Nỗ lực giữ mùa xanh trên vùng biên giới

Để giữ vững lâm phần quản lý, cán bộ bảo vệ rừng Công ty TNHH MTV LN Ia Hdrai phải “ăn rừng, ngủ võng” hàng năm trời. Sự hy sinh ấy đã mang lại cho thế hệ sau những cánh rừng xanh ngát với nguồn tài nguyên, sinh vật phong phú.

Chuyện “gác rừng” trên vùng biên

Lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Hdrai (huyện Ia Hdrai, Kon Tum) trải dài trên các xã biên giới. Với sự nổ lực, vượt khó khăn của tập thể cán bộ, nhân viên, ban lãnh đạo đã từng bước đưa Công ty hoạt động một cách hiệu quả. Diện tích rừng tự nhiên do Công ty quản lý được bảo toàn, các hoạt động vi phạm pháp luật và phát triển rừng trong khu vực đã được kiểm soát, hạn chế đến mức thấp nhất. Bên cạnh đó, công tác chăm lo đời sống, việc làm, vật chất, tinh thần cho người lao động được quan tâm đúng mức; các hoạt động đoàn thể được đề cao, từng bước đi vào nề nếp; công tác xã hội, từ thiện, nhân đạo được chú trọng.

Hiện nay, Công ty có 02 lâm trường với 08 trạm, 04 chốt bảo vệ rừng được bố trí bao quanh lâm phần ở các vị trí cửa ngõ ra vào rừng. Nhằm nâng cao công tác bảo vệ rừng, công ty thường xuyên rà soát, sắp xếp luân chuyển lực lượng bảo vệ rừng cho phù hợp với năng lực, sở trường công tác của từng cán bộ nhân viên. Thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng theo quy định, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này hoạt động theo quy định của Chính phủ. Tổ chức đào tạo hoặc đề nghị cơ quan có chuyên môn đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Theo đó, hàng chục nhân viên bảo vệ rừng luôn “ăn rừng, ngủ võng” để túc trực 24/24 trong rừng sâu. Mỗi ngày, lực lượng bảo vệ rừng lại “khăn gói”, “cơm nắm, muối vừng” đi tuần tra khắp những cánh rừng.

Để hiểu hơn về những gian khó, hy sinh của những người “gác rừng”, chúng tôi đã vượt hàng chục cây số, xuyên qua cánh rừng già, vượt con dốc đỏ để lên một trạm bảo vệ rừng thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Hdrai (huyện Ia Hdrai, Kon Tum). Trạm nằm sâu trong rừng xanh, chặn những lối độc đạo vào rừng. Đồng thời, đây cũng là lực lượng nòng cốt để khi có cháy rừng thì dập kịp thời.

Anh Phùng Chí Mạnh (40 tuổi, thôn 7, xã Ia Tơi, Ia Hdrai, Kon Tum) người đã gắn bó hơn 22 năm gác những cánh rừng của đại ngàn Tây Nguyên. Anh Mạnh trải lòng về cuộc sống chốn “thâm sơn”: “Khi xưa, tôi lên đây rừng chưa có lối, chim, thú dữ còn chạy khắp cả rừng. Lúc này, mấy anh em bảo vệ rừng mới chặt cây làm lán, lấy lá rừng làm mái che dựng nên chiếc lán vững chắc. Những người gác rừng sợ nhất là những cơn mưa rừng. Mưa là kéo dài hàng tháng trời khiến cả tổ bị cô lập. Chính vì vậy, mỗi lúc lên trạm, tôi đèo cả 2 - 3 bao gạo để phòng lúc mưa lũ về", anh Mạnh cho biết.

Theo chân những người gác rừng, chung tôi mới thực sự hiểu hết nỗi gian truân. Dù trên đỉnh núi hay ở giữa sông, người gác rừng đều phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Đó là những đêm co quắp vì sương gió của đất trời. Những đống lửa đốt quanh lều không đủ sưởi ấm trong đêm dài gió lạnh. Là nỗi niềm khi mức lương chưa tương xứng với dấu chân tuần tra in hằn giữa đại ngàn.

Giữ màu xanh của đại ngàn

Trước thực trạng khó khăn trong nhiệm vụ bảo vệ rừng như trên, tập thể ban lãnh đạo công ty đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị cần phải từng bước khắc phục, tạo được niềm tin, nâng cao ý thức bảo vệ rừng trong quần chúng nhân dân; triển khai các giải pháp bảo vệ rừng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hàng năm, Công ty tổ chức tuyên truyền pháp luật bảo vệ rừng; phổ biến các văn bản chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương các cấp, các ngành về lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng; vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, phát hiện và tố giác những hành vi vi phạm bằng nhiều hình thức khác nhau, từng bước nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng. Trong 6 tháng đầu năm đã tổ chức tuyên truyền tập trung tại các khu dân cư sinh sống gần rừng 13 buổi/452 lượt người tham gia. Ngoài việc tổ chức họp tập trung, các Trạm QLBVR còn đến từng hộ gia đình đang sinh sống rải rác ven rừng để tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân.

Lắp đặt các bảng biển tam giác, bảng chữ nhật tuyên truyền bảo vệ rừng, PCCCR tại các điểm nóng có nguy cơ bị xâm hại tài nguyên rừng. Công ty đã chủ động tổ chức ký kết quy chế, kế hoạch bảo vệ rừng  với các chủ rừng giáp ranh và các đơn vị chức năng trên địa bàn để làm cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể đã ký kết với các đồn Biên phòng Sa Thầy, Suối Cát, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy, Công ty Cao su Sa Thầy, Công ty Cao su Duy Tân, UBND các xã Ia Tơi, Ia Dom. Kết quả sau khi ký kết các bên đã có sự phối hợp chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng từng bước kiểm soát tốt hơn lâm phần hạn chế được các vụ việc vi phạm xảy ra.

Các Trạm bảo vệ rừng thường trực 24/24 giờ để làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, PCCCR. Đối với lãnh đạo Công ty, luân phiên theo định kỳ hàng tuần trực tiếp xuống địa bàn để chỉ đạo công tác bảo vệ rừng, PCCCR. Đồng thời, công ty thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo cháy rừng của tỉnh và triển khai đến các Lâm trường, Trạm QLBVR nghiêm túc thực hiện. 

Ngoài việc trực tiếp theo dõi, trực bảo vệ rừng, PCCCR tại hiện trường, Công ty giao phòng Kỹ thuật thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin điểm cháy trên hệ thống cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm nhằm phát hiện sớm điểm cháy để chỉ đạo các Lâm trường, Trạm bảo vệ rừng xử lý ngay khi đám cháy chưa lan rộng.