Thực trạng ảm đạm
Sau khi nới lỏng giãn cách xã hội đầu tháng 9, thị trường kinh doanh bán lẻ tại Hà Nội đã có những dấu hiệu tích cực. Điển hình tại các tuyến phố trung tâm, các mặt bằng cho thuê đã có khách quay lại thuê. Tuy nhiên, trong vòng 2 tuần qua, xuất hiện nhiều ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng khiến làn sóng trả mặt bằng lặp lại. Dẫn đến hệ quả là phân khúc cho thuê mặt bằng dư thừa nguồn cung là nguyên nhân cho tình trạng giá thuê nhà giảm thê thảm.
Theo ghi nhận, từ đầu năm đến nay có rất nhiều mặt bằng kinh doanh trên các tuyến đường lớn, quận trung tâm thành phố Hà Nội đều đóng cửa cài then. Trên các tuyến phố lớn như phố Huế, Hàng Ngang, Hàng Đào, … trước giờ luôn có giá thuê mặt bằng vô cùng đắt đỏ, thì nay vẫn đóng cửa hàng loạt, một số cửa hàng mở thì hoạt động cầm chừng, thưa thớt khách đến.Hầu hết các khách thuê mặt bằng tại khu vực Phố cổ Hà Nội đều kinh doanh các dịch vụ như du lịch, đồ lưu niệm, thời trang hoặc dịch vụ ăn uống,...
Một phần nguyên nhân nữa là do dịch Covid-19 thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Rất nhiều người kinh doanh đã chuyển qua bán hàng online và trả lại mặt bằng. Tất cả chi phí đó sẽ chuyển sang mục đích chạy quảng cáo nhằm thu hút khách hàng.
Giảm giá 50% vẫn ế
Trước đây, Chùa Bộc vốn là con phố có hoạt động kinh doanh nhộn nhịp, sầm uất, với những cửa tiệm bán quần áo dày đặc. Tuy nhiên, sau dịch hàng loạt cửa hàng rơi vào trạng thái “ngủ đông”. Nhiều người cho thuê nhà không tìm được khách mới, đã chấp nhận phải giảm giá thuê dài hạn. Mức giảm giá thuê giao động từ 30%-50%. Bên cạnh đó, những hình thức hỗ trợ khách thuê khác như thu tiền theo tháng, thay vì phải thanh toán 6 tháng hay 1 năm như trước, nhằm giảm áp lực cho khách thuê nhà cũng được áp dụng nhưng vẫn không dễ dàng tìm được khách thuê mới. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều mặt bằng, cửa hàng tại nơi đây trong suốt thời gian qua.
Không chỉ vậy, hàng loạt các cửa hàng đã trả lại mặt bằng hay như các cửa hàng thời trang đồng loạt giảm giá toàn bộ sản phẩm để trả mặt bằng. Trên các con phố, các cụm từ “cho thuê cửa hàng”, “cho thuê cả nhà” xuất hiện nhiều hơn bao giờ. Trên các website nhà đất, các hội nhóm trên mạng xã hội đều tràn ngập thông tin cho thuê cửa hàng, mặt bằng với giá ưu đãi. Nhiều chủ cho thuê đã đăng tin nhiều tháng nay vẫn chưa tìm được khách.
Chị Nguyễn Bích Huệ, người có hai căn nhà cho thuê làm cửa hàng quần áo ở khu vực Thanh Xuân cho biết: “Trước đây, mỗi tháng chị thu về 70 triệu đồng, nhưng do dịch nên đành cắt giảm còn 50% nhưng người thuê vẫn không cầm cự nổi nên đã trả nay chỉ còn 1 căn cho thuê.” Chị có nói thêm: “Chị có đề nghị giảm thêm nếu họ ký hợp đồng thuê tiếp nhưng họ nói sẽ suy nghĩ thêm.”
Giải pháp hỗ trợ
Ngoài việc người cho thuê liên tục giảm giá cho thuê, Chính phủ cũng ban hành quyết định giúp doanh nghiệp, người dân đang được Nhà nước cho thuê đất phần nào giảm được gánh nặng về mặt bằng kinh doanh. Ngày 25/9, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký ban hành quyết định số 27 của Thủ tướng Chính phủ "về việc giảm tiền thuê đất năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19".
Qua đó giảm 30% cho tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm (người thuê đất).