Năm mươi năm vẫn nhìn theo bóng thầy

Có môt tình yêu mà tôi không bao giờ quên, suốt đời tôi không bao giờ quên! Đó là tình yêu của thầy Hùng đối với bọn học trò chúng tôi và đặc biệt đối với tôi.

pham-minh-giang-1637737451.jpg 

Hơn năm mươi năm đã trôi qua trong cuộc đời. Hơn năm mươi năm ấy biết bao nhiêu là niềm vui và vinh quang. Hơn năm mươi năm ấy biết bao nhiêu là khổ đau, đắng cay, tủi cực. Hơn năm mươi năm ấy biết bao nhiêu là thăng trầm. Nhưng,  hơn "năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình!".

Vâng! Có môt tình yêu mà tôi không bao giờ quên, suốt đời tôi không bao giờ quên! Đó là tình yêu của thầy Hùng đối với bọn học trò chúng tôi và đặc biệt đối với tôi.

Năm ấy là năm đầu tiên huyện tôi có trường cấp hai thứ hai. Trước kia, cả huyện mới có một trường cấp hai. Năm ấy tôi học lớp 6A Trường cấp hai Hiệp Hoà (trường mới). Cả xã tôi lúc ấy mới chỉ có vài ba học sinh cấp hai thôi. Chúng tôi thường cuốc bộ đi học mặc dù nhà tôi cách trường đến mười cây số. Tôi học vào loại khá. Riêng môn văn, thầy giáo bảo tôi có năng khiếu. Tôi chỉ biết rằng mình mê môn văn nhất. Môn văn cuốn hút tôi, nhiều khi chiếm cả thời gian giành cho các môn khác. Tôi mê tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ. Hễ cứ vớ được cuốn truyện, tập thơ nào là tôi đọc ngấu nghiến. Kể cả khi bế em, khi cưỡi trên mình trâu, kể cả khi đi câu cá rô, cá chuối… Hầu như lúc nào tôi cũng kè kè cuốn truyện, tập thơ ở bên người. Mà, cái thời ấy, sách cực kỳ hiếm. Về tiểu thuyết, tôi chỉ biết có "Vượt Côn Đảo" của nhà văn Phùng Quán, "Sông Đông êm đềm" của Sô Lô Khốp, "Những người khốn khổ" của Vích-to Huy-Gô, "Bước đường cùng" của Nguyễn Công Hoan, "Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng… Ngoài ra tôi không biết một tiểu thuyết nào khác. Truyện ngắn và thơ thì lại càng hiếm. Tôi chỉ được đọc những truyện ngắn đăng lẻ hoặc những bài thơ đăng lẻ ở một tờ báo, một tạp chí nào đó may mắn từ tay một thầy giáo làng (thầy Trính, thầy giáo ở làng tôi). Quả thật, hồi ấy, sách báo hiếm vô cùng!

Thầy Hùng là thầy giáo dạy văn, cũng là thầy giáo chủ nhiệm lớp tôi. Thầy có cảm tình đặc biệt với tôi. Thầy luôn luôn gần gũi bọn học trò chúng tôi, đặc biệt thầy luôn luôn động viên tôi học thật tốt môn văn. Nhờ có thầy thường xuyên động viên khích lệ, môn văn của tôi thường được điểm cao. Thầy còn động viên tôi làm thơ nữa. Và, thế là một số bài văn vần của tôi ra đời từ đấy. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ một vài câu. Đọc lại những câu ấy, bây giờ tôi thấy rõ đấy chỉ là những câu văn vần mà thôi. Thế nhưng, thời ấy, làm được một câu văn vần như thế đã là giỏi lắm. Bạn bè cứ trêu tôi là "thi sĩ".

Quê tôi là một miền quê yên tĩnh nằm ở phía cuối huyện. Hệ thống thuỷ nông thuỷ lợi lúc bấy giờ hầu như không có gì. Đồng quê tôi thuộc loại trũng nhất, như là một cái rốn của huyện. Chả có thế mà từ sau ngày hoà bình năm 1954 đến năm ấy, hầu như năm nào cũng cứ đến tháng sáu, tháng bảy âm lịch, cả huyện phải đổ dồn về xã tôi chống úng, cứu mạ, cứu lúa. Nhà tôi nghèo lắm. Bố mẹ tôi tảo tần quanh năm mà không đủ nuôi sáu miệng ăn. Tôi là anh cả. Dưới tôi còn ba đứa em lít nhít. Mẹ tôi lại yếu đau luôn. Bố tôi quanh năm vật lộn với hòn đất, lặn hụp hết Đồng Táy, Đồng La, lại Con Cóc, Gồ Cay, Ông Moi, Hạ Bạch, Đồng Gìm… chỉ mơ có một vụ được mùa nhưng mấy khi có được. Đồng đất quê tôi cứ liên miên thất bát. Cái đói cái nghèo đã làm cho luỹ tre xanh xơ xác, thưa vắng bóng cò.

Thế là tôi quyết định bỏ học. Tôi nói dối bố mẹ tôi là trường đang sửa chữa, phải nghỉ học một thời gian. Bố mẹ tôi tưởng thật. Thế là từ hôm ấy, tôi ra đồng đi cuốc với bố.

Hôm ấy là ngày thứ tư tôi bỏ học. Bố con tôi đang cuốc ruộng ở cánh đồng Gìm. Cánh đồng tháng mười vừa mới gặt xong. Nhà nào có trâu bò thì cày. Nhà nào không có trâu bò thì phải cuốc. Bố con tôi dơ thẳng cánh tay bổ những nhát cuốc thật mạnh xuống nền ruộng vừa khô vừa dẻo. Có nhiều lúc cuốc nảy lên. Tay tôi phồng rộp, đau rát. Nhìn về phía làng, tôi thấy làng tôi như một con thuyền vĩ đại đang thả neo trên cánh đồng để giăng bắt những vụ chiêm mùa no ấm. Luỹ tre xanh bao bọc lấy làng chạy dài ra mãi tít chân đê. Cánh đồng có những cái cuốc dơ lên trông như những dấu sắc của những dòng chữ li ti  trên trang giấy khổng lồ.  Ở những nơi có trâu bò cày vang lên những tiếng "vạt", "riệt"…

Bỗng xa xa bên luỹ tre làng có một chấm trắng hiện ra. Chấm trắng ấy to dần, to dần. Bây giờ thì nhìn rõ là một người mặc áo trắng. Người ấy đang vội vã đi ra cánh đồng. Rõ rồi! Người ấy mặc áo trắng, đội mũ. Mà trên vai lại còn vác một cái cuốc nữa ? Lạ nhỉ? Ai thế nhỉ? Người làng tôi có ai mặc áo trắng đâu? Chỉ áo nâu, áo gụ, áo xanh là cùng! Đồng làng tôi có ai đội mũ đâu? Chỉ toàn đội nón lá, mà thường là nón cũ, nón tuột vành, nón rách tả tơi ? Thế thì là ai nhỉ? Mà lại vác cuốc?... Người ấy đang đi về phía bố con tôi…

"Ô kìa, thầy Hùng!"

Tôi ngỡ ngàng reo lên. Thật không ngờ!

Bố con tôi dừng cuốc, chạy lên bờ chào thầy và mời thầy về nhà. Nhưng thầy nhất quyết không về. Thầy xắn quần lội ngay xuống ruộng cuốc với bố con tôi. Vừa cuốc, thầy vừa nói chuyện với bố tôi. Thầy nói rằng tôi học khá, riêng môn văn học giỏi, và khuyên bố tôi tiếp tục cho tôi đi học. Bấy giờ bố tôi mới biết là tôi đã nói dối. Tôi xin lỗi bố, xin lỗi thầy, hứa sẽ tiếp tục đến lớp và học tập thật tốt.

Chiều hôm ấy, bố mẹ tôi, tôi và các em tôi cố tình giữ thầy ở lại ăn cơm với gia đình. Nhưng thầy nhất quyết từ chối. Thầy mở cặp lấy ra hai quyển vở và một cái bút máy Trường Sơn đặt vào tay tôi và dặn "Ngày mai em tới lớp nhé!". Tôi lóng ngóng đưa hai tay ra nhận…

Không hiểu sao, tự dưng nước mắt tôi trào ra, giàn giụa… Tôi khóc nức nở như một đứa con nít…

Thầy vỗ vai tôi bảo "Nín đi em, cố gắng nhé!".

Thế rồi, thầy đi. Bố mẹ tôi, anh em tôi cứ đứng nhìn mãi theo cái bóng xe đạp cà tàng của thầy cứ cút kít, cút kít vang mãi trong buổi chiều hoàng hôn lộng gió.

Già nửa thế kỷ qua rồi, bao nhiêu vinh quang và cay đắng, bao nhiêu là thăng trầm trong cuộc sống… Bao nhiêu điều tôi không thể nào nhớ nổi. Nhưng hình ảnh  người thầy gầy gò gò lưng đạp chiếc xe đạp cà tàng cút kít trong buổi chiều hoàng hôn lộng gió và tình yêu của thầy thì cứ còn mãi, còn mãi trong ký ức tôi, không thể phai mờ…