Nghệ thuật sinh ra là để làm đẹp cho con người, làm cho cuộc sống của con người thêm có ý nghĩa. Vì vậy, nghệ thuật đương nhiên phải gắn với cuộc sống. Mà cuộc sống thì thường bị chính trị chi phối, nên nghệ thuật cũng thường gắn với chính trị. Trong cuộc tranh luận nghệ thuật nổi tiếng đầu thế kỷ XX, ông Hải Triều đã viết những lời chí lý: “Nói nghệ thuật đứng ngoài cuộc sống, nói nghệ thuật đứng ngoài chính trị là phi lý, là nguỵ biện, và thưa ông T.S., chính là gian trá!”. Riêng với thơ, sự gắn bó với cuộc sống và chính trị là rất rõ.
Nước Việt Nam của chúng ta có rất nhiều truyền thống quý báu. Mà theo tôi, hai truyền thống nổi bật nhất là đánh giặc và làm thơ. Truyền thống đánh giặc thì rõ rồi, cả thế giới đã biết đến và khâm phục, còn truyền thống thơ ca thì cũng khá rõ. Từ khi chưa có chữ viết chúng ta đã có thơ ca. Cả một kho tàng ca dao dân ca đồ sộ và phong phú đã nuôi dưỡng tâm hồn dân tộc mấy nghìn năm. Rồi bài thơ Nam quốc sơn hà được coi như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc. Trong cuộc chống Mỹ cứu nước, mỗi năm cả dân tộc chờ Tết đến để đón nghe lời thơ chúc mừng năm mới của Hồ Chủ tịch lúc giao thừa. Lời thơ “Mừng xuân 1968” của Bác: “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta” đã trở thành khẩu hiệu hành động của dân tộc.
Thơ và cuộc sống thì càng sinh động hơn. Lời ca ướm hỏi của những cuộc đối đáp trao duyên đã có hàng nghìn năm nay sao mà tình tứ, ý nhị đến vậy: “Bây giờ mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?”. Đáp rằng: “Mận hỏi thì đào xin thưa/ Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào”. Thơ Hồ Xuân Hương là một điển hình thơ gắn bó với đời sống, đến mức được dân gian hóa. Trả lời những chú em trêu ghẹo mình bằng những vần thơ non nớt, nữ thi sĩ đã có những câu thơ tự nhiên mà trác việt: “Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ/ Lại đây cho chị dạy làm thơ/ Ong non ngứa nọc châm hoa rữa/ Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa”… Rồi kiệt tác Truyện Kiều, theo nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai là một trong những tác phẩm thơ được lưu truyền rộng rãi nhất trong lịch sử thi ca thế giới. Riêng ở Việt Nam mấy trăm năm nay, từ những nhà nho trí thức đến những người phụ nữ bình dân không biết chữ đều thuộc “Kiều”, có thể đọc xuôi và đọc ngược. Rồi còn sinh ra lẩy Kiều, đố Kiều, bói Kiều sùng bái đến mê tín… Thế mới thấy, trong lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc, thơ ca đã có sức mạnh chi phối đôi khi nổi lên gần tới mức quyết định đời sống tinh thần của dân tộc. Ở những thời điểm lịch sử ấy, gọi thơ là một vũ khí cũng không sai.
Nửa đầu thế kỷ XX, có hai giai thoại nổi tiếng về thơ và cuộc sống, đó là chuyện thi sĩ Tản Đà đăng bài thơ “Rau sắng chùa Hương” trên báo và được một người giấu tên gửi rau sắng đến cho, kèm theo một bài thơ, và thi sĩ đã có thơ tạ ơn. Và giai thoại nữ sĩ Hằng Phương gửi biếu Hồ Chủ tịch những trái cam ngày đầu đất nước độc lập và được Người làm thơ đáp lại: “Cảm ơn bà tặng gói cam/ Nhận thì không đúng, từ làm sao đây/ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/ Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai”… Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người nổi tiếng vận Kiều trong những hoàn cảnh thích hợp một cách tài tình. Như khi đón khách quý nước ngoài: “Bây giờ mới gặp nhau đây/ Mà lòng đã chắc những ngày một hai”, hay khi ứng khẩu những vần thơ theo phong cách dân gian: “Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”…
Một đất nước có truyền thống thơ gắn bó với cuộc sống như thế, việc chọn một ngày để tôn vinh thơ (Rằm tháng Giêng) là có ý nghĩa. Ngày Thơ được tổ chức nhiều hình thức phong phú, ngày càng có chiều sâu, đó là một thành công. Thơ ra đời do đòi hỏi của cuộc sống, thì dứt khoát thơ phải trở về với cuộc sống. Và bất cứ một lĩnh vực nào có thành tựu thì cũng phải vừa có đỉnh vừa có nền. Đỉnh của thơ ca, đó là những tập thơ hay của các thi sĩ. Còn nền, đó là số lượng người sáng tác thơ và quần chúng yêu thơ. Tất nhiên, số lượng người làm thơ bao giờ cũng nhiều mà các thi sĩ thì ít. Điều đó có sao đâu! Làm một vài bài thơ để cuộc đời thêm vui, mỗi người thêm yêu cuộc sống là rất tốt chứ. Có Hội Nhà văn của các nhà thơ, và cũng cần có câu lạc bộ của quần chúng yêu thơ. Chỉ cần không lẫn lộn mục đích ý nghĩa hoạt động của hai tổ chức này là được. Mà biết đâu trong khối lượng sáng tác khổng lồ thơ quần chúng cũng có những hòn ngọc. Ngược lại, trong sáng tác của các thi sĩ cũng đôi khi có rác. Đó là chuyện bình thường của cuộc sống mà.
2. Khi hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn (Triều Trần) đi sứ Trung Quốc làm bài thơ Quy hứng nổi tiếng: Dâu già lá rụng, tằm vừa chín/ Lúa sớm bông thơm cua béo ghê/ Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt/ Dẫu vui đất khách chẳng bằng về (Bản dịch Hoàng Việt thi tuyển, NXB Văn hóa 1958), thì mọi người đều bảo bài thơ kết tinh tình yêu quê hương của ông suốt cả một đời. Đúng vậy, làm quan to mà còn nhớ quê thì thật đáng quý. Lại còn nhớ thời điểm cụ thể Dâu giá lá rụng, tằm vừa chín thì lại càng quý hơn. Nhớ đến từng bông lúa, con cua thì càng quý hơn nữa. Không phải ai cũng có thể viết được những câu thơ như thế. Phải là người thật sự từng gắn bó với ruộng đồng quê hương với những kỷ niệm chăn trâu, bắt cá những đêm trăng thanh, những ngày nắng gió mới có được.
Khi tam nguyên Yên Đổ vịnh mùa thu: Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái - Một tiếng trên không ngỗng nước nào sao mà bâng khuâng thương nhớ thế, thì không phải ở tuổi nào cũng có thể viết được. Phải là người từng trải nhiều mất mát, đổi thay, chứng kiến nhiều đen bạc dâu bể ở đời mới có thể viết được như thế. Hai câu thơ mang nỗi buồn thương nhớ của cả một đời, của cả một thời đại. Chỉ có người trước khi chết đã di chúc: Đề vào mấy chữ trên bia/ Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu đầy tâm trạng thường trực, day dứt, giằng xé giữa bản tính thanh cao của người quân tử, tình yêu quê hương với việc ra làm quan hay trở về ở ẩn. Đúng là tâm trạng của một nhà nho ở buổi cuối mùa cố giữ gìn khí tiết mà vẫn biết là rất khó, thề quyết không để tay nhúng chàm, nhưng vẫn phải sống, vẫn phải chờ thời.
Khi thi sĩ Tố Hữu đến chùa Hương viết hai câu thơ Ước gì đời mãi tươi xanh lá/ Thanh thản chùa Hương cả thế gian cũng phải viết bằng một đời gian khổ, khát khao với tự do, ước vọng hòa bình. Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ, ông đã phải tù đày Ngột ngạt làm sao, chết mất thôi/ Khi con tu hú ngoài trời cứ kêu!. Đã phải đấu tranh, đã phải tuyệt thực, đấu tranh với chính bản thân mình đến từng hành động nhỏ, bởi hành động nhỏ ăn đi vài con cá/ Dăm bảy cái chột nưa cũng mang một ý nghĩa lớn. Và phải là người đã từng chứng kiến lửa cháy của đạn bom suốt mấy chục năm trời, đã từng viết nên câu thơ Một trời êm ả xanh không tưởng/ Mặt đất bình yên giấc trẻ thơ. Ước vọng hòa bình như thế, và một đời cùng bạn đời đấu tranh vì nó, đến khi về già tin người yêu đời mới có thể viết được hai câu thơ ấy.
Nhớ lại trước đây trong một bàn tròn được đăng báo giữa một vài nhà thơ và lý luận phê bình có ý chê thơ Trần Đăng Khoa tuổi học trò chưa có tư tưởng cao siêu, mới lạ. Thì đúng rồi, có ai lại đi tìm những triết lý sâu xa, nhưng tư tưởng cao siêu ở một nhà thơ còn nhỏ tuổi. Hàng triệu người yêu thơ Trần Đăng Khoa thuở nhỏ mấy thế hệ vừa qua là yêu cái hồn nhiên, tươi trẻ của những hình tượng lạ, cảm xúc mới mẻ, như lời của nhà thơ Tố Hữu: Ông giời đã mượn cái miệng của Khoa để làm thơ cho người lớn đọc.
Nếu Trần Đăng Khoa thuở nhỏ lại trở thành một ông cụ non thì chưa chắc đã được mọi người yêu mến. Nói thế để thấy, thơ là kinh nghiệm sống của cả một đời. Thơ Trần Đăng Khoa thuở nhỏ chỉ là thể hiện tâm hồn em trước thiên nhiên, trước mọi người và trước cuộc đời. Em đã trải nghiệm gì đâu mà đòi hỏi sự sâu xa. Nhưng bây giờ thì có thể đòi hỏi, bởi Trần Đăng Khoa năm nay cũng đã ở tuổi 60 rồi. Thì trăng đến rằm trăng tròn, ở tuổi ấy sao có thể viết hồn nhiên như thuở nhỏ được nữa. Tự nó sẽ chín chắn và sâu sắc, chúng ta tin tưởng vậy bởi từ hơn mười năm trước, Trần Đăng Khoa đã viết những câu này: Biết đâu ta buồn như đá/ Biết đâu đá buồn như người, và Có bao chàng trai trẻ/ Cứ lặng thinh mà già…
Những nhà thơ đích thực, mỗi câu thơ đều mang kinh nghiệm sống một đời. Nhưng nó không lộ ra, phải có đôi mắt xanh nhìn mới thấy.