PV: Được biết, ông không chỉ lưu giữ lại những bộ mặt nạ Tuồng mà ông còn là nghệ sĩ diễn Tuồng rất nổi tiếng. Cơ duyên nào khiến ông gắn bó với nghề diễn Tuồng này?
Nghệ sĩ Nguyễn Kim Kê:Tôi được sinh ra trong gia đình có truyền thống hát Tuồng. Nhà tôi lại ở cạnh ngay rạp hát Lạc Việt vốn là nơi biểu diễn Tuồng, Chèo đầu tiên của Việt Nam được xây dựng từ thời Pháp thuộc (bị cháy vào năm 1981, hiện nay được xây mới thành trung tâm Giao lưu Văn hoá phố cổ - PV) nên tối nào tôi cũng theo chân bố mẹ và ông sang rạp đắm mình trong những điệu ai, điệu xuân, đó là những lối hát trong nghệ thuật Tuồng cổ trên sân khấu.
PV: Vậy ai là người đã truyền cho ông niềm đam mê đó và ông phát huy nó như thế nào?
Nghệ sĩ Nguyễn Kim Kê:Ngày đó, không có trường lớp chuyên nghiệp như bây giờ. Việc học Tuồng chủ yếu là do cha truyền, con nối. Ông cụ nhà tôi là người đã truyền dạy lại cho tôi và ảnh hưởng tới tôi nhiều nhất. Những năm tháng ngồi sau cánh gà, tôi đã đúc kết được những cái tinh tuý ấy của các bậc tiền bối trong nghề. Họ dạy tôi từ cách tự vẽ mặt theo từng lớp nhân vật, cách hát nói, hát bội thế nào cho biểu cảm. Thậm chí, tôi còn phải học võ, rèn luyện cơ thể cho thật dẻo dai để phù hợp với các vai diễn đặc thù. Dường như, con người tôi được sinh ra là chỉ để dành cho nghệ thuật Tuồng.
Ngày đó không có nhiều nghệ thuật giải trí như bây giờ nên Tuồng được bà con, quý khán giả rất yêu thích. Mỗi khi có một vở diễn, rạp hát lại đông nghịt người xem. Họ đến xem vì thích thú, vì đam mê. Diễn viên Tuồng khi đó được mến mộ chẳng khác gì những ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng bây giờ. Có những người còn mua vé cả tháng chỉ để thoả mãn đam mê, không cần biết đoàn diễn vở gì.
PV: Ông có thể chia sẻ về những khó khăn mà mình gặp phải trong những năm tháng diễn Tuồng?
Nghệ sĩ Nguyễn Kim Kê:Để diễn được cần phải có quá trình luyện tập, học hỏi vất vả và đặc biệt phải có niềm đam mê với nó. Trong các bộ môn ca kịch, Tuồng là bộ môn khó nhất, người diễn Tuồng có thể đi đóng Cải lương, Chèo nhưng ngược lại thì không thể. Đặc biệt hơn, đối với Tuồng, người ta chỉ có thể nói xem Tuồng chứ không thể là nghe Tuồng, bởi sự phức tạp trong cảm nhận của họ đối với bộ môn này rất khắt khe.
Vũ đạo Tuồng là lồng ghép cả võ thuật dân tộc, nên người nghệ sĩ phải biết sử dụng cả bình khí. Hay như yếu tố kịch câm, khi đưa vào vở Tuồng bắt buộc diễn viên phải kết hợp các động tác diễn tả tốt để khán giả nhìn vào là hiểu.Ngay trong động tác bắt ngựa, dù chỉ là một kép phụ nhưng người diễn giỏi là người biết thể hiện đúng hoàn cảnh. Ngựa có nhiều loại ngựa, loại ngựa hung dữ như Ô Truy của Hạng Võ thì phải diễn tả kiểu khác, ngựa của Khổng Minh lại phải diễn tả kiểu khác nữa. Cũng chỉ bằng cây gậy ấy, người diễn phải làm thế nào để xem thấy được cái thần, cái cách của con người.
PV: Vậy từ đâu một nghệ sĩ diễn Tuồng tự do bay nhảy trên sân khấu, giờ đây ông lại gắn bó mình với việc vẽ ra những chiếc mặt nạ Tuồng ạ?
Nghệ sĩ Nguyễn Kim Kê:Tôi đã nghỉ diễn Tuồng từ năm 40 tuổi do sức khoẻ không còn được tốt như trước nhưng tôi vẫn được nhà hát Tuồng Việt Nam và Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh mời về giảng dạy nghệ thuật hoá trang, vũ đạo múa lẫn hướng dẫn các vai mẫu trong vở diễn.
Trong quãng thời gian gắn bó với nghề, tôi nhận thấy một điều, ngày nay, các diễn viên thiếu kĩ năng hoá trang, những nét biểu cảm được vẽ trên các gương mặt nghệ sĩ đã không còn đúng thần thái như các vở diễn thời xưa. Hoá trang trong Tuồng là một yếu tố quan trọng, người xem có kinh nghiệm chỉ cần nhìn cách vẽ mặt, biểu cảm, ánh mắt là biết nhân vật ấy tốt hay xấu.
Tôi lo sợ, cứ đà này, chỉ vài chục năm nữa đây thôi, nghệ sĩ trẻ sẽ không còn biết nhiều đến cách hoá trang biểu diễn. Vậy là tôi mày mò vẽ lên những chiếc mặt nạ bằng giấy bồi để lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ trẻ sau này. Tôi lo lắm chứ, mình thì đã già rồi, nghệ thuật Tuồng thì vẫn phải sống đúng với tinh thần của bộ môn dân gian.
PV: Số lượng mặt nạ Tuồng hiện nay ông vẽ ra khoảng bao nhiêu chiếc và để làm ra chúng,ông có tốn nhiều thời gian và công sức không?
Nghệ sĩ Nguyễn Kim Kê:Đến nay, tôi vẽ được gần 100 gương mặt trên mặt nạ giấy này. Trong diễn Tuồng, có đến hàng trăm nhân vật nhưng được chia ra là 4 nhóm chính: Trung thần, gian thần, nghịch thần và phản thần. Cách để phân biệt các nhân vật này dựa vào các gam màu chủ đạo: Đỏ, trắng và đen.
Để làm ra một chiếc mặt nạ trên giấy bồi, tôi phải mất cả tuần vì việc vẽ mặt đòi hỏi sự tỉ mỉ và chỉ cần một vài sai sót nhỏ sẽ phá hỏng gương mặt và vì vẽ bằng sơn nên sau mỗi lớp vẽ cần phải chờ cho sơn khô rồi mới thực hiện công đoạn tiếp theo. Những những điều đó không làm khó được tôi, bởi với việc lưu giữ “cái hồn” nghệ thuật.
Xin cảm ơn ông!