Theo Quyết định số 2415, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm.
Tương tự, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm.
Tuy nhiên, theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 2416 về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định.
Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7%/năm.
Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động và cho vay (ảnh minh họa).
Tiên phong trong việc cắt giảm lãi suất tại các ngân hàng thương mại, chiều nay 18/11, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã công bố quyết định giảm đồng loạt 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu bằng đồng VND của doanh nghiệp trong 2 tháng cuối năm, áp dụng ngược lại kể từ ngày 1/11 vừa qua.
Theo tiết lộ của Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành, với quyết định này, trên 320.000 tỷ đồng dư nợ của ngân hàng sẽ được giảm 0,5%/năm trong 2 tháng.
Và với mức giảm này, lợi nhuận ngân hàng sẽ ước giảm 260 tỷ đồng trong 2 tháng cuối năm, nhưng không ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận đã đề ra trước đó. Bởi ngân hàng thông qua tiết giảm các chi phí như nâng cao chất lượng tín dụng, giảm trích lập dự phòng để chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019.
"Động thái này của ngân hàng sẽ giúp các doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn trong việc vay vốn để sản xuất kinh doanh. Dư địa tín dụng của Vietcombank từ nay đến cuối năm còn 5%", Chủ tịch Vietcombank cho biết.
Cũng trong chiều muộn hôm nay 18/11, Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB) bất ngờ giảm tới 2% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng doanh nghiệp và chủ hộ kinh doanh; giảm tới 3,6% lãi suất phục vụ mục đích sản xuất, chăn nuôi… nông nghiệp.
Theo đó, MSB áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi với mức giảm lên đến 2% áp dụng cho các khách hàng mới và tới 1% cho các khách hàng hiện hữu đáp ứng điều kiện.
Mức lãi suất ưu đãi áp dụng cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay ngắn hạn, trung dài hạn để bổ sung vốn kinh doanh, đầu tư mua trang thiết bị, nhà xưởng, kho hàng, phương tiện vận chuyển…
Cụ thể, lãi suất cho vay khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa tối thiểu áp dụng cho kỳ hạn từ 3 tháng là 6,99%, kỳ hạn từ 6 tháng là 7,49% dành cho khách hàng vay lần đầu.
MSB cũng dành ưu đãi lãi suất đặc biệt cho các khách hàng mới là các doanh nghiệp siêu nhỏ có mức doanh thu dưới 20 tỷ đồng với mức lãi suất thấp nhất cho kỳ hạn từ 3 tháng là 7,49% và kỳ hạn từ 6 tháng là 7,99%. Mức lãi suất ưu đãi nằm trong gói tín dụng 2.000 tỷ đồng được MSB áp dụng đến 31/12/2019.
Lý giải về quyết định cắt giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phấn đấu giảm lãi suất cho vay, trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước ban hành các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực kể từ ngày mai, 19/11.
Từ đầu năm 2019 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; thanh khoản của tổ chức tín dụng được đảm bảo và có dư thừa, thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thông suốt. Cùng với các giải pháp, chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng kinh tế quý III/2019 đạt 7,31%, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu 4% đề ra từ đầu năm (so với cùng kỳ năm 2018, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2019 tăng 2,24%, bình quân 10 tháng đầu năm tăng 2,48%).