NÔNG DÂN ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG VỚI KINH TẾ TẬP THỂ VÀ XÂY DỰNG HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP.

Mặc dù trải qua nhiều biến động về chính trị, kinh tế và xã hội, song đặc trưng cơ bản và những vấn đề tồn tại của nông thôn châu thổ sông Hồng trong nhiều thập kỷ vẫn còn đậm nét cho đến ngày nay.

Từ thực tế phát triển toàn cầu, nông nghiệp gia đình đã chứng tỏ là phương thức sản xuất mang lại hiệu quả cao so với những mô hình sử dụng lao động làm thuê hoặc lao động tập thể. Trong chương trình của Liên hợp Quốc về “ Thập kỷ Nông nghiệp gia đình 2019-2028”, Tổ chức lương Nông (FAO) nhìn nhận : Nông dân gia đình sẽ trở thành tác nhân tạo ra và duy trì hệ thống thực phẩm, góp phần đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Thực hiện Nghị Quyết số 13-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam về tiếp tục đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; nông dân châu thổ sông Hồng đã tích cực thực thi Luật Hợp tác xã năm 2012, Theo đó, đã xây dựng được nhiều HTX hỗ trợ hiệu quả cho phát triển kinh tế hộ gia đình và mở ra triển vọng mới để tái cơ cấu và đổi mới sản xuất nông nghiệp phục vụ hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu.

Trên cơ sở phân tích đặc điểm nổi bật củả nông nghiệp gia đình, những nhân tố mới và các điển hình trong xây dựng HTX nông nghiệp kiểu mới ở vùng châu thổ sông Hồng,loạt  bài viết sẽ đề cập tới những khía cạnh nổi bật để cùng trao đổi.

  1. Nông nghiệp gia đình-những đặc trưng nổi bật
    1. Khái quát về nông nghiệp gia đình

Cho đến nay, nông nghiệp gia đình đang đại diện cho hình thức sản xuất nông nghiệp tạo nguồn lương thực thực phẩm cho toàn xã hội. Nông dân gia đình bao gồm những người dân bản địa, cộng đồng truyền thống, ngư dân, nông dân miền núi, người chăn thả gia súc và những nhóm đại diện của mọi khu vực hoặc các quần xã (FAO 2019).

Thế giới hiện có hơn 600 triệu trang trại với trên 90% được điều hành bởi cá nhân dựa vào lao động và các nguồn lực gia đình. Trang trại gia đình chiếm từ 70% đến 80% đất nông nghiệp và sản xuất hơn 80% giá trị lương thực thực phẩm toàn cầu. Đáng chú ý trong hệ thống nông nghiệp thế giới là, số trang trại dưới 1ha chiếm 70%, nắm giữ 7% diện tích đất nông nghiệp; những trang trại từ 1 đến 5ha chiếm 24% chỉ có 10% diện tích đất đai; trên 70% diện tích đất nông nghiệp do 1% số trang trại lớn nhất nắm giữ (FAO, 2019).

Ở những vùng núi cao, sản xuất chủ yếu là nông nghiệp gia đình, bao gồm cả các cộng đồng lâm nghiệp. Trên 33% diện tích rừng thế giới được quản lý bởi người dân bản địa và các cộng đồng địa phương. Tại 90 quốc gia, trên 370 triệu người bản địa sống trong các vùng lãnh thổ truyền thống, trùng hợp với 80% diện tích đa dạng sinh học trên hành tinh, chiếm 22% diện tích đất đai thế giới (FAO, 2019).

Với sự không đồng nhất cao, khó có định nghĩa thống nhất về nông nghiệp gia đình; nhưng nó lại là phương tiện tổ chức sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn thả gia súc và nuôi trồng thủy sản rất phổ biến. Theo tổ chức FAO, Nông nghiệp gia đình chủ yếu dựa vào nguồn vốn, lao động của gia đình và được quản lý, điều hành bởi một gia đình. Gia đình và trang trại có mối liên kết rất chặt chẽ, hộ gia đình cung cấp lực lượng lao động và kiểm soát các nguồn lực chính mà trang trại dựa vào để hoạt động.

Xét về bản chất đa chức năng, nông dân gia đình giữ vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực, quản lý tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo sự gắn kết của cộng đồng nông thôn với bảo tồn di sản văn hóa. Nông dân gia đình sản xuất lương thực,thực phẩm; cung cấp chế độ ăn uống đa dạng, lành mạnh. Đây cũng là những nhà đầu tư nông nghiệp chính và đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế nông thôn.

Là cầu nối liên kết quá khứ, hiện tại với tương lai, nông nghiệp gia đình là cơ sở để đưa ra các giải pháp toàn diện và lâu dài cho các vấn đề nảy sinh trong phát triển bền vững. Trong khuôn khổ được khẳng định, nông dân gia đình có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững nông thôn cả về kinh tế, môi trường, xã hội và văn hóa.

    1. Tính khách quan và đặc điểm của kinh tế nông nghiệp gia đình

Kinh tế hộ nông dân hàm chứa những liên hệ mật thiết hữu cơ trên tất cả các phương diện kinh tế và phi kinh tế, vật chất và phi vật chất; đó là các đơn vị sản xuất, tiêu dùng và xã hội huyết thống đặc thù. Trong cấu trúc của chủ thể tham gia sản xuất nông nghiệp, cho dù sản xuất đạt tới ngưỡng tiên tiến, kinh tế hộ nông dân vẫn là đơn vị cơ sở và chiếm số lượng lớn nhất. Sự phát triển của các loại hình sản xuất nông nghiệp xét về cơ bản đều dựa trên sự phát triển của kinh tế hộ nông dân. Giáo sư nông học Đào Thế Tuấn cho rằng, đặc điểm cơ bản nhất của phương thức sản xuất hộ nông dân hay nông nghiệp gia đình (Family farming) là dựa trên sử dụng lao động gia đình, chỉ đi thuê một phần nhỏ lao động (Đào Thế Tuấn, 1997)

Cùng với đặc điểm của sản xuất nông nghiệp, trong nền kinh tế thị trường, đơn vị kinh tế hộ nông dân có những hình thái chủ yếu là Hộ tự cung tự cấp hoàn toàn, Hộ sản xuất hàng hoá nhỏ, Hộ sản xuất hàng hoá là chủ yếu và Hộ sản xuất hàng hoá hoàn toàn(Đào Thế Anh, Lê Thành Ý 2019).

1.2.1. Hộ sản xuất tự cung tự cấp

Với tư cách đơn vị sản xuất và cũng là đơn vị tiêu dùng, hộ sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp hầu như không có đối thoại với thị trường, nếu có quan hệ thì cũng chỉ hướng đến nhu cầu bức thiết, phải bán một số sản phẩm tất yếu để đổi lấy các nhu yếu phẩm khác mà cuộc sống cần phải có.

Hộ nông dân sản xuất tự cung, tự cấp đều có cơ sở và cấu trúc kinh tế, phương thức sản xuất giống nhau và sản phẩm làm ra cũng gần như nhau. Những hộ nông dân dạng này không tạo nên sự phân công lao động xã hội; đây là sức trì trệ lớn nhất của nền kinh tế tự cung, tự cấp.

1.2.2. Hộ sản xuất hàng hoá nhỏ

Đặc trưng cơ bản là sản phẩm làm ra được tiêu dùng trực tiếp trong gia đình, số lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường (hoặc từ thị trường vào hộ) không đáng kể. Đáng lưu ý là, sản phẩm lưu thông không hoàn toàn tuân theo nguyên tắc lợi nhuận. Do tính tự cung, tự cấp chiếm ưu thế nên sản xuất lương thực chỉ nhằm đảm bảo an ninh cho hộ gia đình. Đây được coi là mục tiêu và nội dung kinh tế cơ bản, có vị trí hàng đầu của hộ nông dân.

Do bị trói buộc vào "khẩu phần lương thực trực tiếp sống còn” của hộ nông dân; trong nền sản xuất hàng hoá nhỏ, sự tham gia của ruộng đất vào quan hệ thị trường rất hạn chế. Nông sản làm ra chưa theo quan hệ cung-cầu và ruộng đất không được sử dụng đúng với tiềm năng sinh học. Đây chính là tính phi hiệu quả của nền sản xuất nhỏ, manh mún, đồng thời cũng là nguyên nhân sâu xa kìm hãm quá trình phân công lao động xã hội, kìm hãm quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

1.2.3. Hộ sản xuất nông sản hàng hoá là chủ yếu

Đây là loại hình sản xuất hướng vào mục tiêu cung cấp cho thị trường đồng thời vẫn giữ lại một phần sản phẩm để tiêu dùng trực tiếp. Đặc trưng kinh tế cơ bản của loại hộ này là mối quan hệ giữa đơn vị sản xuất với thị trường đã được cải thiện và chiếm ưu thế trong sản xuất.

Đi vào sản xuất nông sản hàng hoá, kinh tế hộ nông dân dần phá vỡ vỏ bọc khép kín của mình, đồng thời tạo đầu vào/ra cho sản xuất nhằm đối thoại với thị trường. Qua đó, thúc đẩy quá trình chuyên môn hoá, phân công lao động sản xuất, cũng như khai thác, sử dụng đất đai với hiệu quả cao hơn để từng bước thoát ra khỏi chức năng “đảm bảo lương thực sinh tồn” và thực hiện chức năng “nguồn lực phát triển mới”. Đây là nấc thang phát triển quan trọng của quan hệ ruộng đất và kinh tế hộ nông dân.

1.3.4. Hộ sản xuất hàng hoá hoàn toàn

Với đặc trưng sản xuất theo nhu cầu của thị trường; quy mô của hình thái sản xuất này do thị trường điều tiết. Giữa các đơn vị sản xuất và tiêu dùng của kinh tế hộ nông dân gần như tồn tại độc lập tương đối. Trong mô hình này, mục tiêu sản xuất hướng theo thị trường và lợi nhuận; mọi yếu tố đầu vào và đầu ra của quá trình sản xuất đều được xem xét trên cơ sở giá trị. Theo đó, sức lao động và đất đai đều là đầu vào trực tiếp của sản xuất; nông sản làm ra được tiêu thụ và bị chi phối bởi các quy luật của kinh tế thị trường.

Ở trình độ sản xuất hàng hóa của mô hình này, kinh tế hộ nông dân không còn bị chi phối bởi quan hệ hiện vật, không bị ràng buộc bởi khẩu phần lương thực sinh tồn. Kinh tế nông nghiệp gia đình có thể vận động trong không gian rộng, khả năng cơ động cao, đầu vào của đơn vị sản xuất mở rộng; vốn, tư liệu sản xuất, công nghệ, đất đai, lao động, vật tư… được tiền tệ hóa; nông sản hàng hóa và đất đai đươc giải thoát để thực hiện “quan hệ sinh lời” của kinh tế hộ nông dân. Tính co giãn của quy mô sản xuất nông sản hàng hóa bị chi phối chủ yếu bởi thị trường. Đây là lý do làm cho quan hệ ruộng đất và các yếu tố sản xuất vận động năng động, hướng vào hiệu quả, thích ứng với cơ chế thị trường, làm thay đổi cả về cơ cấu, quy mô sản xuất và mục đích sử dụng đất đai.

Theo các nhà phân tích, khi kinh tế hộ đi vào sản xuất hàng hoá, mỗi sản phẩm đều đòi hỏi một ngưỡng tối thiểu về đất đai, lao động và tiền vốn. Đất đai, tư liệu sản xuất, vốn và lao động là những điều kiện quan trọng, song quyết định nhất đối với hộ sản xuất nông sản hàng hoá lại là năng lực sản xuất - kinh doanh. Sự khác biệt về năng lực của hộ gia đình là yếu tố tác động quyết định đến mức độ mở rộng sản xuất nông sản hàng hoá. Có những hộ hướng vào tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô canh tác; ngược lại, không ít hộ kém phát triển, thậm chí phải giảm quy mô canh tác hoặc chuyển sang lĩnh vực hoạt động khác.

Trong nền kinh tế thị trường, dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, phát triển nông nghiệp hàng hóa diễn ra cùng với quá trình phân hóa, đào thải, chuyên môn hóa hoặc đa dạng hóa, tích tụ, tập trung mở rộng quy mô canh tác và quy mô kinh tế của hộ nông dân. Xu hướng này làm giảm số đơn vị kinh tế hộ nông dân, nhưng lại tăng tỷ lệ và quy mô hộ sản xuất nông sản hàng hóa. Tuy nhiên, ở hầu hết các quốc gia vẫn còn tồn tại một phổ rộng kinh tế hộ nông dân ở trình độ tự cung, tự cấp.

Quá trình phát triển, phân tầng, phân hóa kinh tế hộ nông dân là cơ sở khách quan của sự ra đời đa dạng, đa trình độ, đa quy mô của hình thức hợp tác và liên kết sản xuất kinh doanh nông nghiệp dựa trên sự phát triển của kinh tế hộ nông dân.

1.3.Châu thổ sông Hồng và những nét riêng của nông dân trong khu vực

Vào những năm 30 của thế XX, khi nghiên cứu về châu thổ Bắc Kỳ, nhà nghiên cứu địa lý nhân văn người Pháp Pierre Gourou đã coi châu thổ Sông Hồng là cái nôi của nền văn minh và thuộc loại châu thổ đông dân nhất trên thế giới. Với dự báo dân số vào năm 1984 lên tới 13 triệu người, đạt mật độ trung bình 860 khẩu/Km2, mối quan ngại lớn nhất của P. Gourou là, châu thổ này đã không nuôi nổi mật độ dân 430 người/ Km2 thì làm sao có thể đáp ứng đủ nhu cầu lương thực khi mật độ dân số tăng lên gấp đôi. Thế nhưng, với người nông dân bản địa, trong vòng 70 năm qua, mối lo ngại này đã không diễn ra. Ngược lại, đến năm 1998, khi dân số châu thổ Sông Hồng lên tới 14,2 triệu người (tăng gấp 2,2 lần) và đất canh tác bình quân đầu người giảm 3,35 lần (Từ 1.846 m 2 xuống còn 551 m 2 );sản lượng lương thực bình quân đầu người vẫn đạt trên 439 Kg cao gấp 1,6 lần thời điểm P.Gourou dự báo. Đây chính là đặc điểm phản ánh nổi bật tính chất lao động của người dân vùng châu thổ.

Từ những phân tích khoa học, GS Đào Thế Tuấn nhìn nhận, sở dĩ vùng đồng bằng sông Hông (ĐBSH) đã giải quyết được vấn đề sản xuất nông nghiệp của mình vì đã làm theo lời khuyên của Pierre Gourou. Người dân châu thổ sau khi đã thử nghiệm nhiều mô hình sản xuất khác nhau, họ đã quay về với nền kinh tế gia đình nông dân và giải quyết được việc phát triển một cách xuất sắc (Đào Thế Tuấn 2003).

Pierre Gourou từng ghi nhận, con người là sự kiện địa lý quan trong nhất của châu thổ, họ đã nhào nặn nên địa hình bằng chính đôi tay của mình. Toàn bộ cây cối đều do con người trồng lên…, không một tấc đất nào lại không được người dân đào xới….ở nông thôn rất đông dân và không khi nào mà không nhìn thấy đông dảo nông dân trên đồng ruộng. Trong một đất nước như thế, con người được đánh gia cao hơn tất cả và nhà khoa học phải nghiên cứu cẩn thận, nêú muốn hiểu được các sự kiện về con người và hình thể của đồng bằng (Pierre Gourou 2003)

Nông dân là chủ đề được quan tâm nghiên cứu khi bàn về nông nghiệp, nông thôn. Quan hệ ứng xử của người nông dân có những tác động mạnh mẽ tới điều kiện sống và quá trình phát triển của vùng. Sự khác biệt về địa lý là một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự khác biệt văn hóa tại mỗi địa phương. Trong đó, khác biệt nền tảng văn hóa sẽ tạo nên tư duy và cách nhìn khác nhau, thể hiện qua cách ứng xử, thái độ và quan điểm sống của mỗi con người.

Khác với cung cách ứng xử của nông dân ở các nước phát triển, tại châu thổ Sông Hồng, nơi đất đai hạn hẹp, từ xa xưa người dân đã coi ruộng đất như một thứ tài sản để đảm bảo cho sự an toàn và tạo sự khác biệt trong cách ứng xử. Trong tâm thức của người nông dân, ruộng đất được cho là “tài sản của gia đình”, là thứ“thiêng liêng mang tính cha truyền con nối và gắn liền với cá nhân gia đình”.Nhìn nhận về phương tiện canh tác của nông dân châu thổ sông Hồng, P.Gourou từng nhấn mạnh đến đai manh mún, sự xé nhỏ ruộng đất khiến số thửa trên diện tích châu thổ đã lên tới 16 triệu mảnh vào những năm 1930.

Điểm khác biệt trong lựa chọn không gian sản xuất của người nông dân tại châu thổ Sông Hồng là không có sự phân định giữa khu vực gia đình và nơi sản xuất. Do làng quê “đóng kín” đến mức làng thành một thế giới riêng, không gian sản xuất nông nghiệp gắn với gia đình, đã hình thành nên những mô hình sản xuất hộ gia đình gắn kết với làng quê truyền thống từ nhiều đời (Nguyễn Thanh Thuỷ 2019).

Cùng với những khác biệt trên đây, quan hệ thân tộc cũng là đặc điểm nổi bật khi nghiên cứu về mô hình kinh tế hộ gia đình ở khu vực Sông Hồng. Theo truyền thống, người con trai trưởng có trách nhiệm thờ cúng bố mẹ. Tiếng nói của con trưởng có sức mạnh trong việc cố kết thành viên trong gia đình, dòng họ nhằm thực hiện nghĩa vụ đối với gia đình, dòng tộc. Và điều này cũng là một trong những lý do để giải thích cho tính “gia trưởng” nảy sinh trong các hoạt động cộng đồng.

Nhìn nhận về nông nghiệp gia đình trong bối cảnh làng xã còn là cái khung nhận diện cho xã hội nông thôn, nhiều nhà phân tích cho rằng, tính thụ động và an phận là một đặc trưng cố hữu. Từ đây, để thay đổi một nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa và công nghiệp hóa thì người nông dân châu thổ Sông Hồng trước hết cần phải thay đổi tư duy vốn đã ăn sâu trong tiềm thức. Để nông nghiệp tự cung tự cấp dần được thay thế bởi một nền sản xuất hàng hóa thì ở đó, người nông dân cần phải vượt qua tư duy sản xuất để sinh tồn, hướng tới hợp tác liên kết để tạo dựng nền sản xuất nông sản hiện đại.

2..Kinh tế tập thể với việc xât dựng Hợp tác xã ở châu thổ sông Hồng

2.1. Kinh tế hợp tác và bản chất của Hợp tác xã nông nghiệp

2.1.1. Lịch sử hình thành

Khi nghiên cứu về lịch sử kinh tế hợp tác, nhiều phân tích cho rằng, vào đầu thế kỷ XII, những hợp tác xã đầu tiên đã được hình thành trong lĩnh vực chế biến nông sản ở vùng núi phía Đông Nam nước Pháp. Tại đây, nông dân thường đưa bò và cừu lên núi ăn cỏ trong mùa hè và mùa đông lại đưa về đồng bằng. Do chưa có phương tiện bảo quản sữa họ phải hợp sức chế biến thành pho mát, chở về bán ở các chợ, rồi chia nhau kết quả theo lượng sữa mà mỗi người đóng góp. Hành động tập thể trong hợp tác ban đầu của người nông dân đã được ra đời như vậy (Đào Thế Tuấn 2002).Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, Hợp tác xã (HTX) ban đầu hình thành ở nước Anh. Vào năm 1871, một số thợ dệt đã rủ nhau lập ra một hội “làm vải tốt” và “bán với giá trung bình cho hàng xóm”.

Thế kỷ 18-19, HTX phát triển mạnh ở Châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Nga, Đan mạch…). Nông dân tùy theo sản phẩm của mình như nho, hạt cốc, sữa, củ cải đường, rau quả,… đã cùng góp lại để chế biến và bán ra thị trường nhằm chống lại sự độc quyền của các nhà buôn. Có nơi, nông dân nghèo lại bắt đầu từ tín dụng hoặc cung ứng vật tư. Tuy cách làm ít nhiều có khác nhau, nhưng mục đích lại như nhau, đó là: "… làm cho những người vô sản giai cấp hoá ra anh em. Anh em thì làm giùm nhau, nhờ lẫn nhau. Bỏ hết thói tranh cạnh. Làm sao cho ai trồng cây thì được ăn trái, ai muốn ăn trái thì giùm vào trồng cây" (Nguyễn Ái Quốc 1927).

Ở Viêt Nam, Thuỷ tinh Dân chủ là HTX đầu tiên được thành lập vào tháng 3 năm 1948. Trên 7 thập kỷ đã qua, phong trào xây dựng HTX trải qua nhiều bước thăng trầm, nhưng trong lĩnh vực nông nghiệp đã để lại những dấu ấn rất đáng trân trọng.

Tháng 8 năm 1955, 6 HTX nông nghiệp đầu tiên đã được thí điểm xây dựng ở đồng bằng sông Hồng và các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An. Đến đến cuối năm 1957, 42 HTX nông nghiệp, bình quân 20-30 xã viên ở quy mô thôn, xóm đã được xây dựng theo hình thức góp ruộng đất, tư liệu sản xuất “làm chung, ăn chung”, phân phối lợi ích theo công điểm. Hình thức kinh tế tập thể này tồn tại, phát triển mạnh trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước và kéo dài đến những năm sau này.

Vào năm 1986, trên địa bàn cả nước có 17.022 HTX nông nghiệp. Ở hầu hết các tỉnh vùng châu thổ sông Hồng, kinh tế HTX đã thay thế kinh tế hộ. Về cơ bản đã xoá bỏ tư hữu tư liệu sản xuất trong nông nghiệp, xã viên trở thành người lao động được HTX nông nghiệp điều động làm các công việc khác nhau, họ không chịu trách nhiệm sau cùng về sản phẩm.

Thời kỳ1986 -1996, là nhưng năm khó khăn nhất đối với các HTX, lạm phát cao khiến các HTX nông nghiệp không còn nguồn vốn; mặt khác, kinh tế tập thể phải hoạt động trong tình trạng không có khuôn khổ pháp lý điều chỉnh (Trần Thanh Nam 2017).

Luật đất đai ra đời năm 1993 công nhận tư cách chủ thể của kinh tế hộ nông dân, Cùng với Luật này, Luật HTX năm 1996 đã thay đổi cơ bản vai trò của HTX. Theo đó, vị trí của HTX từ chỗ là đơn vị hạch toán của Nhà nước ở nông thôn đã chuyển sang là tổ chức kinh tế tập thể, có nhiệm vụ hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho xã viên. Với nội dung ban hành, lần đầu tiên những nguyên tắc như tự chủ, tự chịu trách nhiệm, quản lý dân chủ và bình đẳng được vận dụng trong Luật HTX ở Việt Nam,

1.1.2. Bản chất của HTX

Theo Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA)“Hợp tác xã là một hiệp hội độc lập gồm các cá nhân tự nguyện cùng tập hợp lại để đáp ứng những nguyện vọng và nhu cầu chung về kinh tế, xã hội và văn hóa thông qua một hoạt động kinh doanh dựa trên vốn chủ sở hữu tập thể và quyền lực được thực thi một cách dân chủ”(ICA, 1995)

Định nghĩa của ICA hàm chứa nhiều nội dung, theo đó, những chức năng nổi bật đó là:

(1) HTX là tổ chức do các thành viên cùng sở hữu, cùng sử dụng sản phẩm, dịch vụ tạo ra. Nói cách khác, đó là tổ chức mà thành viên vừa là chủ sở hữu, vừa là người tham gia vào các hoạt động triển khai thực hiện;

(2) Khác với nhiều tổ chức sản xuất kinh doanh, mục đích của HTX không phải là tối đa hoá lợi nhuận, mà là để đáp ứng tốt nhất nhu cầu và lợi ích của các thành viên.

Liên minh Hợp tác xã Thế giới đã đưa ra 07 nguyên tắc tổ chức HTX, đó là:

  1. Gia nhập tự nguyện, tất cả mọi đối tượng đều có thể tham gia;
  2. Quyền lực được thành viên thực hiện dân chủ;
  3. Thành viên HTX được bình đẳng tham gia vào các hoạt động kinh tế;
  4. Đảm bảo tính tự chủ và độc lập;
  5. Được đào tạo, tập huấn và cung cấp thông tin;
  1. Có sự hợp tác, liên kết giữa các HTX với nhau;

(vii) Thực hiện cam kết với cộng đồng.

Từ cách nhìn toàn cầu có thể hiểu, HTX là tổ chức do các thành viên cùng sở hữu, cùng sử dụng sản phẩm và dịch vụ tạo ra. Thành viên HTX vừa là người sở hữu, vừa là người quản lý theo nguyên tắc dân chủ và cũng là người sử dụng dịch vụ của HTX. Đặc tính này đã làm nổi bật sự khác biệt về bản chất của HTX so với doanh nghiệp cổ phần. Ở các công ty cổ phần, cổ đông liên kết vốn với mục đích tối đa hóa lợi nhuận và họ không nhất thiết phải mua, bán với công ty mà mình mua cổ phần. Trong cuốn Đường Cách mệnh, Chủ tịch hồ Chí Minh từng chỉ ra “Hợp tác xã khác hội buôn, vì hội buôn lợi riêng, hợp tác xã lợi chung. Hợp tác xã tuy là để giúp đỡ nhau, nhưng không giống với các hội từ thiện”(Nguyễn Ái Quốc 1927)

Là người Việt Nam đầu tiên vận dụng tư tưởng kinh tế hợp tác trên thế giới để kêu gọi nông dân tham gia xây dựng mô hình kinh tế tập thể, ngay sau ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tháng 4 năm 1946, trong thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi “Anh em ta ai chẳng mong được đầy đủ, giàu có, ai chẳng mong cho nước thịnh, dân cường. Vậy chúng ta hãy mau mau chung vốn góp sức, lập nên hợp tác xã nông nghiệp ở khắp nơi;từ làng mạc cho đến tỉnh thành đâu đâu cũng phải có hợp tác xã”.

Người nhấn mạnh “…Hợp tác xã là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà ích lợi nhiều. Vì vậy: Hợp tác xã nông nghiệp là một tổ chức có lợi to cho nhà nông. Hợp tác xã nông nghiệp là cách làm cho nhà nông đoàn kết, làm cho nhà nông thịnh vượng. Hợp tác xã nông nghiệp giúp nhà nông đạt đến mục đích, đã ích quốc lại lợi dân”.

Kể từ khi ban hành Luật năm 1996, HTX ở nước ta đã hoạt đông theo khung khổ Luật pháp. Năm 2003, Luật này được bổ sung, sửa đổi, Đến ngày 20 tháng 11 năm 2012 Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khoá 13 đã ban hành Luật HTX mang số 23/2012/QH 13.

Luật HTX 2012 làm rõ hơn bản chất, tổ chức quản lý của hợp tác xã và liên hiệp các hợp tác xã; quyền, nghĩa vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và thành viên của những tổ chức này. Tiếp thu những quy định pháp luật mang tính cơ bản, ổn định lâu dài được quy định tại Nghị định 177/2004/NĐ-CP ngày 12/10/2004 và Nghị định 87/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005, Luật ban hành đã nhằm vào bảo đảm tính toàn diện, đồng thời hạn chế tối đa việc ban hành văn bản dưới Luật, tạo thuận lợi hơn cho việc thành lập hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư 2015).

Điều 3 khoản 1 của Luật HTX 2012 quy định “Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã” (Quốc hội 2012).

Mục tiêu của Hợp tác xã là mang lại lợi ích cho thành viên; phân phối của hợp tác xã chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ và công sức lao động của thành viên, phần còn lại chia theo vốn góp. Từ bản chất phục vụ thành viên, Luật hợp tác xã năm 2012 đã bãi bỏ quy định “hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp” của Luật hợp tác xã năm 2003.

2,2. Quan hệ kinh tế giữa hộ nông dân với hợp tác xã và lợi ích mang lại

Luật pháp Việt Nam công nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, thực tế này đòi hỏi hoạt động của HTX cần được tổ chức phù hợp với trình độ phát triển của kinh tế hộ nông dân. Về nguyên tắc, HTX chỉ làm những việc mà hộ nông dân không làm được riêng lẻ hoặc làm được nhưng kém hiệu quả.

Trong hoạt động nông nghiệp khó có thể tách rời công việc của hộ nông dân và HTX. Theo nhiều phân tích, có thể coi hoạt động củaHTX nông nghiệp là hình thức bổ sung cho các hộ nông dân tự chủ. HTX phục vụ cho kinh tế hộ nông dân, nếu không có hộ nông dân thì tổ chức HTX nông nghiệp cũng không còn ý nghĩa.

Từ nhận thức thống nhất về bản chất của HTX, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nhấn mạnh:“Vai trò của HTX kiểu mới, không làm triệt tiêu vai trò của kinh tế hộ mà gia tăng hơn lợi ích cho hộ gia đình. Nếu Nhà nước bỏ mặc HTX tự phát triển là sai lầm. Phải tạo điều kiện để HTX phát triển theo thị trường và gia tăng sự trợ giúp của doanh nghiệp vì chính lợi ích của doanh nghiệp. Động cơ của HTX là lợi ích, liên kết thay vì hoạt động cá thể” (Vương Đình Huệ 2019).

Với bản chất của tổ chức HTX, khi tham gia làm thành viên, hộ gia đình nông dân có thể nhận được những lợi thế về nhiều mặt.

Trước hết đó là về vật tư đầu vào của sản xuất: Khi cung ứng vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp như giống cây, con; phân bón, thức ăn gia súc; thuốc phòng trừ dịch bệnh,…. HTX có thể nhập được với khối lượng lớn nên giá vật tư luôn rẻ và có chất lượng cao hơn so với từng hộ mua riêng lẻ. Từ đó, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất cho mọi thành viên.

Để theo kịp tiến bộ KHKT sản xuất nông nghiệp, từng hộ cá thể khó có khả năng tiếp cận được với các khóa tập huấn. HTX thường là cầu nối giúp các chương trình khuyến nông, chuyển giao KHKT dễ dàng đến với nông dân. Mặt khác, các HTX nông nghiệp còn được các đơn vị cung ứng vật tư tập huấn theo định kỳ về tiến bộ KHKT, qua đó, có thể nâng cao trình độ sản xuất cho các hộ và nông dân là thành viên của HTX.

Đối với tiêu thụ sản phẩm Khi HTX đi vào hoạt động, việc tiêu thụ nông sản của các hộ sản xuất sẽ đạt hiệu quả cao hơn so với từng hộ bán riêng lẻ. Từng hộ nông dân khó có thể ký hợp đồng bán sản phẩm trực tiếp cho doanh nghiệp do sản lượng quá nhỏ. Mặt khác, nhiều hộ cá thể khó có thể chứng minh được khối lượng sản phẩm đồng nhất với chất lượng đảm bảo. Thông qua các HTX nông nghiệp, doanh nghiệp dễ dàng thu mua được khối lượng nông sản lớn, đồng đều về chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng.

Lợi thế về quy hoạch sản xuất là vấn đề lớn,đảm báo được lợi ích lâu dài Do khả năng dự báo nhu cầu thị trường hạn chế nên hộ gia đình gặp khó khăn trong phát triển sản xuất, hiệu quả mang lại không cao. Thông qua việc xây dựng phương án, kế hoạch SXKD trước mắt và lâu dài, HTX có khả năng nắm bắt được nhu cầu thị trường, đảm bảo ổn định bao tiêu sản phẩm làm ra. Điều này từng hộ riêng lẻ khó có điều kiện tiến hành.

Về đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất: Thông qua HTX, nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất như xây dựng công trình giao thông, thủy lợi nội đồng; mạng lưới điện: nhà kho, xưởng chế biến, ... Đây là những lợi thế lớn mà nếu tự sản xuất riêng lẻ thì mỗi hộ nông dân khó có thể làm được.

(Còn tiếp)