Một ngàn lẻ một + X

Hiển nhiên là khi nghe nhắc tới cụm từ này, mọi người đều nghĩ ngay tới câu chuyện cổ tích bất hủ Nghìn lẻ một đêm.

nghin-le-mot-dem-1633530949.jpgẢnh internet

Kiệt tác nổi tiếng của nhà văn Antoine Galland (Đã được dịch ra tiếng Việt, xuất bản rải rác suốt từ năm 1910 đến sau này. Gần đây, NXB Văn học đã cho in trọn bộ) đã in đậm trong trái tim nhiều thế hệ một truyền thuyết về Hoàng đế Shahriyar (Saria) - vị quốc vương trị vì xứ Ba Tư cổ xưa (tức nước Iran bây giờ).

Trong sự đau khổ cùng cực vì mất niềm tin vào lòng chung thuỷ của hoàng hậu (và sau đó là mất niềm tin mù quáng vào tình yêu của tất cả mọi phụ nữ), Vua Shahriyar đã đưa ra một luật lệ “trái khoáy”, rất dã man và vô cùng nghiệt ngã. Cứ một tối ông kết duyên với một cô gái làm vợ và ngay đêm đó ông sai tể tướng đem xử giảo người vợ (vừa tự tình với mình) trước lúc bình minh. Thảm hoạ đau lòng cứ thế diễn ra cho đến khi cô gái của tể tướng xuất hiện. Đó là nàng Sheherazade (Sêhêradát) xinh đẹp và thông minh.

Chính sự mưu trí, giỏi giang và can trường của nàng mà cuối cùng, Quốc vương Shahriyar phải từ bỏ quyết định độc ác của mình. Nàng Sheherazade đã liên tục kéo vị vua phải hồi hộp theo dõi tới một ngàn lẻ một câu chuyện huyền ảo li kì do nàng kể, qua một ngàn lẻ một đêm dài đằng đẵng. Vị vua độc tài, ham gái, hiếu sát nhưng cũng rất hiếu kì mê truyện kia đã “thấp cơ thua trí đàn bà”. Thế rồi thực tế đã dẫn đến một kết cục bất ngờ như chúng ta đã biết. Vua quyết định tha bổng cho tất cả phụ nữ bằng việc từ bỏ vĩnh viễn sắc lệnh kì quái do chính ông ban ra và chính thức cưới nàng Sheherazade thông minh, tài trí làm vợ.

Ngàn lẻ một đêm quả là một câu chuyện hấp dẫn, giàu óc tưởng tượng và đậm chất nhân văn của trí tuệ con người. Mọi thế hệ người Việt chúng ta đã đọc và sống cùng cốt truyện li kì đó bao nhiêu năm nay. Điều thú vị là tổ hợp trên đã “nhập cuộc” vào tiếng Việt và dân gian đã sáng tạo ra mô hình một ngàn lẻ một + X. (trong đó X là yếu tố kết hợp tự do, theo ý người sử dụng).

Trong giao tiếp, và đặc biệt là trên báo chí, ta thấy xuất hiện nhan nhản các cấu trúc, kiểu Một ngàn lẻ một chuyện... lừa, Ngàn lẻ một chuyện... tình, Ngàn lẻ một cách làm giàu, Có tới nghìn lẻ một mánh lới, Một ngàn lẻ một bài học rút ra từ chuyện đó, v. v. Như vậy, ngàn lẻ một + X ở đây được sử dụng như một biến thể thành ngữ mới. Nó dùng để chỉ một tổng thể số lượng bao gồm khá nhiều sự việc, vấn đề, hiện tượng mà người nói đang nhắc đến. Và vì nó quá nhiều, không tính xuể, nên người ta chỉ “gói gọn, làm tròn” thành tổ hợp (một) ngàn lẻ một cho dễ hình dung mà thôi.

Dĩ nhiên, cách nói một ngàn lẻ một ở đây hoàn toàn chỉ mang tính ước lệ. Sự việc là nhiều, nhưng làm gì chính xác để đếm đúng đến một ngàn lẻ một? Có khi số lượng chỉ là hàng chục, hàng trăm (tức chỉ số nhiều nói chung) thôi. Người nói thường căn cứ vào sự tương đồng, sự phát sinh có vẻ còn tiếp tục chưa kết thúc của sự việc hay hiện tượng nào đó. Chẳng hạn: “Ôi dào, luật lệ giao thông vẫn còn khó thực hiện lắm. Vì người ta có tới một ngàn lẻ một cách vi phạm. Các vị cảnh sát quản sao cho xuể”; “Vấn đề giáo dục hiện nay đúng là đang bộn bề nhiều chuyện. Người ta có tới ngàn lẻ một lý do để biện minh cho sự bất cập đó”;... Cách nói đại loại như Một ngàn lẻ một, Oan Thị Mầu, Chuyện thường ngày ở huyện, hay Ba chàng ngự lâm (pháo thủ)... là những hiện tượng thành ngữ hoá các tác phẩm văn học mà không chỉ tiếng Việt chúng ta, ở ngôn ngữ nào cũng có.

Một ngàn lẻ một sự tình

Bây giờ không chỉ "một mình" Iran.

Chả cần đếm tới một ngàn

Chỉ biết rằng, có cơ man là nhiều.