Những dấu ấn ngọt ngào của Oscar ngày trở lại

Sau 3 lần tổ chức mà không có người dẫn chương trình và khán giả do những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lễ trao giải Oscar 2022 đã quay lại trọn vẹn với hình thức truyền thống tại địa điểm quen thuộc là Nhà hát Dolby, ở thành phố Los Angeles (Mỹ).

Chú thích ảnh Biên kịch kiêm đạo diễn Sian Heder giành chiến thắng ở hạng mục dành cho "Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất" với bộ phim "CODA" tại lễ trao giải Oscar 2022 ở Los Angeles (Mỹ) ngày 27/3/2022 (giờ địa phương) Ảnh: AFP/TTXVN

 

Tham dự sự kiện điện ảnh danh tiếng này có nhiều tên tuổi lớn trong làng giải trí thế giới như Lady Gaga, Zoë Kravitz, Kevin Costner, Rosie Perez, Chris Rock, Youn Yuh-jung, Lily James, Uma Thurman, Anthony Hopkins, Rami Malek, Simu Liu, Ruth Carter, John Leguizamo...

Có thể nói lễ trao giải Oscar lần thứ 94 này là một dấu ấn đậm nét của các nhà làm phim nữ và những lần đầu tiên ngọt ngào của giới nghệ sĩ. Năm nay, đạo diễn nữ được chú ý hơn các nhà làm phim nam. Không chỉ có nữ đạo diễn Jane Campion được tôn vinh là "Đạo diễn xuất sắc nhất", hạng mục "Phim hay nhất" cũng được trao cho tác phẩm của một đạo diễn nữ và câu chuyện mà bộ phim hướng tới cũng là tiếng nói của nữ giới, dù hoàn cảnh vinh danh của họ có phần khác nhau. 

"CODA" của nữ đạo diễn Sian Heder đã trở thành tác phẩm đoạt giải Oscar 2022 dành cho "Phim hay nhất" trong khi nhận ít đề cử nhất trong lịch sử giải thưởng. Bộ phim nhận được 3 đề cử và xuất sắc giành chiến thắng tại cả 3 hạng mục này, bao gồm: "Phim hay nhất", "Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất" (dành cho Troy Kotsur) và "Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất" (cho Sian Heder). Bộ phim "CODA" là bản chuyển thể tiếng Anh từ phim Pháp "La Famille Bélier" (năm 2014) của đạo diễn Éric Latigau.

"CODA" hội tụ những chữ cái đầu trong "Child of deaf adults", ý chỉ đứa trẻ được cha mẹ là người khiếm thính nuôi dạy. Tác phẩm điện ảnh tình cảm/tâm lý có nội dung xoay quanh thiếu niên trung học Ruby Rossi (Emilia Jones thủ vai), thành viên duy nhất có thính lực bình thường trong một gia đình khiếm thính. Cô bé đang học năm cuối cấp ba và phát hiện mình có niềm đam mê bỏng cháy với ca hát. Ruby và gia đình bị giằng xé giữa nhiều lựa chọn tương lai. Đó có thể là cơ hội để cô bé theo đuổi đam mê, nhưng cũng có thể là nguy cơ xé tan gia đình nhỏ. 

Bộ phim có sự tham gia của các diễn viên khiếm thính vào vai chính và có các đoạn hội thoại phong phú bằng ngôn ngữ ký hiệu. Tác phẩm điện ảnh này được đánh giá là một bước ngoặt trong việc đại diện cho người khuyết tật. Tác phẩm có sự mới mẻ khi khám phá cuộc sống của cộng đồng người khiếm thính và lắng đọng nhờ màn hóa thân ấn tượng của Marlee Matlin cùng Troy Kotsur. Chủ đề gia đình vốn phổ biến trong điện ảnh Hollywood, tuy nhiên "CODA" lại trở nên đặc biệt hơn hết thảy, do bộ phim khai thác câu chuyện về những gia đình có khiếm khuyết - vấn đề hiếm khi được đưa lên màn ảnh rộng tại Mỹ - một cách nhẹ nhàng, ít bi lụy và đem đến nguồn năng lượng tích cực cho người xem. 

Chú thích ảnh Tượng vàng Oscar 2022 được trao cho đạo diễn Jane Campion của "The Power of the Dog" với danh hiệu "Đạo diễn xuất sắc nhất". Bà là nhà làm phim nữ đầu tiên hai lần đoạt giải thưởng danh giá của Oscar, trước đó là phim "The Piano" (năm 1993). Ảnh: AFP/TTXVN

Ở chiều ngược lại, "The Power of the Dog" trở thành phim nhận nhiều đề cử nhất mùa giải, nhưng số lần được xướng tên lên bục vinh quang rất hiếm hoi. Cụ thể, bộ phim của nữ đạo diễn Jane Campion nhận đến 12 đề cử, nhưng chung cuộc mang về chỉ 1 giải - đó là "Đạo diễn xuất sắc nhất". 

Mặc dù vậy, Jane Campion vẫn đi vào lịch sử điện ảnh thế giới khi là nhà làm phim nữ đầu tiên hai lần đoạt giải thưởng danh giá này của Oscar, trước đó là với bộ phim "The Piano" (năm 1993). Trên thực tế, nữ đạo diễn người New Zealand đã chứng minh bà không có đối thủ sau khi giành chiến thắng tại hầu hết giải thưởng tiền Oscar cho vai trò đạo diễn của "The Power of the Dog", từ Critics' Choice Awards, Quả cầu Vàng (Mỹ) cho đến cả BAFTA (Anh). 

Cả "CODA" và "The Power of the Dog" đều cho thấy sức mạnh của những bộ phim phát hành trực tuyến khi đến với công chúng từ nền tảng này. Nếu như "The Power of the Dog" do Netflix phát hành, thì "CODA" do Apple TV+ giới thiệu. Trong khi đó, bộ phim "Dune" - thâu tóm tới 6 giải thưởng ở các hạng mục phụ của Oscar 2022 - được chiếu trên HBO Max lẫn tại các rạp (đạt doanh thu 400 triệu USD toàn cầu tính đến thời điểm này). 

Chiến thắng của "CODA" năm nay đánh dấu mốc lần đầu tiên nền tảng trực tuyến có tác phẩm đoạt giải "Phim hay nhất" tại Oscar. Theo giới quan sát, chiến thắng này cho thấy nền tảng trực tuyến vẫn có chỗ đứng trong giải thưởng điện ảnh hàn lâm sau nhiều năm Netflix cùng nhiều nền tảng khác gửi phim tranh giải. 

Chú thích ảnh Bộ phim "Drive My Car" của đạo diễn Ryusuke Hamaguchi (Nhật Bản) giành chiến thắng trong hạng mục "Phim quốc tế xuất sắc nhất" tại lễ trao giải Oscar 2022 ở Los Angeles, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Một đại diện từ châu Á - bộ phim "Drive My Car" của đạo diễn Ryusuke Hamaguchi (Nhật Bản) - đã giành chiến thắng trong hạng mục "Phim quốc tế xuất sắc nhất", vượt qua các đối thủ nặng ký khác là "Flee" của Đan Mạch, "The Hand of God" của Italy, "Lunana: A Yak in the Classroom" của Bhutan và "The Worst Person in the World" của Na Uy. Được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Haruki Murakami, với thông điệp chính là sự giải thoát cho tâm trí bị đè nặng bởi những mất mát, tổn thương vốn đã khóa chặt từ quá khứ, "Drive My Car" được ví giống như một bài thiền tinh tế, chậm rãi kể về nỗi đau buồn và mất mát của Kafuku - một đạo diễn kiêm diễn viên sân khấu. Bộ phim có thời lượng 3 giờ đồng hồ này từng giành nhiều giải quan trọng tiền Oscar là "Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất" tại BAFTA (Anh), Quả cầu Vàng (Mỹ) và Critics Choice Awards (Mỹ và Canada).

Bên cạnh những hạng mục về phim, các hạng mục về diễn xuất cũng có nhiều bất ngờ. Nữ nghệ sĩ Ariana DeBose đóng trong phim "West Side Story" đã chiến thắng tại hạng mục "Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất". Cô trở thành người phụ nữ da màu tiếp theo được Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS) trao giải tượng vàng sau chiến thắng của Rita Monero cách đây 60 năm. Còn với Troy Kotsur trong phim "CODA", ông trở thành nam nghệ sĩ khiếm thính đầu tiên nhận tượng vàng Oscar hạng mục "Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất".

Chú thích ảnh Diễn viên Jessica Chastain giành tượng vàng cho danh hiệu Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong phim "The Eyes of Tammy Faye", tại lễ trao giải Oscar 2022 ở thành phố Los Angeles (Mỹ), ngày 27/3/2022 (giờ địa phương). Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, giải thưởng "Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất" năm 2022 được trao cho Jessica Chastain, cho màn hóa thân ấn tượng của cô trong bộ phim "The Eyes of Tammy Faye". Đây là lần thứ ba nữ diễn viên được đề cử cho tượng vàng Oscar và lần đầu tiên cô giành chiến thắng. Sau nhiều năm chờ đợi, tài tử Will Smith cũng đã giành được tượng vàng Oscar đầu tiên trong sự nghiệp. Anh chiến thắng tại hạng mục "Nam diễn viên chính xuất sắc" cho vai chính trong bộ phim "King Richard". Đây là lần thứ ba, Will Smith nhận đề cử khi góp mặt trong một phim tiểu sử. Tượng vàng Oscar 2022 là thành quả ngọt ngào dành cho nam diễn viên sau gần 40 năm miệt mài cống hiến cho nghệ thuật. 

Điểm mới của lễ trao giải năm nay là có 8 trong tổng cộng 23 hạng mục được trao trước khi lễ trao giải được truyền hình trực tiếp. Cụ thể, lễ trao giải thực tế diễn ra trước một tiếng đồng hồ so với giờ phát sóng trực tiếp trên truyền hình. Trong khoảng thời gian một tiếng này, 8 giải thưởng gồm "Phim tài liệu ngắn hay nhất", "Dựng phim xuất sắc nhất", "Hóa trang xuất sắc nhất", "Nhạc phim hay nhất", "Thiết kế sản xuất xuất sắc nhất", "Phim hoạt hình ngắn hay nhất", "Phim ngắn có người đóng hay nhất" và "Hòa âm hay nhất" đã được trao. Các phần trao giải này cũng như bài phát biểu nhận giải của các nghệ sĩ vẫn được ghi hình và phát trong chương trình trực tiếp.

Theo AMPAS, việc thay đổi này nhằm có thêm thời lượng cho các tiết mục văn nghệ giải trí và tương tác với khán giả. Tuy nhiên, nhiều đạo diễn, diễn viên chỉ trích quyết định này của ban tổ chức vì cho rằng, họ thiếu coi trọng những nhân viên hậu trường.

Chú thích ảnh Dàn diễn viên và nhà sản xuất phim "CODA" được trao tượng vàng Oscar 2022 cho các đề cử, trong đó có danh hiệu "Phim hay nhất", tại lễ trao giải ở Hollywood, California (Mỹ) ngày 27/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoài thay đổi trên, Oscar 2022 còn có thêm giải thưởng do người hâm mộ bình chọn trực tuyến. Đây được xem là một trong những nước đi mới, nhằm lôi kéo khán giả quay lại với Oscar, bởi tỉ suất người xem trực tuyến lễ trao giải thưởng này trong những năm gần đây sụt giảm đáng kể.

So với năm ngoái, lễ trao giải Oscar 2022 được tổ chức sớm hơn khoảng một tháng nhưng sự kiện vẫn trễ hơn truyền thống là vào khoảng cuối tháng 2. Lễ trao giải Oscar 2022 diễn ra trong thời điểm đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp với sự tăng mạnh về ca nhiễm nên ban tổ chức lễ trao giải đã ban hành các quy định phòng dịch nghiêm ngặt hơn. Theo đó, khách mời tham dự lễ trao giải phải xuất trình xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 5 ngày trước thời điểm diễn ra lễ trao giải và có chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ. Đối với các trường hợp mắc COVID-19 đã khỏi bệnh, điều kiện để tham dự là phải có xác nhận của các bệnh viện uy tín chứng thực đã âm tính trong vòng từ 6-10 ngày trước lễ trao giải.

Các phóng viên, nhà báo cũng được ban tổ chức khuyến nghị hạn chế xuất hiện cùng lúc trong không gian kín, cũng như hạn chế tác nghiệp, phỏng vấn người thân trong gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của các nghệ sĩ đoạt giải.