Những ông bầu miền Tây: Nghề quản lý

Trong Gánh hát thường có một Quản lý giỏi (còn gọi là Ngoại giao đoàn) là người chuyên đi xin bến bãi cho gánh hát. Ngày xưa có nhiều tay làm quản lý rồi nhảy ra làm Bầu gánh như anh Ngọc Tiết (Còn có tên khác là Tiết đen, Quản lý Tiết) Năm 1982, anh về Chợ mới lập gánh hát Bình Phước Xuân.

Tuy là đoàn cấp xã nhưng tuồng tích nghiêm chỉnh, Đào kép toàn là dân có nghề nên hát đâu cũng thắng. Tuy nhiên, đoàn cấp xã thì chỉ hát vòng vòng trong Huyện hơn 1 năm thì hết bến hát vì tuồng tích củ xì nên khán giả hết chịu vô xem. Sau khi rã gánh ở Cái tàu Thượng anh trở lại làm nghề Quản lý cho các gánh cải lương, các đoàn Đại nhạc hội... vài năm sau, anh thành lập gánh Thế hệ trẻ Sóc trăng nhưng cũng không được bao lâu đành giải thể về an phận chạy xích lô ở góc Nguyễn tri Phương - 3/2 quận 10.

nghe-quan-ly-1636954017.jpg

 

Bầu Tư Địa xuất thân cũng là một quản lý lâu năm của ghe Hát Giang Thành của Bầu Chín Nghi, là một đoàn hát lăn lóc gió sương vùng Long xuyên - Rạch giá, từng tăng cường dài hạn đôi nghệ sỹ Thanh Tú - Trang Bích Liễu.

Sau khi nghỉ làm quản lý anh Tư Địa nhảy ra làm Bầu gánh hát đăng ký ở tỉnh Kiên Giang nhưng đoàn thì hát đa số ở An giang. Sau khi dẹp gánh hát anh về Mỹ Tho sống với gia đình nhớ nghề, nhớ nghệ sỹ anh xách xe Honda đi thăm gặp khách thì chở, trả bao nhiêu cũng được nhiều khi từ Mỹ Tho chạy lên Sài Gòn thăm nghệ sỹ thân quen, mời uống ly cà phê kể chuyện thời ăn quán ngủ Đình, cười hể hả rồi chạy xe về lại Mỹ Tho.

Sỹ Phú nhà ở Cái đôi Vàm - Cà Mau, mê ca nhạc nên theo làm quản lý cho đoàn Hương Dạ Lý của Bầu Năm Nhánh, được vài năm thì tách ra làm đoàn Phú Thành - Đồng Tháp sau đổi tên là Hương Bình, anh chỉ hát được vài bài nhạc chứ không hát được cải lương, tuy nhiên đoàn của anh tăng cường toàn nghệ sỹ tài danh. Những tên tuổi gạo cội của cải lương như: Minh Cảnh, Tấn Tài, Linh Huệ, Lương Tuấn, Minh Kỳ, Vương Thanh Tuấn, Huỳnh Thái Sơn , Huỳnh thái Thanh... là những nghệ sỹ thường trực tăng cường cho đoàn. Sau khi anh mất, đoàn cũng giải tán luôn.

Anh Út On là dân ở Chợ Mới - An Giang, năm 1982 anh và gia đình sống trên chiếc ghe nhỏ bán kẹo kéo. Mỗi lần có gánh hát anh chị chèo ghe theo bán kẹo. Thấy anh em trong đoàn làm chuyện gì anh cũng nhảy vô làm, có khi anh xung phong xin phép giùm cho đoàn, từ từ anh trở thành một quản lý giỏi được nhiều đoàn mời hợp đồng. Gánh hát cuối đời làm quản lý của anh là Đoàn Hoa anh Đào của bầu Chí Tâm. (thời hoàng kim của đoàn HAĐ anh Bửu Ngọc vừa hát kép chánh vừa kiêm luôn việc xin bến bãi)

Xướng ngôn viên Bóng đá Miền Tây một thời là anh Thanh Hằng, nhà ở Bình Phước Xuân - Chợ Mới. Anh cũng mê ca hát nên bỏ gia đình theo đoàn cải lương làm Ngoại vụ (một danh gọi khác của các đoàn nhà nước) năm 1983, sau khi kết đôi với cô Đào Yến Lan, anh lập gánh hát riêng đăng ký ở Tân châu. Trước khi hát Cải lương đoàn có 30 phút phụ diễn văn nghệ và tuyên truyền theo lối TTCĐ. Sau vài năm thì dẹp đoàn anh theo vợ về ở trước hảng nước giải khát Chương Dương quận 1 Sài Gòn. Bà xã bán quán cà phê cóc còn anh chạy xe ôm ngay trước quán chở khách từ bến đò Cầu Dừa bên quận 4 qua.

Quản lý Khánh là em rể nghệ sỹ Tấn Tài, tuy không biết ca hát gì nhưng nhờ cái miệng dẽo quẹo nên theo gánh hát làm quản lý rất nhiều đoàn cải lương lớn nhỏ. Chủ yếu đi cho biết đó biết đây và đủ tiền nhậu... sau khi giải nghệ anh về Kinh Ông Cò huyện Thoại sơn mở quán cà phê, các nghệ sĩ thân quen đi ngang cũng thường ghé thăm anh để cùng nhau nhắc những kỷ niệm thời lăn lóc gió sương ăn quán ngủ Đình.

Còn những nghệ sỹ khi sân khấu cải lương bắt đầu xuống dốc, các đoàn không còn hát Cải lương nguyên tuồng mà đổi qua chương trình Tạp kỷ ca nhạc tấu hài, ảo thuật, trích đoạn cải lương... họ cũng nhảy qua làm quản lý bến bãi như :     - Vương Hữu cũng từng hát kép chánh sau nhảy qua làm Quản lý cho đoàn Hồng Nhung của Bầu Chế Tâm - Diễm Hoàng. Anh Ngà xưa hát kép chánh và cũng là rể của Bầu Chín Nghi cũng nhảy làm quản lý chuyên xin bến cho các đoàn "Chơi xong dong" (hát xong là dọt liền). ca sỹ tăng cường một đêm phải hát ít nhất là 3 điểm, vì vậy nên đa số là hát nhép cho khỏe.( Có lẽ đó cũng là một phần làm cho khán giả từ từ không còn mua vé xem hát nữa?)

Một số anh em nghệ sỹ khá giả có điều kiện thì mở quán nhậu có ca hát tài tử, một hình thức giao lưu vừa có thu nhập vừa có tiền bo. Nghệ sỹ Minh Cảnh là nghệ sỹ Tài danh từng mở quán nhậu ở Long Xuyên, Rạch Giá, Cà Mau... nhưng vì anh không nhậu nhẹt nên làm chỗ nào cũng lỗ nên vẫn phải nhận show đi hát để trang trải cuộc sống.

Thời hoàng kim của cải lương là đầu thập niên 80, lúc đó ở Huyện nào cũng có đoàn cấp Huyện, thậm chí xã củng có đoàn mà tuồng tích thì không có bao nhiêu nên hát vài tháng là hết điểm hát. Có nơi Chính quyền không cho phép hát lúc đó Bầu gánh mới cần tới tài của Quản lý. Luồn lách cách nào để xin phép cho bằng được và đâu phải lúc nào cũng thành công.

Giai thoại trong các gánh cải lương đi xin phép Bầu gánh hay quản lý nào nghe đến tên Chú Mười Ngân đều phải cúi đầu bái phục (đoàn hát chú còn có tên là "Bảy người đi khắp thế gian" ).

Ở một địa phương nọ có ông Chủ tịch Huyện vốn là Bộ đội phục viên, ở Huyện của ông không ký phép cho đoàn hát nào về hát. Bà con thì thích coi hát nhưng chẳng thấy đoàn nào về hát nên cũng ghiền, nhưng bao nhiêu quản lý giỏi đến xin phép cuối cùng phải lắc đầu ngao ngán vì quân lệnh như son.

Chú Mười âm thầm điều tra về ngài Chủ tịch cả tháng trời, khi đã tận tường chân tơ kẻ tóc, một hôm canh me ngài chủ tịch đi tỉnh họp chú Mười mặc nguyên bộ đồ bộ đội đầu đội nón cối chạy chiếc cup 50 và một cặp vịt ngừng xe trước cửa nhà, gặp bà chủ tịch. Chú lu loa giới thiệu mình là lính ruột của "Anh hai" thời còn là bộ đội. Chú giới thiệu với chị Hai là em đã nghỉ hưu, biết tin Anh hai làm chủ tịch Huyện muốn ghé thăm lâu rồi nhưng quá bận bịu chuyện công tác cơ quan nhà nước. Hôm nay có dịp ghé thăm anh chị và mấy cháu, tính nhậu với anh một bửa thôi thì hẹn dịp khác vậy.

Bà chủ tịch thì nghe nói sao hay vậy, có cặp vịt là bà cũng vui và cũng tiếc là không có chồng mình ở nhà để nhậu với thằng đàn em vui tính. Lần sau chú Mười ghé nhà lại mang theo con gà (tất nhiên là không có ngài chủ tịch ở nhà) bà chủ tịch hỏi:

 - Bây giờ chú làm gì?

Chú Mười chỉ cười mà không nói. Đến khi thân tình và thu thập thêm thông tin về ngài chủ tịch một hôm chú Mười đến thăm Anh hai. Anh hai thì mang máng không biết mình có quen với cái lão này không nhưng chuyện ngày xưa cái gì nó cũng nói trúng hết, sở thích ăn uống gì của mình nó cũng biết vậy chắc ăn là quen thiệt, chắc tại mình quên nó...?

Khi ngồi nhậu, ngài chủ tịch mới hỏi:

- Bây giờ chú  còn trong bộ đội không hay chuyển công tác rồi?

- Dạ... em bây giờ mới được chuyển công tác qua mảng văn hóa thông tin, phụ trách đoàn Văn công chuyên hát cải lương. Em biết anh không thích cải lương nên lâu nay chị hỏi em không dám nói với chị , sợ anh Hai hay rồi anh buồn em.

Ngài Chủ tịch vô tình hỏi:

- Đoàn chú mày là tư nhân hay đoàn nhà nước?

- Dạ đoàn nhà nước 100% Anh hai ơi, trong đoàn em đa số là bộ đội phục viên và một số chị em trước trong đoàn văn công.

Bà Chủ tịch :

- Ủa đoàn chú bây giờ hát ở đâu?

Chỉ chờ có vậy Chú Mười nói nhanh:

- Dạ... em đang hát bên huyện kế bên nè chị.

Bà Chủ tịch:

- Sao Đoàn chú không về đây hát cho mẹ con tôi đi xem?

Ngài Chủ tịch đang ngà ngà nên cũng hứa:

- Chú mày có muốn về đây hát thì anh giúp cho.

Cá đã cắn câu, thế là đoàn cải lương Vàm cỏ của Chú Mười Ngân hiên ngang dọn về hát độc quyền và hốt bạc trước sự ngỡ ngàng của các đồng nghiệp. Những tay Quản lý thời đó phải chấp tay bái phục cái tài xin phép của Ông Bầu liều mạng mà tên tuổi chú Bầu Ngân vẫn còn tương truyền trong giới Văn nghệ sỹ cải lương Miền Tây đến tận bây giờ.

 

Theo Chuyện Làng Quê