Hàng năm, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện tiến hành khảo sát, nghiên cứu, kiểm kê các di tích để lập hồ sơ trình UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh; đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia; hướng dẫn các xã, thị trấn lập kế hoạch bảo vệ và tăng cường công tác quản lý những di vật, cổ vật, giá trị di sản gắn liền với di tích. Các xã có di tích thường xuyên kiện toàn, củng cố Ban quản lý di tích; tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác văn hóa và các thành viên trong Ban quản lý di tích, tuyên truyền cho nhân dân về quản lý di sản, tầm quan trọng của công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa. Từ nguồn kinh phí xã hội hóa, nhiều di tích trên địa bàn các xã: Mỹ Phúc, Mỹ Trung, Mỹ Thành, Mỹ Tân, Mỹ Thuận, Mỹ Thắng đã được trùng tu, tôn tạo theo Luật Di sản văn hóa với kinh phí hàng tỷ đồng. Xã Mỹ Trung có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa dày đặc, gồm 6 di tích; trong đó có 1 di tích cấp quốc gia là Đình Cả; 5 di tích cấp tỉnh, gồm: Đình Thanh Khê, Đình Phương Bông, Đình Tây Đệ nhị, từ đường họ Trần Văn và từ đường họ Trần - Đào - Bùi tộc. Từ khi các di tích được xếp hạng, công tác quản lý, bảo vệ di tích được chính quyền xã và nhân dân thực hiện nghiêm túc. Các di tích hiện còn lưu giữ được những cổ vật có giá trị như: văn bia, câu đối, đại tự, cỗ kiệu, đạo sắc phong... Ngoài giá trị về lịch sử, các di tích còn có giá trị mỹ thuật với vẻ đẹp cổ kính, nghệ thuật chạm khắc tinh xảo. Các bộ phận: cột trụ, vì kèo, bức trướng, bình phong… được trang trí đa dạng, nhiều đề tài: nghê chầu, hổ phù, tứ linh, tứ quý, nhấn nổi bằng chữ Hán. Ngoài nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp di tích, xã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chung tay góp công, góp của để tu bổ, tôn tạo các di tích đảm bảo giữ nguyên kiến trúc gốc. Các hạng mục trùng tu gồm: tam bảo, tiền đường, trung đường, khu thờ Mẫu, nhà thờ tổ, nhà giải vũ; các hạng mục xây mới gồm: cửa, sân, mái, tường bao… Ở xã Mỹ Phúc, các di tích lịch sử - văn hóa đều gắn với Vương triều Trần - Triều đại thịnh trị bậc nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam; tiêu biểu là 2 di tích cấp quốc gia là Đền Bảo Lộc thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và Đền Lựu Phố thờ Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ. Ngoài ra, còn có 7 di tích cấp tỉnh là Đền Hậu Bồi, Đình Đông Đệ tam, Đình Tây Đệ tam, Đền Lộc Quý, Đình - Chùa Vạn Khoảnh, Đình Hóp, Phủ Lựu Phố thờ các nhân vật lịch sử từ thời Vua Hùng, Vua Đinh, Vương triều Trần như: Dũng Dược Đại vương, Sứ quân Trần Lãm, Cao Mang Đại Vương, Thượng tướng Thái sư Trần Quan Khải, Thái tổ Thượng hoàng Trần Thừa, Công chúa Bạch Hoa, Minh phi Diệp Diệu Hiền… Được xây dựng trên các địa danh cổ: Lưu Viên và Thái ấp của An Sinh Vương Trần Liễu (thân phụ của Trần Hưng Đạo), khu vực Đền Lựu Phố, Đền Bảo Lộc xưa là những căn cứ địa quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông (thế kỷ XIII). Đền Bảo Lộc cùng với Đền Lựu Phố là hai trong 3 di tích nằm trong Dự án đầu tư xây dựng “Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần tại Nam Định” năm 2019. Ban quản lý các di tích đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức công khai quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ, thường xuyên cải tạo, nâng cấp hệ thống đường giao thông, cảnh quan môi trường, khuôn viên khu di tích thu hút khách du lịch.
Để phát huy giá trị của các di tích trên địa bàn, cùng với làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo di tích, những năm qua, công tác quản lý, tổ chức lễ hội truyền thống gắn với các di tích đã được huyện chỉ đạo các địa phương thực hiện có hiệu quả theo hướng “văn minh - an toàn - tiết kiệm”; bài trừ các biểu hiện lạm dụng phần lễ mê tín dị đoan; khôi phục các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian, dân vũ, gắn lễ hội với giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa. Tiêu biểu như lễ hội được tổ chức 3 năm một lần vào ngày kỵ của Công chúa Phụng Dương (con gái của Thái sư Trần Thủ Độ) 22-3 âm lịch ở Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Đình - Miếu Cao Đài, xã Mỹ Thành. Ở xã Mỹ Tân, lễ hội Đền Cây Quế diễn ra vào ngày 22-8 âm lịch hàng năm, đặc biệt có nghi thức “rước nước” độc đáo đặc trưng của tín ngưỡng thờ thủy thần tại ngã ba sông Hồng và sông Đào thể hiện ước vọng của người dân cầu cho “mưa thuận, gió hòa”, tri ân công đức của Linh Lang Đại vương.
Đình Cả, xã Mỹ Trung có lễ hội tổ chức hàng năm vào ngày sinh của Đức Thánh Cả Dũng Dược Đại Vương (15-4). Lễ hội Đền Lựu Phố tổ chức vào ngày 7-7 (âm lịch) hàng năm nhân kỷ niệm ngày Thái sư Trần Thủ Độ đặt chân lên mảnh đất quê hương... Tại di tích Đền Bảo Lộc diễn ra nhiều lễ hội lớn như: Lễ Khai ấn đầu xuân (đêm 14 rạng ngày 15 tháng Giêng), Lễ hội Trần (từ ngày 10 đến 20-8 âm lịch)…
Mặc dù các di tích ở huyện Mỹ Lộc gắn với các lễ hội có sức hút lớn đối với khách thập phương nhưng công tác quản lý, bảo tồn, chống xâm hại di tích vẫn còn hạn chế. Nhiều di tích bị xuống cấp nhưng chưa được tu sửa kịp thời do thiếu kinh phí, chưa trang bị được hệ thống camera an ninh giám sát; kế hoạch ứng phó đảm bảo an toàn cho di tích trong mùa mưa bão chưa đồng bộ. Thời gian tới huyện Mỹ Lộc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy phạm pháp luật về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn các tăng, ni, thủ nhang, người quản lý, coi sóc các đền, chùa khắc phục những thiếu sót trong công tác quản lý, bảo tồn di tích, ngăn ngừa mọi hành vi xâm hại đến di tích; kịp thời xử lý, ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội./.