Nghệ nhân Trương Quốc Chính chia sẻ về xu hướng phát triển thị trường hoa lan hậu COVID19

Đại dịch COVID19 đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Nhiều ngành hàng sau đại dịch phải tính đến việc tái cơ cấu để thích ứng với tình hình mới. Thị trường hoa cây cảnh nói chung, hoa lan nói riêng cũng nằm trong mối quan tâm đó. Dưới đây là phân tích của ông Trương Quốc Chính - Chủ Resort Hoa lan Chính Trương (Ba Vì – Hà Nội) với tư cách người trong cuộc về vấn đề này.

tuong2-1631718902.jpg

Ông Trương Quốc Chính (Ba Vì - Hà Nội)

5 cánh trắng Phú Thọ chính là nền móng:

Vừa rồi, giới chơi lan đang lo ngại bởi vì giá của loại lan “quốc dân” 5 cánh trắng Phú Thọ chưa bao giờ thấp đến như vậy, anh bình luận ra sao về chuyện này?

Cách đây ít lâu tôi có đăng trên facebook một bài có tên là “Con đường cũ, con đường mới” với nội dung: “Một thị trường đúng nghĩa là một thị trường phong phú với đa dạng mặt hàng. Thay vì kỳ vọng sửa lại con đường cũ sao ta không đi con đường mới đẹp hơn, rộng hơn và nhanh tới đích hơn? Một con tàu có nguy cơ đắm trên biển vì cũ nát quá trọng tải cách duy nhất là gọi một tàu cứu hộ đủ khỏe lai dắt để cùng chạy về bờ. Muốn tồn tại phải vận động và thay đổi tư duy”.

Ý của tôi rằng nên bỏ con đường cũ là chơi hoa quá nặng về yếu tố vật chất, thiếu sự đam mê, theo đuổi những giá trị tinh thần đích thực. Nhiều người chưa hiểu biết nhiều về hoa lan đã vội đầu tư, thứ nữa là hội nhóm áp đặt tư duy chủ quan. Tôi mong muốn đây phải là thú chơi nhân văn tao nhã, xây dựng giá trị của cây lan bằng vẻ đẹp nhân ái, đam mê của người Việt. Thị trường lan phải đa sắc màu, nhiều chủng loại để cho người chơi có sự lựa chọn chứ không phải là chỉ chơi một số mặt bông cao cấp.

Thế nhưng nhiều người lại hiểu sai ý tưởng của tôi, cho rằng tôi bỏ 5 cánh trắng Phú Thọ để chạy theo những bông mới. Trong thực tế tôi là người đang sở hữu rất nhiều 5 cánh trắng Phú Thọ.

Vậy theo anh cây 5 cánh trắng Phú Thọ mang giá trị cốt lõi gì mà giới chơi lan không thể bỏ được nó?

Năm 1972 đoàn xiếc Trung ương sơ tán về đình làng Cổ Tiết (Tam Nông, Phú Thọ) đúng mùa hoa nở, thấy những cánh hoa trắng muốt với hương thơm mê hoặc lòng người, họ đã lấy xuống trồng, nhân giống. 5 cánh trắng Phú Thọ là cây đầu tiên khởi nguồn cho thú chơi lan đột biến của người Việt từ đó, về sau này nó đã làm giàu cho rất nhiều chủ vườn. Trước đây, chúng tôi chơi lan đột biến vì đam mê, khi mọi người thích thì chia sẻ và giá cả thì theo thị trường. Quan điểm của tôi trong thị trường lan đột biến, cây 5 cánh trắng Phú Thọ phải có số lượng giao dịch nhiều nhất chứ không phải là những cây giá trị cao.

tuong1-1631718810.jpg

Nơi phát hiện cây phi điệp 5 Cánh trắng Phú Thọ

Thị trường lan đột biến từ trước đến giữa năm 2019 rất ổn định, rất đều theo hình tháp với đáy là 5 cánh trắng Phú Thọ nhưng lúc bấy giờ nó bị đẩy cao quá, (2 triệu/cm) mà trước đó chỉ 1 triệu/cm nên đã bị trượt ray. Sau này thị trường đóng băng một thời gian rất dài, sụt giá mà trọng tâm nhất vẫn là 5 cánh trắng Phú Thọ.  

Lúc bấy giờ tôi đã bán rất nhiều cây dòng cao đi rồi mở ra Resort Lan Chính Trương tại xã Phú Cường (Ba Vì, Hà Nội) với mục tiêu về xây dựng quê hương bởi nơi ấy vẫn còn nghèo lắm. Tôi mạnh dạn cùng nhiều anh em đầu tư vào 5 cánh trắng Phú Thọ. Từ động thái phù hợp với xu hướng thị trường nên đã tạo ra “cú huých” thúc đẩy phân khúc này phát triển. Từ đó, tạo ra cơ hội cho những người mới chơi, các vườn nhỏ có lực để tái đầu tư và có thêm niềm tin vào sự phát triển của cây lan.

Giá 5 cánh trắng Phú Thọ từ lúc không vững, xuống tới 400.000đ/cm mà đến tháng 2 năm 2020 giá đã lên hơn 1 triệu/cm nhưng tôi vẫn chưa bán. Một thời gian sau do dịch Covid và hiện tượng ăn theo, làm ăn gian dối bán những sản phẩm gây nhầm lẫn làm cho thông tin thị trường hỗn loạn, người tiêu dùng hoang mang. Cùng với đó, truyền thông chưa định hướng tốt trong việc này để một mặt lên án những đối tượng lừa đảo, một mặt kịp thời bảo vệ người làm ăn chân chính.

Lúc bấy giờ, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi đã mạnh dạn đứng lên đấu giá tác phẩm hoa lan bướm Đại ngàn được 11,7 tỷ để ủng hộ Quỹ Cứu trợ Trung ương. Tiếp nối hoạt động thiện nguyện này, giới chơi lan cả nước đã có nhiều hoạt động thiện nguyện tạo ra một phong trào rất sôi nổi, thiết thực, hiệu quả đã được chính quyền các cấp và MTTQ Việt Nam biểu dương ghi nhận.

tuong3-1631719075.jpg

Mặc dù là người sở hữu nhiều mặt bông cao cấp, nhưng ông Trương Quốc Chính luôn ủng hộ việc xác định cây phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ là cây nền tảng đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường hoa lan Việt Nam.

5 cánh trắng Phú Thọ đã có lịch sử phát triển gần 50 năm và đã có thương hiệu trên thị trường. Vẻ đẹp thẩm mỹ của nó đã được người tiêu dùng thừa nhận rộng rãi. Giờ đây, nó đã gắn với miếng cơm, manh áo và cả gia tài của bao nhiêu người khắp các vùng miền trên cả nước. Nên bất kì ai có suy nghĩ hoặc việc làm để làm giảm vai trò của trên trên thị trường sẽ là không thỏa đáng! Và chắc chắn sẽ gây những tác động không nhỏ đến thị trường hoa lan nói chung.

Tôi đồng tình với ý kiến của nhiều chuyên gia có trách nhiệm, cũng như phân đông những người yêu hoa lan chân chính khi mong muốn thị trường xoay trục về cái nền móng là 5 cánh trắng Phú Thọ. Cá nhân tôi rất trăn trở về việc này!

Vì sao xã hội nhiều người ác cảm với cụm từ “lan đột biến”?

Trong 2 năm vừa qua, do sốt giá nên thị trường lan đột biến 10 người mới nhảy vào tôi thấy có khi 8-9 người là đầu cơ, anh nghĩ ra sao về chuyện đó?

Có hai nguyên nhân, thứ nhất đó là do định hướng sai, chỉ chơi mặt bông tầm cao mà bỏ qua các mặt bông tầm thấp. Có khi cả gia tài của 10 người mới mua được 1 cây nên vì vậy mà phải “đi chợ”, cùng nhau cổ phần rồi bán. Thứ hai là lòng tham của con người, nhìn thấy những người đầu tư trước giàu nhanh quá nên đã đầu tư bằng các "đòn bẩy" tài chính vượt quá khả năng và điều kiện thực tế của mình.

Cũng bởi nhiều người vừa rồi đầu tư vào lan đột biến chỉ vì thấy nó “đẻ” ra tiền mỗi ngày mà không có cái gốc từ đam mê nên tạo ra sự ác cảm của xã hội với lan đột biến. Anh nghĩ sao về chuyện đó?

Vấn đề này có nhiều nguyên nhân. Nhưng cơ bản nhất là người mới tham gia chưa chuẩn bị cho mình những kiến thức nhất định về cây lan, thị trường, văn hóa kinh doanh và tâm thế khởi nghiệp. Họ đánh giá cây lan là một sản phẩm tài chính sinh lời nhiều hơn là một cây trồng nông nghiệp giàu tiềm năng, nhưng cũng rất đặc thù. Họ chạy theo sự chênh lệnh giá, chứ không chạy theo chuỗi giá trị cấu thành sản phẩm. Trong đó, yếu tố quyết định sự thành công phải dựa vào việc tạo ra giá trị gia tăng, sự khác biệt của mỗi nhà vườn.   

pt11-1631719527.jpg

Phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ, một mặt bông đã trải qua gần 50 năm thử thách.

Lẽ ra phải xuất phát từ đam mê, theo đuổi từ những cây tầm thấp đã được thị trường chấp nhận như 5 cánh trắng Phú Thọ rồi nhân giống ra. Từ đó, kế thừa và phát triển cả văn hóa lẫn những giá trị đã được tạo dựng nhiều thế hệ để tiếp cận thêm những mặt bông mới, những giá trị mới, chứ không phải xa rời cái gốc rễ căn bản của nó. Kinh doanh là phải “liệu cơm gắp mắm, lấy ngắn nuôi dài”, tái đầu tư phù hợp với khả năng và trình độ canh tác, quản lý dòng tiền. Còn đầu tư thì phải luôn thấm nhuần nguyên tắc “không nên bỏ hết trứng vào một giỏ”. Nghĩa là người đầu tư khôn ngoan là phải biết phân tán rủi ro, không nên tập trung quá nhiều tiền vào một phân khúc cụ thể. Nhưng thực tế thì dường như mọi chuyện đã diễn ra theo chiều hướng ngược lại?

Anh có lý giải được tại sao ra ngoài xã hội thì 10 người thì có lẽ 9 người ác cảm với cụm từ lan đột biến?

Như tôi đã phân tích ở trên, ở đây có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Thị trường hoa lan là thị trường mới nổi, vốn dĩ nó là hàng hóa đặc thù gắn với một thú chơi. Vì vậy về phía các cơ quan quản lý chưa có những hướng dẫn cụ thể, hành lang pháp lý chưa đầy đủ để điều chỉnh các mối quan hệ khi có những tình huống mới phát sinh.

Phải khẳng định có nhân tố chủ quan từ những người tham gia vào thị trường cũng chưa có nhận thức đầy đủ nên dễ phát sinh rủi ro trong trường hợp thiếu thông tin giữa các bên tham gia. Cùng với đó, hoa lan hay bất kỳ mặt hàng nào khi có lợi nhuận cao cũng sẽ phát sinh những hiện tượng tiêu cực đi kèm như: lừa đảo, gian dối…

Trong bối cảnh đó, vai trò của các hiệp hội chuyên ngành thì mờ nhạt, truyền thông thiếu sự định hướng kịp thời sẽ tạo ra những ý kiến trái chiều, thậm chí là sự kì thị của một bộ phận trong xã hội là điều khó tránh khỏi.  

vuon-lan-chinh-truong4-1631719666.jpeg

Cần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của hoa lan trong cộng đồng.

Liệu có phải bây giờ do 5 cánh trắng Phú Thọ đã được nhân ra quá nhiều nên thị trường mới xuống giá không?

Không hẳn vậy. Người chơi lan ở Việt Nam cùng lắm khoảng 150.000 trong khi dân số nước ta là 98 triệu thì tỷ lệ còn quá ít. Nên nếu chúng ta làm tốt, định hướng tốt để 5 cánh trắng Phú Thọ trở về với những giá trị vốn có của nó thì nó hoàn toàn có thể là cây lan đặc hữu tiêu biểu cho lan rừng Việt Nam. Được vậy, nó sẽ thay thế vị trí của các loại cây cảnh, cây hoa mà chúng ta hàng năm phải bỏ vài trăm triệu đô la để nhập khẩu. Rõ ràng đây là thị trường rất mênh mông!

Anh nghĩ như thế nào về hướng xuất khẩu mặt hàng này?

Đó là công việc trong tương lai nhưng ngay bây giờ chúng ta cần phải định vị và có một chiến lược bài bản cho hành trình đó. Trước hết, các loại hoa lan nói chung, 5 cánh trắng Phú Thọ nói riêng phải tìm được vị trí vững chắc trong thị trường nội địa.  

Trước khi xuất khẩu, 5 cánh trắng Phú Thọ phải thực sự là hàng hóa đặc thù gắn với giá trị văn hóa, truyền thống của Việt, xây dựng cách chơi lan, thưởng lan của người Việt, có thể có cả lan đạo giống như người Nhật có trà đạo. Đạo là gì? Là con đường. Vậy con đường ấy phải mang giá trị của lịch sử, văn hóa, triết học…

Cây lan phi điệp đột biến nói chung của ta có rất nhiều vẻ đẹp và giá trị phải tiếp tục khám phá, cách chơi của ta cũng chuyên nghiệp hơn họ rất nhiều bởi chú trọng vào vẻ đẹp bông hoa từ kết cấu, khuôn cánh đến màu sắc, hương thơm…Người Việt ta còn đặt tên cho hoa lan như 5 cánh trắng Phú Thọ, Hiển Oanh, Hồng Yên Thủy...bởi yêu nó như một đứa con tinh thần. Bởi thế phải lan tỏa cách chơi lan của người Việt. Sự khác biệt trong lối chơi đó sẽ tạo thành một thương hiệu Việt.

ra-mat-1631719815.jpg

Đã có nhiều hội nghị của ngành nông nghiệp để tìm giải pháp thúc đẩy ngành hoa cây cảnh nói chung và hoa lan nói riêng phát triển tương xứng với vị thế và tiềm năng.

Về việc này, chúng ta rất cần phải nghiên cứu cách làm thương hiệu Quốc gia của Thái Lan gắn với cây Dendro, Nhật Bản với cây hoa Anh Đào; Singapore với cây lan Hồ Điệp; Hungary với cây hoa hồng; Hà Lan với hoa Tulip…Tại sao các nước làm được, mà Việt Nam 1 trong 16 quốc gia đa dạng sinh học bậc nhất trên thế giới mà chúng ta không có lấy một loại hoa nào mang đặc trưng văn hóa để quảng bá hình ảnh đất nước, để kết nối các giá trị toàn cầu…?!

Vậy lộ trình xuất khẩu đó ra sao rồi?

Một số đối tác châu Á rất thích cây 5 cánh trắng Phú Thọ nhưng phải thành lập doanh nghiệp, phải thông qua Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng như các cơ quan liên quan để tiến hành theo các bước theo thủ tục pháp lý. Rất cần cơ chế, chính sách của Nhà nước ủng hộ người trồng hoa lan như tạo điều kiện về đất đai cũng như ủng hộ cho việc thành lập Hiệp hội hoa lan.

Trước đây người chơi lan nằm trong Hiệp hội sinh vật cảnh mà sinh vật cảnh thì rộng quá, không quan tâm hết được các lĩnh vực trong đó. Nếu có Hiệp hội hoa lan thì các anh em bảo nhau chống phá giá, chống lừa đảo và nằm trong vòng quản lý của Nhà nước, các nhà vườn sẵn sàng đóng thuế bình thường. Lúc đó sẽ có cơ hội để xuất khẩu đi nước ngoài.

Theo Chánh văn phòng Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội Vương Xuân Nguyên trao đổi với PV, thì tiềm năng phát triển hoa cây cảnh nói chung, hoa lan nói riêng là rất lớn. Hiện nay nhu cầu tiêu thụ hoa bình quân hàng năm của Việt Nam mới đạt  3 - 5 USD/người, trong khi các nước trong khu vực là 10 - 15 USD/người. Chỉ tính riêng lan Hồ Điệp (một loại hoa chỉ chơi trong dịp tết) chúng ta làm suốt 15 năm qua mới quy mô công nghiệp nhưng mới đáp ứng được 20% còn lại vẫn phải nhập tới 80%, chưa kể các loại hoa cây cảnh khác phải nhập khẩu hàng năm phải nhập trung bình khoảng 60%. Vì vậy, rất cần định hình một số loại hoa cây cảnh, nhất là hoa lan đặc hữu có nguồn gen quý hiếm, có lịch sử lâu đời, có truyền thống chơi lâu năm và được đông đảo người tiêu dùng chấp nhận như cây Phi điệp 5 Cánh trắng Phú Thọ làm cây nền tảng để xây dựng thương hiệu hoa Quốc gia. Trước mắt, loại cây này, xuất phát từ giá trị văn hóa và lòng tự tôn dân tộc được người tiêu dùng nội địa chấp nhận sử dụng phổ biến thay thế dần các loại hoa ngoại lai. Khi đã xây dựng được thương hiệu bản sắc riêng và xác lập được vị trí vững chắc trong nước, lan tỏa những giá trị toàn cầu được thừa nhận rộng rãi mới hướng đến xuất khẩu. Muốn vậy, cùng với sự đoàn kết của cộng đồng những người yêu hoa lan Việt Nam, rất cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành các cấp, nhất là UBND tỉnh Phú Thọ nơi phát tích loại cây hoa quý này.