Một vài kỷ niệm về người thầy mẫu mực, nhà khoa học uyên bác - GS, NGND Phan Huy Lê

GS NGND Phan Huy Lê, một người thầy mẫu mực, nhà văn hoá lớn, uyên bác, tâm huyết, nặng lòng với sử học và đất nước. GS là tấm gương cho nhiều thế hệ học trò noi theo...

Tôi biết về GS. NGND Phan Huy Lê, một người thấy mẫu mực, nhà khoa học uyên bác qua nhiều cựu học sinh lớp Sử khóa 13 (1968 - 1972), Đại học Tổng hợp Hà Nội. Những thông tin đầu tiên về GS. NGND Phan Huy Lê mà tôi được biết cũng qua một người học trò của thầy ở lớp Sử khóa 13 (1968 - 1972) là ông Trần Ngọc Bích nguyên cán bộ huyện ủy Hương Khê, Hà Tĩnh. Sau này, tôi trở thành con rể của ông Trần Ngọc Bích nên càng có điều kiện gắn bó và làm việc với nhiều người trong lớp Sử khóa 13 (1968 - 1972) hơn.

giao-su-phan-huy-le-viet-su-de-khang-dinh-chu-quyen-hoang-sa-truong-sa

GS NGND Phan Huy Lê (1934 - 2018)

Trong đám cưới con trai đầu Nhà báo Vũ Xuân Bân, tôi được gặp lại phần lớn các bác, các chú, các cô của lớp Sử khóa 13 (1968 - 1972) tại Khách sạn La Thành, Hà Nội, cách nay hơn chục năm, có lẽ đã lâu ngày họ chưa có dịp hội ngộ như thế nên họ dành phần nhiều thời gian để thăm hỏi và kể với nhau về thầy Phan Huy Lê.

Họ tự hào kể cho tôi nghe về một người thầy mẫu mực đã dạy họ trong những năm tháng đất nước còn lửa đạn: "Thầy Phan Huy Lê được xem là một trong "tứ trụ" của ngành Sử học nước ta gồm: Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng mà người ta thường gọi tắt là "Lâm, Lê, Tấn, Vượng". Chuyện về các vị trong "tứ trụ" cũng rất "huyền thoại". Vào khoảng cuối những năm thuộc thập niên 60 của thế kỷ trước, khi cả bốn vị "Tứ trụ" đều nổi tiếng học giỏi, được giữ lại làm cán bộ giảng dạy về sử học.

Bố vợ tôi hôm đó tự hào cho biết thêm: "Tài năng, nhiệt huyết và đức độ của thầy Phan Huy Lê đã truyền lửa cho rất nhiều thế hệ học sinh của thầy. Chỉ tính riêng học sinh lớp Sử khóa 13 (1968 - 1972) cũng đã có rất nhiều người thành danh như Nhà báo Vũ Xuân Bân là phóng viên chiến trường những năm chống Mỹ cứu nước, bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, nguyên trưởng Ban Tin trong nước TTXVN, hiện là Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam (Vanhien.vn); GS.TSKH Vũ Minh Giang, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á..."

Hôm đó, Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN ngồi kế bên cũng cho biết: "Vào cuối năm 1972, khi tôi làm lãnh đạo TTXVN đã tuyển được rất nhiều cây bút sắc sảo cho lớp phóng viên chiến trường từ lớp sử khóa 13 của anh Phan Huy Lê, mà nhiều người có mặt trong buổi tiệc ngày hôm nay như Vũ Xuân Bân, Đoàn Việt, Nguyễn Thị Thu Hương...".

Từ bữa đó, tôi tìm đọc nhiều công trình và tác phẩm đồ sộ của GS. NGND Phan Huy Lê để hiểu rõ hơn về thân thế và sự nghiệp của thầy. GS sinh ngày 23.2.1934 tại xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh - một vùng quê văn hiến, giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, trọng tình nghĩa, cần cù và hiếu học. Cả hai dòng họ nội, ngoại của GS. Phan Huy Lê đều là những dòng họ khoa bảng nổi tiếng với những danh nhân văn hoá lớn như Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích, Phan Huy Thực, Phan Huy Vịnh, Phan Huy Chú, Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy... Cụ thân sinh là Phan Huy Tùng, tiến sĩ Nho học, từng làm quan trong triều đình Huế, nổi tiếng thanh liêm, phúc đức, nhân hậu, hết mực yêu con, quý cháu.

GS đã sống trọn những năm tháng tuổi thơ tại quê nhà, thừa hưởng truyền thống gia đình và quê hương, định hình cá tính và nhân cách trước khi hoà nhập vào cuộc sống xã hội. Năm 1952, khi 18 tuổi, ông rời gia đình ra học Dự bị Đại học ở Thanh Hoá và tại đây ông có cơ hội được tiếp xúc với những trí thức cách mạng hàng đầu của đất nước. GS. Trần Văn Giàu và GS. Đào Duy Anh là những người đầu tiên nhận ra ở Phan Huy Lê phẩm chất quý giá này và hướng ông vào học Ban Sử - Địa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập gồm 4 khoa: Toán - Lý, Hoá - Sinh, Văn và Sử. Khi thầy Phan Huy Lê vừa tốt nghiệp cử nhân Sử - Địa đã được nhận ngay vào Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Khoa Lịch sử dưới sự chỉ dẫn trực tiếp của GS. Đào Duy Anh.

Những ấn phẩm đầu tiên trong sự nghiệp khoa học của ông là "Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ", "Đặc điểm của phong trào nông dân Tây Sơn" và có đến 8 công trình, chiếm một nửa tổng số các công trình của 5 năm đầu bước vào nghề là thuộc về kinh tế - xã hội. Vào những năm tháng đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, những công trình "Khởi nghĩa Lam Sơn"; "Truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam", "Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc", "Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 và 1288"...được hoàn thành trong điều kiện như thế và đã trở thành những tác phẩm lịch sử quân sự tiêu biểu.

Từ năm 1975 đến năm 1990, ông viết đến trên 80 công trình loại này, đưa tổng số các công trình về lịch sử chống ngoại xâm lên 120. Đặc biệt gần đây, trong đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước xây dựng bộ sách "Lịch sử Việt Nam" 4 tập, GS. Phan Huy Lê vừa là chủ biên, vừa là tác giả chính của 2 tập I và II, được coi là tổng kết cao nhất về giai đoạn lịch sử từ nguồn gốc cho đến giữa thế kỷ XIX.

GS NGND Phan Huy Lê là trụ cột của ngành lịch sử Việt Nam và đảm nhiệm nhiều chức vụ: Chủ tịch hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (1988-2016); Chủ tịch danh dự hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Nguyên Chủ tịch hội đồng Khoa học và Đào tạo, đại học Quốc gia Hà Nội; nguyên Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu Văn hóa; nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại, khoa Lịch sử; nguyên chủ nhiệm khoa Đông phương học, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đại học Quốc gia Hà Nội; Chủ nhiệm Đề án Khoa học Xã hội cấp Quốc gia Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam.

Với những cống hiến to lớn của GS NGND Phan Huy Lê cho ngành sử học Việt Nam, ông đã được Đảng, Nhà nước ta và nhiều nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh; Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ; Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba; Huân chương Cành cọ Hàn lâm (Cộng hòa Pháp), Giải thưởng Văn hóa châu Á Fukuoka (Nhật Bản); Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn (Cộng hòa Pháp).

Có thể thấy, GS NGND Phan Huy Lê là nhà khoa học tâm huyết có nhiều đóng góp cho nền sử học nước nhà và là một người thầy mẫu mực ưu tú. Hành trình nghiên cứu khoa học của nhà sử học Phan Huy Lê là cuộc hành trình tự học, tự nghiên cứu không mệt mỏi, tất cả xuất phát với niềm đam mê nhiệt huyết nghiên cứu sử học. Do tuổi cao, bệnh trọng, GS. NGND Phan Huy Lê đã từ trần hồi 13h10 phút ngày 23 tháng 6 năm 2018 (tức ngày 10 tháng 5 năm Mậu Tuất) hưởng thọ 85 tuổi. Trái tim nhiệt huyết trọn đời cống hiến cho nền sử học nước nhà của một nhân cách lớn đã ngừng đập để lại niềm tiếc thương vô hạn cho giới sử học và bao thế hệ học trò, đồng nghiệp gần xa. Sự ra đi của ông được ví như một cây đại thụ ngã xuống để lộ ra một khoảng trời trống vắng mênh mông...

Giờ này thầy có biết không? Bao thế hệ học trò của thầy thành đạt không đếm xuể, nhiều người đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, họ rất bàng hoàng buồn rũ rượi đến tiễn đưa người thầy dạy sử kính yêu của mình ra đi mãi mãi về với cõi vĩnh hằng thiên thu để lại cho đời những trang sử và bao công trình còn sống mãi với thời gian! Vĩnh biệt thầy! Vĩnh biệt một nhân cách lớn mà bố vợ tôi, một cựu sinh viên lớp Sử khoá 13 (1968- 1972) và những người bạn đồng môn nhắc đến rất nhiều trong những trang nhật ký về một thời trai trẻ thấm đẫm "máu và hoa".

Hà Nội, 27/6/2019