Nhạc Sơn

Tôi không biết tên đồi Nhạc sơn có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi tôi mới bốn, năm tuổi đã thấy mọi người gọi như vậy. Dãy đồi trùng điệp, nhấp nhô khởi nguồn từ km 3 làng Đen tới đầu cầu số 4 thì dừng lại. Có lẽ nhìn dãy đồi nhấp nhô cao thấp như những nốt nhạc trầm bổng mà người đời đặt tên cho nó là Nhạc Sơn chăng?

nhac-son-1635653289.jpgẢnh của tác giả .

 

Tuổi thơ của tôi gắn bó với Nhạc sơn. Nhà tôi nằm dưới chân đồi, cách con đường cái quan. Tôi nhớ những năm 70 của thế kỷ trước, khi đang trong thời kỳ bao cấp, những gia đình CBCNV phải tự túc lương thực một tháng mấy kg nên mọi nhà, mọi người đua nhau lên dãy Nhạc Sơn phát nương trồng ngô, sắn. Chị gái tôi một buổi đi học, một buổi trốn bố mẹ đi khai hoang. Mãi tận khi chị cho tôi đi làm cỏ sắn thì bố mẹ tôi mới biết. Cắm cúi theo chị vượt con dốc hẹp, vạch lá, phát cây lòa xòa, bò qua một con mương rộng rồi cũng tới nơi. Nương sắn ngút ngát dưới con mắt trẻ thơ. Những cây sắn cao ngang đầu gối, lá non có màu hơi nâu đỏ rung rinh trong nắng sớm. Chị dạy cho tôi cách làm cỏ, vun gốc. Cỏ làm sạch được ôm chất đống nơi góc nương. Gianh giới giữa các nương là hàng chít, lau lách. Nhiều người đi làm nương lắm. Tôi nhớ ngày trước trên này lau lách và xoan chanh, mán đỉa, bu đay, trẩu sở... mọc um tùm, chị em tôi vẫn lên đây lấy củi. Vậy mà giờ đây bạt ngàn là sắn.

Lại nói về con mương nơi lưng chừng đồi. Cuối những năm 60, tỉnh huy động lực lượng thanh niên xung phong từ miền xuôi lên Lào cai khai hoang đào con mương này để dẫn nước về tưới cho đồng ruộng. Mương bắt nguồn từ khe nước ở làng Củm, vòng qua làng người Dao, ôm trọn dãy đồi, chạy về cánh đồng nơi ngã ba công ty Vận tải ô tô. Ngày ấy lực lượng tham gia đào mương đông lắm và mọi người còn gọi Nhạc sơn là đồi Thanh niên xung phong. Con mương hoàn thành trong sự hồ hởi, phấn khích của biết bao người. Nhưng tuổi đời của nó cũng không được dài lâu. Trải qua thời gian, con mương bị sạt lở và lau lách phủ kín, nước dẫn về ruộng đồng cũng không được là bao nên sứ mệnh của nó dần bị quên lãng.

Vì Nhạc sơn trải dài như muốn ôm trọn cả thị xã ( ngày ấy Lào cai đang là thị xã ) vào lòng nên có rất nhiều lối mở dân sinh dẫn lên Nhạc sơn. Lúc ấy, tôi đang còn bé nên chưa hiểu biết mấy. Chỉ biết những câu chuyện thú vị về rừng qua lời kể của người lớn. Rằng Nhạc Sơn khi ấy còn rậm rạp lắm. Muông thú nhiều vô kể. Thỉnh thoảng còn có cả hổ mò về bắt trộm vật nuôi của dân bản. Những thợ săn bản địa đi rừng về lúc nào cũng có chiến lợi phẩm. Nặng thì là nai, lợn rừng ; nhẹ thì cũng là chim hay sóc...Sản vật của Nhạc sơn cũng lắm loại. Ta có thể dễ dàng tìm hái những loài thuốc quý như sa nhân, thuốc xương cốt, dạ dày, mú tửn, sâm cau...hoặc hái những loại quả rừng như gắm, mít rừng... về ăn chơi. Dần dần, người dân dưới xuôi lên khai hoang lấn rừng, đuổi muông thú co cụm vào rừng sâu, núi thẳm.

Tôi có một thú vui là được lên Nhạc Sơn lấy củi. Sau khi lấy đầy bó củi là có thể thỏa thích luồn lách các bụi rậm tìm kiếm sản vật của rừng. Có khi may mắn vớ được ổ trứng gà rừng, lúc thì tổ chim non. Nhưng tôi không biết nuôi chim. Cứ đưa chim non về nuôi mấy hôm lại chết. Sau đó thấy tổ chim non, tôi không bắt về nữa. Tôi rúc vào bụi dé hái những chùm dé đỏ ửng ăn cho đỡ khát nước, mùi dé thơm nồng. Kia là bụi sa nhân đỏ rực. Hì hục đào về để bán cho xí nghiệp dược phẩm. Rồi lại đi nhặt quả trẩu, quả sở, quả mỡ về bán cho vườn ươm. Những cánh hoa mỡ, hoa trẩu màu vàng nhạt, tỏa hương thơm dịu ngọt. Chúng tôi chui rúc bụi rậm, hái ngọn đùm đũm, tìm bông lau non hay những quả mua chín ăn cho đen xì cả lưỡi. Ngon nhất là những quả mâm xôi đỏ rực như đĩa xôi gấc, ăn chua chua, ngòn ngọt. Rồi lần theo hương thơm dịu ngọt như mùi mít chín, ta bắt gặp chùm hoa dẻ vàng ươm, hái về ướp vào trang vở hay tặng cho người bạn thân. Ở Nhạc Sơn có một loại dây leo mà tôi không biết tên. Nó quấn quanh bụi rậm như dây bòng bong, quả có ba cạnh hình bán nguyệt tỏa ra ba hướng đều chằn chặn. Chúng tôi hay lấy quả về tách ra và gắn các quả vào với nhau, tạo ra những hình khối tùy theo sự sáng tạo, giống như trò chơi leogo bây giờ. Chúng tôi đặt tên cho loài cây đó là cây ghế đẩu.

Đầu những năm 70, Nhạc sơn lại trở thành đại công trường sôi động. Đỉnh Nhạc sơn được san gạt để làm nhà máy nước. Lúc này, Nhạc sơn lại được gọi bằng cái tên đồi Nhà máy nước. Hàng ngàn, hàng vạn mét khối đất đá được san gạt và theo xe đi đổ ở một điểm nào đó. Nhà tôi năm đó cũng xin rất nhiều đất để làm nền nhà. Đứng từ xa trông lên Nhạc sơn lúc ấy là một màu đỏ nhức mắt của đất mới và bụi mù trời. Tiếng ầm ì của xe cộ, máy móc vang vọng suốt ngày đêm. Ngày khánh thành Nhà máy nước cả thị xã đông vui nhộn nhịp lắm. Con đường chính dẫn lên Nhà máy nước rợp cờ hoa. Đêm ấy, trên đỉnh Nhạc sơn tổ chức văn nghệ, người đến xem đông nghìn nghịt. Toàn tiết mục cây nhà, lá vườn nhưng hay và ý nghĩa. Đèn đuốc sáng trưng cả một góc Nhạc sơn. Khi hội tan, dòng người cầm đuốc xuống núi nhìn như một con rồng lửa đang di chuyển.

Nhà máy nước đi vào hoạt động. Nước được bơm từ ngòi Đum lên, qua bể lọc xử lý rồi cung cấp nước sạch cho toàn thị xã. Những phonten được đặt rải rác dọc đường cho dân dùng nước sạch miễn phí. tiếc rằng chưa được mấy năm thì chiến tranh biên giới xảy ra nên phải bỏ hoang.

Tháng 2/1979, Nhạc Sơn đã làm tròn trách nhiệm của mình như trong câu thơ của Tố Hữu " Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù ". Khi đoàn quân bành trướng từ bên kia biên giới sang xâm lấn nước ta, Nhạc Sơn trở thành căn cứ địa chắc chắn, kín đáo cho bộ đội và cả những người dân kiên cường ở lại bám trụ giữ đất, giữ nhà. Điển hình là sáu thanh thiếu niên, những người con của đất Kim Tân đã lợi dụng sự thông thuộc địa hình, thoắt ẩn, thoắt hiện đánh cho bè lũ cướp nước nhiều trận tan tác.

Đầu những năm 90, sau khi tái thành lập tỉnh Lào cai, tôi theo cơ quan trở về mảnh đất xưa. Song song với việc xây dựng các cơ sở hạ tầng để người dân yên tâm sinh sống, tỉnh phát động phong trào trồng rừng để bảo vệ mảnh đất biên cương. Nhạc Sơn được giao cho Kiểm lâm thị xã quản lý làm thành rừng phòng hộ. Những loài cây hoang, cây tạp không có giá trị kinh tế được thay thế dần bằng những loài cây cùng chủng loại, có tác dụng giữ đất, giữ nước. Ba mươi năm trôi qua, giờ đây đứng ở giữa lòng thành phố, nhìn phía tây xa xa, ta thấy một màu xanh lam của Nhạc Sơn trùng điệp. Yêu biết mấy Nhạc Sơn vững chắc như cánh tay mẹ hiền dang rộng ôm đứa con thành phố vào lòng. Yêu biết mấy Nhạc Sơn, lá phổi xanh điều tiết khí hậu cho thành phố và yêu sao những nốt nhạc trầm hùng bay bổng giữa trời xanh. Nhạc Sơn ơi ! Yêu thương nhiều lắm!

Theo Chuyện làng quê