Biểu đồ hình sin
Thành thật mà nói nhiều lúc tôi nghĩ cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang như một biểu đồ hình sin, lúc lên lúc xuống, lúc trầm, lúc bổng. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, trong giới văn nghệ quân đội ông đã được biết là tay đàn Organ rất cừ và là người viết nhạc đầy triển vọng. Sở dĩ nói triển vọng là vì khi chưa học sáng tác nhưng nhận nhiệm vụ phải chuẩn bị cho Hội diễn Nghệ thuật quần chúng Binh chủng Thông tin liên lạc nhân kỷ niệm 35 năm thành lập, ông đã sáng tác được ca khúc “Chúng con lại về bên Bác”. Ca khúc sau đó được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam qua giọng ca của hai ca sĩ Hữu Nội, Tuyết Thanh và được in trong tập “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” (NXB Đà Nẵng, năm 2005)
Chính từ “thành tích” vượt trội đó mà ông đã lọt vào “mắt xanh” của cấp trên và được chọn đi học lớp sáng tác trong thời gian 6 tháng do ba nhạc sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam giảng dạy là: Văn An, Thanh Phúc và Thuận Yến. Có năng khiếu, lại được các thầy giáo uy tín, tài năng và tâm huyết giảng dạy khiến ông ngày càng vững vàng, tự tin hơn trong sáng tác. Và đó cũng là lý do mà 60 ca khúc ngợi ca quê hương đất nước, ngợi ca Bác Hồ kính yêu và người chiến sĩ Thông tin lần lượt ra đời.
Nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang sinh năm 1955 tại Mỹ Hào, Hưng Yên. Cha của ông là nhạc sĩ Đỗ Lâm, từng là giảng viên tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Hiện nay, ông là hội viên của Ban Âm nhạc, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. |
Tuy nhiên khi con đường âm nhạc đang thênh thang, rộng mở thì ông bất ngờ chuyển ngành ra ngoài làm ăn kinh tế và gần như đoạn tuyệt với việc sáng tác. Tiếc nuối tài năng của người em thân thiết, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha đã nhiều lần khuyên ông nên lấy lại cảm xúc để viết tiếp. Và rồi, ông cũng không phụ lòng trông mong, hối thúc của người anh này. Đó là từ năm 2014, khi đã chuyển vào sinh sống tại thành phố biển xinh đẹp Vũng Tàu, vùng đất mới với những con người mới, cảnh vật mới đã khiến những cảm xúc trong ông trỗi dậy và ông mong muốn ghi chép cảm xúc đó bằng những nốt nhạc. Số lượng bài hát mỗi ngày càng nhiều lên và đương nhiên chất lượng cũng ngày càng tốt lên. Cũng vì thế mà sau hơn một năm sau khi trở lại viết nhạc, ông đã chính thức được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.
Thế rồi từ đó đến nay, ông liên tiếp cho ra mắt 7 Album riêng (“Tặng chiều cho nhớ”, “Khúc tình yêu” “Biển mặn”, “Dòng sông và dòng đời”, “Soi lại bóng hình nhau”, “Xin anh đừng mãi lặng im”, “Nhớ Huế thương”) và một Album chung (“Sóng đồng đội”) trong sự chắt lọc từ hàng trăm ca khúc của ông. Nhiều bài hát ông viết trong sự đồng điệu với tác giả thơ về tình yêu, cảm xúc của con người, tình yêu với thành phố biển Vũng Tàu, về những vùng đất mà có thể ông chưa từng được đặt chân đến. Trong đó “Quan họ ở Trường Sa” (thơ PGS.TS, nhà văn Lê Thị Bích Hồng) là một ca khúc như thế. Đây cũng chính là ca khúc đã được Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao giải C (không có giải A) năm 2018. Cũng trong năm 2018, ông còn giành giải Khuyến khích (không có giải A) trong Đợt vận động sáng tác ca khúc đề tài về biên giới, biển, đảo và Bộ đội Biên phòng do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức với ca khúc “Bộ đội Biên phòng về với bản” (thơ Nguyễn Văn Phiêu).
Viết ca khúc về ngành giáo dục
Mặc dù thành công với những ca khúc về đề tài người lính và chiến tranh, nhưng ông cũng rất nhạy cảm với thời cuộc, trong đó có việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Bởi theo ông lý giải thì thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, lực lượng kế cận sự nghiệp vẻ vang của Đảng, lực lượng tiên phong trong công việc kiến thiết đất nước nhưng họ lại là những người trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm sống và nếu không có bản lĩnh vững vàng thì rất dễ sa ngã. Vì vậy giáo dục cho giới trẻ để họ tự hào về truyền thống quê hương là điều mà ông trăn trở bấy lâu. Đó cũng là lý do khi biết Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về thanh niên Việt Nam năm 2019 chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VIII (2019-2024), ông đã sáng tác ca khúc “Tự hào thanh niên Việt Nam” dự thi. Kết quả chung cuộc, ông đã được trao giải Khuyến khích. Bài hát đã thể hiện khái quát được truyền thống lịch sử dân tộc cũng như đề cao trách nhiệm của thanh niên trong thời đại mới.
Viết về ngành giáo dục đương nhiên ông rất chú tâm đến những chủ đề về thầy cô giáo và mái trường thân yêu, nơi chắp cánh ước mơ cho thế hệ mầm non tương lai của đất nước. Trong đó ca khúc “Tự hào Học viện Ngoại giao” là “đơn đặt hàng” mà ông đã viết nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Học viện Ngoại giao (16-11-2019) được phổ từ thơ của một giảng viên trong trường- PGS.TS Lê Thanh Bình. Rồi “Hát về Trường Hồng Thái chúng em” về Trường THCS Hồng Thái (huyện An Dương, Hải Phòng) được ông sáng tác từ bài thơ cùng tên của Hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Đào Phi Hương. Bài hát với giai điệu nhanh, vui, trẻ trung, hồn nhiên, dễ nhớ, dễ thuộc, rất hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Hay như ca khúc “Bài ca Trường THPT Bảo Lộc” được ông “chắp bút” từ bài thơ của thầy giáo Nguyễn Viết (nguyên giáo viên Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng). Bài hát nhắc tới niềm tự hào, sự tận tâm của các thầy cô và sự miệt mài, ham học của các thế hệ học sinh trong trường. Với giai điệu khoẻ khoắn, tự hào, phấn khởi, bài hát như tình cảm của các thế hệ thầy cô, các thế hệ học trò qua việc dạy và học.
Sau sáu năm miệt mài, đắm say với việc “chắp nối” ca từ và giai điệu trong khuông nhạc, Đỗ Thanh Khang đã có sự trở lại đầy “ồn ã”, thậm chí còn gây bất ngờ cho nhiều người. Có được sức sáng tạo thanh xuân như vậy, ông cũng không quên cám ơn các nhà thơ, bởi như ông lý giải thì chính họ đã “tưới mát” tâm hồn ông.