Nghệ nhân Lê Mỹ Cát ra đi...bao nghĩa tình Sinh Vật Cảnh ở lại!

Bàng hoàng nghe tin Nghệ nhân Lê Mỹ Cát, Cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên thành viên Ban Kinh tế Trung ương, Nguyên Chủ tịch Hội Cây cảnh nghệ thuật Hà Nội; sinh năm 1923, trú quán tại thôn Trần Đăng, Hoa Sơn, Ứng Hòa, Hà Nội...đã từ trần vào hồi 8 giờ 50 phút ngày 22 tháng 04 năm 2020 hưởng thọ 98 tuổi, mà trong lòng bồi hồi nhớ về chuyến thăm cụ cách đây 3 năm khi cụ còn khá minh mẫn.

Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn. Ăn quả nhớ người trồng cây", tri ân công đức của các bậc tiền bối đã có nhiều đóng góp vì sự phát triển của tổ chức Hội và phong trào Sinh Vật Cảnh Thủ đô, ngày 09/12/2017, ông Hoàng Kim Trung, Nguyên Chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Gia Hiền, Phó chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội cùng phóng viên của Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam đã đến thăm Nghệ nhân Lê Mỹ Cát, nguyên Chủ tịch Hội Cây cảnh Nghệ thuật Hà Nội để báo cáo tình hình công tác Hội.

Ông Hoàng Kim Chung, nguyên Chủ tịch Hội SVC Hà Nội báo báo Nghệ nhân Lê Mỹ Cát (bên trái) 

Trong niềm xúc động của một người đã có nhiều năm gắn bó với Nghệ nhân Lê Mỹ Cát, ông Hoàng Kim Trung động viên cụ bà sớm ổn định sức khỏe, tinh thần để trở thành chỗ dựa cho con cháu chắt tiếp tục học tập, lao động và cống hiến theo gương Nghệ nhân Lễ Mỹ Cát. Đồng thời khẳng định: "Những đóng góp to lớn của cụ đối với tổ chức Hội và phong trào Sinh Vật Cảnh Thủ đô đang được các thế hệ lãnh đạo Hội tiếp tục thực hiện rất thiết thực, nhất là chương trình "Sinh Vật Cảnh Hà Nội với cả nước, Sinh Vật Cảnh cả nước với Hà Nội" nhằm góp phần thúc đẩy Sinh Vật Cảnh của cả nước phát triển thành ngành kinh tế sinh thái giá trị cao".

 Đại diện Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội trao Bằng Vinh Danh và Cúp tri ân cụ Lê Mỹ Cát (người ngồi thứ 2 từ trái sang), nguyên Chủ tịch Hội Cây cảnh nghệ thuật Hà Nội.

Đến thăm cụ Lê Mỹ Cát đúng dịp cụ thượng thọ 95 tuổi và 75 tuổi Đảng. Cụ vẫn rất minh mẫn và sang sảng nói về mong ước cuối đời được thấy phong trào Sinh Vật Cảnh Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn hướng tới tầm cao văn hóa và hiệu quả kinh tế xã hội ngày một thiết thực hơn. Cụ rất vui vì được Hội quan tâm vinh danh vì những cống hiến cho công tác Sinh Vật Cảnh ở những ngày đầu mới thành lập Hội. Cụ bùi ngùi chia sẻ trước sự ra đi đột ngột của cố nhà báo Đỗ Phượng, cây đại thụ của làng báo, làng Sinh Vật Cảnh Việt Nam.

Ông Nguyễn Gia Hiền vui mừng báo cáo với cụ Lê Mỹ Cát về những chuyển biến mạnh mẽ của tổ chức Hội và phong trào Sinh Vật Cảnh Thủ đô trong những năm gần đây. Hội đã hoạt động ngày càng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa và luôn mở rộng kết nối với tất cả các tổ chức có liên quan trong và ngoài nước phục vụ mục tiêu "Đưa Sinh Vật Cảnh Thủ đô thành ngành kinh tế sinh thái giá trị cao, là nhân tố mới trong xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh và quá trình tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững" đúng theo khuôn khổ Điều lệ Hội và các quy định của pháp luật.

Nhân dịp này, cụ Lê Mỹ Cát đề nghị Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội cần chủ động huy động các nguồn lực, trước mắt là của giới nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn Sinh Vật Cảnh tiêu biểu Thủ đô liên kết lại với nhau hình thành những khu sản xuất, kinh doanh làm dịch vụ Sinh Vật Cảnh để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch...góp phần làm thay đổi diện mạo Thủ đô ngày càng Xanh - Sạch - Đẹp - Thân thiện môi trường và đáng sống. Trước mắt cụ đề nghị tập trung làm tiểu cảnh thu nhỏ Vịnh Hạ Long tại Thủ đô Hà Nội và cụ xung phong ủng hộ vật chất và tinh thần cho công trình giàu ý nghĩa này.

 

Tác phẩm Tiểu cảnh non bộ bằng bằng chất liệu gỗ hóa thạch do cụ Lê Mỹ Cát tạo tác

Tiễn đoàn ra về trong sự lưu luyến, cụ đứng ở cửa nhìn theo vẫy tay chào đoàn đã đi xa! Nhìn cảnh tượng xúc động đó, chúng tôi thấu hiểu tâm tình của cụ với tổ chức Hội và phong trào Sinh Vật Cảnh rất sâu nặng. Chúng tôi như thể nhận được trách nhiệm nặng nề hơn trước những công việc sắp tới của mình.

Vậy mà hôm nay cụ Lê Mỹ Cát đã ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn, một khoảng trống khó khỏa lấp trong lòng những người làm công tác Sinh Vật Cảnh Thủ đô. Trong giờ phút tang thương tiễn biệt này, chúng con nguyện bước tiếp trên còn đường và thực hiện tiếp những công việc về Sinh Vật Cảnh mà cụ đã dày công đặt nền mong gây dựng. 

Thưa cụ! những gì đang diễn ra sôi động và hiệu quả của phong trào Sinh Vật Cảnh Thủ đô cho thấy mối liên kết rất chặt chẽ của cả bốn thế hệ nêu trên với quyết tâm hành động theo tinh thần một cuộc cách mạng cảnh quan trong lĩnh vực Sinh Vật Cảnh "làm cho phong cảnh nước ta ngày càng tươi đẹp", "đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện" do Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta khởi xướng và thực hiện qua phong trào Tết Trồng cây vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước! Trân trọng những giá trị truyền thống quý báu trong công tác Sinh Vật Cảnh đã được tổ tiên và các bậc tiền bối trao truyền qua bao thế hệ đã giúp chúng ta vững bước trên con đường thiên lý hôm nay! Người ở, người đi, người đã nghỉ công tác và người đang đồng hành nhưng nghĩa tình Sinh Vật Cảnh còn mãi...!

Vĩnh biệt cụ và kính cẩn nghiêng mình trước anh linh cụ, cầu mong cụ sớm siêu thăng pháp giới và phù hộ cho muôn người ở lại!

BCH Hội Sinh Vật Cảnh Thành phố Hà Nội, Hội Cây cảnh nghệ thuật Hà Nội vô cùng thương tiếc báo tin: Nghệ nhân Lê Mỹ Cát, Cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên thành viên Ban Kinh tế Trung ương, Nguyên Chủ tịch Hội Cây cảnh nghệ thuật Hà Nội; sinh năm 1923, trú quán tại thôn Trần Đăng, Hoa Sơn, Ứng Hòa, Hà Nội...đã từ trần vào hồi 8 giờ 50 phút ngày 22 tháng 04 năm 2020 hưởng thọ 98 tuổi.

Lễ viếng tổ chức vào hồi 20h ngày 22 tháng 04 năm 2020 tại Nhà riêng, thôn Trần Đăng, Hoa Sơn, Ứng Hòa, Hà Nội. Lễ an táng 14h ngày 23 tháng 4 năm 2020 tại nghĩa trang quê nhà. Trước tin buồn này, cán bộ, hội viên, hội thành viên Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội, Hội Cây cảnh nghệ thuật Hà Nội thành kính phân ưu cùng gia quyến, cầu mong hương linh cụ sớm siêu thăng pháp giới trong cõi Cực Lạc vĩnh hằng và phù hộ cho muôn người ở lại.