Nếp sống mới

Tại sao nói chia cỗ? Là bởi vì như mấy chị vửa kể. Nhà làm cỗ sẽ chế biến các món khô khan là chính, chỉ có miến nấu, rau xào hay canh bí thì mọi người được ăn, còn thức ăn  sẽ chia theo mô. Mỗi người sẽ được gia chủ chuẩn bị cho một cái túi bóng. Phần thức ăn sẽ được chia đều và bỏ lẫn lộn cho khách mang về.

co-que-1634489092.jpgẢnh minh họa

- Chào các bác ạ! Các bác cho cháu hỏi nhà anh Thanh hôm nay cưới  đi thế nào ạ?

Chiếc xe con dừng lại, người trong xe thò đầu hỏi mấy người phụ nữ đang đi bộ.

- Nhà Thanh hử, đi hết đoạn này rẽ phải nhé. Một bác nhanh nhảu trả lời. Rồi quay sang bà bên cạnh nói chuyện tiếp: Chiều qua, cu Thu lên xã nộp 5 triệu rồi đấy, tý các bà phải ăn hết đấy nhé. Không được lấy phần nữa đâu.

 Trên xe mấy người nhìn nhau. À, thì ra là thật  đấy!

Cậu lái xe khẳng định lần nữa:

- Em đã nói rồi, hôm qua lúc em gọi điện cho thằng Thanh, nó cũng bảo thế.

Một chị lớn tuổi tiếp lời:

- Ừ thôi, cũng bỏ cái hủ tục ý đi là vừa. Ai đời ngồi ăn cỗ thì chả ai ăn, mỗi mâm Sáu cái túi bóng. Thức ăn trên mâm thì tuyền giò, tới năm loại giò nhá, với lại thịt luộc. Người đi ăn cỗ chỉ ăn mỗi rau với canh. Xong rồi chia hết mang về. Miến nấu với bí nấu múc tĩ tã. Tôi đã từng tiếp một mâm sáu bát miến, bốn bát bí nấu đấy!

Chị ngồi cạnh lên tiếng:

- À, mà buồn cười lắm. Như ở mình, ai đi thì ăn, ai gửi thì thôi.

Nhưng có nơi họ đến báo nhà này, nhà kia gửi mừng và rồi hai người đi ăn cỗ hộ cho bốn người khác. Hai người bưng một mâm ra ngồi ăn. Họ cũng chỉ ăn rau còn thức ăn chia mang về hết. Nhìn buồn cười lắm ý!

-Thế chính xác bây giờ không được lấy phần nữa à? Quê tôi thì cứ ăn thoải mái, thừa thì ai muốn lấy gì thì lấy. Một chị gặng hỏi.

Cậu lái xe :

- Muốn lấy thì đích thân gia chủ phải mang ra. Nếu phát hiện ai đó lấy phần thì gia chủ mất năm triệu đặt cọc đấy.

Cả đoàn cười hinh híc vì lạ.

- Vậy nhà chủ phải nhắc như nào nhỉ, buồn cười quá!

Mải chuyện, xe đến cổng nhà đám lúc nào.

Chú rể chạy ra đón đoàn, mọi người bíu tay hỏi nhỏ:

 - Này, vậy không được lấy phần thật à?

- Vâng cô. Không được lấy nữa đâu, các cô phải ăn hết đấy ạ.

Tiếng nhạc du dương bỗng ngừng lại. Giọng cậu MC trầm bổng:

 - Kính thưa toàn thể hội hôn, thưa bà con cô bác bạn bè gần  xa.

 Hôm nay trời đẹp như hoa,

Anh Thanh với lại chị Hà thành đôi

Cỗ bàn đã làm xong rồi

Kính mời các cụ vào xơi nhiệt tình

Các cụ không nên chia phần

Quy định của xã chúng mình tuân theo

Ngày nay đã hết đói nghèo

Nên quy định mới, phải theo cho hợp thời.

 Kính mời các cụ các ông các bà nâng cốc chúc mừng đôi uyên ương. Nào, xin mời! Xin mời!

Hi hi! He he! Ha ha! nhiều tiếng cười vang lên sau lời MC vừa dứt .

- Nào nào, mời các cụ các ông các bà vào mâm, mọi người chén nhiệt tình nhé, phải ăn cho hết thì gia chủ mới vui nhé!.

Quê các bác, các anh các chị còn tập tục chia cỗ mang về không?

Tại sao nói chia cỗ? Là bởi vì như mấy chị vửa kể. Nhà làm cỗ sẽ chế biến các món khô khan là chính, chỉ có miến nấu, rau xào hay canh bí thì mọi người được ăn, còn thức ăn  sẽ chia theo mô. Mỗi người sẽ được gia chủ chuẩn bị cho một cái túi bóng. Phần thức ăn sẽ được chia đều và bỏ lẫn lộn cho khách mang về.

Thực ra lấy phần cũng là một nét đẹp văn hóa từ xưa, thời kinh tế còn khó khăn. Chỉ khi có đình đám, giỗ chạp mới có món ngon, miếng thịt, miếng giò. Nên người đi ăn lại thương kẻ ở nhà. Bớt mồm bớt miệng lấy mang về cho bố mẹ, ông bà, con cháu không được đi ăn.

Ấy là sự quan tâm đến nhau.

Nhưng thời nay kinh tế đã khấm khá rất nhiều, ngày nào chả thịt cá, giò chả ăn. Ngay như bánh chưng xưa chỉ tết mới có, nay lúc nào chả bán đầy chợ. Thế nên người đi ăn cỗ hãy vui vẻ mà ăn, nếu thức ăn trên mâm vẫn còn thì ai muốn lấy gì thì lấy cho đỡ đổ đi lãng phí. Đừng nhăm nhăm túi bóng chia nhau mang về nữa. nhìn cám cảnh lắm.

 

Theo Chuyện làng quê