Nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11): Hà Giang bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Mông

Xin chia sẻ mọi người bài viết: Đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói chung và dân tộc Mông nói riêng luôn chứa đựng kho tàng văn hóa đa dạng, độc đáo. Do đó, những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào Mông luôn được Hà Giang chú trọng; nhiều chính sách đã phát huy hiệu quả, góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đăng trên tạp chí Văn Hiến Nông Thôn.

Người Mông sáng tạo nên một nền văn hóa đặc sắc, riêng biệt

múa gậy đồng xu

Người Mông sáng tạo nên một nền văn hóa đặc sắc, riêng biệt

Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới cực Bắc của Tổ quốc, toàn tỉnh có 19 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Mông chiếm 32%; Tày chiếm 23,3%; Dao chiếm 15,1%; Kinh chiếm 13%; Nùng 9,9%, còn lại là các dân tộc khác. Đồng bào Mông cư trú ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Trong đó cư trú tập trung chủ yếu tại 4 huyện Cao nguyên đá (gồm Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ) và 2 huyện vùng cao phía Tây là Hoàng Su Phì và Xín Mần.

Đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh có bản sắc văn hóa phong phú, còn lưu giữ được nghi lễ văn hóa truyền thống, những nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt, lao động, như: Đám cưới cổ truyền; các làn điệu dân ca; trang phục; làm khèn, sáo Mông; hát đối giao duyên; múa khèn và nghề truyền thống như: Thêu, dệt vải lanh, đan lát,… vẫn được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các môn thể thao, trò chơi dân gian chủ yếu như: Đẩy gậy, kéo co, ném pao, đánh yến, bắn nỏ... vẫn thường xuyên được tổ chức thi đấu, vui chơi trong các dịp lễ, tết...

Văn hoá truyền thống người Mông là một kho tàng hết sức phong phú với những phong tục tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng. Các dòng họ người Mông có cách thờ cúng tổ tiên không giống nhau. Một số lễ cúng chính như cúng ma cửa (xia mình), ma lớn mụ (đa trung) với số lượng, nội dung các bài cúng, bài trí, sắp xếp nơi cúng, nơi ăn uống đa dạng và phức tạp.

Văn học nghệ thuật Mông thể hiện tâm lý, ý thức của cộng đồng, các vấn đề về tự nhiên, xã hội và lịch sử. Nổi bật trong đó là những khúc hát về tình yêu, được thể hiện bằng khèn, sáo, đèn môi, kèn lá. Hoa văn trang trí trên váy là các hình bướm, rắn, hoa, răng bừa, mắt chim, chân lợn... màu sắc hài hoà. Tất cả là những tài sản vô giá của cộng đồng người Mông được lưu giữ từ lâu đời.

thổi khèn

Múa Khèn tại lễ hội Gầu Tào tại Hoàng Su Phì, Hà Giang

Điểm nhấn trong văn hóa lễ hội của người Mông chính là lễ hội Gầu Tào. Lễ hội Gầu Tào là một trong những lễ hội quan trọng nhất của người Mông. Gầu Tào là lễ hội độc đáo có từ lâu đời, thường được tổ chức trong tiết Xuân ấm áp, vạn vật đều sinh sôi, cây cối đâm chồi nảy lộc (lễ hội diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày mồng Một đến ngày Rằm tháng Giêng). Trước đây, Lễ hội Gầu Tào được tổ chức gắn với việc cầu tự, xin thần linh phù hộ cho gia chủ và con cháu mạnh khỏe, có con trai nối dõi tông đường. Dần dần, Gầu Tào trở thành Lễ hội vui Xuân của đồng bào Mông, cầu phúc cho cả bản, làng; mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người người mạnh khỏe, nhà nhà yên vui. Tại Lễ Hội các thầy Chủ lễ thắp hương và cúng xung quanh cây Nêu cầu xin thần linh phù hộ cho năm mới mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, cầu chúc cho mọi người, mọi nhà yên vui, khỏe mạnh. Phần hội diễn ra các hoạt động văn nghệ múa, hát, thổi khèn, thổi sáo... và các trò chơi như: Thi các công đoạn đồ mèn mén, hát giao duyên qua ống tre, leo dây, trèo cột, đánh sảng, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ... 

Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Mông

Xuất phát từ tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của các DTTS, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Đề án số 09, ngày 21/4/2017 về bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông, giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030. Với mục tiêu, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của việc bảo tồn văn hóa đặc trưng, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Mông trên địa bàn. Sau hơn 2 năm thực hiện, đề án đã nhận được sự đồng thuận, triển khai tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân. Công tác khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc Mông được đẩy mạnh. Nâng cao nhận thức, từng bước loại bỏ các hủ tục, gìn giữ được tiếng nói, chữ viết. Các Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông được xây dựng, phát triển các làng nghề, nghề truyền thống…

IMG_2453

Lễ hội làng nghề thêu, dệt vải lanh truyền thống dân tộc Mông tại xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ (Hà Giang)

Ngoài việc đầu tư, tôn tạo, trùng tu các công trình kiến trúc, nghệ thuật mang đậm nét văn hóa của người Mông như: Phố cổ Đồng Văn, Dinh thự nhà Vương... Các chương trình, dự án được ưu tiên đầu tư phát triển gắn với đời sống văn hóa người Mông như: Khuyến khích phát triển các làng nghề truyền thống: Nghề dệt lanh thổ cẩm Lùng Tám (Quản Bạ), nghề chế tác khèn Mông ở Hố Quang Phìn (Đồng Văn), nghề rèn, đúc, nghề đan quẩy tấu ở Mèo Vạc, việc đầu tư phát triển các làng nghề vừa bảo tồn văn hóa vừa tạo ra sinh kế cho người dân.

Các đề án về nâng cao hiệu quả công tác quản lý chợ, phát triển kinh tế biên mậu vừa để phát triển thương mại, tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, đồng thời cũng là để bảo tồn văn hóa; bởi chợ phiên có tầm quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Mông. Một số chợ phiên đặc trưng thu hút nhiều sự quan tâm, tìm hiểu của du khách như: Chợ trung tâm huyện Đồng Văn, chợ Lũng Phìn, Sà Phìn, Phố Cáo (Đồng Văn), Chợ trung tâm huyện Mèo Vạc, các chợ biên mậu như Phố Bảng (Đồng Văn), Bạch Đích (Yên Minh)... Ngoài ra, việc bảo tồn văn hóa bằng cách khôi phục và phát triển các lễ hội đặc sắc mang đậm nét văn hóa riêng của người Mông cũng mang lại hiệu quả rõ nét như: Lễ hội vỗ mông ở Mèo Vạc, Lễ hội Gầu Tào, Lễ hội Chợ tình Khau Vai, Lễ hội khèn Mông, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông, Lễ hội hoa Tam giác mạch...

1_3

Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang (ảnh trên) cho biết: Xác định gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Mông nói riêng và văn hóa DTTS trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ quan trọng của ngành, thời gian tới, Sở sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá về thực trạng tình hình dân ca các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đó, xây dựng các đề án, dự án về bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Tham mưu cho tỉnh tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học về dân ca và các giải pháp tích cực, hữu hiệu để bảo tồn và phát huy giá trị dân ca. Đồng thời đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm, tăng cường hỗ trợ kinh phí cho công tác nghiên cứu, sưu tầm và lưu giữ văn hóa các dân tộc của tỉnh. 

Theo Tạo Chí Văn Hiến Nông Thôn.