Hàm ý sâu xa của người xưa muốn nhấn mạnh khi tạo nên chữ AN là để khẳng định vai trò của người phụ nữ trong một mái ấm gia đình. Người phụ nữ là ngọn lửa thiêng duy trì hạnh phúc, hơi ấm, sự thịnh vượng của mỗi gia đình. Chỉ cần có bàn tay của người phụ nữ tần tảo sớm hôm dưới mái nhà chung thì đó là sự an bình, hạnh phúc.
Người xưa lại có câu “Phúc Đức tại mẫu”, nghĩa là phúc đức từ người mẹ mà ra. Phúc đức là những điều tốt lành để lại do con cháu do ăn ở tốt, theo quan niệm truyền thống. Quan niệm trên cho rằng, người mẹ nếu ăn ở tốt sẽ để lại những điều tốt lành cho con. Một người mẹ, người bà có thể để lại phúc đức cho con cháu hay không phụ thuộc vào cách sống, cách đối nhân xử thế của người đó với những người xung quanh, mà trực tiếp ảnh hưởng tới sự hình thành nhân cách của trẻ nhỏ trong mỗi gia đình.
Vai trò của người mẹ, người vợ trong gia đình truyền thống của người Việt xưa và nay rất quan trọng. Không có người vợ, người mẹ tốt trong gia đình, người đàn ông không bao năm giờ có thể “An cư lạc nghiệp”, yên tâm vùng vẫy bốn phương để làm nên sự nghiệp “tề gia trị quốc, bình thiên hạ” được. Người phụ nữ, người mẹ là mạch nguồn suối mát cho mọi điều tốt đẹp sinh sôi nảy nở từ trong mỗi một con người, trong từng gia đình, ảnh hưởng đến sự thịnh vượng của quốc gia, dân tộc... Đó cũng chính là căn nguyên, là cội nguồn để hình thành Đạo Mẫu, một đạo nguyên thủy của người Việt: thờ mẫu, thờ mẹ núi, mẹ sông, mẹ đất, thờ Man nương…
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, xin chúc tất thảy những phụ nữ trên thế gian này, trong vai trò là người con, người mẹ, người chị, người em có 365 ngày luôn ngập tràn hạnh phúc trong ngôi nhà, mái ấm nhỏ, gia đình thiêng liêng của chính mình.