Nhận thức mới “Vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ”

Hướng tới kỷ niệm 1010 năm ngày mất của Thái sư Lưu Cơ (1013-2023), sáng 15/5/2022, tại Khu Di sản Hoàng Thành Thăng Long, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chủ trì phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Hội đồng Lưu Tộc Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ” - một trong tứ trụ triều đình có công khai quốc công thần cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân lập nên nhà Đinh trong lịch sử.

thai-su-luu-co-1652611706.jpg

Hội thảo khoa học “Vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ”.

Đến dự có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng; GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; TS. Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á; PGS. TS. Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; TS Lưu Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Lưu tộc Việt Nam cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và đại diện hội đồng gia tộc dòng họ Lưu trong cả nước.

chlucoimg-20220515-100526-1652626365.jpgCác đại biểu tham dự Hội thảo.

 

Có thể nói Thái sư Lưu Cơ là nhân vật lịch sử lớn có công dẹp loạn 12 sứ quân lập nên nhà Đinh, liên tục phục vụ đất nước 50 năm qua ba triều đại Đinh - Tiền Lê - Lý. GS.TSKH Vũ Minh Giang khẳng định: Lưu Cơ là một khai quốc công thần của triều Đinh, nhưng còn ít được biết đến, không chỉ trong nhận thức đại chúng, mà ngay cả đối với giới sử học. Một trong những lý do quan trọng là triều đại mà ông có nhiều đóng góp, trong một thời gian dài, chưa được nghiên cứu đầy đủ, vị trí của nước Đại Cồ Việt cũng chưa được nhìn nhận một cách xứng đáng. Mặt khác, tư liệu về vị Thái sư họ Lưu cũng như toàn bộ giai đoạn lịch sử này còn lại khá hiếm hoi nên việc nghiên cứu để có được  nhận thức sâu sắc về vai trò của ông là điều không đơn giản… Công lao, đức độ của Thái sư Lưu Cơ đã được  nhân dân ở những nơi có sự hiện diện của ông hoặc biết đến ông ghi nhận qua hệ thống rất nhiều đền thờ, các gia phả, thần phả…. Với tầm vóc và công lao đóng góp của mình, Thái sư Lưu Cơ  xứng đáng có vị trí được tôn vinh trong di tích Hoàng thành Thăng Long và ở Thủ đô Hà Nội…

TS Lưu Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Lưu tộc Việt Nam bày tỏ, Thái sư Lưu Cơ và nhiều danh nhân dòng họ Lưu của Ngài xứng đáng được Nhà nước có những giải pháp, dự án ghi nhận công trạng  và những giá trị tinh thần, phục vụ cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy truyền thống lịch sử, như đặt tên đường, công trình tôn vinh và mang tên tại Hà Nội và các địa phương có dấu tích, chiến công của các Ngài.

chluucodsc-3633-1652626485.jpgTS Nguyễn Việt tham luận tại Hội thảo.

 

Thái sư Lưu Cơ sinh ngày 3 tháng Giêng năm 940 ở Tri Hối, châu Đại Hoàng - nay là xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Lưu Cơ cùng quê, là đồng hương, cùng thế hệ của Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Trịnh Tú từ thuở cờ lau tập trận. Khi Đinh Bộ Lĩnh phất cờ tụ nghĩa ở động Hoa Lư thuộc Gia Hưng, Gia Viễn ngày nay, Lưu Cơ khi mới ngoài 20 tuổi đã cùng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú sát cánh cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân thu giang sơn về một mối. Ông trực tiếp cầm quân đánh dẹp sứ quân Lý Khuê (tức Lý Lãng Công) ở Siêu Loại - Bắc Ninh.

tuong-thai-su-luu-co-1652611798.jpg

Tượng đồng Thái sư Lưu Cơ thờ ở đình Đại Từ, xã Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên.

 

Năm Mậu Thìn 968, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, tự xưng là Đại thắng Minh Hoàng, định đô ở Hoa Lư, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt.

Năm 971, Đinh Tiên Hoàng phong Lưu Cơ làm Thái sư Đô hộ phủ, Nguyễn Bặc làm Định quốc công, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, Đinh Điền làm Ngoại giáp.

Thái sư Lưu Cơ là vị tướng có tài thao lược, là vị quan đầu triều trông coi hình án, là nhà cai trị giỏi, nhất quán vì độc lập, tự chủ của đất nước. Với tư cách là người giúp Đinh Tiên Hoàng đế coi sóc đất nước về mặt hình pháp của nhà nước độc lập đầy đủ đầu tiên, ông đã được ngành Tòa án nhân dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang cân nhắc tôn vinh như là ông Tổ của ngành mình.

Cũng từ năm 971, với tư cách là Thái sư Đô hộ phủ, Lưu Cơ được Đinh Tiên Hoàng giao cai quản thành Đại La và quản lý cả vùng Giao Châu cũ - tức Bắc Bộ ngày nay - đóng bản doanh tại thành Đại La, Thủ phủ của Giao Châu. Vai trò này của ông sánh ngang hàng Phó vương, giúp Đinh Tiên Hoàng cai quản phần đất trọng yếu và giàu có nhất của Đại Cồ Việt. Ông có công lớn trong việc cải tạo, xây dựng thành Đại La - tòa thành của An Nam đô hộ phủ từ thời thuộc Đường - thành tòa thành của nước Đại Cồ Việt độc lập, tự chủ. Từ tòa thành hướng vọng về phía Bắc, Lưu Cơ đã cho sửa sang tòa thành hướng về phía Nam - nơi định đô của Đinh Tiên Hoàng tại Hoa Lư.

Khi triều Đinh suy vong, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế lập nên nhà Tiền Lê, Thái sư Đô hộ phủ Lưu Cơ đã giúp Lê Hoàn huy động nhân tài vật lực tổ chức cuộc kháng chiến chống Tống vào năm 981 thắng lợi.

Thái sư Lưu Cơ là vị tướng cai quản, tu tạo thành Đại La liên tục trong vòng 40 năm (971-1010) qua ba triều đại, chuẩn bị về mọi mặt cho cuộc dời đô của Lý Công Uẩn từ Hoa Lư về Thăng Long thành công tốt đẹp vào tháng 7-1010. Chính ông là người đã trao chìa khóa và "sổ đỏ" thành Đại La cho cho Vua Lý Công Uẩn mở ra triều đại mới và cáo quan về ở ẩn khi đã 70 tuổi.

nha-tho-luu-co-1652611878.jpg

Đình Đại Từ - Di tích lịc sử cấp tỉnh tại xã Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên - nơi thờ Thái sư Lưu Cơ.

 

Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á cho biết: Đề tài khoa học chuyên đề nhằm đánh giá vai trò lịch sử của Lưu Cơ được Hội Sử Học Việt Nam, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á và Hội đồng Lưu tộc Việt Nam chính thức khởi động từ hơn 10 năm trước. Sau các cuộc điền dã, tra tìm, nhiều tư liệu mới liên quan đến Lưu Cơ đã được phát hiện. Từ năm 2019 một kế hoạch cụ thể đã ra đời nhằm tiến đến một Hội thảo khoa học chuyên đề về Lưu Cơ.  Do tình hình covid - 19, đến hôm nay, tại nơi Ngài đã từng hiện diện trong 40 năm ròng (971 - 1010), với gần 20 báo cáo khoa học, chúng ta hân hạnh được đánh giá và vinh tôn những giá trị lịch sử mà Ngài đã làm cho các triều đình Đinh, Tiền Lê và Lý....

Hội thảo cũng được nghe những báo cáo mở rộng hơn nhằm đánh giá ý nghĩa lịch sử gắn với sự kiện thống nhất đất nước tạo lập nhà nước độc lập đầu tiên sau nhiều trăm năm đô hộ của ngoại bang: Quốc gia Đại Cồ Việt. Sự nghiệp đó của Đinh Tiên Hoàng đế không thể tách rời những cận thần quan trọng trong “nhóm trẻ trâu Cờ Lau” mãi lưu truyền trong dân gian, mà Lưu Cơ là một nhân vật đứng đầu.

 Nhiều báo cáo khoa học khác tiếp tục đi sâu tìm hiểu về Lưu Cơ trên cơ sở những phát hiện mới, nhận thức mới, ghi nhận nỗ lực của con em Lưu tộc và các nhà khoa học yêu mến Lưu Cơ. Không có sự khác biệt giữa các báo cáo đó về đánh giá vai trò lịch sử to lớn của Ngài, tuy nhiên còn những vấn đề thảo luận khoa học xoay quanh thân phận, như năm sinh, năm mất, về danh phận “Thái sư”, “Sĩ sư”, về tên vinh tôn trong sắc phong gắn với Ngài…

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: Số đông chúng ta đều biết đến Đinh Tiên Hoàng, biết triều đại nhà Đinh, biết đến việc dời đô, biết đến nhiều nhân vật ở giai đoạn lịch sử ấy, nhưng Lưu Cơ thì không nhiều người biết. Vì vậy nên Hội thảo này không đơn thuần để tôn vinh một người họ Lưu mà là tôn vinh một nhân vật lịch sử có thật và xứng đáng được tôn vinh. Trong hai bộ sử xưa nhất là Việt sử lượcvà Đại Việt sử ký toàn thưthì khi sắp xếp vị trí các quan Lưu Cơ đượcViệt sử lượcđặt số một, Đại Việt sử ký toàn thưđặt số hai. Nghĩa là Lưu Cơ được đặt ở vị trí rất cao, vậy mà chúng ta không nhiều người biết tới, đó là lỗi của những người làm sử. Cuộc Hội thảo này có ý nghĩa to lớn, đóng góp cho lịch sử dân tộc cái nhìn đầy đủ hơn. Tuy tư liệu còn rất ít nhưng chúng ta có thể thấy được vai trò quan trọng của Lưu Cơ trong những bước ngoặt lịch sử của đất nước. Bên cạnh đó còn cho ta thấy được tầm nhìn của các vị đứng đầu quốc gia trong giai đoạn lịch sử ấy.

ch-luucoimg-20220515-100708-1652626610.jpg

Các tham luận của TS Nguyễn Thị Dơn (ảnh trên), Phó Chủ tịch Hội di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội; GS TS Trương Quốc Bình, PGS TS Vũ Văn Quân, Đại học Quốc gia Hà Nội; Ths Nguyễn Hồng Chi, Phó giám đôc Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long- Hà Nội cùng một số tham luận khác đã nhấn mạnh, làm rõ 3 công lao to lớn của Thái sư Lưu Cơ đối với lịch sử dân tộc. Đó là công lao giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, lập nên nước Đại Cồ Việt, nhà nước phong kiến độc lập, tự chủ đầu tiên của nước ta từ thế kỷ X. Cùng với đó, Thái sư Lưu Cơ đã có công cai quản "Vựa lúa lớn nhất, cũng là kho người, kho của ở Lĩnh Nam là Giao Châu” (gồm toàn bộ đồng bằng Bắc bộ của nước ta) liên tục 40 năm (971 - 1010), xuyên suốt 3 triều đại nhà Đinh, Tiền Lê và đầu nhà Lý. Thời Tiền Lê, ông vẫn cai quản Giao Châu và đã huy động sức của, sức người nơi đây giúp vua Lê Đại Hành đánh tan quân Tống xâm lược năm 981. Lưu Cơ cũng là người có công lớn giúp Vua Lý Công Uẩn tu tạo thành Đại La từ một tòa thành Bắc thuộc trở thành tòa thành của Đại Cồ Việt vững mạnh, đủ điều kiện cho Lý Công Uẩn thực hiện quyết định lịch sử dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Thành Đại La trước đây vốn có hướng trục chính, dinh thự và công sở hướng về phương Bắc. Khi cải tạo, Thái sư Lưu Cơ đã cho quay tất cả về hướng Nam, tức là chầu về kinh đô Hoa Lư của Đại Cồ Việt. Những sửa sang cải tạo này vẫn được lưu giữ trong tầng văn hóa của Hoàng thành Thăng Long, nhờ khảo cổ đã phát hiện khá nhiều gạch ngói thời Hoa Lư, như gạch "Đại Việt quốc quân thành chuyên" và "Giang Tây quân"...

Hội thảo cũng có nhiều ý kiến mở rộng, đi sâu tìm hiểu về Thái sư Lưu Cơ trên cơ sở những phát hiện mới, nhận thức mới. Trên cơ sở nhận thức giá trị đóng góp lịch sử của Đô hộ Phủ Thái sư Lưu Cơ, một số ý kiến đã mạnh dạn đề xuất các cơ quan chức năng cần có những hành động cụ thể để ghi nhận, tôn vinh, truyền bá công lao của ông như: Phục hồi, tu bổ di tích đền miếu thờ Lưu Cơ; nghiên cứu đặt tên đường phố, trường học, giải thưởng… mang tên ông.