Năm Tý nói chuyện nuôi chuột cứu người

Để phòng bệnh, khu nuôi chuột nằm tách biệt trong trại có diện tích hàng trăm héc ta, được canh giữ nghiêm ngặt, nhiều vòng để cách ly với bên ngoài.


Trại Chăn nuôi Suối Dầu được Nhà bác học Yesrin thành lập hơn 100 năm về trước. Trại này nằm ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 20km về phía Nam. Hơn 40 năm trước, Trại đã được bàn giao về Viện vắc xin và sinh phẩm, thuộc Bộ Y tế.


Chuột được nuôi cách ly trong các khu nhà hiện đại.

 

Hiện Trại đang nuôi khoảng 70 ngàn chú chuột nhắt, 5 ngàn chú chuột lang phục vụ cho việc thí nghiệm quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Mỗi năm, hàng vạn chú chuột được nuôi dưỡng tại Trại chăn nuôi Suối Dầu âm thầm thực hiện sứ mệnh thử nghiệm các loại dược phẩm để phòng, chữa bệnh cho con người.

Những chú chuột ở trại Chăn nuôi Suối Dầu được chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ và ở trong những tòa nhà sạch sẽ, hiện đại. Chuột được nuôi trong các tòa nhà lớn, chia làm 2 khu, gồm một dãy dài các ô được bố trí tựa như chuồng gà để nuôi chuột lang và một căn phòng lớn với những dãy ô nhựa dùng để nuôi chuột nhắt.

Chị Hà Thị Nga, người gắn bó với việc chăm sóc chuột nhắt nhiều năm nay cho biết, chuột nhắt rất lanh lẹ nên việc chăm sóc rất khó khăn.


Hàng năm, Trại chăn nuôi Suối Dầu cung cấp khoảng 5 ngàn con chuột lang.

 

Việc chăm sóc, nuôi dưỡng đã thành quy trình khép kín từ việc nuôi chuột con, ghép đôi 1 chuột đực với 2-3 chuột cái, cho sinh sản, cai sữa, chăm sóc để thành chuột trưởng thành có trọng lượng từ 45- 50 gram. Thời gian mang thai của chuột nhắt khoảng 18-21 ngày, mỗi lứa đẻ khoảng 8-11 con. Nhờ được chăm sóc tốt, rất nhiều đàn chuột nhắt đẻ kỷ lục đến 14-15 chú chuột con.

Chị Hà Thị Nga cho biết, tập tính chuột sinh sản hay cắn con nên phải thường xuyên bổ sung các chất dinh dưỡng: Nó cắn là chảy máu tay, đau vì vậy thao tác bắt phải nhanh, gọn, dứt khoát cho nó không cắn mình.


Trại chăn nuôi Suối Dầu cung cấp khoảng 70 ngàn con chuột nhắt mỗi năm.


“Chăn nuôi chuột nhắt giống như làm vú nuôi vậy, phải cẩn thận. Từ lai ghép đến cai sữa, nuôi từ chuột con, chọn giống để nuôi hậu bị. Hậu bị xong, lai ghép xong tách ra. Thời gian nuôi con là 3 tuần, sau đó lại tách mẹ, tách con ra", chị Nga cho hay.

Ngược với chuột nhắt, chuột lang lại khá nhút nhát mặc dù trọng lượng chuột bố mẹ nặng từ 500-700gram. Loài chuột này không có đuôi, lông trắng muốt hoặc đủ màu, rất dễ thương. Mỗi ô nuôi chuột lang từ 8-10 con, phía trên có ngăn đựng đồ ăn, hệ thống nước uống tự động, chỉ cần chuột ngậm vào vòi là có nước uống.


Chuột lang rất nhát, sợ tiếng động.


Nuôi chuột lang khó hơn chuột nhắt vì vòng đời, thời gian mang thai dài hơn, mỗi lứa lại chỉ đẻ từ 1- 3 con. Nét đặc biệt của chuột lang là chuột con sinh ra mở mắt ngay, 30- 45 phút sau đã có thể chạy nhảy.

Bác sỹ Thú y Trần Hương Quỳnh, người có gần 10 năm gắn bó với nghề chăm sóc chuột tại Trại chăn nuôi Suối Dầu cho rằng, nghề này được ví như làm “vú em” cho chuột.

 "Chuột lang hay sợ tiếng động, nên dễ bị sẩy thai hơn là chuột nhắt, không gian phải tĩnh lặng, thao tác phải nhẹ nhàng. Đi học thì ngành này thì phải gắn bó với chăn nuôi, những ngành khác được nghỉ thứ 7 và chủ nhật, lễ, Tết nhưng mà ngành này thì tất cả các ngày đều phải đi làm việc. Phải đi theo dõi tình hình sức khỏe của nó, coi tình hình ăn uống của nó, nước nôi có đủ cho nó không, rửa chuồng, rửa vỉ, rửa máng 2 lần/tuần, kết hợp mình lau cái nền nhà nữa", Bác sỹ Hương Quỳnh cho hay.


Ngoài thức ăn dạng viên chuột lang còn được bổ sung thêm cỏ.


Chuột nuôi tại Trại chăn nuôi Suối Dầu tuân thủ quy trình nghiêm ngặt từ cho ăn đến vệ sinh, phòng bệnh để đảm bảo nguồn chuột sạch, không có mầm bệnh. Điều đặc biệt, chuột ở đây không được sử dụng thuốc trong suốt quá trình nuôi dưỡng. Để phòng bệnh, khu nuôi chuột nằm tách biệt trong khu trại có diện tích lên đến hàng trăm héc ta, được canh giữ nghiêm ngặt, nhiều vòng để cách ly với bên ngoài.

Khi chuột lang 3 tuần tuổi, đạt trọng lượng 200- 240 gram được lựa chọn đưa đi cách ly để theo dõi. Nuôi thêm 2- 3 tuần chuột đạt trọng 280- 330 gram thì đưa đi kiểm định và giao cho các phòng thí nghiệm.

Còn chuột nhắt sau khi cai sữa xong khoảng 3 tuần tuổi, đạt trọng lượng từ 14- 18gram thì có thể đem đi kiểm định. Các loài chuột nuôi ở đây đều có nguồn gốc nước ngoài nhưng đến nay, Trại chăn nuôi Suối Dầu đã làm chủ từ sản xuất giống, thức ăn, quy trình nuôi.

Hằng năm, có  khoảng 70.000- 80.000 chú chuột nhắt và 4.000- 5.000 chuột lang cung cấp cho Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế, các trường Đại học, bệnh viện, cơ sở nghiên cứu trong cả nước. Số lượng chuột nuôi nhiều nhưng cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu, các cơ sở thí nghiệm phải đặt hàng trước.

Kỹ sư Nguyễn Văn Minh, Trưởng Trại chăn nuôi Suối Dầu cho biết: Nhiều lúc chuột phải vận chuyển bằng máy bay để đáp ứng yêu cầu khắt khe về trọng lượng và ngày tuổi.

"Đây là động vật thí nghiệm cho nên mình nuôi không tiêm ngừa vắc xin, phải phòng dịch bệnh là chính không để bọn này bị bệnh. Nuôi ở môi trường khỏe mạnh, tự nhiên để mình thử nghiệm sinh phẩm của mình. Cho nên điều kiện nuôi của nó là khu vực an toàn dịch bệnh, cách biệt các khu vực khác và có những vùng đệm. Nhân viên và người ra vào phải được kiểm soát, quần áo phải thay trước khi vào. Thức ăn tự sản xuất ra phải kiểm tra vi sinh vật, nấm mốc, hàm lượng protein, lipit, nó phải có tiêu chuẩn của nó", Kỹ sư Nguyễn Văn Minh nói.

Hiện nay, Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế đang sản xuất ổn định 13 loại vắc xin, huyết thanh và sinh phẩm y tế phục vụ cho việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Chuột được thử nghiệm vì dễ nuôi, dễ kiểm soát, sinh sản nhanh, rất mẫn cảm, đáp ứng miễn dịch tốt.

Tiến sỹ Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế cho biết, không có chuột thì không thể có vắc xin, sinh phẩm, bởi bất kỳ một loại vắc xin hay một loại dược phẩm nào muốn thử nghiệm độ an toàn đều phải nhờ đến chuột.

 "Chuột có vai trò rất quan trọng trong đánh giá chất lượng của vắc xin và không thể thiểu trong việc chứng nhận vắc xin có đạt yêu cầu sử dụng hay không. Tất cả các lô đều sử dụng chuột để đánh giá. Không chỉ đánh giá ở giai đoạn cuối cùng mà chúng tôi còn phải sử dụng nó để đánh giá chất lượng của những sản phẩm trung gian, nguyên liệu trung gian. Nếu nó đạt trên chuột mới tiếp tục được chuyển sang các giai đoạn tiếp theo để nghiên cứu, phối trộn cho ra sản phẩm cuối cùng", Tiến sỹ Dương Hữu Thái cho biết.

Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, những cán bộ, nhân viên tại Trại Suối Dầu lại phân công nhau đón Tết...cùng chuột. Với họ, những chú chuột ở đây đã và đang thực hiện sứ mệnh thử nghiệm để tìm ra phương cách phòng, trị bệnh cứu người.