Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Cần xem xét bản chất và phương thức của các giao dịch hoa lan Đột biến!

Trong cơn sốt lan đột biến, giới chơi lan liên tục chứng kiến các vụ mua bán lan với giá chưa từng có, vụ sau giá lớn hơn vụ trước khiến không ít người hoài nghi về giá trị thật của loài lan được cho là độc lạ và hiếm.

Dù chưa biết sự thật của những vụ giao dịch lan đột biến có giá trị hàng chục thậm chí hàng trăm tỉ đồng nhưng những đồn đại về sự hiếm có, vẻ đẹp độc đáo và giá trị kinh tế mà loại cây này mang lại khiến cho loài hoa này càng gây được sự chú ý đối với cộng đồng chơi lan và cả những người "ngoại đạo".

Đến giữa tháng 6/2020, giới chơi lan lại một phen “ngỡ ngàng” khi một giò phong lan phi điệp đột biến với tên gọi “Người đẹp Bình Dương” đã được bàn giao cho chủ nhân mới là một nhóm người chơi lan ở Thái Bình với giá gần 9,9 tỷ đồng.

Ngày 2/7, một kie (mầm con phát triển từ mắt của cây mẹ) từ chậu lan đột biến có tên gọi "Huyền thoại bướm đại ngàn" đã được bán thành công với giá 15 tỷ đồng, mức giá cao kỷ lục từ trước tới nay. Hiếm có thương vụ nào mà giá trị của một kie (mầm non mọc ra từ mắt ngủ trên thân cây lan) lên tới 15 tỷ đồng.

Chuyên gia sinh vật cảnh 'vén màn' những giao dịch lan tiền tỷ
Một kie “Bướm đại ngàn” được giao dịch 15 tỷ đồng.

Chưa hết “sốc”, hình ảnh chậu lan đột biến có tên Juliet với độ dài chừng 25-30cm được chia sẻ một cách chóng mặt với giá “trên trời”. Người thì cho biết chậu lan có giá 83 tỷ, được giao dịch từ cuối tháng 6, người lại khẳng định chậu hoa này có giá lên tới 90 tỷ.

Theo nhiều người sành chơi, hoa lan đột biến được sinh ra bởi một quá trình riêng rẽ, ngẫu nhiên, không định hướng trong điều kiện tự nhiên. Đa số đột biến gen là đột biến lặn và có hại, một số rất ít có lợi và có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình tiến hóa và chọn giống.

Vì vậy, để có được một giống hoa lan đột biến có được màu sắc đẹp, cấu trúc bông chặt chẽ, hương thơm quyến rũ...thực sự là một "báu vật" trời cho. Đây là nguyên nhân chính làm cho những giống này trở nên quý giá và hấp dẫn người chơi lan dù chúng có giá "trên trời".

Hình ảnh những chậu lan giá hàng tỷ thậm chí gần trăm tỷ đồng được đăng tải và tạo thành hiệu ứng chia sẻ khắp cộng đồng người chơi lan, làm bùng lên những tranh luận sôi nổi về giá trị của những giao dịch lan đột biến này.

Ông Vương Xuân Nguyên - Chánh Văn phòng Hội Sinh vật cảnh thành phố Hà Nội - cho rằng, cần phải xem xét lại bản chất và phương thức tiến hành các giao dịch của những “phi vụ” mua bán lan đột biến "ầm ĩ" vừa qua.

“Đơn cử như chậu lan đột biến Juliet được đồn thổi sau một giao dịch bí mật có mức giá không thống nhất, lúc thì 83 tỷ, lúc 75 tỷ, rồi lại tuyên bố là 90 tỷ đồng. Nếu giao dịch đó là có thật thì phải xem lại bản chất và phương thức của giao dịch là bằng tiền mua đứt hay lấy hàng đổi hàng hoặc vật trung gian khác”, ông Nguyên nhận định.

Ông Nguyên cho hay, nếu như chậu lan 83 tỷ dài 3 mét là có thật thì tính ra 270 triệu mua được 1cm. Nếu là giao dịch được thanh toán bằng tiền mặt theo phương thức mua đứt bán đoạn thì người mua sẽ khó tránh khỏi rủi ro. Vì với số tiền lớn như vậy thì chi phí cơ hội đầu tư rất lớn, trong khi lĩnh vực đầu tư lại rất rủi ro.

“Vì vậy, tôi nghĩ giao dịch đó có thể là có thực nhưng giao dịch theo phương thức nào, đổi hàng hay bằng tiền, hay một cam kết trong tương lai nào khác giữa họ thì cần phải xem xét thêm? Nhiều khả năng là chỉ có số tiền mặt nhất định, còn lại họ đổi hàng cho nhau hoặc kèm theo những thỏa thuận nào đó”, ông Nguyên nhận xét.

lan-dot-bien-4-1634432501.jpgÔng Vương Xuân Nguyên cho rằng rất có thể bản chất của những giao dịch lan tiền tỷ chỉ có một số tiền mặt nhất định, còn lại là đổi hàng lấy hàng.
 

Giải thích thêm về vấn đề này, ông Nguyên cho rằng, trong giao dịch đổi hàng lấy hàng thì giá trị trao đổi là do hai bên thống nhất, nên thước đo tiền tệ chỉ là tính ước lệ. Dù 0 đồng hay 100 tỷ thì giao dịch đổi hàng ngang giá trị đó vẫn thành công.

Thực tế trong lĩnh vực sinh vật cảnh trong những năm vừa qua có rất nhiều giao dịch theo dạng đổi tài sản, trong trường hợp đó, chậu lan tiền tỷ chỉ là vật trung gian chứ không thể hiện được đầy đủ bản chất của một giao dịch hàng hóa thành công và sinh ra giá trị gia tăng khi có người tiêu dùng cuối cùng chấp nhận thanh toán bằng tiền, vàng hay giấy tờ có giá khác.

Theo ông Nguyên, việc các cuộc "trao đổi" hàng hóa trực tiếp nhưng lại công bố giá trị giao dịch bằng tiền là sự đánh tráo khái niệm  gây hiểu lầm cho công chúng và tác động không tốt đến người kinh doanh tiếp theo.

“Có thể người ta không sai khi công bố những giá trị giao dịch đổi hoa lan đột biến ngang giá nhưng mập mờ không công bố đầy đủ phương thức giao dịch. Vì vậy, khách hàng là người tiếp nhận thông tin phải hết sức thận trọng. Những người mua lan về với mục đích kinh doanh cũng nên chú ý, tránh chạy theo hiện tượng bề ngoài của những giao dịch sau cú "bắt tay" trên mạng xã hội vì rất dễ rủi ro”, ông Nguyên nhấn mạnh

Đối với hoa lan đột biến có thể vẫn bị thay đổi về màu sắc, cấu trúc bông, hình dáng, hương thơm khi có sự thay đổi về khoảng cách địa lý, áp suất, nhiệt độ, thổ nhưỡng và các yếu tố vi khí hậu  khác. Do đó, có những loài hoa đột biến rất đẹp tại phía Bắc nhưng khi di thực vào miền Nam lại không giữ ổn định phẩm cấp ban đầu như vậy. 

“Hơn nữa, từ trước đến nay không có mức giá quy định cho các loài lan đột biến mà phụ thuộc vào sự trao đổi, thỏa thuận giữa người mua và người bán. Vì vậy rất dễ phát sinh rủi ro khi mua về kinh doanh nhưng lại không ra hoa, hoặc không đột biến như ban đầu”, ông Nguyên nói.

(Theo Dân Việt)