Nghệ nhân Lê Hồng Tâm: Một lòng giữ gìn nét tâm linh hướng thiện

Là người phụ nữ có tấm lòng nhân ái, luôn luôn gìn giữ giá trị văn hóa Đạo thờ Mẫu của dân tộc, không chỉ tích cực tham gia công tác trùng tu tôn tạo nhiều di tích lịch sử ở nhiều nơi, mà bà còn tích cực tham gia công tác từ thiện cho nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Mọi người thường gọi bà bằng cái tên trìu mến là  “Thầy Tâm” để tỏ lòng kính trọng bà.

nghe-nhan-tam2-1633685950.JPG 

Bà sinh năm 1936 tại xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn – Thanh Hóa, trong lúc đất nước đang chiến tranh, loạn lạc, gia đình thuần nông nghèo khó, phải sống nhờ mò cua bắt ốc, làm mướn, lên rừng kiếm củi. Tuổi trẻ vật lộn với khó khăn, gian truân, vất vả. Lớn lên bà theo học rồi công tác trong ngành dược của tỉnh Thanh Hóa. Là cán bộ trẻ, bà lăn lộn từ nông trường này qua nông trường khác, rồi công tác tỉnh để tìm kiếm nguồn dược liệu phục vụ cho công tác khám chữa bệnh. Bà luôn là cán bộ mẫn cán trong các phong trào xã hội. Trong công tác chuyên môn, bà luôn là cán bộ giỏi, tâm huyết, đạt nhiều thành tích trong lao động. Ở bà luôn toát lên một niềm tin chân lý, sự mạnh mẽ kiên trung, dẫu cho mưa gió thời gian, thị phi thăng trầm, trái tim bà vẫn sáng, vươn lên vượt qua mọi khó khăn.

Sống trên đời nhiều chuyện lạ kỳ. Những câu chuyện về những người thành tâm và có duyên với văn hóa đạo Mẫu luôn là dấu hỏi lớn. Năm 13 tuổi bà ra trình đồng, theo đạo Mẫu và con đường đời sau này của bà luôn gắn liền với phụng sự và bảo tồn đạo Mẫu. Người Việt xưa nay đều tin rằng những người có căn có nghiệp, nhất là người căn cao số nặng, thì cuộc sống gặp nhiều sóng gió, gian truân. Cuộc đời bà cũng vậy, gặp nhiều sóng gió, vất vả, khó khăn, nhưng bà luôn lạc quan, sống hướng thiện.

Những sóng gió khó khăn ấy dường như chỉ mới bắt đầu những năm 1982 sau khi bà nghỉ hưu. Một thân một mình nuôi 4 người con- 3 gái, 1 trai- vất vả vô cùng. Trong giai đoạn bao cấp đầy khó khăn đối với người phụ nữ phải gồng gánh trên vai nhiều trách nhiệm nuôi con cái, gánh vác cả hai bên gia đình quả thực rất khó khăn, khổ cực. Nhưng với bản tính thông minh, mạnh mẽ hơn người, không ngại gian khó, sáng tạo, kiên cường, bà tìm mọi cách xoay sở, giúp con cái được học hành đầy đủ, để sau này có cuộc sống tươi đẹp. Năm 1983, bà theo tàu vào Nam buôn gạo, buôn tấm. Vừa buôn bán vừa trồng trọt, chăn nuôi, mọi việc đều đến tay bà. Để đến hôm nay bà có thể tự hào về công sức mình bỏ ra đã được đền đáp, các con đều trưởng thành, có công ăn việc làm, cuộc sống no đủ. Bà có hai người con gái đang định cư và làm việc tại Đức. Bà cũng tự hào khi các con cũng thường đóng góp công, của, cùng bà tham gia các phong trào của địa phương, nhất là trong việc xây dựng, bảo tồn các di tích lịch sử.

Tuy đã ngoài 90 tuổi nhưng bà vẫn rất minh mẫn, khỏe mạnh, luôn hướng con nhang, đệ tử của mình làm việc thiện, việc tốt giúp xã hội. Giúp được người việc gì thì hết lòng hết dạ. Bà thường răn dạy đệ tử rằng: Làm gì cũng lấy lễ nghĩa làm đầu. Để rồi trong cuộc đời tu đạo, giáo hóa, chỉ bảo đệ tử đi khắp đền phủ đều tâm niệm lấy chữ Tâm làm đầu. Trọn đời tu việc thánh, bà đã đi nhiều nơi công đức: Đền Đồng Bằng, đền Đông Cuông, đền Sòng Thanh Hóa… Từ khi còn khó khăn bà vẫn tiết kiệm từng đồng để lo việc lễ bái, công đức, gieo duyên… cung tiến đền phủ. Bà đã đóng góp không nhỏ, góp phần gìn giữu bảo tồn các di tích của địa phương như chùa Thượng phủ Tía, đền Mẫu Thượng. đền Thánh Mẫu.

nghe-nhan-tam1-1633685950.JPG 

Bà Tâm luôn nghĩ, trên đời quan trọng nhất là có Tâm, có Tâm con người có thể làm được tất cả. Dường như bà đã dành cả cuộc đời để làm việc nhân ái. Từ khi còn khó khăn cho đến nay khi mà có cuộc sống sung túc, đầy đủ thì bà vẫn miệt mài làm việc nhân ái, việc thiện giúp người khốn khó. Tính đến nay bà đã có hơn 50 năm làm công tác từ thiện. Hàng năm bà vẫn tham gia đóng góp cho các tổ chức từ địa phương đến trung ương. Trao quà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già cô đơn, người tàn tật, trẻ em nghèo… Trong những năm gần đây, bà cũng là cá nhân tích cực tham gia và đóng góp cho công tác bảo tồn văn hóa đạo Mẫu Việt Nam. Chính vì thế mà trong những năm qua bà đã nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen, bảng vàng của cơ quan, tổ chức. Năm 2017 bà nhận Bằng khen của Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam vì những đóng góp cho công tác bảo tồn và phát triển di sản Việt Nam. Năm 2019, Bảng vàng vinh danh của Hội nghiên cứu khoa học Đông Nam Á…

Chúc bà thật nhiều sức khỏe để gìn giữ tinh hoa của đạo Mẫu Việt Nam, phát huy những giá trị nhân văn, hướng thiện.