Phát âm tiếng Việt trong biểu diễn thanh nhạc, đặc biệt là với dòng nhạc Cổ điển – Thính phòng, vốn là một thách thức không nhỏ với người học và người dạy. Sự khác biệt giữa kỹ thuật thanh nhạc phương Tây với đặc điểm ngữ âm tiếng Việt – một ngôn ngữ đơn âm, có thanh điệu phong phú – dễ dẫn đến tình trạng “tròn vành rõ chữ” nhưng thiếu cảm xúc, hoặc ngược lại, diễn cảm nhưng sai âm tiết. Chính vì vậy, đề tài nghiên cứu được Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội triển khai từ năm 2024, nhằm giải quyết vấn đề căn cốt này, đã nhận được sự quan tâm sâu sắc từ giới chuyên môn.
Hội nghị nghiệm thu đề tài cấp cơ sở năm 2025 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả phương pháp phát âm tiếng Việt trong biểu diễn tác phẩm cổ điển thính phòng” diễn ra trong không khí trang trọng với sự tham dự của đại diện Tổng cục Chính trị, các nhà khoa học, giảng viên, nghệ sĩ và học viên. Tại đây, nhóm nghiên cứu đã báo cáo đầy đủ quá trình triển khai, kết quả đạt được và đề xuất các hướng ứng dụng thực tiễn. Đề tài tập trung xây dựng một hệ thống phương pháp luyện phát âm tiếng Việt bài bản, từ chuẩn hóa khẩu hình, phân tích sắc thái vùng miền, cho tới kết hợp nhịp điệu lời ca với kỹ thuật hơi thở – một yếu tố quyết định trong thanh nhạc. Đề tài do Trung tá, ThS Đỗ Thị Phương Mai làm chủ nhiệm, với sự tham gia của Thượng tá, ThS Đặng Hồng Hải; Trung tá, ThS Dương Đại Lâm; Đại úy, ThS Lương Nguyệt Anh và Đại úy, ThS Ngô Văn Đức. Sau hơn một năm triển khai, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được mô hình phương pháp luyện phát âm tiếng Việt ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn đào tạo.

Bên cạnh đó, chương trình có sự tham gia biểu diễn của nhiều nghệ sĩ tiêu biểu như NSƯT Phạm Thắng Long, NSƯT Trịnh Phương, Lê Xuân Hảo, Phương Mai, Đỗ Tố Hoa, Tùng Lâm, Dương Đức, Lương Nguyệt Anh… cùng các nghệ sĩ trẻ như Hoàng Việt Danh, Hoàng Thảo, Hữu Thắng, pianist Bùi Đăng Khánh và nhiều giảng viên, học viên nhà trường. Điểm đặc biệt của hội nghị là phần minh họa trực tiếp trên sân khấu với các tiết mục biểu diễn do chính giảng viên và học viên thể hiện. Những trích đoạn từ các tác phẩm cổ điển, khi được trình bày với kỹ thuật phát âm mới, đã cho thấy sự chuyển biến rõ rệt: lời ca rõ ràng hơn, truyền cảm hơn mà vẫn giữ được tinh thần và màu sắc của ngôn ngữ Việt.
Đánh giá tại hội nghị, Hội đồng nghiệm thu khẳng định đề tài có giá trị khoa học và ứng dụng cao. Đề tài không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo thanh nhạc tại các cơ sở giáo dục nghệ thuật mà còn là bước đi thiết thực trong hành trình bảo tồn, phát huy ngôn ngữ dân tộc trong dòng chảy của nghệ thuật hàn lâm – vốn đang chịu ảnh hưởng sâu sắc của âm nhạc phương Tây. Trong phần phát biểu tổng kết, đại diện Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cho biết sẽ sớm triển khai phổ biến kết quả nghiên cứu vào thực tế giảng dạy, đồng thời đề xuất tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo chuyên đề để lan tỏa hiệu quả của đề tài ra các cơ sở đào tạo nghệ thuật trên cả nước.
Buổi lễ khép lại bằng những tràng pháo tay và những bó hoa tươi thắm được trao tặng cho nhóm nghiên cứu, nghệ sĩ biểu diễn và các đại biểu. Nhưng điều đọng lại sâu sắc hơn cả là một thông điệp đầy tính thời sự: trong nghệ thuật, nhất là nghệ thuật hàn lâm, phát âm không chỉ là kỹ thuật – mà còn là linh hồn của biểu đạt. Và tiếng Việt, khi được cất lên đúng cách, có thể vang vọng đầy kiêu hãnh trên những sân khấu lớn – nơi nghệ thuật và văn hóa hòa quyện.
Một số hình ảnh tại buổi nghiệm thu đề tài ngày 24/6/2025


