sức mạnh của toàn dân để giành thắng lợi của cách mạng trong giai đoạn mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhận thức đúng và đề cao vai trò của nhân dân, Người chỉ rõ: Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra. Đây chính là triết lý về vai trò của nhân dân và mối quan hệ giữa Đảng với dân; là định hướng về tư tưởng, thái độ và hành động cho cán bộ, đảng viên trong quan hệ với nhân dân. Yêu cầu cán bộ, đảng viên phải chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; luôn tôn trọng dân, lắng nghe và học hỏi dân; khơi nguồn sức mạnh trong dân, biết dựa vào dân để giải quyết các công việc cách mạng. Thấm nhuần lời dạy của Người, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng và làm tốt công tác dân vận, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy tối đa sức mạnh của nhân dân để giành thắng lợi trong kháng chiến, kiến quốc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, được nhân dân thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ, tin tưởng và trao tặng danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”. Mối quan hệ quân - dân là một hình mẫu tiêu biểu cho mối quan hệ máu thịt, cá - nước, thủy chung vẹn toàn, trở thành lời thề danh dự của người quân nhân cách mạng.
Thực hiện chức năng đội quân công tác, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã tích cực làm tốt công tác dân vận, tham gia xây dựng hệ thống chính trị, giúp dân phát triển kinh tế - xã hội; xóa đói, giảm nghèo; xóa mù chữ; xây dựng nông thôn mới, phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cho các tầng lớp nhân dân, đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên các địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,… Qua đó, không ngừng củng cố, giữ vững mối quan hệ gắn bó quân dân, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, thiết thực thực hiện tốt công tác dân vận của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới.
Ngày 19/7/1965
“Phải đoàn kết chặt chẽ giữa cán bộ và chiến sĩ, giữa bộ đội với nhau, giữa nhân dân với bộ đội”.
Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Đoàn Tam Đảo, Bộ đội Phòng không - Không quân khi Người đến thăm đơn vị ngày 19 tháng 7 năm 1965 (nay là Lữ đoàn Pháo Phòng không 234/ Quân đoàn 3). Đây là thời gian đế quốc Mỹ xâm lược đang tăng cường leo thang chiến tranh ra miền Bắc bằng không quân. Người đã chỉ rõ vai trò to lớn của đoàn kết và khẳng định rằng, đoàn kết chính là yếu tố quyết định để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta làm cách mạng thắng lợi, kháng chiến thành công. Vì vậy, bộ đội Phòng không - Không quân nói riêng, toàn quân nói chung muốn đánh thắng giặc Mỹ xâm lược thì phải đoàn kết hơn nữa; phải chăm lo xây dựng mối quan hệ đoàn kết thống nhất trong nội bộ và đoàn kết chặt chẽ giữa quân đội với nhân dân. Điều này phản ánh quan điểm của Người về nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội, sức mạnh của đất nước thông qua xây dựng mối quan hệ đoàn kết thống nhất trong quân đội và giữa quân đội với nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Lời dạy của Bác được cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Đoàn Tam Đảo, Bộ đội Phòng không - Không quân nói riêng, toàn quân nói chung ghi nhớ và thực hiện nghiêm túc, trở thành nguồn sức mạnh to lớn, bảo đảm cho bội đội Phòng không - Không quân, quân và dân ta phát huy sức mạnh tổng hợp đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ xâm lược, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy tinh thần đại đoàn kết, tiếp nối quan điểm, đường lối về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc qua các kỳ đại hội, Đại hội lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định: Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khắc ghi lời Bác dạy, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn đoàn kết chặt chẽ với nhau như ruột thịt trên tình thương yêu giai cấp; hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận; thực hiện toàn quân một ý chí. Đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, thực hiện quân với dân một ý chí, đi dân nhớ, ở dân thương… đã trở thành lời thề danh dự của người quân nhân nhân cách mạng, đồng thời cũng là nguồn cội tạo nên sức mạnh để Quân đội ta chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, luôn là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước, Nhân dân, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.
Ngày 20/7/1957
“Con đường tiến tới xã hội chủ nghĩa của các dân tộc là con đường chung của thời đại, của lịch sử, không ai ngăn cản nổi”.
Câu nói trên được trích trong phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tiệc chiêu đãi của Chủ tịch Dapôtốtxki nước Cộng hòa Tiệp Khắc ngày 20 tháng 7 năm 1957 nhân dịp Người sang thăm và làm việc với nước bạn. Đây là thời kỳ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kiên trì thực hiện Hiệp định Giơnevơ để thống nhất Tổ quốc bằng phương pháp hòa bình.
Hồ Chí Minh một mặt khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là chân lý của thời đại, dù có khó khăn, gian khổ đến đâu, nhưng đó chắc chắn là quy luật phát triển tất yếu của xã hội loài người. Mặt khác, đó còn là sự khẳng định về tính đúng đắn, sáng tạo của của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xác định con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Người đã thay mặt nhân dân và Chính phủ Việt Nam bày tỏ sự tin tưởng và cảm mến với những thành quả của sự nghiệp cách mạng mà nhân dân, Chính phủ Tiệp Khắc anh em đã giành được và khẳng định tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng giữa nhân dân hai nước để cùng tiến bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Lời dạy của Bác là cơ sở quan trọng để Đảng ta nghiên cứu, vận dụng, phát triển trong cương lĩnh xây dựng đất nước, xác định hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam và tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước trong điều kiện thế giới có nhiều biến động, nhất là giai đoạn cuối thế kỷ XX khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu lâm vào thoái trào và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay. Thành tựu bước đầu rất quan trọng của hơn 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng càng làm sáng tỏ cơ sở khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự kiên định của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta là đúng đắn, hợp quy luật.
Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, thấu triệt lời Bác Hồ dạy, cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa... hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có thái độ phân biệt đúng, sai, không dao động trước các tác động tiêu cực, khó khăn, hiểm nguy, xứng đáng với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” và luôn là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Ngày 21/7/1956
“Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý.”
Là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói chuyện với cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Nhân dân Việt Nam khi Người đến thăm nhà trường ngày 21 tháng 7 năm 1956. Đây là thời kỳ miền Bắc bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tự do tư tưởng trong học tập, nghiên cứu là bản chất tốt đẹp của chế độ dân chủ mà nhân dân ta đang xây dựng; mục đích của tự do tư tưởng là để tìm ra chân lý và chân lý chính là lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân. Do vậy, nếu đi chệch mục đích đó thì tự do sẽ trở thành phản dân chủ, thành tự do vô tổ chức. Lời dạy trên, chính là minh chứng về phong cách nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm của Hồ Chí Minh; trước những vấn đề lớn, Bác vẫn dùng cách khái quát thành những triết lý rất đời thường, để ai cũng hiểu, cũng nhớ và có thể thực hiện được. Thông qua đó, Người cũng muốn gửi gắm tới đội ngũ cán bộ, đảng viên và mọi người Việt Nam phải luôn biết đặt lợi ích của quốc gia dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên, lên trước, để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nguyện thề tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, dù gian lao, khổ hạnh cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào luôn đặt lợi ích của Đảng, Nhà nước, Nhân dân lên trên, lên trước; kiên quyết đấu tranh bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có thái độ phân biệt đúng, sai, không dao động trước những tác động tiêu cực, khó khăn, hiểm nguy và sự chống phá của các thế lực thù địch. Nói và làm đúng nghị quyết; ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; mẫu mực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gương mẫu, đi đầu trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chấp hành tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, nội bộ đoàn kết thống nhất cao; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Ngày 22/7/1954:
“Cả nước đồng lòng, muôn người như một, chúng ta nhất định thắng lợi”.
Là khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Lời kêu gọi sau Hội nghị Giơnevơ thành công” được Người viết ngày 22 tháng 7 năm 1954, Báo Nhân dân đăng trên số 208, từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 7 năm 1954.
Trước đó, ngày 26 tháng 4 năm 1954 khi Quân đội ta kết thúc chiến dịch tấn công đợt 2 ở Điện Biên Phủ thì Hội nghị Giơnevơ (Thụy Sỹ) bắt đầu khai mạc. Tham dự Hội nghị có đại diện của: Việt Nam, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Mỹ, Lào, Campuchia và chính quyền Bảo Đại. Trải qua 08 phiên họp toàn thể, 23 phiên họp hẹp căng thẳng, với thiện chí của phái đoàn Việt Nam, ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến tranh ở Đông Dương được ký kết; theo đó, nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành 2 miền qua vĩ tuyến 17 và tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước trước tháng 7 năm 1956. Để kịp thời thông báo kết quả Hội nghị và tiếp tục khẳng định vai trò to lớn, sức mạnh vô địch của sự đoàn kết, nhất trí, sự đồng tâm, hiệp lực trong đấu tranh cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết lời kêu gọi trên.
Thực hiện lời kêu gọi của Người, quân và dân ta đã đoàn kết, nhất trí dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh anh dũng chiến đấu và chiến thắng trong công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và giành nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa.
Khắc ghi lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân luôn nhận thức sâu sắc sức mạnh quân đội nằm trong kỷ luật và sự đoàn kết, thống nhất; đây là nhân tố hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sức mạnh chiến đấu, chiến thắng của Quân đội ta. Thực tiễn đã chỉ rõ, thành công trong xây dựng và chiến thắng trong chiến đấu được bắt nguồn tự sự đoàn kết, thống nhất trong tổ chức, giữa lãnh đạo, chỉ huy với quần chúng, giữa cán bộ với chiến sĩ, giữa quân với dân, tiền tuyến và hậu phương. Quân đội ta là một quân đội cách mạng; cán bộ, chiến sĩ là những người cùng chung lý tưởng, bình đẳng về chính trị, thống nhất về mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ. Mối quan hệ giữa cán bộ, chiến sĩ được xây dựng trên cơ sở tình cảm cách mạng, tình thương yêu giai cấp, đồng chí, đồng đội. Đoàn kết, thống nhất là truyền thống, là lời thề danh dự, nét đẹp văn hóa trong phẩm cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, là động lực, nhân tố tích cực để xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Ngày 23/7/1955
“Chúng ta phải học tinh thần tự lập tự cường, tinh thần hăng hái thi đua sản xuất và tiết kiệm của nhân dân các nước bạn… Chúng ta phải bồi dưỡng lòng nồng nàn yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính.”
Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Người nói trong Báo cáo về việc đoàn đại biểu của Chính phủ ta đi thăm Liên Xô và Trung Quốc, ngày 23 tháng 7 năm 1955 ở Quảng trường Thụy Khuê (Hà Nội). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là kết quả của sự đoàn kết, anh dũng chiến đấu của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trong đó có Liên Xô và Trung Quốc. Qua đó, Người đã khích lệ, động viên toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân ta cần phải khắc phục tâm lý trông chờ, ỉ lại, dựa dẫm vào sự giúp đỡ của các nước bạn; mà cần phải nêu cao tính độc lập, tự chủ, tự cường, lòng yêu nước và tinh thần quốc tế trong sáng để tiếp tục phấn đấu giành nhiều thắng lợi hơn nữa cho cách mạng nước nhà.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo ra thế và lực để tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị to lớn đối với quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta; ngày đầu thành lập, chỉ với 34 cán bộ, chiến sĩ, vũ khí thô sơ, nhưng với tinh thần tự lực, tự cường, với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm; thi đua giết giặc lập công; sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân và đặc biệt, là sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Bác Hồ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, cùng với toàn Đảng, toàn dân đánh thắng đế quốc, thực dân xâm lược, giải phóng đất nước, lập nên truyền thống vẻ vang “quyết chiến, quyết thắng”, luôn là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, xứng đáng với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”. Hiện nay, toàn quân tiếp tục nỗ lực phấn đấu xây dựng theo hướng cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.
Ngày 24/7/1962
“Tệ tham ô, lãng phí, quan liêu là cái xấu xa do xã hội cũ để lại, như cái ung nhọt còn sót lại trên thân thể của người khổng lồ. Công khai và mạnh dạn gạt bỏ cho thật sạch những ung nhọt ấy thì thân thể càng mạnh khỏe thêm”.
Là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước ngày 24 tháng 7 năm 1962. Đây là giai đoạn nước ta đang đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược ở miền Nam.
Trong bài nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tệ tham ô, lãng phí, quan liêu là điều xấu xa và có nguyên nhân trong xã hội cũ; đi ngược lại mục tiêu của xã hội mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang xây dựng; nó là cái ung nhọt còn sót lại mà chúng ta cần phải gạt bỏ bằng sự quyết tâm chính trị và công khai, dân chủ để tạo sự đồng thuận cao làm cho xã hội ngày càng phát triển tốt hơn. Đồng thời, thể hiện quyết tâm của Người đứng đầu Đảng, Chính phủ trong đấu tranh loại bỏ tệ xấu đó; qua đó, đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả của việc đấu tranh phòng chống tham ô, lãng phí, quan liêu trong kháng chiến, kiến quốc và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Quán triệt và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta lãnh đạo toàn dân, toàn quân giành được thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; tiến hành sự nghiệp đổi mới giành được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Kiên quyết, kiên trì với quyết tâm chính trị cao trong đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, coi đây là giặc nội xâm cần phải loại trừ để làm trong sạch Đảng, trong sạch bộ máy, để “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.
Học tập và làm theo lời Bác dạy, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị. Thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục; triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các phòng trào thi đua, các cuộc vận động; tiêu biểu: “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, “Đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”, “Yêu xe như con, quý xăng như máu”… tổ chức cho cán bộ, đảng viên cam kết chấp hành nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, qui định của Đảng, của quân đội về thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; hằng năm triển khai tốt việc kê khai tài sản cá nhân, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chi bộ, các tổ chức quần chúng trong đơn vị; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; duy trì nền nếp, chất lượng Ngày chính trị, văn hóa, tinh thần và chế độ công khai tài chính ở đơn vị; xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân vi phạm… góp phần thiết thực xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện.
Ngày 25/7/1949
“Cũng như chim muốn bay cần phải có hai cánh; một cuộc chiến tranh muốn thắng lợi, cần phải có hai lực lượng chính: quân sự và chính trị”.
Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong Báo cáo “Tình hình thế giới và trong nước tháng 6 và tháng 7 năm 1949” tại phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 25 tháng 7 năm 1949. Đây là lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã vượt qua giai đoạn cầm cự và chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn phòng ngự và mở rộng tuyên truyền đối ngoại; qua đó, làm cho nhân dân thế giới biết đến cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta chống lại đế quốc, thực dân xâm lược, giải phóng đất nước.
Với nhãn quan chính trị sắc sảo, Hồ Chí Minh thấy rất rõ mối quan hệ chặt chẽ về cuộc chiến tranh khi đề cập đến tình hình trong nước, lực lượng chính trị và lực lượng quân sự như hai cái cánh của một con chim và con chim muốn bay thì hai cái cánh đó phải mạnh. Cùng với những nhận định của các nhà chính trị, quân sự và báo chí nước ngoài, Hồ Chí Minh đã kết luận về quân sự thì lực lượng Pháp từ mạnh lui xuống yếu và sẽ lui nữa. Lực lượng ta từ yếu tiến lên mạnh và sẽ tiến mãi. Còn về chính trị thì chính trị của Pháp đã cũ rích, lỗi thời, lạc hậu, ngoài thủ đoạn chia để trị và sử dụng việt gian, bù nhìn, chúng không có gì khác. Trong khi đó, chính trị của ta thì rất rõ ràng, nhất quán, trước sau như một là toàn dân đoàn kết, kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Thêm nữa, tình hình dân chủ thế giới rất có lợi cho ta. Do đó, cánh ta đã vững, gió lại thuận chiều, cho nên ta nhất định thắng lợi.
Thấu triệt tinh thần chỉ đạo của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính nghĩa của cuộc kháng chiến nhằm phát triển lực lượng chính trị, lực lượng quân sự, khích lệ, động viên kịp thời quân và dân ta anh dũng chiến đấu, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp đưa đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, thống nhất đất nước và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước thu được những thành tựu quan trọng.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị to lớn trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam; từ Quân ủy Trung ương đến cấp cơ sở đã luôn quán triệt và thực hiện nhất quán quan điểm nhiệm vụ quân sự phải quán triệt và tuyệt đối phục tùng nhiệm vụ chính trị của Đảng, của cách mạng. Quan tâm giải quyết căn bản mối quan hệ chính trị và quân sự, tinh thần và vật chất, chất lượng và số lượng, bên trong và bên ngoài, con người và vũ khí… có mối quan hệ hữu cơ, làm điều kiện cho nhau và thúc đẩy lẫn nhau phát triển. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, phẩm chất, đạo đức lối sống “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, kỷ luật tự giác, nghiêm minh, ra sức học tập, rèn luyện về mọi mặt, làm chủ vũ khí trang bị, khoa học công nghệ… đã tạo và nhân lên sức mạnh tổng hợp để Quân đội ta chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, xứng đáng với niềm tin yêu và là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước, Nhân dân.
Ngày 26/7/1962
“Mọi người công dân - già trẻ gái trai - đều phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà. Mọi người phải nâng cao tinh thần trách nhiệm cần kiệm xây dựng Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói chuyện với nhân dân và cán bộ tỉnh Hải Dương khi Người về thăm và làm việc tại địa phương, ngày 26 tháng 7 năm 1962. Đây là thời kỳ miền Bắc đang đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam chiến đấu anh dũng chống đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất nước nhà.
Theo Hồ Chí Minh, dưới chế độ mới - chế độ Dân chủ nhân dân, mọi công dân phải có tinh thần làm chủ đất nước, phải khắc phục tư tưởng làm thuê, làm mướn dưới chế độ thuộc địa, nửa phong kiến và phải chống chủ nghĩa cá nhân. Phải không ngừng phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, nhất là cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần mình vì mọi người, mọi người vì mình, đề cao trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, học tập, công tác và thực hành tiết kiệm, thật sự là người chủ xây dựng đất nước.
Ngày nay, sự cạnh tranh giữa các quốc gia, dân tộc ngày càng gay gắt; sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, lời dạy trên của Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa thực tiễn to lớn; bởi, chỉ có đề cao tinh thần tự lực, tự cường, làm chủ mới có sự sáng tạo và chỉ có sáng tạo mới tạo ra những giá trị mới đáp ứng cho sự phát triển bền vững và bảo đảm cho thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Lời Bác dạy, có ý nghĩa quan trọng, thiết thực đối với sự nghiệp xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; bảo đảm cho quân đội thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trong bất luận mọi điều kiện, hoàn cảnh phải tuyệt đối trung thành và sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; ra sức học tập nâng cao trình độ mọi mặt; tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, bảo quản, giữ gìn, khai thác và phát huy tốt nhất sức mạnh của vũ khí, trang bị; thực hành cần, kiệm, liêm, chính; kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tư tưởng trung bình chủ nghĩa, thờ ơ, ngại rèn luyện, kém phấn đấu; nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Ngày 27/7/1950
“Càng tưởng nhớ đến những người con dũng cảm của Tổ quốc, thì mọi người càng phải thêm hăng hái thi đua làm trọn nhiệm vụ tổng động viên, để chuẩn bị đầy đủ, để chuyển mạnh sang tổng phản công, để tranh lại độc lập và thống nhất cho Tổ quốc”.
Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Thư gửi Ban Tổ chức Trung ương ngày thương binh liệt sĩ”viết ngày 27 tháng 7 năm 1950. Đây là giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng và có bước phát triển mạnh. Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch trên hướng biên giới Đông Bắc thuộc hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn nhằm mục đích tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới mở đường giao thông với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Mặc dù bận bộn bề nhiều công việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giành thời gian viết thư thăm hỏi anh em thương binh, gia đình các tử sĩ và Người gửi tặng 01 tháng lương của mình góp vào quỹ, thể hiện sự tri ân đối với các thương binh, liệt sĩ. Qua đó, Người cũng động viên, khích lệ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hăng hái thi đua, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của cách mạng để giành độc lập, thống nhất Tổ quốc và cũng để trả thù cho các thương binh, tử sĩ đã anh dũng hi sinh, hiến dâng máu đào tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang, để Tổ quốc được độc lập, tự do, thống nhất và dân tộc ta mãi mãi trường tồn. Tinh thần bất diệt, tấm gương sáng ngời của các liệt sĩ, thương binh sẽ sống mãi với non sông Việt Nam.
Đảng, Nhà nước, quân và dân ta đời đời ghi nhớ, vinh danh sự hi sinh và những cống hiến to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, thương binh và luôn quan tâm làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, tổ chức toàn dân tích cực tham gia các phòng trào: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, như: Xây nhà tình nghĩa, lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, ổn định đời sống thương binh, bệnh binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, con liệt sĩ… đã trở thành hoạt động thường xuyên trong mọi mặt đời sống xã hội.
Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, cấp ủy, chỉ huy các cấp, cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Toàn quân đã xây và trao tặng hàng chục nghìn ngôi nhà tình nghĩa, nhà đồng đội cho thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; đăng ký phụng dưỡng suốt đời hàng nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng; tích cực triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 1237 về “Tiếp tục tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Đề án 150 về “Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin” và các chương trình, đề án của Chính phủ, nhằm huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội cùng nhân dân cả nước thực hiện tốt công tác chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, góp phần tạo sự ổn định chính trị xã hội, củng cố niềm tin của nhân đối với Đảng, Nhà nước và cũng là thiết thực học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy.
Ngày 28/7/1954
“Hòa bình cũng như kháng chiến, chúng ta quyết không nên vì thắng mà kiêu. Toàn thể nhân dân, quân đội và cán bộ ta cần phải ghi nhớ mà thực hành”.
Là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài “Hội nghị Giơnevơ thắng lợi lớn”, viết ngày 28 tháng 7 năm 1954 được Báo Nhân dân đăng trên số 209, từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 7 năm 1954. Đây là lúc nhân dân ta vui mừng, phấn khởi với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Điều đó là hoàn toàn xứng đáng, nhưng cảm giác đó cũng dễ dẫn đến tâm lý tự kiêu, say xưa chiến thắng mà thỏa mãn dừng lại. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã phân tích và làm sâu sắc hơn thắng lợi của nhân dân ta trong Hội nghị Giơnevơ nói riêng, trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung. Người không quên nhắc nhở nhân dân và quân đội ta cần nhận rõ, thắng lợi đó rất quan trọng nhưng chỉ là bước đầu trên con đường đi tới độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc thực sự. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải tiếp tục đoàn kết chặt chẽ, tư tưởng thống nhất, hành động nhất trí, ra sức đấu tranh để: Củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, xây dựng dân chủ thật sự. Chúng ta đã giành thắng lợi trong kháng chiến, nhất định sẽ thành công trong hòa bình.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị lịch sử và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, là phương châm hành động để cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp trong toàn quân quán triệt và thực hiện có hiệu quả trong lãnh đạo tư tưởng, giáo dục chính trị, xây dựng tinh thần đoàn kết toàn quân một ý chí, tạo nên sức mạnh chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, giải phóng đất nước và hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa. Dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn thấu triệt lời thề: Không ngừng nâng cao tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa, tinh thần quốc tế vô sản, rèn luyện ý chí chiến đấu kiên quyết và bền bỉ, thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, giữ vững và phát huy tốt truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng” và phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Ngày 29/7/1964
“Muốn hoàn thành tốt mọi việc, thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và chính sách của Đảng. Và muốn như vậy, thì các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác kiểm tra”.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Bài nói tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra của Đảng, ngày 29 tháng 7 năm 1964. Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta đang diễn ra rất ác liệt, đòi hỏi phải tập trung mọi mặt để thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Do vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng; giữ gìn tốt kỷ luật; các cấp ủy, tổ chức đảng phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, bảo đảm cho mọi chủ trương, đường lối, chính sách được thực thi nghiêm túc, nhất quán, đạt hiệu quả cao.
Quán triệt và thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Bác, cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban kiểm tra Đảng các cấp trong toàn Đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm thông qua việc ban hành đồng bộ, kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, quy định về trách nhiệm nêu gương; quy định các điều đảng viên không được làm, về quy trình tiến hành công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, Ủy ban kiểm tra Đảng các cấp… đã trực tiếp góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng “vừa hồng, vừa chuyên”, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi vẻ vang trong công cuộc kháng chiến kiến quốc và thành công trong sự nghiệp đổi mới, như Bác hằng mong muốn “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.
Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, Quân ủy Trung ương, cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn quan tâm lãnh đạo không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng. Duy trì nghiêm túc nền nếp, chế độ sinh hoạt đảng, thực hiện tốt nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; rà soát, bổ sung và thực hiện nghiêm quy chế làm việc, quy chế lãnh đạo trên các mặt công tác trọng yếu; xác định rõ mối quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách. Phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị; phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân tham gia xây dựng Đảng. Đổi mới phương pháp, phong cách lãnh đạo theo chủ trương hướng về cơ sở, sâu sát bộ đội, cụ thể, tỉ mỉ. Gắn xây dựng cấp uỷ trong sạch vững mạnh với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Thực hiện nghiêm việc đánh giá chất lượng tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ hằng năm gắn với sinh hoạt tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng.
Cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra của cấp ủy các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng; thực hiện đồng bộ giữa công tác kiểm tra và công tác giám sát, “giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm” để chủ động phòng ngừa xẩy ra khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp từ khi còn manh nha, ngay tại cơ sở, ở trong chi bộ, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và xử lý các vấn đề phát sinh, không để trở thành điểm nóng, bức xúc, nổi cộm trong cơ quan, đơn vị đã thiết thực góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơnvị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Ngày 30/7/1950
“Xin chỉ thị trước khi làm, gửi báo cáo khi làm xong - là một điều rất cần thiết, để làm cho chính sách của Chính phủ và Đoàn thể thấu suốt từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên”.
Là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Xin chỉ thị, gửi báo cáo”, đăng trên Báo Sự thật, số 137, ngày 30 tháng 7 năm 1950. Đây là lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bước vào giai đoạn ác liệt, rất cần sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Tuy nhiên, một số địa phương, cán bộ, đảng viên chấp hành chưa nghiêm chế độ báo cáo, xin chỉ thị hoặc có làm nhưng chất lượng thấp ảnh hưởng chung đến sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của cả nước. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Xin chỉ thị, gửi báo cáo”để kịp thời trấn chỉnh tình hình đó.
Lời dạy của Hồ Chí Minh có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc về tính tổ chức, tính kỷ luật của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở mỗi địa phương; khắc phục tình trạng biệt lập, cục bộ, qua đó tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc thành công và giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, cấp ủy, chỉ huy các cấp, cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân phải luôn nhận thức đúng và thường xuyên rèn luyện phương pháp, tác phong công tác khoa học, thực hiện nghiêm chế độ, nền nếp báo cáo, xin chỉ thị của cấp trên và các cơ quan chức năng; đặc biệt, trước những nhiệm vụ lớn, những nội dung mới liên quan đến nhiều lực lượng và có phạm vi ảnh hưởng rộng cần phải có sự phối hợp để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Trong thực hiện nhiệm vụ được giao, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải luôn đề cao trách nhiệm, tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng, chính xác các mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên và báo cáo kết quả thực hiện phải trung thực, kịp thời, không che dấu khuyết điểm, hạn chế. Kiên quyết đấu tranh phê phán phương pháp, tác phong làm việc tùy tiện, chủ nghĩa kinh nghiệm; báo cáo thiếu trung thực, làm thì kém, báo cáo thì hay… ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.
Ngày 31/7/1952
“Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần kiệm liêm chính, để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc”.
Là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Chống quan liêu, tham ô, lãng phí”, đăng trên Báo Nhân dân, số 68, ngày 31 tháng 7 năm 1952. Đây là thời kỳ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta bước sang giai đoạn gay go, ác liệt, đòi hỏi phải đoàn kết chặt chẽ, thống nhất cao về ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Tuy nhiên, trong một bộ phận cán bộ, đảng viên xuất hiện biểu hiện tham ô, lãng phí, quan liêu, đã được nhân dân phê bình nhưng còn có dấu diếm, chưa kiên quyết kiểm thảo và sửa chữa không những làm thiệt hại về kinh tế mà còn làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ; rối loạn kỷ cương pháp luật, hư hỏng cán bộ. Ngày nay, tham nhũng, lãng phí được Đảng ta coi là giặc nội xâm, là đồng minh của chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta, cần phải kiên quyết đấu tranh để bài trừ khỏi đời sống xã hội.
Những tư tưởng về chống tham ô, lãng phí của Bác Hồ mang tầm chiến lược và có giá trị thực tiễn vô cùng sâu sắc. Thấu triệt tư tưởng của Người, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành đồng bộ các nghị quyết, chỉ thị, qui định và các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; mở rộng dân chủ rộng rãi ở cơ sở; tăng cường công tác thanh tra, giám sát của các cơ quan chức năng, gắn với phát động và động viên sự giám sát của nhân dân theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” thể hiện quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kiên quyết, kiên trì đấu tranh không khoan nhượng, không có vùng cấm để loại bỏ thứ giặc nội xâm ra khỏi đời sống xã hội đã trực tiếp củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, với chế độ góp phần vào thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và thành công trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Học tập và làm theo lời Bác dạy, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp thông qua việc tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, qui định của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Qui định trách nhiệm của người cán bộ chủ trì và tổ chức cho cán bộ, đảng viên đăng ký cam kết chấp hành nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, qui định của Đảng, Nhà nước; thực hiện nghiêm, có chất lượng qui định về kê khai tài sản với các đối tượng theo qui định; phát huy dân chủ rộng rãi thông qua sinh hoạt Đảng, sinh hoạt đơn vị, thực hiện tài chính công khai ngày, tuần, tháng; tổ chức có nền nếp, chất lượng Ngày Chính trị, văn hóa tinh thần; Ngày Pháp luật ở đơn vị. Đồng thời, tích cực triển khai nhiều biện pháp đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành hành tiết kiệm, chống lãng phí trên mọi lĩnh vực học tập, công tác, sinh hoạt ở đơn vị tạo bầu không khí dân chủ, tin cậy, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao./.