Nghệ nhân Vương Thị Nhung gìn giữ nét đẹp thêu cờ tổ quốc

Nghệ nhân Vương Thị Nhung sinh năm 1976 (chủ cơ sở thêu cờ Hồng Nhung) là người lưu giữ nghề thêu cờ gia truyền của gia đình và cũng là một trong những người gìn giữ đc nghề thêu cờ của cả nước.

Cháy mãi ngọn lửa truyền thống 

Cơ sở thêu cờ Hồng Nhung hoạt động từ xưa cho đến nay đã được mấy chục năm, nằm tại thôn Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội. 

Từ những ngày trước khi diễn ra cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8 năm 1945, người dân thôn Từ Vân đã làm nghề thêu cờ Tổ quốc. Trải qua hơn 75 năm, nhiều thế hệ người dân trong thôn vẫn giữ gìn và phát triển nghề truyền thống. 

anh-chup-man-hinh-2022-10-28-luc-164418-1666950321.png

Nghệ nhân Vương Thị Nhung

Được cha dạy thêu cờ Tổ quốc từ thuở lên 7, lên 8, đến nay, chị Vương Thị Nhung đã hơn 30 năm trong nghề. Chị cho biết nhà chị đã có truyền thống may cờ 3 đời tại làng. Bố chị là cụ Vương Văn Tháp, những năm trước phải học nghề may cờ rồi mới về truyền cho con cháu. 

“Ngày trước, cứ mỗi ngày, bố tôi sẽ chở cờ bằng xe đạp lên phố Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) giao cho khách, 94 tuổi nhưng ông cụ vẫn đạp xe mấy chục cây số đi giao cờ. Ông cụ thọ 104 tuổi, cũng là những người đầu tiên đem nghề làm cờ về làng,” chị Nhung tự hào chia sẻ.

Chị và chồng là anh Đặng Hồng Hưởng sinh năm 1968 đã cùng nhau nối nghiệp ông bà để lại từ nhiều đời để lưu giữ nét truyền thống của gia đình và của làng nghề. Hơn chục năm trở lại đây, nhu cầu về cờ Tổ quốc tăng mạnh, gia đình chị trở nên tất bật hơn. 

anh-chup-man-hinh-2022-10-28-luc-164441-1666950321.png

Mặc dù đã có công nghệ hiện đại để sản xuất nhanh hơn, nhưng cơ sở thêu cờ của chị vẫn luôn tâm huyết với việc thêu tay. Bởi lẽ, chị luôn tâm niệm, từng đường kim, mũi chỉ là sự tự hào khi được “thổi hồn” vào những lá cờ Tổ quốc.

Việc tự tay thực hiện từng đường kim, mũi chỉ không chỉ rèn luyện sự kiên trì, nhẫn nại của mỗi người thợ, mà đó còn là sự giáo dục về tình yêu quê hương, đất nước vốn đã ăn sâu, bám rễ trong mỗi người dân thôn Từ Vân.

anh-chup-man-hinh-2022-10-28-luc-164434-1666950321.png

Chị Nhung chia sẻ: “Chúng tôi cũng truyền lại cho con những đường kim mũi chỉ, những kỹ thuật thêu lá cờ tổ quốc. Con gái tôi cũng yêu nghề, đi đâu nó nhìn thấy lá cờ là nó cũng cảm thấy vinh dự, tự hào của dân tộc Việt Nam.” 

Để hoàn thiện một lá cờ thêu tay, chị Nhung phải mất 3 - 5 ngày, những người chưa thạo nghề có khi mất đến cả tuần. Những đường kim mũi chỉ phải đạt độ chuẩn xác cao vì cờ thêu được sử dụng trong các dịp lễ trang trọng. 

Tạo việc làm cho hàng chục lao động 

Cơ sở thêu cờ Hồng Nhung của chị tạo việc làm cho hàng chục lao động thủ công với thu nhập mỗi tháng lớn hơn 4tr đồng/người. Lao động của chị có thể làm tại cơ sở hoặc nhận hàng về nhà làm. 

anh-chup-man-hinh-2022-10-28-luc-164425-1666950321.png

Mỗi năm, đến dịp Quốc khánh cơ sở thêu cờ của chị cũng phải tăng nhân công lên gấp đôi, gấp ba để kịp tiến độ sản xuất cung ứng ra bên ngoài. Các loại cờ của cơ sở chị như: Cờ tổ quốc, cờ thi đua… phục vụ bán cho tất cả các đơn vị trong cả nước. 

Đặc biệt cơ sở thêu cờ Hồng Nhung của chị là cơ sở thêu cờ tổ quốc có thêu sao vàng bằng tay duy nhất ở Việt Nam. Những nơi khác cờ tổ quốc thường là in hoặc cắt sao vàng để may vào. 

Cờ Tổ quốc là biểu tượng về phẩm giá sáng ngời của dân tộc Việt Nam được các thế hệ người Việt ở trong và ngoài nước trân trọng, gìn giữ. Sự thiêng liêng và giá trị to lớn của lá cờ không thể nói hết được bằng lời. Với việc lưu giữ và phát triển nghề thêu gia truyền của cơ sở thêu cờ Hồng Nhung không chỉ là công việc tạo thu nhập mà còn là tình yêu dành cho nghề, cho lá quốc kỳ thiêng liêng của dân tộc.

Hằng Nga