Trung Quốc nộp đơn gia nhập CPTPP được cho là động thái nhằm củng cố vai trò lãnh đạo kinh tế của quốc gia này trong thương mại toàn cầu. (Nguồn: Reuters) |
Trung Quốc đã chính thức nộp đơn gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Thông báo được đưa ra vào đêm muộn ngày 16/9, được cho là động thái nhằm củng cố vai trò lãnh đạo kinh tế của quốc gia này trong thương mại toàn cầu. Quyết định của Bắc Kinh đồng thời được đánh giá nhằm gây áp lực lên Mỹ, nền kinh tế số 1 - vốn đã bỏ qua việc tái gia nhập phiên bản sửa đổi của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một hiệp ước thương mại khu vực do Mỹ khởi xướng.
Gia tăng tầm ảnh hưởng, nâng cao vị thế
Việc Trung Quốc xin gia nhập một hiệp ước thương mại ở khu vực Thái Bình Dương được đánh giá là một động thái mang tính bước ngoặt, thể hiện cam kết của nước này đối với tự do hóa thương mại toàn cầu, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19 và những nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập, cũng như kìm hãm những toan tính của Trung Quốc.
Hồi tháng 2, Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cũng đã tiết lộ tại một cuộc họp báo trực tuyến rằng, Trung Quốc đang tích cực tiến hành nghiên cứu các vấn đề liên quan đến việc gia nhập CPTPP và sẵn sàng tăng cường trao đổi kỹ thuật với các thành viên Hiệp định về các vấn đề liên quan.
Theo chuyên gia Gao Lingyun thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc tại Bắc Kinh, CPTPP là một thỏa thuận thương mại tiêu chuẩn cao, bao gồm nhiều lĩnh vực hơn RCEP và cả các thỏa thuận thương mại tự do khác mà Trung Quốc đã ký kết, chẳng hạn như các vấn đề về lao động và môi trường.
“Động thái này là một bước phát triển quan trọng đối với sự tham gia của Trung Quốc trong việc thiết lập các thỏa thuận kinh tế và thương mại quốc tế và có xu hướng đưa Trung Quốc vào vị trí tốt hơn trong việc quyết định các quy tắc thương mại trong tương lai”, chuyên gia Gao nhận định.
Thỏa thuận cũng được kỳ vọng sẽ bổ sung cho những nỗ lực hiện có ở trong nước, nhằm cải cách sâu rộng và mở cửa, đặc biệt liên quan việc bãi bỏ các quy định thương mại và đầu tư.
Hiệp định RCEP dù đang trong quá trình phê chuẩn, nhưng phần lớn là một hiệp ước tập trung ở châu Á. CPTPP thì khác, có tầm ảnh hưởng sâu rộng hơn về mặt địa lý, với Canada và Peru là thành viên, có nghĩa là "việc gia nhập CPTPP có thể mở rộng vòng kết nối bạn bè" với phạm vi rộng lớn hơn về các điều khoản thương mại. Giới quan sát còn nhận xét, việc công bố nộp đơn gia nhập của Bắc Kinh cũng đã là một tiếng vang lớn về mặt chính trị đối với các nước thành viên CPTPP.
Nhà nghiên cứu Song Wei tại Học viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế Trung Quốc, một tổ chức tư vấn trực thuộc MOFCOM, nhận định, động thái mới nhất này của Bắc Kinh đối với CPTPP là dấu hiệu cho thấy lập trường không thay đổi của Trung Quốc về mở cửa thương mại toàn cầu, bất chấp sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, được cho là “sản phẩm phụ” của Covid-19.
Theo bà Song, Trung Quốc đang hy vọng, CPTPP sẽ đưa hợp tác kinh tế và thương mại toàn cầu đi đúng hướng, nhấn mạnh nhu cầu về chủ nghĩa đa phương, từ đó vực dậy cả nền kinh tế Trung Quốc và kinh tế toàn cầu trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19.
Áp lực đối với Mỹ hay tính toán khác của Tổng thống Biden?
Quan trọng hơn, những người theo dõi các vấn đề quốc tế nhấn mạnh rằng, trong nỗ lực nâng cao vị thế lãnh đạo kinh tế trong thương mại toàn cầu, bước đi mới nhất của Bắc Kinh còn nhắm mục tiêu ổn định quan hệ đối tác với các thành viên CPTPP, chắc chắn sẽ khiến Mỹ phải chịu áp lực lớn.
Trong khi đó, theo nhận định của chuyên gia Gao Lingyun, đường lối của Mỹ về chính sách thương mại quốc tế vẫn đang được duy trì, ngay cả khi đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phá vỡ tâm lý "nước Mỹ trên hết" trong chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Donald Trump, bằng cách tái gia nhập thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và đảo ngược quyết định rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Nhưng hiện vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy, chính quyền của Tổng thống Biden đang cố gắng khôi phục vị trí thành viên Hiệp định TPP - một thiết chế đa phương được đánh giá là đối trọng kinh tế quan trọng đối với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Thậm chí, dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, TPP còn được cho là nhằm mục đích kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Tin liên quan |
Mỹ phản ứng thế nào khi Trung Quốc xin gia nhập CPTPP? |
Nhà nghiên cứu Song Wei của Học viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế Trung Quốc còn đánh giá rằng, "Trái ngược với thái độ cởi mở và lạc quan của Trung Quốc đối với CPTPP, Mỹ ngày càng xa rời các đối tác thương mại truyền thống, bao gồm cả Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, bà Song cũng đưa ra lưu ý, vì CPTPP được kỳ vọng sẽ củng cố vai trò của Trung Quốc với tư cách là nước đóng góp vào hội nhập thương mại khu vực và toàn cầu, nên hy vọng tiến trình của Hiệp định cũng có thể thúc đẩy hợp tác Trung - Mỹ trong tương lai.
Ngày 16/9, sau động thái xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc, Mỹ lên tiếng đề nghị các bên ký kết Hiệp định xem xét cẩn trọng đơn của Trung Quốc. Khi được hỏi về sự kiện"nóng hổi" này, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ không quay trở lại Hiệp định CPTPP. Thay vào đó, Mỹ sẽ thúc đẩy các lựa chọn khác, bao gồm tăng cường quan hệ kinh tế tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
"Chúng tôi hy vọng, những hành động thương mại phi thị trường của Trung Quốc và việc Bắc Kinh sử dụng chính sách kinh tế cưỡng ép đối với các quốc gia khác sẽ là yếu tố quyết định liệu đơn xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc có được phê chuẩn hay không", một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói trong một tuyên bố.
Bình luận về cánh cửa gia nhập CPTPP của Bắc Kinh, giới chuyên gia nhận định, trong quy chế xem xét các quốc gia bên ngoài xin gia nhập Hiệp định, có một yêu cầu về việc quốc gia đó sẽ phải tham vấn song phương nếu một trong 7 nước thành viên "toàn phần" (Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore, New Zealand và Việt Nam) không đồng ý.
Trong 7 nước này thì Nhật Bản, Australia, New Zealand, Canada có quan hệ mật thiết với Mỹ. Australia có thể là một ẩn số đối với Trung Quốc do quan hệ căng thẳng giữa hai bên và việc Australia vừa cùng Mỹ và Anh nâng cấp quan hệ hợp tác quốc phòng và công nghiệp thông qua sáng kiến AUKUS.
Bên cạnh đó, một rào cản nữa đối với Trung Quốc là Canada và Mexico với vai trò là thành viên của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ mới (USMCA) vừa được ký lại năm 2018 có thể từ chối sự tham gia của Bắc Kinh dựa trên một điều khoản.
Theo đó, Hiệp định này quy định không một nước thành viên nào của USMCA được ký kết thương mại với các nền kinh tế "phi thị trường" – trong khi Trung Quốc vẫn chưa đạt được sự thừa nhận tư cách này từ cả Mỹ và châu Âu.
Trong khi đó, trước đề nghị của Bắc Kinh, Nhật Bản, nước chủ trì CPTPP năm nay, cho biết, họ sẽ tham vấn các nước thành viên để đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc, nhưng chưa nêu rõ mốc thời gian để thực hiện điều đó.
"Nhật Bản tin rằng, cần phải xác định xem liệu Trung Quốc đã sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn cực kỳ cao của Hiệp định hay chưa", Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura thông báo với giới truyền thông.