Bối cảnh kinh tế
Quý III năm 2021, kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi sau những tổn thất nặng nề do dịch Covid-19 gây ra. Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay sẽ dưới mức 6% như nhận định đã đưa ra hồi tháng 7. Tuy nhiên, ở khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng GDP được ADB dự báo ở mức 3,1% trong năm 2021, giảm so với mức 4,4% đưa ra vào tháng 4/2021 do khu vực này vẫn đang phải đối phó với biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao.
Ngoài ra, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhận định vào năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến là 5,7%, tương ứng với 205 triệu người thất nghiệp, vượt qua mức 187 triệu người vào năm 2019.
Trong nước, những tháng đầu năm 2021 kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục ổn định và dần khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, do biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, diễn biến phức tạp gây ảnh hướng tới người dân và hoạt động sản xuất. Điều này dẫn đến việc thị trường lao động phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng như hàng triệu lao động bị mất việc làm, bị cắt giảm thu nhập. Cơ hội tìm kiếm được việc làm của người lao động trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Tác động tiêu cực
Hiện nay nước ta có gần 10 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực như giảm thu nhập, mất việc làm do dịch bệnh. Theo Tổng cục Thống kê, mặc cho các nỗ lực phục hồi kinh tế đi kèm với phòng chống dịch đã phần nào cải thiện tình hình lao động nước ta. Tuy nhiên, trong quý I năm 2021, “cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19”, trong đó nam giới chiếm 51% và số người trong độ tuổi từ 25 đến 54 chiếm hai phần ba.
Là một công nhân làm việc ở khu công nghiệp Hà Nam, anh Trần Mạnh Huân đã thôi việc từ cuối tháng 5 do tình hình gia đình, người thân cách ly và bản thân anh thì không có việc làm. Anh chia sẻ: “Bản thân tôi rất lo lắng cho tương lai và sức khoẻ của gia đình, không chỉ vậy còn bao nhiêu chi phí phải lo cho gia đình.” Nỗi lo dịch bệnh, nỗi lo cơm áo gạo tiền đổ lên vai anh. Tuy nhiên, đây cũng là hoàn cảnh chung của rất nhiều công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, sản xuất tại những thành phố chịu ảnh hưởng lớn trong đợt dịch bùng phát.
Trong một khảo sát độc lập của Viện Nghiên cứu phát triển Mekong MDRI, những người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều nhất với 33% bị mất việc, đặc biệt ngành vận tải và du lịch.
Chị Lê Thị Hồng Nhung, kế toán Công ty TNHH hàng không An Bình cho biết dịch bệnh khiến cuộc sống chị thay đổi, ngành hàng không và dịch vụ đình trệ do đại dịch khiến công việc và thu nhập của chị gặp không ít khó khăn. “Những tháng qua, tôi phải chuyển qua kết hợp vừa làm việc online vừa bán hàng qua mạng để có đồng ra đồng vào phục vụ chi tiêu trong gia đình.” Đây cũng là tình hình khá phổ biến trong ngành hàng không khi không ít lao động đã bị cho nghỉ việc tạm thời hoặc chủ động xin nghỉ do thu nhập bị cắt giảm mạnh.
Giải pháp kịp thời
Nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp với tổng thể các biện pháp, chủ yếu mang tính ngắn hạn, ứng phó với dịch bệnh như: Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 77-KL/TW ngày 05/6/2020 về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước; Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế- xã hội và Công văn số 1133-CV/VPTW ngày 25/6/2021 của Văn phòng Trung ương Đảng ngày 01/7/2021.
Ngoài ra Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác…
Có thể thấy, các chính sách, văn bản của Nhà nước được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Không chỉ vậy, việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh là yếu tố tiên quyết mang tính quyết định nhằm phục hồi kinh tế và giảm thiểu tổn thất do dịch bệnh gây nên.