Tổng diện tích trồng vải thiều toàn huyện là 15.200 hecta, tổng sản lượng hàng năm khoảng 100.000 tấn. Trong đó, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 11.400 hecta; có 18 mã số vườn được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cấp cho 394 hộ sản xuất vải thiều xuất khẩu vào thị trường Mỹ với diện tích 217,89 hecta. Vải thiều Lục Ngạn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể (năm 2015); Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Vải thiều Lục Ngạn (năm 2008). Vải thiều Lục Ngạn đã đăng ký bảo hộ thương hiệu Chỉ dẫn địa lý tại 7 nước, bao gồm: Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Úc; Mỹ và Malaysia đang trong quá trình xem xét. Hiện vải thiều Lục Ngạn được xuất khẩu sang thị trường trên 30 nước; trong đó có Trung Quốc, Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Hà, Lan, Thái Lan…
Diện tích trồng nhãn huyện Lục Ngạn vào khoảng 825 hecta, sản lượng hàng năm khoảng 3.200 tấn; là cây trồng có diện tích tăng nhanh trong thời gian qua, cho năng suất cao và đạt chất lượng tốt, tiêu thụ chủ yếu trong nước, được đánh giá là cây trồng tiềm năng của huyện.
Diện tích trồng cam ở Lục Ngạn cũng khá lớn. Cam ở nơi đây gồm cam ngọt và cam lòng vàng. Diện tích cam ngọt ở nơi đây khoảng 1.931 hecta; sản lượng khoảng 14.580 tấn; được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Diện tích cam lòng vàng của huyện khoảng 1.109 hecta; sản lượng khoảng 11.960 tấn; có tiềm năng lớn để xuất khẩu và đáp ứng công nghiệp chế biến thực phẩm.
Diện tích trồng bưởi của huyện vào khoảng gần 2.000 hecta, bao gồm bưởi ngọt và bưởi da xanh. Diện tích bưởi ngọt khoảng 1.305 hecta; sản lượng ước đạt 9.440 tấn. Diện tích bưởi da xanh vào khoảng 390 hecta; sản lượng 1.420 tấn. Đây là những trái cây đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, hứa hẹn nhiều triển vọng.
Ngoài những loại cây ăn quả có chất lượng cao, Lục Ngạn còn có 2 đặc sản khá được ưa chuộng trên thị trường là mỳ Chũ và mật ong.
Nghề truyền thống sản xuất mỳ gạo Chũ tại huyện Lục Ngạn đã có từ lâu đời. Sản phẩm mỳ gạo Chũ đã được Cục Sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền số 168448 ngày 26/07/2011. Mỳ gạo Chũ được bảo hộ độc quyền tại 5 quốc gia, gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia. Tổng sản lượng mỳ gạo Chũ hàng năm trên 15.000 tấn. Thị trường tiêu thụ rộng khắp trong nước và xuất khẩu sang EU, Nga, Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản…
Mật ong Lục Ngạn có sản lượng khoảng 3.000 tấn/năm. Toàn huyện có hơn 10.000 đàn ong, riêng vụ hoa vải thiều, số đàn ong lên tới gần 100.000 đàn. Đây là một sản phẩm có nhiều tác dụng được không ít người ưa chuộng.
Lục Ngạn tự hào là vùng đất có nhiều đặc sản ngon, trong đó vải thiều là trái cây được người tiêu dùng cả nước biết đến.Trong 1 diễn biến khác, tại cuộc họp ngày 16/04/2020, ông Lại Thanh Sơn- Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang đã có những ý kiến chỉ đạo các sở ngành trong tỉnh để tìm các giải pháp và phương án triển khai kế hoạch sản xuất gắn với tiêu thụ quả vải thiều tươi xuất khẩu sang thị trường các nước năm 2020. Ông Lại Thanh Sơn yêu cầu các ngành, địa phương cần đánh giá cụ thể về tình hình sản xuất và thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước năm nay, đánh giá năng lực đóng gói, bảo quản sản phẩm… Từ đó chuẩn bị các kịch bản ứng phó phù hợp.
Ông Lại Thanh Sơn nhận định: Năm nay là 1 năm khủng hoảng đối với nền kinh tế nói chung và việc tiêu thụ quả vải thiều nói riêng, sẽ là 1 năm khó khăn đối với việc tiêu thụ quả vải thiều do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp. Do đó, cần tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại đảm bảo phù hợp trong điều kiện thực tế hiện nay. Thị trường nội địa và thị trường Trung Quốc vẫn được coi là thị trường chính. Chú trọng đưa vải thiều vào hệ thống siêu thị trong nước. Chủ động liên hệ sớm hơn với các đầu mối Trung Quốc để có phương án tiêu thụ phù hợp. Trong trường hợp bất lợi, cần có các phương án ứng phó, hướng dẫn, cảnh báo người dân tránh tình trạng bán đổ bán tháo gây thiệt hại lớn cho người dân, thay vào đó áp dụng các phương pháp bảo quản và chế biến.