Nơi bác sĩ đang giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19 không có chỗ cho những vai diễn hay lời hoa mỹ

Kể về những trải nghiệm khi tác nghiệp trong tâm dịch, đạo diễn phim Ranh giới Tạ Quỳnh Tư cho biết, anh ấn tượng đặc biệt với những y, bác sĩ bị nhiễm Covid-19, phải đi cách ly nhưng luôn nôn nóng mong khỏi nhanh để quay trở về phục vụ tiếp tại các khu điều trị F0.

Tạ Quỳnh Tư
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư muốn lột tả sự khắc nghiệt của Covid-19 để thức tỉnh nhiều người qua phim.

"Ranh giới, những thước phim sẽ đi vào lịch sử của truyền hình Việt Nam trong trận chiến chống Covid-19. Làm phim - chạm đến tận cùng cảm xúc khán giả là một thành công lớn". Anh nghĩ sao về nhận định này?

Cái lo lắng lớn nhất trên hành trình vào tâm dịch để làm phim là làm cái gì, làm sao để đóng góp được cho công tác tuyên truyền về phòng, chống Covid-19.

Khi làm phim tôi cũng đặt ra 2 mục tiêu rõ ràng, đó là phải làm sao để cho người dân hiểu và sợ Covid-19. Bởi chỉ có hiểu và sợ, người ta mới ý thức chăm lo sức khỏe cho bản thân, tránh để lây nhiễm, nâng cao ý thức cộng đồng, từ đó dịch bệnh sẽ được đẩy lùi dần.

Cùng với đó, tôi cũng muốn phản ánh sự thật về tình yêu thương, sự hy sinh, lao động quên mình của đội ngũ y bác sĩ… đang phải căng mình trên mặt trận chống dịch như thế nào.

Hơn nữa, phim truyền tải được thông điệp tinh thần tương thân tương ái, tình yêu, sự bao bọc, sẻ chia và lớn hơn nữa là tinh thần đoàn kết, tinh thần của cả cộng đồng, của xã hội, hướng tới cùng nhau đẩy lùi dịch.

Chính vì thế, khi phim nhận được hiệu ứng khán giả, đó là điều hạnh phúc. Rất cảm ơn khán giả đã dành thời gian xem phim và có những chia sẻ, những động thái nghĩ đến cuộc sống tích cực hơn, an toàn hơn.

Khi vào tâm dịch để tác nghiệp, anh có trải qua những nỗi lo sợ nào và anh đã vượt qua như thế nào?

Thực sự, tôi đi với tâm thế bình thường, không sợ sệt nên không nặng nề lắm. Có điều, ban đầu tinh thần làm việc chưa cao, nhưng khi bước chân vào, thấy được nhiệt huyết, ân tình của bác sĩ đang nỗ lực giành giật lại sự sống, động viên bệnh nhân đang đau đớn… khiến tôi ngưỡng mộ vô cùng.

Điều đó đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi, truyền cho tôi năng lượng tích cực, từ đấy tôi cứ bị cuốn theo họ. Có những y tá còn rất trẻ, người nhỏ bé nhưng vẫn làm việc quần quật, vẫn đi như chạy, vẫn ân cần chăm sóc bệnh nhân.

Tôi nhận thấy, ở đâu đó trong cuộc đời này, nếu có nỗi đau thì luôn tồn tại tình thương, sự cứu giúp, trách nhiệm. Tôi chiêm nghiệm cuộc sống luôn luôn có luật bù trừ, vì thế ý tưởng phim Ranh giới đã ra đời từ đấy.

Bộ phim đã thức tỉnh nhiều người, hẳn là cũng cho anh những giá trị đặc biệt cũng như trải nghiệm quý giá?

Thời gian ngắn ngủi của chuyến công tác chỉ có 21 ngày đã cho tôi bài học rất quý. Tôi nghĩ, có lẽ cả cuộc đời của phóng viên chỉ một lần được trải nghiệm như thế. Thiên tai, bệnh họa khắc nghiệt, từ cuộc sống trong tâm dịch, nhìn thấy những nỗi đau của người bệnh, được tận mắt chứng kiến sự hy sinh quên mình, gần gũi vượt qua mọi rào cản của y, bác sĩ...

Tôi học được rất nhiều điều từ sự nỗ lực để giành giật sự sống cho các bệnh nhân của đội ngũ y bác sĩ, một ranh giới của sự sống và cái chết rất mong manh. Tôi hiểu thêm về ranh giới hiện hữu sự phũ phàng của dịch bệnh với một bên là tình yêu thương, sự níu kéo, giành giật hơi thở cho bệnh nhân của các bác sĩ. Hơn thế, đó còn là ranh giới về tình người, của trách nhiệm và tình thương, sự quên mình của các thiên thần áo trắng. Đó còn là ranh giới vượt qua mọi nỗi đau, mọi rào cản để họ sống tử tế và mạnh mẽ hơn.

"Với tôi, ở nơi mà bệnh nhân cần hơi thở gấp gáp, từng phút từng giây, nơi mà bác sĩ đang căng mình giành giật từng sự sống... không có chỗ cho những vai diễn hay những lời hoa mỹ. Nơi ấy, tôi cảm nhận được từ đôi mắt họ khát khao muốn trở về nơi bệnh nhân đang cần chứ không phải những lời nói sáo rỗng".

Nếu ngày xưa mình lơ là, chủ quan với cuộc sống, còn nhiều điều vội vã thì chuyến đi này đã cho tôi nghĩ khác, biết trân trọng những gì đang có, quý hơi thở, học cách sống chậm hơn.

Tôi ngộ ra, cuộc sống đang có thật sự đáng quý, biết trân trọng nó, sống có trách nhiệm hơn, biết cho đi và nhận lại yêu thương.

Không cần rao giảng đạo lý, những thước phim trong Ranh giới đã khiến người xem răn mình không được chủ quan trước dịch bệnh. Anh có tiếc nuối điều gì chưa truyền tải hết được trong phim?

Có rất nhiều nhưng điều tiếc nuối lớn nhất là bộ phim với thời lượng ngắn, với tiêu chí và hình thức làm phim như vậy nên mình không truyền tải hết được các câu chuyện ở tâm dịch. Thật lòng, tôi cũng muốn quay thêm hình ảnh đội ngũ y tế, bác sĩ ở vòng ngoài, người ta cũng phải căng mình trên mặt trận ở các ca thai phụ bình thường.

Tôi cũng muốn làm nhiều hơn nữa về đội ngũ y bác sĩ ở các bệnh viện dã chiến đang vất vả chống dịch. Hoặc đó là những người thân, người chồng, người cha, người mẹ của các thai phụ cũng lo lắng, ngóng chờ tin người thân của mình. Tôi muốn lột tả được sự khắc nghiệt của Covid-19, ngoài sự chia lìa, còn có sự ngóng chờ, day dứt.

Sau phim Ranh giới, khán giả đang chờ đợi Ngày con chào đời sắp phát sóng. Thông điệp anh muốn gửi gắm trong phim mới khác thế nào?

Nếu như thông điệp trong Ranh giới là trân trọng cuộc sống mình đang có, cần có đủ sức mạnh để vượt qua… Thì trong Ngày con chào đời tươi mới hơn, nhiều sức sống hơn. Dù bối cảnh phim cũng về thực trạng Covid-19 nhưng ở đó có sức sống mới, đó là tiếng khóc của các em bé chào đời.

Nếu như Ranh giới là sự gấp gáp, hối hả của các bác sĩ đang chạy đua với thời gian để giành giật từng giây, từng phút cho thai phụ thì các bác sĩ trong Ngày con chào đời rất chậm rãi để mổ cho các thai phụ và đón các thiên thần bé nhỏ ra đời.

Tất nhiên, trong khoảnh khắc của em bé chào đời cũng có sự gián đoạn bởi sự khắc nghiệt của Covid-19 mà tình yêu thương của người mẹ, giọt sữa đầu tiên của mẹ cũng không dành được cho con. Các con lại phải xa mẹ một thời gian. Nhưng đâu đó, tình người, sự ân cần chăm sóc của các bác sĩ lại trỗi dậy mạnh mẽ tại đây.

Cuối phim là những cuộc đoàn tụ có thể trọn vẹn, cũng có thể là dang dở, nhưng đâu đó vẫn hiện lên hạnh phúc gia đình mới, một sức sống mới.

Từ phim Chông chênh hai năm trước đến Ranh giới, cảm xúc của anh thay đổi ra sao?

Thực ra, cảm xúc với các phim khi làm rất khác nhau, với mỗi phim mình theo đuổi câu chuyện khác nhau. Nếu như Hai đứa trẻ là sự xót xa, thương cảm, sự giằng xé về sự thiếu thốn tình cảm, thì Miền đất hứa mình thương những người lao động, sang Chông chênh, mình lại thương xót những người phụ nữ làm dâu xứ người, cô đơn, thiếu hiểu biết nên dễ bị lừa.

Với Ranh giới, cảm xúc nó đặc biệt hơn tất cả, nó hiện hữu trước mắt mình trong một thời gian rất ngắn. Đó là sự khắc nghiệt của dịch bệnh mà mình được gặp một bệnh nhân mà có thể chỉ 1, 2 ngày sau hoặc chỉ ít phút sau họ không còn nữa. Mình được tận mắt chứng kiến giây phút sinh tử, cảm nhận nên rất đau, cảm thấy day dứt mãi.

Tạ Quỳnh Tư
Đội ngũ y tế giành giật sự sống cho thai phụ.

Các bác sĩ đã cho anh thêm động lực và niềm tin như thế nào? Nếu nói về hình ảnh của các y bác sĩ trong tâm dịch, anh sẽ nói gì?

Các bác sĩ đã cho tôi thêm động lực, niềm tin vào sự tử tế trong cuộc đời. Cũng là lần đầu tiên tôi cảm nhận hết được hi sinh của người bác sĩ tuyến đầu một cách chân thực nhất. Lần đầu tiên cảm nhận được lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết, thấy thêm trân trọng mỗi ngày còn được thở, được sống.

Thông điệp của phim chúng tôi muốn gửi đến chính là sự vượt khó, tình yêu, sự hi sinh quên mình của các bác sĩ dành cho thai phụ, của các thai phụ dành cho con và đằng sau đấy là cả gia đình, cộng đồng, xã hội, đất nước đang chống chọi với đại dịch Covid-19. Mong sao một ngày dịch bệnh qua đi và mọi người trở lại cuộc sống bình thường.

Hình ảnh ấn tượng của các y bác sĩ khiến tôi nhớ mãi, đó là những lời động viên ân cần, là những sự kiên trì thuyết phục bệnh nhân. Bởi những bệnh nhân thai phụ rất thiệt thòi vì vào bệnh viện chỉ đơn độc. Chính vì vậy, lúc này họ rất cần sự thương yêu, sự quan tâm, động viên.

Bác sĩ thay nhau bóp bóng cho bệnh nhân cả đêm. Đó có thể là hình ảnh của sự chăm sóc bệnh nhân như cho ăn uống, vệ sinh, chải tóc. Những điều đó tưởng nhỏ nhặt nhưng rất ấn tượng và gây xúc động mạnh.

Có lẽ, ấn tượng hơn nữa là lúc giành giật sự sống cho bệnh nhân, có những bác sĩ rất điềm tĩnh, quyết đoán, trí tuệ để xử lý các tình huống. Dường như những khi ấy, nhìn các bác sĩ không có ranh giới nào cả, chỉ có tình thương, sự quan tâm.

Đặc biệt, có những y bác sĩ bị nhiễm Covid-19, phải đi cách ly nhưng họ cũng muốn khỏi nhanh để quay trở về phục vụ tiếp tại các khu điều trị F0 vì những nơi đó rất thiếu nhân lực. Với tôi, ở nơi mà bệnh nhân cần hơi thở gấp gáp, từng phút từng giây, nơi mà bác sĩ đang căng mình giành giật từng sự sống... không có chỗ cho những “vai diễn” hay những lời hoa mỹ. Nơi ấy, tôi cảm nhận được từ đôi mắt họ khát khao muốn trở về nơi bệnh nhân đang cần chứ không phải những lời nói sáo rỗng.

Cá nhân anh nghĩ sao về trách nhiệm xã hội của mỗi công dân trong cuộc chiến chống Covid-19?

Thông qua bộ phim, những chi tiết, những biểu cảm rất nhỏ, đặc biệt hình ảnh của chiến sĩ áo trắng, chúng ta hiểu được nếu như ai cũng nghĩ đến cộng đồng, nghĩ đến cái chung thì chắc chắn sẽ chiến thắng Covid-19, để dịch bệnh này không còn hiện hữu.

Cá nhân tôi cảm thấy hạnh phúc vì nhiều người đã có cái nhìn khác đi, cảm thông, chia sẻ và thấu hiểu hơn những vất vả, khó nhọc, mất mát, hy sinh mà các y bác sĩ tuyến đầu đang phải trải qua mỗi ngày. Hạnh phúc vì nhiều người đã thay đổi nhận thức và hành vi để nghiêm khắc hơn với chính bản thân mình trong việc tuân thủ phòng dịch.

Qua bộ phim, chúng ta có thể thấy, mặc dù phải gồng mình chống dịch Covid-19 trong điều kiện vô cùng thiếu thốn nhưng các y bác sĩ tuyến đầu vẫn không chùn bước, không đầu hàng… Hơn hết, họ trở thành những người thân của bệnh nhân khi chải tóc, bón cháo, vệ sinh, an ủi, động viên... Chúng ta thấy được sự tử tế, sự yêu thương và lòng trắc ẩn ở nơi tâm dịch từ những điều dung dị như thế.

Cảm ơn anh!