Nông dân đồng bằng sông Hồng với xây dựng HTX Nông nghiệp

Mặc dù trải qua nhiều biến động về chính trị, kinh tế và xã hội, song đặc trưng cơ bản và những vấn đề nổi bật của nông thôn châu thổ sông Hồng trong nhiều thập kỷ vẫn còn in đậm cho đến ngày nay. Gần đây, nghiên cứu về nông nghiệp, nông thôn và nông dân đồng bằng sông Hồng đã thu hút được sự chú ý của giới nghiên cứu và các nhà quản lý. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết "Nông dân đồng bằng sông Hồng với xây dựng HTX Nông nghiệp: Phần 1: Nông nghiệp gia đình và những đặc trưng nổi bật" của TS. Lê Thành Ý và ThS. Vương Xuân Nguyên - Trung ương Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam.

Thực hiện Nghị Quyết số 13-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam về tiếp tục đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, các tầng lớp nông dân và hộ nông nghiệp vùng châu thổ sông Hồng đã tích cực thực thi Luật Hợp tác xã năm 2012, Theo đó, đã xây dựng được nhiều mô hình HTX nông nghiệp, thực sự hỗ trợ hiệu quả cho phát triển kinh tế hộ gia đình và mở ra những triển vọng mới để tái cơ cấu và đổi mới sản xuất nông nghiệp phục vụ hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu.

Trên cơ sở phân tích đặc điểm nổi bật của nông nghiệp gia đình, những nhân tố mới và các điển hình trong xây dựng HTX nông nghiệp kiểu mới ở vùng châu thổ sông Hồng, Chuyên đề sẽ tập trung vào những khía cạnh nổi bật để cùng trao đổi.

Loạt bài viết sẽ đề cập đến nông nghiệp gia đình; nét riêng của nông dân châu thổ sông Hồng; Kinh tế hợp tác và bản chất của Hợp tác xã; Thực trạng phát triển HTX nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng những năm gần đây và những mô hình HTX nông nghiệp mở dường cho phát triển kinh tế hợp tác phù hợp với  trình độ của kinh tế hộ nông dân  trong vùng.

Nông dân đồng bằng sông Hồng với xây dựng HTX Nông nghiệp - Ảnh 1

Đồng bằng sông Hồng vựa lúa lớn thứ hai của cả nước

Cho đến nay, nông nghiệp gia đình được hiểu là đại diện cho hình thức sản xuất nông nghiệp để tạo nguồn lương thực thực phẩm cho toàn xã hội. Nông dân gia đình bao gồm những người dân bản địa, cộng đồng truyền thống, ngư dân, nông dân miền núi, người chăn thả gia súc và nhiều nhóm đại diện cho mọi khu vực và các quần xã (FAO 2019).

Thế giới hiện có hơn 600 triệu trang trại với trên 90% được điều hành bởi cá nhân dựa chủ yếu vào lao động và các nguồn lực gia đình. Các trang trại gia đình chiếm từ 70% đến 80% đất nông nghiệp và sản xuất hơn 80% giá trị lương thực thực phẩm toàn cầu. Đáng chú ý trong hệ thống nông nghiệp thế giới là, số trang trại có diện tích dưới 1ha chiếm 70%, nhưng chỉ nắm giữ 7% diện tích đất nông nghiệp; những trang trại từ 1 đến 5ha chiếm 24% song chỉ có 10% diện tích đất đai. Trên 70% diện tích đất nông nghiệp hiên nay do 1% số trang trại lớn nhất nắm giữ (FAO, 2019).

Trên vùng núi cao, sản xuất chủ yếu là nông nghiệp gia đình, bao gồm cả các cộng đồng lâm nghiệp. Trên 33% diện tích rừng thế giới hiện được quản lý bởi người dân bản địa và cộng đồng địa phương. Sự kết hợp độc đáo giữa tài nguyên rừng và trang trại đã tạo ra các hệ thống quản lý tài nguyên thiên nhiên phức hợp. Tại 90 quốc gia với trên 370 triệu người bản địa sống trong các vùng lãnh thổ truyền thống, trùng hợp với 80% diện tích đa dạng sinh học trên hành tinh, chiếm 22% diện tích đất đai thế giới. (FAO, 2019).

Với sự không đồng nhất toàn cầu, khó có định nghĩa thống nhất về nông nghiệp gia đình; nhưng nó được coi là một phương tiện tổ chức sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn thả gia súc và nuôi trồng thủy sản. Theo tổ chức FAO, Nông nghiệp gia đình chủ yếu dựa vào nguồn vốn, lao động của gia đình và được quản lý, điều hành bởi một gia đình. Gia đình và trang trại có mối liên kết rất chặt chẽ, hộ gia đình cung cấp lực lượng lao động và kiểm soát các nguồn lực chính mà trang trại dựa vào để hoạt động. Gia đình và trang trại có sự thống nhất liên tục cùng phát triển để hoàn thành các chức năng kinh tế, môi trường, xã hội và văn hóa trong mạng lưới lãnh thổ.

Xét về bản chất đa chức năng, hộ nông dân gia đình giữ vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực, quản lý tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo sự gắn kết cộng đồng nông thôn với bảo tồn di sản văn hóa. Nông dân gia đình sản xuất lương thực,thực phẩm; cung cấp chế độ ăn uống đa dạng, lành mạnh. Đây cũng là những nhà đầu tư nông nghiệp chính và đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế nông thôn.

Là cầu nối liên kết quá khứ, hiện tại với tương lai, nông nghiệp gia đình là cơ sở để đưa ra các giải pháp toàn diện và lâu dài cho các vấn đề phát sinh trong phát triển bền vững. Trong khuôn khổ được khẳng định, nông dân gia đình có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững nông thôn cả về kinh tế, môi trường, xã hội và văn hóa.

Kinh tế hộ nông dân hàm chứa những tư cách liên hệ mật thiết hữu cơ với nhau trên tất cả các phương diện kinh tế và phi kinh tế, vật chất và phi vật chất. Đó là các đơn vị sản xuất, tiêu dùng và xã hội huyết thống đặc thù. Trong cấu trúc của các chủ thể tham gia sản xuất nông nghiệp, cho dù sản xuất đạt tới ngưỡng tiên tiến, song kinh tế hộ nông dân vẫn còn là những đơn vị cơ sở và chiếm số lượng lớn nhất. Sự phát triển của các loại hình sản xuất nông nghiệp về cơ bản đều dựa trên sự phát triển của kinh tế hộ nông dân. Theo Giáo sư nông học Đào Thế Tuấn, đặc điểm cơ bản nhất của phương thức sản xuất hộ nông dân hay nông nghiệp gia đình (Family farming) là dựa trên sử dụng lao động gia đình, chỉ đi thuê một phần nhỏ lao động (Đào Thế Tuấn, 1997)

Cùng với những đặc điểm của sản xuất nông nghiệp, trong nền kinh tế thị trường, đơn vị kinh tế hộ nông dân có những hình thái chủ yếu là Hộ tự cung tự cấp hoàn toàn, Hộ sản xuất hàng hoá nhỏ, Hộ sản xuất hàng hoá là chủ yếu và Hộ sản xuất hàng hoá hoàn toàn (Đào Thế Anh, Lê Thành Ý 2019).

Hộ sản xuất tự cung tự cấp: Với tư cách đơn vị sản xuất và cũng là đơn vị tiêu dùng, hộ sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp hầu như không có đối thoại với thị trường, nếu có quan hệ thì cũng chỉ hướng đến nhu cầu bức thiết, phải bán bớt một số sản phẩm tất yếu để đổi lấy các nhu yếu phẩm khác mà cuộc sống cần phải có. Hộ nông dân sản xuất tự cung, tự cấp đều có cơ sở và cấu trúc kinh tế, phương thức sản xuất giống nhau và sản phẩm làm ra cũng gần như nhau. Những hộ nông dân dạng này hầu như không tạo nên sự phân công lao động xã hội. Đây là sức trì trệ lớn nhất của nền kinh tế tự cung, tự cấp.

Hộ sản xuất hàng hoá nhỏ: Đặc trưng cơ bản của sản xuất hàng hoá nhỏ là sản phẩm làm ra chủ yếu tiêu dùng trực tiếp trong gia đình, số lượng sản phẩm đưa ra lưu thông ở thị trường (hoặc từ thị trường vào hộ) không đáng kể. Đáng lưu ý theo quan điểm kinh doanh là, sản phẩm lưu thông trên thị trường không hoàn toàn tuân theo nguyên tắc lợi nhuận. Do tính tự cung, tự cấp chiếm ưu thế nên sản xuất lương thực chỉ nhằm đảm bảo an ninh cho hộ gia đình. Đây được coi là mục tiêu và nội dung kinh tế cơ bản, có vị trí hàng đầu của hộ nông dân.

Nông dân đồng bằng sông Hồng với xây dựng HTX Nông nghiệp - Ảnh 2

Đồng bằng sông Hồng với không gian văn hóa đặc trưng; Đình làng So (Quốc Oai, Hà Nội)

Trong nền sản xuất nông sản hàng hoá nhỏ, sự tham gia của ruộng đất vào quan hệ thị trường hạn chế do bị trói buộc vào "khẩu phần lương thực trực tiếp sống còn” của hộ nông dân. Nông sản làm ra chưa theo quan hệ cung-cầu của thị trường và ruộng đất không được sử dụng đúng với tiềm năng sinh học của nó. Đây chính là tính phi hiệu quả của nền sản xuất nhỏ, manh mún, đồng thời cũng là nguyên nhân sâu xa kìm hãm quá trình phân công lao động xã hội, kìm hãm quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. 

Hộ sản xuất nông sản hàng hoá là chủ yếu: Đây là loại hính nông dân gia đình sản xuất hướng vào mục tiêu cung cấp cho thị trường đồng thời vẫn giữ một phần để tiêu dùng trực tiếp. Đặc trưng kinh tế cơ bản của loại hộ này là mối quan hệ giữa đơn vị sản xuất với thị trường đã được cải thiện và chiếm ưu thế trong sản xuất.

Đi vào sản xuất nông sản hàng hoá, kinh tế hộ nông dân dần phá vỡ vỏ bọc khép kín của mình, đồng thời tạo đầu vào/ra cho sản xuất nhằm đối thoại với thị trường. Qua đó, thúc đẩy quá trình chuyên môn hoá, phân công lao động sản xuất, cũng như khai thác sử dụng đất đai với hiệu quả cao hơn để từng bước thoát ra khỏi chức năng “đảm bảo lương thực sinh tồn” và thực hiện chức năng “nguồn lực phát triển mới” trong cơ chế thị trường. Đây là một nấc thang phát triển rất quan trọng của quan hệ ruộng đất và kinh tế hộ nông dân.

Hộ sản xuất hàng hoá hoàn toàn: Với đặc trưng sản xuất hướng theo nhu cầu của thị trường; quy mô của hình thái sản xuất này do thị trường điều tiết. Giữa các đơn vị sản xuất và tiêu dùng của kinh tế hộ nông dân gần như tồn tại độc lập tương đối với nhau. Trong mô hình này, mục tiêu sản xuất hoàn toàn hướng theo thị trường và lợi nhuận; mọi yếu tố đầu vào và đầu ra của quá trình sản xuất đều được xem xét trên cơ sở giá trị. Theo đó, sức lao động và đất đai đều trở thành đầu vào trực tiếp của sản xuất; nông sản làm ra được tiêu thụ trên thị trường và bị chi phối bởi các quy luật của kinh tế thị trường.

Ở trình độ sản xuất hàng hóa của mô hình này, kinh tế hộ nông dân không còn bị chi phối bởi quan hệ hiện vậtkhông bị ràng buộc bởi khẩu phần lương thực sinh tồn, kinh tế nông nghiệp gia đình có thể vận động trong một không gian rộng, khả năng cơ động cao, đầu vào của đơn vị sản xuất mở rộng; vốn, tư liệu sản xuất, công nghệ, đất đai, lao động, vật tư… được tiền tệ hóa, còn đầu ra là nông sản hàng hóa và đất đai đươc giải thoát để thực hiện “quan hệ sinh lời” của kinh tế hộ nông dân. Tính co giãn của quy mô sản xuất nông sản hàng hóa bị chi phối chủ yếu bởi thị trường. Đây chính là lý do làm cho quan hệ ruộng đất và các yếu tố sản xuất ở những vùng nông sản hàng hoá có sự vận động năng động, hướng vào hiệu quả, đồng thời thích ứng với tác động của cơ chế thị trường, làm thay đổi cả về cơ cấu, quy mô sản xuất và mục đích sử dụng đất đai.

Theo các nhà phân tích, khi kinh tế hộ bước vào sản xuất hàng hoá, ở mỗi sản phẩm đều đòi hỏi những ngưỡng tối thiểu về đất đai, lao động và tiền vốn. Đất đai, tư liệu sản xuất, vốn và lao động là những điều kiện quan trọng, song quyết định nhất đối với hộ sản xuất nông sản hàng hoá lại là năng lực sản xuất - kinh doanh của các chủ hộ. Sự khác biệt về năng lực sản xuất-kinh doanh của hộ gia đình là yếu tố tác động quyết định đến mức độ mở rộng sản xuất nông sản hàng hoá. Có những hộ hướng vào tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô canh tác; ngược lại, không ít hộ kém phát triển, thậm chí phải giảm quy mô canh tác hoặc chuyển sang lĩnh vực hoạt động khác.

Trong nền kinh tế thị trường, dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, phát triển nông nghiệp hàng hóa diễn ra cùng với quá trình phân hóa, đào thải, chuyên môn hóa hoặc đa dạng hóa, tích tụ, tập trung mở rộng quy mô canh tác và quy mô kinh tế của hộ nông dân. Xu hướng này sẽ làm giảm số đơn vị kinh tế hộ nông dân, nhưng lại tăng tỷ lệ và quy mô hộ sản xuất nông sản hàng hóa. Tuy nhiên, ở hầu hết các quốc gia vẫn còn tồn tại một phổ rộng kinh tế hộ nông dân ở trình độ tự cung, tự cấp.

Quá trình phát triển, phân tầng, phân hóa kinh tế hộ nông dân là cơ sở khách quan của sự ra đời đa dạng, đa trình độ, đa quy mô của hình thức hợp tác và liên kết sản xuất kinh doanh nông nghiệp dựa trên sự phát triển của kinh tế hộ nông dân.

Còn tiếp...

TS. Lê Thành Ý - ThS. Vương Xuân Nguyên

-------

Tài liệu tham khảo

- FAO (2019). Thập kỷ nông nghiệp gia đình, đưa nông dân gia đình trở thành trọng tâm để đạt mục tiêu Phát triển bền vững; Rome tháng 6 năm 2019

- Đào Thế Tuấn (1997); Kinh tế hộ nông dân; Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 2007

- Đào Thế Anh, Lê Thành Ý (2019); Thập niên nông nghiệp gia đình thế giới 2019-2028

- Kỷ yếu Hội thảo Hội Nông dân Việt Nam-50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh;Hà Nội ngày 28 tháng 8