Những đồng tiền thưởng thời vua Minh Mạng

Đời vua Minh Mạng triều Nguyễn xuất hiện một loại tiền đặc biệt, đó là thứ tiền không dùng trong mua bán mà chỉ dùng để ban thưởng...

dong-tien-thuong-thoi-1-1632542249.jpg

Đồng tiền thưởng thời vua Minh Mạng

Tiền được sử dụng phổ biến trong kinh tế, thương mại, nó là vật ngang giá chung có tính thanh khoản cao nhất được mọi người đều chấp nhận sử dụng và do Nhà nước phát hành, lưu thông rộng rãi. Tuy nhiên đời vua Minh Mạng triều Nguyễn xuất hiện một loại tiền đặc biệt, đó là thứ tiền không dùng trong mua bán mà chỉ dùng để ban thưởng cho các công thần, những người có tuổi thọ 90, 100 tuổi trở lên hoặc các liệt nữ, tiết phụ trung trinh.

dong-tien-thuong-2-1632542291.jpg

Loại tiền vua Minh Mạng cho đúc đó được gọi là đại tiền, có đường kính khoảng 50mm trên khắc 4 hoặc 8 chữ lời hay, ý đẹp ca ngợi công đức của hoàng đế ở mặt sau của đồng tiền. Theo sách Đại Nam thực lục thì vào “năm Minh Mạng thứ 11 (1830), tháng 5. Đúc tiền đồng lớn, mỹ hiệu Minh Mạng thông bảo một vạn đồng. Sai Hộ Bộ thị vệ hội đồng với Đốc công vũ khố, chiếu chữ hiệu và quy thức đã định mà đúc”.

dong-tien-thuong-3-1632542329.jpg

Tiền này gồm hai dạng, dạng thứ nhất gồm 20 hiệu với 8 chữ như: “Quốc thái, dân an, phong điều, vũ thuận”; “Phúc như Đông hải, thọ tỷ Nam sơn”; “Quốc phú, binh cường, nội an, ngoại tĩnh”; “Đắc vị, đắc danh, đắc lộc, đắc thọ”; “Nhất nhân hữu khánh, vạn thọ vô cương”; “Vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế thọ”; “Chí công chí chính, vô đảng vô thiên”; “Vạn thọ du tạc, vạn phúc du đồng”; “Như sơn như xuyên, như sơn như phụ”…

Loại thứ hai là là những đồng tiền, gồm có 10 hiệu với 4 chữ là: “Nguyên hanh lợi trinh”; “Phúc lý tuy tương”; “Đế đức quảng vận”; “Lợi dụng hậu sinh”; “Trung Hòa vị dục”; “Liễm phúc tích dân”: “Tứ phương vi tắc”; “Cường kiện trung chính”; “Gia cấp nhân túc”; “Xuyên chí sơn tăng”.

dong-tien-thuong-4-1632542444.jpg 

Ngoài hai loại tiền nói trên vua Minh Mạng còn cho đúc một dạng tiền thưởng khác bằng các chất liệu quý như vàng, bạc với các kích thước to nhỏ khác nhau cùng họa tiết phong phú như rồng bay (gọi là tiền Phi long), hình rồng cùng mặt trời hoa văn (gọi là tiền Long văn), hình bình hoa, lư hương và bình trầm hương (gọi là tiền Tam đa)…

Theo Chuyện làng quê